Thư gửi ông ngoại – Đặng Nguyên Sơn

Cha tôi nói, tôi được thừa hưởng năng khiếu văn chương từ ông ngoại nên những bài văn của tôi mới hay và sâu sắc. Ông ngoại tôi là nhà thơ, nhà giáo, ông giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp đặc biệt là viết thơ bằng chữ Nôm rất hay. Ông có những bài thơ thuận nghịch đọc, nghĩa là đọc ngược hay đọc xuôi đều có nghĩa đúng niêm luật thơ Đường. Tập thơ của ông là những bài thơ được viết bằng giấy dó. Những câu thơ mộc mạc gần gũi cuộc sống hàng ngày lúc bấy giờ nên trong làng ai cũng thích. Họ đọc thơ của ông mọi nơi mọi lúc, người biết chữ bày cho người không biết chữ, thành thử già trẻ gái trai trong làng đều lẩm bẩm, lõm bõm đọc theo.
Cha tôi bảo ông ngoại là đấng tối cao, là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo. Tuy ông ngoại ở rất xa, chúng tôi không gặp ông trực tiếp nhưng mỗi người trong gia đình chúng tôi thường viết thư cho ông, kể cho ông nghe những việc làm được, chưa làm được, lời hứa sắp tới và sám hối cùng ông những lỗi lầm đã qua. Cha tôi làm một hòm thư bằng gỗ có khóa đặt sát tường, chúng tôi viết xong cho vào đó. Đến cuối năm cha mở khóa tập hợp thư lại và gửi cho ông ngoại vào lúc giao thừa vì một năm ông chỉ đến thăm gia đình tôi một lần.
Viết thư cho ông ngoại lâu dần in hằn thành nếp trong mỗi một người của gia đình tôi. Năm tôi chuẩn bị lên lớp sáu, cha mạ tôi mở tiệc liên hoan cho tôi, chúc mừng năm năm liền tôi được học sinh giỏi, thầy cô bạn bè và các cô chú cơ quan cha mạ cũng đến dự. Họ trao quà cho tôi, quay phim và chụp hình cùng tôi, buổi tiệc được trang trí theo dạng tiệc đứng trong khuôn viên gần hồ bơi biệt thự nhà chúng tôi. Buổi tiệc tưng bừng vui vẻ trong tiếng nhạc nhẹ nhàng, không gian tràn ngập hoa, ánh nến và điện nháy lập lòe nhưng tôi không được vui, như có kiến bò trong bụng. Tan tiệc, tôi khóa trái cửa phòng của mình và không thèm mở quà, tôi muốn viết thư cho ông ngoại để được sám hối vì tôi đã gian lận trong thi cử.


Mười ba tuổi cơ thể tôi thay đổi, tôi thấy lo lắng, hai khối thịt trên ngực bắt đầu nhô ra, dù tôi cố gắng mang áo thật rộng nhưng vẫn không che đậy được. Mạ tôi sinh em đang thì ở cữ nên bà không thể quan tâm đến tôi. Ngày hành kinh đầu tiên, tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng khi báo cho cha biết. Cha vỗ về nói: “Con gái cha nay đã thành thiếu nữ!”. Cha thay mạ dẫn tôi vào siêu thị mua sắm những thứ cần thiết.
Không chỉ thay đổi hình dáng bên ngoài mà tâm lý tôi lúc đó cũng thay đổi hẳn. Tôi thường đứng soi mình trước gương rất lâu. Tôi chăm chút cho bản thân mình hơn và thích nhìn ngắm vẻ già dặn và ánh mắt ấm áp của thầy Quang, thầy dạy văn kiêm chủ nhiệm lớp tôi. Tôi thường e ấp khi đứng trước thầy, ánh mắt dõi theo thầy bất kể thầy đứng ở ngõ ngách nào trong trường. Tôi thường được gặp thầy trong nhưng giấc mơ, thầy là hoàng tử còn tôi là công chúa. Một hôm tôi có những suy nghĩ rồ dại trong đầu, bỗng nhiên tôi muốn thử “trái cấm” và chát sex hàng đêm để được khám phá cơ thể của những người bạn khác giới. Tôi không nói cho cha mạ biết và không tâm sự cùng ai. Tôi viết thư cho ông ngoại. Viết xong thư cho ông ngoại tôi nằm thưỡn ra giường mặc cho nước mắt tuôn rơi.
Hôm sau cha đến phòng tôi kiểm tra bài vở. Cha buồn và thở dài. Một đứa con gái ngoan bỗng dưng lực học sa sút. Cha xin ý kiến của tôi trước khi đem máy tính ra phòng khách. Những giờ lên mạng của tôi do cha đặt ra và kiểm soát. Cha thường dành thời gian tâm sự và cung cấp thêm cho tôi kiến thức về giới tính. Cha muốn tôi tập trung cho việc học, đó là nền tảng của tình yêu và hạnh phúc.
Mỗi lần, trước khi đón tôi tại trường, tôi thấy cha đứng trò chuyện cùng thầy Quang rất lâu. Không biết họ nói chuyện gì nhưng từ hôm đó thầy Quang, cha, mạ quan tâm đến tôi nhiều hơn và tôi không còn thấy lạc lõng nữa.
Ngày thằng An (em tôi) được năm tuổi, gia đình tôi có thêm một thành viên viết thư cho ông ngoại. An thường viết thư cho ông để khoe những bài học vỡ lòng. Trước khi cho thư vào hòm An bắt cả nhà cùng đọc, góp ý. An vẫn là trẻ con nên chưa có một bí mật nào cả.
Cuộc sống của gia đình tôi êm đềm trôi qua trong hạnh phúc, những lá thư tâm sự cùng ông ngoại cũng thanh thản. Cho đến một ngày tai ương ập đến khi cha tôi nhận cô Diệu Linh vào làm thư ký riêng tại ngân hàng cổ phần của ông. Cô Diệu Linh con nhà khá giả mới đi du học ở Mỹ về. Cô ấy khiến gia đình tôi lục đục, cha mạ tôi cãi vả triền miên. Cha tôi nói cô Diệu Linh có đủ năng lực và tiềm lực để làm bất cứ việc gì cô ấy muốn. Mạ tôi nghĩ chắc chắn cô ấy đã thích cha nên mới chịu làm việc dưới trướng của cha như thế.
Một hôm cha tắm để quên điện thoại phòng khách, tin nhắn đến mạ mở ra xem, đó là tin nhắn hình của cô Diệu Linh, khuôn mặt ngây thơ và những đường cong gợi cảm trong nội y màu đỏ. Mạ tôi tức giận vô tình cho muối hai lần vào nồi canh khiến tô canh mặn chát. Cha tôi giải thích, cô Diệu Linh học nước ngoài về nên suy nghĩ rất thoáng, cô ấy muốn đùa mới gửi tin nhắn vậy chứ thực ra giữa hai người không có gì. Mạ tôi ngậm ngùi gật đầu nhưng buổi cơm trôi qua nặng nề quá đỗi.
Từ hôm đó, cha sống trong tâm trạng phấp phỏng như người mang trong mình trọng tội. Tôi cảm nhận được nhịp tim cha khua loạn xạ mỗi lần tin nhắn đến. Ánh mắt cha lén lút khác lạ mọi ngày. Nhìn cha nổi tức giận của mạ hằn rõ trên khuôn mặt. Mạ đòi xem điện thoại của cha nhưng cha không cho, ông bảo mỗi người đều có một khoảng trời riêng, làm mạ sinh nghi cha có “bồ”. Thế rồi một hôm mạ dọn cơm canh… sẵn sàng, trước khi cả nhà cùng ăn, mạ thấy điện thoại cha báo tin nhắn đến. Mạ quyết giằng co với cha để lấy điện thoại thì nhìn thấy hình ảnh của cha và cô ấy tay trong tay tình tứ. Bây giờ mạ tôi nổi điên hét lên: “Anh và cô ta có chuyện gì chưa? Anh chán tôi lắm phải không, nếu vậy thì hãy ly dị đi!”. Cha tôi lo lắng nói: “Em hãy bình tĩnh đừng để cho các con nghe thấy!”. Vừa đúng lúc hai chị em tôi đã có mặt ở chân cầu thang. Thằng An khiếp đảm đứng nép vào lưng tôi khi thấy mạ nổi khùng. Mạ không kiểm soát được bản thân, bà đạp đổ hết ghế và hất luôn cả mâm cơm xuống nhà, rồi chạy nhanh về phòng đóng sập cửa lại. Những mảnh sành vỡ từ đống chén găm vào chân tôi chảy máu. Cha băng bó vết thương cho tôi, lặng lẽ dọn đống chén bát, nhà cửa.
Lần đầu tiên tôi thấy thằng An khóc, nó vào phòng và viết thư bí mật cho ông ngoại. An nhờ tôi đem thư bỏ vào hòm và dặn tôi không được đọc. Tôi buồn cười vì khuôn mặt nghiêm túc, hai má bầu bĩnh và hàm răng sún lấp ló sau làn môi khi nó nói, tôi nhìn theo dáng đáng yêu chậm rãi bước lên cầu thang về phòng. Bí mật của thằng An khiến tôi tò mò. Tôi cầm thư chạy nhanh về phòng mình và mở ra xem. Nó viết nguệch ngoạc: “Cháu ghét cô Diệu Linh, cô ấy là người xấu, ông ngoại về dạy bảo cô ấy nghe ông?”.
Tôi đem thư của thằng An méc cha, cha tôi quát: “Sao lại cho em biết chuyện này?”. Tôi tái mặt lí nhí: “Tại cha mạ cãi nhau to nên em An mới biết và viết vậy chứ đâu phải lỗi do con”. Cha xin lỗi tôi, lấy đồ ăn sẵn để ra bàn và dặn tôi ở nhà chăm em, cha phải ra ngoài. Cha muốn mạ tôi bình tâm lại.
Đêm hôm đó cha không về, sáng hôm sau mạ nhận được tin nhắn có tấm hình trần truồng của cha và cô Diệu Linh từ điện thoại của cha. Mạ giận run người, chiếc ấm thủy tinh từ tay rơi tự do xuống sàn. Mạ không nói gì, tìm một góc trong nhà cúi đầu ngồi bó gối. Tôi lẳng lặng dọn đóng thủy tinh vỡ.
Cha vừa vào nhà mạ hỏi cha đi đâu về, cha ú ớ nói hôm qua cha say, ngủ quên tại nhà bạn. Mạ ức đến nghẹn ngào, toàn thân run lên tím tái. Mạ chĩa thẳng tấm hình trên chiếc điện thoại vào mắt cha. Cha đớ lưỡi. Nét khổ sở nhăn nhó biểu hiện ra mặt của cha, chứng tỏ cha thừa nhận việc mình đã làm. Mạ tôi không chịu đựng được khi nghĩ đến cảnh tượng giữa thư ký và giám đốc hẹn hò lén lút và lên giường cùng nhau. Bà hét lên như muốn khẳng định điều đó là sự thật:
– Anh đã lên giường cùng cô ta đúng không?
– Hôm qua anh đã say…
– Say mà có thể làm tình cùng cô ta à, tôi sống với anh không bạc, sao anh có thể đối xử với tôi như vậy?
Lúc này mạ tôi điên cuồng, lăn xả đấm huỳnh huỵt vào ngực cha, nước mắt mạ thi nhau chảy dài ra má:
– Em đừng như thế trước mặt các con, bình tĩnh nghe anh nói, anh thề là anh chỉ yêu mỗi mình em thôi.
– Yêu tôi mà có thể lên giường cùng người con gái khác à? Trước sau chúng nó cũng biết, thà biết sớm còn hơn hụt hẫng.
Thằng An nghe tiếng cãi nhau cũng chạy xuống nhà, hai chị em tôi ôm lấy nhau nép sát vào tường. Mạ nhảy lồng lộn trong vòng tay siết chặt của cha:
– Buông ra, anh nghĩ tôi là con ngốc nên cứ tin anh hết lần này đến lần khác ư. Tôi khinh bỉ anh. Anh hãy cút đi và sẽ ko có thứ gì trong ngôi nhà này cả, dù gì anh cũng là đứa con mồ côi mồ cút được gia đình tôi cưu mang.
Cha lặng đi, đứng đờ đẫn như trời trồng. Tôi hét lên “Ôi mạ ơi!” rồi đưa tay bịt miệng lại. Mạ cũng đứng đơ, trân trân hướng về cha ánh mắt đầy hối hận. Không gian trong nhà im ắng lạ, cánh tay phải cha đang cầm điện thoại buông thõng, bỗng vụt mạnh xuống sàn theo hình cầu vòng rã rời tứ phía và cứ thế ông đi. Mạ chạy theo nhưng không kịp, chiếc xe hơi của cha đã ra khỏi cổng, bà gục xuống đất, nước mắt giàn giụa buốt lòng.


Những ngày sau đó mạ mất ăn mất ngủ, dằn vặt bản thân khổ sở vật vã, bằng chứng là một bộ quần áo hai ngày không buồn thay. Trước đây mạ luôn là người sạch sẽ chu tất trong nhà, vậy mà giờ mạ sống bất cần đời. Mạ không ngó ngàng tới những bữa cơm trong nhà. Mạ bỏ mặc chúng tôi và đi công tác. Tôi đành xuống bếp nấu cơm, tôi nấu lúc sống lúc chín, thằng An vừa ăn vừa bĩu môi chê tôi nấu dở. Dần dà hai chị em lại cãi nhau vì những chuyện không đâu. Cha tôi biết chuyện, ông thường dẫn chúng tôi đi ăn quán hoặc mua cơm hộp, những lúc cha bận nhiều việc thì mua vài két mì tôm và trứng gà công nghiệp để sẵn chúng tôi có thể ăn bất cứ lúc nào. Mạ công tác về, cha quyết định ra ở riêng.
Tính tình nóng nảy đã làm mạ sống cô đơn, tẻ nhạt trong thời gian dài. Công việc văn phòng của mạ dù có bận cỡ nào cũng không lấp hết nỗi buồn. Tôi thấy bà hay lầm lũi và cúi đầu khi gặp mọi người trong cơ quan. Tối nào mạ cũng thức rất khuya để viết thư cho ông ngoại, những lá thư dày cộm mạ để ngay ngắn vào nóc tủ trong phòng ngủ của cha mạ.
Mỗi lần đi học về nhìn đống chén bát bẩn nằm lổn ngổn, áo quần vứt bừa bãi mỗi nơi một thứ, nhà cửa bụi bám đầy không có ai dọn… Tôi đâm chán. Tâm trạng buồn bã tôi thích đến nhà thầy Quang. Thầy thường dành thời gian cùng tôi đi dạo trong công viên:
– Năm nay em tròn 18 tuổi, em đã có quyền công dân Việt Nam.
– Ừ nhỉ, lớn nhanh thật!
– Em có quyền nói với một người về những lời từ trái tim của mình rồi phải không thầy?
– Ừ!
– Mà thôi, em không nói đâu, bởi em biết người đó không yêu em.
– Nhưng thầy thì có, trái tim thầy có em nhưng người con gái nào yêu thầy đều phải chấp nhận một điều kiện.
– Thầy nói đi!
– Em có yêu thầy đâu mà bảo thầy nói.
– Em có mà.
Thầy Quang cười, tôi bối rối:
– Điều kiện là phải đỗ đại học.
Đáp lại cái nhìn của tôi thầy cười nhẹ. Thầy nắm tay đưa tôi về. Tôi bẽn lẽn bước cạnh thầy, gần đến cổng nhà tôi thầy nói: “Thôi tạm biệt tại đây nhé!”. Tôi buông tay thầy và hỏi: “Thầy biết em yêu thầy từ khi nào?”. “Thầy cảm nhận điều đó từ ánh mắt của em từ ngày được phân làm chủ nhiệm lớp”. Thầy trả lời tôi và hứa sẽ đợi tôi đến khi tôi tốt nghiệp đại học. Nếu năm nay tôi đỗ đại học, hai ba tuổi tôi ra trường lúc đó thầy ba ba tuổi, tôi buột miệng: “Năm năm trôi nhanh thôi phải không thầy?”. Thầy không nói gì mà tiến nhanh đến khóa môi tôi bằng một nụ hôn ngọt lịm. Tim tôi giật thót, đẩy thầy ra chạy vội vào nhà.


Tâm trạng tôi đang ngây ngất vui bỗng vỡ tan trong giây lát, toàn thân tôi chao đảo như rơi xuống vực thẳm khi thấy tờ li hôn mạ viết để ngay ngắn trên bàn bên dưới mạ đã kí. Tôi vội vàng vào phòng An và ôm chầm lấy nó. An đang đùa giỡn với những con siêu nhân trò chơi không hiểu chuyện gì mặt cứ ngơ ngác. Định thần một lúc, tôi hỏi:
– An này, nếu cha mạ không sống với nhau nữa, An thích ở với ai?
– Thích ở với chị Cún cha và mạ (Cún là tên ở nhà của tôi).
– Ý chị là nếu buộc phải chọn kìa?
Thằng An ngừng chơi, nhìn tôi mắt rưng rưng, tôi hỏi nó có muốn gia đình mình như trước không, nó gật đầu. Tôi lấy khăn choàng màu đỏ khoác vào cho nó bảo: “Bây giờ em hãy làm siêu nhân để cứu sống gia đình mình bằng cách xé vụn tờ đơn li hôn”. Thằng An thông minh, nó hỏi sao tôi không làm, tôi cáu: “Em chẳng phải là anh hùng siêu nhân gì cả, chỉ một việc nhỏ nhặt mà làm cũng không xong thế mà đòi giúp đời”. Tôi trề môi, quay lưng đi về phòng. An tự ái leo lên giường xé tờ li hôn của mạ ra làm bốn: “Chị Cún xem này, ai bảo em không phải là anh hùng siêu nhân?”. Tôi thật sự ngạc nhiên, nói: “Ừ, giờ em đúng là anh hùng siêu nhân”. Thằng An cười hềnh hệch rồi đắp chăn ngủ.
Sáng hôm sau cha đón chúng tôi đến chung cư của ông, tôi thấy những lá thư cha tôi viết cho ông ngoại nhiều không kém gì mạ, tôi hỏi cha:
– Cha còn yêu cô ấy không?
– Không con à, từ trước đến giờ cha chỉ yêu mỗi mình mạ con thôi, cô ấy sắp lấy chồng rồi.
– Em An đã xé tờ li hôn mạ ký rồi cha ạ.
Cha tôi buồn cúi mặt xuống:
– Mạ con đã gọi điện cho cha và bàn đến chuyện này.
An ham chơi điện tử nghe tôi nhắc đến tên thì nhảy lên giường ngồi lọt thỏm vào lòng cha tôi:
– Chị Cún bảo con đóng vai siêu nhân và làm thế.
Cha tôi xoa đầu nó bảo làm như thế là rất tốt, nó khoái chí lắm, nói muốn cha về với mạ, sống chung với chúng tôi. Nhưng cha cứ lưỡng lự. Chúng tôi bày ra kế là lấy thư mạ viết cho ông ngoại đưa cha đọc và ngược lại.


Tết năm đó cha về nhà, mạ chạy ra đón cha tận cổng, không cho cha nói gì cả, những lời cha viết cho ông ngoại đủ để mạ hiểu rằng cha không bao giờ nói dối, cha chỉ yêu một người đó là mạ. Đọc xong thư mạ cha cũng hiểu vì mạ yêu cha quá nhiều nên mới nóng nảy như thế. Cha ôm mạ vào lòng thì thầm vào tai mạ: “Em gầy đi nhiều quá!”.
Hôm đó, chúng tôi giúp cha trang trí nhà cửa để chào đón năm mới, còn mạ chuẩn bị nấu những món ăn ngon mà ông ngoại thích. Đến chiều, khi những tia nắng yếu ớt hắt lên mặt sân rồi tắt lịm, chúng tôi tắm rửa thay áo quần mới để đón chào ông ngoại.
Ông ngoại về, tôi hứa với ông ngoại sẽ thi đỗ đại học và trở thành người tốt. Thằng An hứa chăm ngoan, học giỏi. Mạ tôi hứa sẽ giữ lửa hạnh phúc cho gia đình của mình. Còn cha tôi xin lỗi ông vì đã đọc những lá thư trước khi gửi cho ông. Tôi hiểu và thông cảm với cha, chỉ có tâm sự cùng ông ngoại chúng tôi mới nói thật lòng mình và chỉ có những lời nói thật cha mới có cách để dạy bảo chúng tôi nên người.
Chúng tôi thắp hương và quanh quẩn bên mâm cơm của ông. Chúng tôi chúc ông ăn ngon miệng. Mặc dù bà ngoại đã bỏ rơi ông và để lại cho ông một mình mẹ tôi nhưng tôi biết ông đang rất mãn nguyện bởi thằng An mang họ của ông, con cháu đời sau hương khói cho ông. Năm nay ông tròn một trăm tuổi, giao thừa mười chín năm về trước ông đã ra đi. Lúc ấy, tôi còn nằm trong bụng mẹ, vậy là ông ngoại chưa nhìn thấy mặt tôi nhưng trong tiềm thức của tôi luôn có ông, ông ngoại rất tuyệt vời.
Như mọi năm đúng mười hai giờ chúng tôi đốt thư cho ông ngoại. Sang năm và những năm sau đó, đến giờ phút thiêng liêng này, chúng tôi lại gửi thư cho ông. Chắc chắn lúc đó sẽ có thêm thành viên mới và những lá thư mới. Tôi tủm tỉm cười nghĩ về thầy Quang. Tôi tiến đến bên gia đình của tôi để được cùng gửi thư cho ông, những lá thư gửi đi tỏa sáng như nụ cười tràn trên gương mặt rạng ngời hạnh phúc của ông ngoại.

BT: Vương Chi Lan

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.
.
.