Sông Trà nước cuốn – Nguyễn Thúy Ái
Sáng nay nhỏ Châu vào lớp có vẻ hí hửng. Xuyến nhìn khắp người nó không có gì mới. Nhưng dáng đi của nó hôm nay là lạ. Xuyến nhìn xuống, à thì ra nó có đôi giày mới. Kiểu giày này mấy tiệm giày ở thị xã làm gì có bán. Xuyến thấy nhói ở tim, chẳng lẽ “người ta” về? Sao lại về vào mùa này?
Suốt hai tiết giáo học pháp hồn vía Xuyến chỉ còn sót lại chút ít ở bàn tay để ghi chép, còn phần lớn hồn vía Xuyến cứ muốn bay vụt đi. Châu ngồi bên nở một nụ cười bí hiểm. Nhưng nhỏ nầy vốn không giữ nổi chút bí mật nào trong người được lâu, giờ ra chơi nó lôi ra một bịch sôcôla phát cho tất cả mọi người và nói nhỏ với Xuyến: “Anh Niên về!”. Xuyến nín lặng một lát mới hỏi được: “Về hồi nào vậy?”. “Hai ba ngày rồi”. Nó đáp và thích thú nhìn thẳng vào mắt Xuyến để dò xét, ước lượng bao nhiêu mừng rỡ, hờn dỗi, đau buồn trong mắt cô. Châu xấu hoắc nhưng có ông anh đẹp trai ác liệt và học hành ngon lành. Có một người anh như vậy nên Châu thấy rằng mình có quyền trịch thượng với đứa bạn nào có cảm tình đặc biệt với anh mình, hay ngược lại, được anh nó để ý.
Xuyến đâu biết và cũng không muốn Niên đẹp trai, ấy là nghe mọi người nói vậy. Có bao giờ Xuyến dám nhìn vào mặt Niên, chỉ biết rằng Niên cao, rất cao. Mà từ hồi thấy Niên lần đầu đã cao, đã đẹp đâu. Lúc đó Niên hãy còn là một cậu bé lớp chín, ngày nào cũng đi học đạp xe ngang qua nhà Xuyến, còn Xuyến lớp năm, lớp sáu vẫn chưa biết đi xe đạp. Mấy đứa bạn bực mình nói Xuyến là con nhỏ cù lần, ở bên Tây bằng tuổi mi bọn nó còn biết lái cả máy bay, còn mi đi đâu cũng bắt bọn tao chở phát mệt… Nhà họ cách nhau một con sông, nhà Xuyến bên này cầu, nhà Niên bên kia cầu. Xuyến vẫn xem Niên là “người lớn”. Người lớn ấy đôi lúc thấy cô bé hay một mình đi học về giữa trưa nắng chang chang nên chở giùm cho một đoạn đường. Vài năm sau Xuyến lớn phổng lên thành một thiếu nữ không dám ngồi sau xe Niên nữa vì không muốn bị đồn là “có bồ”. Ở đây là vậy, mọi người đều biết nhau, quan tâm đến nhau và đôi lúc cùng làm phiền nhau. Niên chỉ dám đi ngang và nhìn vào nhà. Mẹ Xuyến hăm he “không lo học hành, có bồ có bịch là tao cạo đầu”. Hè năm lớp bảy Xuyến bị đau một trận tơi bời phải nằm bệnh viện, bạn bè đang nghỉ hè không đứa nào biết đến thăm vậy mà Niên biết. Mở mắt ra thấy Niên, Xuyến sửng sốt vội vàng nhắm lại, nhưng vẫn nghe có bàn tay rụt rè đặt trên trán mình xem thử còn sốt hay không. Xuyến không hiểu sao Niên lại có gan như vậy.
Học xong trung học Niên vào Sài Gòn học tiếp đại học. Ngày đi, Niên đánh bạo vào tới sân, lúc đó Xuyến đang tưới rau ngoài vườn. Xuyến hỏi vào đó anh học cái gì. Niên bảo học Kiến Trúc… Niên không nói gì thêm, cứ khư khư giữ lấy chiếc xe đạp như sợ ai lấy mất. Còn xuyến đang cầm cái bình tưới, hai ống quần ướt hết làm cô cúi gầm không biết nói gì, hình như Xuyến hơi run. Trước khi ra về Niên nói thêm, mai mốt học xong Xuyến có xây nhà Niên sẽ vẽ cho Xuyến một ngôi nhà thật đẹp. Niên về rồi Xuyến lẫn lộn tưới lại những luống rau đã tưới, khi múc nước còn luống cuống làm rớt cái gàu xuống giếng.
Không có ai mỗi chiều đạp xe ngang qua ngõ nhìn vào nữa nhưng Xuyến vẫn nhìn ra. Bây giờ mỗi chiều Xuyến hay đạp xe ngược qua bên kia cầu để nhìn lén vào căn nhà không còn bóng Niên…
Mỗi năm Xuyến gặp Niên hai lần vào dịp nghỉ hè và nghỉ tết. Nhớ lần đầu tiên Xuyến đang may mấy bộ đồ tết cho đứa em, đồ bộ vớ vẩn cho vui thôi vì Xuyến mới tập, may còn vụng lắm. Bỗng có một cái bóng sừng sững bên cửa sổ, nhìn lên Xuyến mềm rũ suýt gục xuống cái máy may. Xuyến không biết mời Niên vào nhà mà họ đứng nói chuyện ngoài hiên, họ cũng chẳng biết nói gì. Niên ra về bước giữa những luống cải ngồng trổ đầy hoa vàng. Xuyến đứng bên cửa nhìn theo. Mấy tháng học ở Sài Gòn làm Niên khác hẳn, cái vẻ tỉnh lẻ biến mất. Niên đã được “đô thị hóa”, ngó thanh lịch và trí thức hơn, tuy nụ cười của Niên vẫn như xưa, hiền hiền và nhút nhát. Xuyến thấy sợ. Không biết sợ cái gì. Niên có cái mũi rất cao và đôi mắt dài ướt. Mẹ Xuyến bảo con trai mà mắt ướt là đa tình lắm. Xuyến không tin nhưng không cãi mẹ. Xuyến thấy Niên hiền, nhát và chắc cũng không quan tâm đến vẻ khôi ngô của mình đâu. Niên chỉ lo học. Trước đây Xuyến vẫn thấy cái quần xanh dương của Niên dính đầy phấn trắng, nhất là hai miệng túi. Xuyến thích cái vẻ… bụi phấn đó của Niên.
Không có điều kiện đi học xa, thi vào đại học nầy đại học nọ, Xuyến thi vào trường cao đẳng sư phạm tỉnh nhà và học chung một lớp với em gái Niên. Xuyến sợ Châu, nó thông minh, tinh quái. Nhiều đứa kết thân chiều chuộng Châu. Xuyến ngồi gần nhưng không thân với Châu, tuy đôi lúc giữa đám bạn bè Châu vẫn gọi Xuyến là “người nhà”. Tiếng đó khiến Xuyến vừa rộn rã vừa đau xót. Chưa bao giờ Niên nói với Xuyến một lời nào. Có lần Niên gởi thư về nhưng Xuyến không dám viết lại. Trong thư Niên cũng chỉ thăm hỏi bình thường. Chỉ có mỗi năm lúc mùa đông bớt lạnh, nắng hanh vàng ấm áp trên những luống rau, cây mừng quân trổ đầy lộc đỏ trên cành là tết sắp đến. Lòng Xuyến bừng lên niềm vui, lúc nào cũng giật mình nhìn ra ngõ… Hè, Niên thường về muộn, nắng hè đã dịu. Lúc Niên đi trong không gian chớm chút mùa thu… Ở đây, người ta cũng không phân biệt được rõ các mùa, chỉ từ khi Niên đi học xa Xuyến đâm ra nhạy cảm với thời tiết. Đã mấy năm rồi, Xuyến lặng lẽ mong ngóng, âm thầm đưa tiễn những ngày về, ngày đi của Niên.
Xuyến thấy buồn, Niên về đã mấy hôm mà Xuyến không biết. Mọi lần về là Niên đến ngay hoặc chỉ hôm sau. Chiều Xuyến xin mẹ đạp xe dạo chơi. Mẹ bảo “Đi một mình à? Như con điên!”. Mùa nầy nước cạn, hai bờ như cách xa hơn. Dòng sông Trà đẹp nhất vào buổi chiều, mặt trời đang lặn xuống thấp ở dãy núi phía tây, ánh tà dương hắt từ sau núi chói lòa, những đám mây ửng vàng rực rỡ. Chiếc cầu cao hơn, chon von, mỏng manh như một chiếc cầu vồng. Gió sông lồng lộng thổi dạt tóc Xuyến bay lả tả. Dưới chân cầu, một bên là cồn bãi đìu hiu, một bên là dòng nước trong xanh, lăn tăn sóng nhỏ. Xa xa vài chiếc thuyền gối đầu trên bãi cát nghỉ ngơi. Đến nhà Niên, không cần ngoái nhìn vào Xuyến vẫn thấy nhà Niên rất đông người, cô đạp xe nhanh qua… không biết trong đám đông ấy có Niên không. Cô đạp thêm một đoạn nữa và quẹo lên dốc chùa, ngôi chùa sư nữ mà cô hay đi lễ với mẹ vào ngày rằm. Xuyến không vào chùa mà bỏ xe ở đó rồi leo lên đồi. Ống quần Xuyến dính đầy cỏ may, Xuyến ngồi thu lu trên đám cỏ mực trong buổi chiều êm, tiếng mõ đều đều từ trong chùa vọng lại. Bóng tối nhập nhoạng từ dưới chân cô dâng lên, Xuyến nhận ra mặt đất tối trước chứ không phải bầu trời. Xuyến ngồi mãi, ngồi mãi, bóng tối ngập tới vai rồi ngập tới đầu, Xuyến như bơi trong bóng tối mờ mờ về nhà.
Rồi Niên cũng ghé thăm Xuyến, ngồi chơi một chặp rồi về. Mỗi người ngồi một góc phản không nói gì. Niên rủ Xuyến đi biển, đây là lần đầu tiên Niên rủ cô đi chơi, đi với nhiều người chứ không phải với mình Niên, có cả Châu.
Đêm đó Xuyến trăn trở mãi.
Hôm sau Xuyến đến với chiếc áo dài trắng có cả phù hiệu của trường sư phạm khiến mọi người cười ồ.
– Ui chu choa, xuống biển mà bận áo dài!
Xuyến ngơ ngác:
– Không được sao?
– Biển dữ dội lắm, ăn bận vậy sao chịu nổi!
Xuyến bẽn lẽn:
– Tại em chưa biết biển.
– Trời. Ở một miền đất ốm nhom ốm nhách, núi gọi biển nghe này mà có người chưa biết biển, ngộ há!
Niên nói với chất giọng Sài Gòn rồi Niên cười đầm ấm:
– Hôm nay rồi Xuyến sẽ biết thế nào là biển!
Nhóm đi chơi hôm ấy có bảy người, có bốn cô gái. Trừ Niên và Châu, mấy người kia Xuyến không quen nhưng cũng biết mặt, gặp nhau ở ngoài đường hoài mà. Có lẽ đường phố ở đây không có gì hấp dẫn nên khi đi đường người ta thích nhìn vào mặt của nhau, riết rồi biết mặt nhau hết. Cũng như ở đây ít có sách báo để đọc, gần như không có một hiệu sách, một quầy báo nào ra hồn nên người ta thường truyền miệng những chuyện riêng tư, cả chân dung người nầy người nọ. Như giữa Niên và Xuyến đã có gì đâu, họ không biết họ đã yêu nhau chưa nhưng nhiều người đã biết “mối tình” của họ, Xuyến đau khổ vì nó hữu danh vô thực…
Chỉ có Xuyến ăn mặc như vậy, đa số mặc quần jean, có cả một cô học ở ngoại ngữ mặc quần short, chân rất đẹp. Thật ra Xuyến đâu có quần áo để đi chơi, bao nhiêu năm nay Xuyến chỉ có những bộ quần áo tuềnh toàng mặc ở nhà, vài bộ đồng phục tinh tươm hơn một chút để đi học. Ngày lễ ngày tết đến thăm thầy cô Xuyến cũng mặc áo dài trắng. Có người bảo Xuyến muốn làm nổi, còn Châu cho rằng mông Xuyến hơi bự nên mặc như vậy để che bớt. Khi nào Châu cũng tìm cách khen Xuyến để mà chê, cũng có lúc chê xong lại an ủi bằng một lời khen. Có lần Châu bảo “Thật ra Xuyến đâu có đẹp, chỉ có đôi mắt Xuyến là đẹp thôi”. Lần khác Châu lại bảo “trên người Xuyến chỉ có cái gáy là đẹp nhất”. Vì hôm ấy trời nóng nực quá, Xuyến vấn mái tóc dài thành một búi cao và lấy cây bút chì cài ngang như một cây trâm. Có bao giờ Xuyến cho mình là đẹp đâu, nhất là cho rằng mình có mắt đẹp. Cách nói của Châu làm Xuyến tưng tức nhưng cũng vui vui, mình cũng được phép gắn vào tiếng đẹp ư? Nếu không vì Niên chắc Xuyến sẽ nói thẳng với Châu rằng nó thật nhiều chuyện. Xuyến thường mặc cảm, Xuyến không bao giờ có được quần áo theo ý mình. Mẹ Xuyến là mẹ kế, mẹ đẻ mất từ lúc Xuyến còn nhỏ chút, bà chăm bẵm bồng bế từ lúc Xuyến không biết bà là mẹ kế nên cứ tưởng bà là mẹ ruột. Sau nầy biết, Xuyến thương bà ít hơn nhưng biết ơn bà nhiều hơn. Ba Xuyến đau ốm luôn chẳng làm được gì, rồi ông mất khi Xuyến đang học lớp chín. Xuyến và đứa em học hành được là nhờ một tay bà. Mảnh vườn hương hỏa này rộng nhưng đất xấu thế mà bà bắt nó trổ lá ra hoa quanh năm. Xuyến thấy mình được học hành vậy là may lắm rồi, không dám đòi hỏi gì thêm.
Xuyến nôn nao gặp biển. Biển đấy ư? Cái mùi hăng hăng tanh nồng làm Xuyến hơi thất vọng. Chưa kể là ồn ào quá, người ta là khách mới đến gần một chút mà tạt nước ướt hết. Mọi người đi tắm, Niên chắc cũng tắm. Xuyến không biết, vì mắc lang thang đi lượm vỏ sò vỏ ốc, đi thật xa và nhìn ra khơi, ngắm trùng trùng sóng nước. Niên mải bơi đâu biết mắt Xuyến buồn, biển cũng mải cuộn sóng không biết lòng Xuyến cồn cào. Bỗng có một tiếng tách làm Xuyến giật mình. Niên vừa chụp ảnh cô.
– Ủa, anh không tắm nữa à?
– Thôi, mắt rát quá!
Niên đến gần, cầm máy ảnh đưa lên định bấm.
Xuyến cuống quýt:
– Khoan, để Xuyến chải tóc đã, gió làm tóc rối hết.
– Vậy mới đẹp!
Niên bấm liền ba bốn kiểu. Sau nầy Xuyến quý những tấm ảnh ấy lắm, nhất là tấm một mình Xuyến chơ vơ, tóc và tà áo dài bay dạt về một phía, đầu hơi cúi như tìm kiếm một điều gì, sau cô là trời và biển thênh thang.
Lúc đi Châu chở Xuyến nhưng lúc về Châu than mệt và Niên chở Xuyến, đưa về tận nhà. Suốt dọc đường Niên chỉ nói với xuyến hai câu đều là câu hỏi. Xuyến bao lâu nay chỉ chờ đợi ở Niên một câu khẳng định mà thôi.
– Xuyến thấy biển ra sao?
– Biển… rộng quá!
Niên cười:
– Tất nhiên, Xuyến có thích biển không?
– Biển cách biệt quá, Xuyến thấy sợ.
Niên đưa tới cổng, mẹ Xuyến đi ra bắt gặp, Xuyến lo sợ nhưng mẹ không nói gì.
***
Một lần Xuyến được nhận học bổng và được dự họp mặt ở hội trường tỉnh cùng với những học sinh, sinh viên giỏi của tỉnh. Một vị lãnh đạo tỉnh nói chuyện thân mật với họ. Hôm đó Xuyến thật vui và xúc động. Xuyến nhớ mang máng ông nói ông tin cậy vào lớp trẻ, hy vọng họ sẽ đóng góp một cách hiệu quả vào việc xây dựng tỉnh nhà. Tỉnh đang được đầu tư lớn, sẽ có chương trình ưu đãi để những học sinh giỏi của tỉnh đến các thành phố lớn học thành tài và sẽ trở về phục vụ quê hương. Sau buổi họp mặt rất vinh dự ấy, Xuyến cứ phân vân không biết Niên có trở về không. Sao bao nhiêu người vào đó học ít có người trở về, bạn bè của Xuyến nhiều đứa cũng chỉ trông học cho xong trung học rồi nhảy tót vô đó, dù đậu đại học hay không cũng ở lại. Một chị gần nhà Xuyến cũng vậy, vào thi không đậu, suốt mấy năm vào làm thợ may công nghiệp, công việc không ổn định chạy hết xưởng nầy qua xưởng khác, không có hộ khẩu, kiếm chỉ đủ ăn và thuê chỗ ở, không biết bao giờ mới mua nổi một cái nhà dù rằng ở đây nhà chị rộng, vườn tược mênh mông. Bây giờ đã gần ba mươi, mỗi lần tết về, chị chỉ dám qua nhà Xuyến chơi vì đi đâu sợ người ta hỏi chuyện chồng con, mẹ chị bảo rầu thúi ruột.
Nhưng Niên khác, Niên giỏi, có chất xám. Đâu chỉ có mình cô mong anh. Quê nhà và nhiều người đều mong Niên về nhưng họ chưa có cách nào.
***
Rồi Châu cũng báo cái tin ấy với một chút động lòng. Niên tốt nghiệp rồi nhưng còn học lên cao học nữa và sắp cưới cô con gái mới mười tám tuổi của một ông giáo sư tiến sĩ ở trường Niên học. Từ hôm nghe tin, Xuyến không dám đạp xe qua cầu. Giữa hai bờ bây giờ không phải là sông nữa mà là biển sâu. Thế nhưng có lúc như kẻ mộng du Xuyến cũng đi, Xuyến đi qua cầu, đi mãi vô vọng không hết chiếc cầu. Chiếc xe cũ và nặng, Xuyến chở bao năm ngẩn ngơ mong chờ.
Xuyến ra trường được phân công dạy học ở một ngôi trường bên kia cầu, gần làng Mỹ Lai nổi tiếng. Nơi cô dạy dân làng không bị mất mát đau thương trong chiến tranh như Mỹ Lai nhưng đâu ít khốn khó hơn. Xuyến hay xin bạn bè những quyển sách cũ đem cho đám học sinh của mình. Mỗi chiều cô đạp xe về nhà ngang qua nhà cũ của Niên, ngang qua dòng sông Trà, nước vẫn cuồn cuộn thổn thức dưới chân cầu. Chiếc cầu như một cái võng, đung đưa giữa mang mang trời đất…
Biên tập: Vương Chi Lan