Xin – Nguyễn Thành Giang
– Mi xin được mấy đồng đó cu?
Ông Đợi vừa ôm ngực ho sù sụ vừa hỏi thằng con trai khi bóng nó vừa lấp ló sau cánh cửa. Cả ngày ông chỉ có một việc là nằm ôm ngực ho, khạc, nhổ và hỏi thằng cu những câu tương tự như vậy. Lâu lâu, trong người khỏe hơn một chút, ông mới ra khỏi phòng, dạo quanh nhà hoặc chở vợ đi bỏ hàng.
Hai căn bệnh hen xuyễn kinh niên và tim đã tạo cho thân hình ông một tác phẩm không thể gầy hơn được.
– Một ngàn chứ mấy. Hai anh chị ấy bảo là hết tiền lẻ rồi!
Vừa nghe đến đó, ông Đợi lại thấy cổ mình nghẹn ứ lại, hơn cả khi cơn hen mạnh nhất hành hạ. Đã biết bao lần như thế… Ông phải bảo con mình đi xin khéo hàng xóm cùng ở thuê trong dãy trọ để nó có thêm vài ngàn ăn bánh, ăn quà. Rồi phải tự sỉ vả mình trong im lặng khi con về, bảo chỉ xin được một ngàn, năm trăm hay bị đuổi ra khỏi phòng. Bởi ông không còn cách nào khác. Nhắm đôi mắt lại, ông cố ghìm những âm thanh khò khè phát ra từ cuống họng mà có lẽ chỉ mình ông hiểu. Thằng bé thấy ba nhắm mắt, tưởng đã ngủ, khép hờ cánh cửa rồi lại chạy vội sang hàng xóm chơi. Ở cái tuổi của nó, trốn đi chơi là thú vui, cũng là mục tiêu lớn nhất sau giờ học.
Phòng bên cạnh, vợ ông, cô Lê đang gấp, dán từng con ngựa giấy, từng bộ quần áo quan, người thế phẩm để bán cho các cửa hàng vàng mã ngoài phố. Vừa làm, cô vừa nghĩ đến bữa cơm trưa làm sao cho đủ vừa 5000. Thường thì mỗi bữa ăn của gia đình cô vỏn vẹn chỉ có thế. Một bó rau muống chia ra vừa luộc vừa xào hoặc một cái trứng gà cùng ít hành thái nhỏ. Vậy là xong. Nhiều lúc hai vợ chồng nhường cả cho thằng cu khi mua được một chút thức ăn ngon hơn mọi ngày, còn họ chan nước mắm mà ăn. Bởi biết làm sao được. Một mình cô lo cho cả gia đình với biết bao thứ chi tiêu như tiền thuê nhà, tiền sách vở, áo quần, tiền cưới hỏi, ma chay, đám đình…v…v…
Sống với nhau được hơn 10 năm, hai vợ chồng ông Đợi từng ấy thời gian ở nhà thuê bởi không có đến một miếng đất cắm dùi. Nơi họ ở nằm sâu trong một con hẻm bởi làm chi có tiền để thuê nhà ở ngoài mặt đường lớn. Họ thuê 2 phòng: Một để sinh hoạt, một để cô Lê làm các đồ vàng mã. Cô thì qua một đời chồng, vì hắn đánh đập, bài bạc quá nên không chịu được, bỏ đi. Ông Đợi thì hơn vợ đến nguyên một con giáp nhưng vì nghèo và bệnh tật trong người nên không ai dám lấy. Có chiếc xe máy cà tàng, ngày trước ông chạy xe ôm kiếm tiền qua ngày. Cưới nhau được 2 năm thì bệnh tình ông chuyển nặng, không chạy xe được nữa. Mọi chi tiêu trong nhà đều đổ lên vai người vợ.
Nhiều lúc nằm một mình trong căn phòng thuê trọ, con đi học, vợ đi chợ hay đi bỏ hàng, ông Đợi bật khóc. Giọt nước mắt của người đàn ông gần 60 tuổi không phải đơn giản mà chảy ra được. Ông thương đời mình, thương vợ, và thương nhất là đứa con trai mới học lớp 4. Rồi ông lấy những tấm bằng Huy chương và Huân chương kháng chiến của ba mình ra, lau đi lau lại cẩn thận. Cụ đã qua đời từ lâu sau những năm góp công cùng dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược và thống nhất đất nước. Rồi, ông Đợi nhớ lại câu chuyện cụ thân sinh kể về 9 năm cụ sống, đấu tranh ở nhà tù Côn Đảo như thế nào. Và, nước mắt ông lại lăn dài trên má.
Ngày trước, ông cũng không muốn “dựa hơi” ba mình làm chi, dù nhà ông thực sự nghèo khổ. Nhưng rồi, ông nghĩ đến thằng con trai của mình. Đời ông đã ở nhà thuê cùng vợ con, chẳng lẽ đời con ông vẫn phải ở thuê sao? Rồi sau rất nhiều đêm trằn trọc, ông quyết định làm một việc hệ trọng. Mày mò trong những lúc cơn đau không hành hạ, ông miệt mài viết đơn xin đất ở. Và ông dự định, nếu xin được đất, ông sẽ làm đơn xin vay vốn để xây nhà ở tạm. Dù sao ba ông cũng đã từng góp xương máu cho hòa bình hôm nay mà. Đơn viết xong, vợ chồng ông chở thằng cu đến phường gửi và năn nỉ xin xem xét. Một năm im lặng. Đơn lại đến ủy ban nhân dân thành phố với hình thức tương tự. Cái nhận lại là phiếu chuyển về phường giải quyết. Hai năm im lặng tiếp tục…
Những hy vọng về một miếng đất nhỏ dựng nhà ở tạm cứ mong manh dần. Có người bảo trong Ủy ban nhân dân Thành phố có ông này ông nọ rất liêm chính, có tâm, vì người nghèo khổ. Vợ chồng ông Đợi lại đội mưa gió, ngày đêm đến chờ trước cổng nhà các ông ấy, để được vào, được trình bày nguyện vọng của mình. Cả khóc, cả nói đến cạn lời, ông Đợi cứ tưởng mọi việc sẽ được giải quyết. Họ bắt tay, họ bảo cứ yên tâm về. Lại gần một năm im lặng…
Thôi thì phó mặc cho may rủi, ông Đợi lại về nhà, nằm chung với những căn bệnh quái ác, để nghe tiếng vợ than mỗi khi hết tiền, để nghe tiếng con khóc đòi vài ngàn mua quà ăn vặt như mấy đứa bạn cùng lớp. Chẳng biết còn sống được mấy ngày để chờ được đất, được nhà, ông đành buông xuôi. Khi có ai mới đến thuê trong dãy trọ để ở, ông xúi thằng cu vài ngày lại qua xin vài ngàn. Rồi sau đó, lại ôm mặt tự xỉ vả mình như làm một việc ghê tởm lắm. Bởi một người cha, lại không cho được con trai mình mấy ngàn bạc mà còn biểu nó đi xin…
Có một dạo, cách đây khoảng 3 năm, ông Đợi đột nhiên nói năng hỗn loạn, cởi truồng chạy ra đường, chạy vào nhà người khác. Ai cũng bảo ông bị ma nhập. Cô Lê hốt hoảng mời thầy cúng về trừ ma. Hết ông này đến ông khác cũng không “đuổi ma” được. Cuối cùng, hết thế, cô phải đưa chồng vào bệnh viện tâm thần. May sao, vào đó, ông dần dần bình tâm trở lại, được xuất viện về. Từ đó đến giờ không tái phát nữa. Và chỉ có ông biết rõ mình không bị ma ám. Nằm với căn bệnh hen xuyễn ngày càng nặng, với những áp lực khi mình là trụ cột mà để vợ con sống khổ cực, lay lắt, chỉ có người sở hữu hệ thần kinh thép mới không bị chấn động. Ông không phải là người có thần kinh thép…
Tiếng người léo nhéo ngoài sân làm ông Đợi cắt ngang dòng suy nghĩ hỗn loạn. Hình như lại có kẻ đòi nợ thuê đến:
– Đ… M…! Vợ chồng mi có muốn trả tiền nợ và lãi không thì nói một tiếng đi. Tụi tao đòi lần thứ 2 rồi đó.
Hai thằng non choẹt cỡ mới trên dưới 20 tuổi hung hăng chạy quanh khoảng sân hẹp dãy trọ. Tiếng chén bát, nồi chảo va mạnh xuống đất và vào tường. Tiếng vợ ông nhỏ nhẽ:
– Tui xin các anh. Có ai muốn như ri đâu. Nhưng chừ hết cách rồi. Tôi lạy các anh thư thư cho mấy ngày nữa…
Ông Đợi bật ngồi dậy, quơ lấy con dao gọt trái cây trên bàn vịn vào cửa, định chạy ra sân. Chưa ra khỏi cửa, mắt ông đã tối sầm lại, tai ù ù, cổ nghẹn ứ. Trước khi ngã nhào xuống đất, ông kịp nhìn thấy bọn đòi nợ thuê đá tung thau quần áo vợ ông đang giặt, ra về trong tiếng cười đắc chí…
BT: Vương Chi Lan