Nước Nga hai trong một – Thu Trân

Từ xứ sở bạch dương bạt ngàn tuyết trắng

Tôi đã qua những miền đồng thảo Kachiusa của xứ sở bạch dương bạt ngàn tuyết trắng, để thấy rằng nơi phương trời xa xôi đó có những cuộc sống tuy còn chật vật nhưng giá trị bất biến của một nền văn hoá Nga vĩ đại mãi mãi làm đắm say lòng du khách. Hơn mười giờ khởi hành từ Hà Nội, khi máy bay hạ dần độ cao, nước Nga xinh đẹp e ấp hiện ra với hệ thống sông đào ngang dọc, rừng bạch dương xoã tóc mơ màng…

Nước Nga hai trong một

Nàng công chúa Nga dần tỉnh giấc sau những ngày đông dài băng giá bây giờ đang sống “hai trong một” như búp bê Matryoshka. Hơn mười lăm năm hậu Xô viết, nước Nga thay đổi quá nhiều, đã thật sự có triển vọng kinh tế và bang giao kinh tế với các nước lớn ở vị thế một cường quốc về năng lượng.
Dọc các đại lộ ở Moscow, Saint Peterburg (Leningrat)… bên cạnh những khối nhà cổ ám màu thời gian, những con sông đào đẹp như mơ… là những hàng ô tô nối nhau không dứt với Range Rover, Mercedes… đắt tiền bóng lộn. Lẫn trong hàng những anh chàng tư bản sang trọng này là không ít các bác Lada sẫm màu Xô viết những không hề “mặc cảm”. Đại lộ Tverskaya Ulitsa cũng như các con đường khác ở trung tâm Moscow luôn hoành tráng và đẹp não nùng với các tượng danh nhân và những nhóm tượng mô tả sự kiện liên quan đến lịch sử nước Nga.
Bên cạnh đó, một nước Nga mới sặc sỡ luôn tấp nập với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại chìm trong biển quảng cáo rợp trời. Người Nga bây giờ đã thích và quen dần kiểu đi mua sắm nườm nượp ở các trung tâm như người Anh, người Mỹ. Họ cũng biết cách làm ra tiền rất kinh tế thị trường. Đi tham quan Quảng trường đỏ, một lần chụp ảnh cùng các nhân vật của Walt Disney phải trả 500 rúp (1 rúp= 700 đồng VN). Ở Cung điện mùa hè (Saint Peterburg) cũng có lắm bá tước và giai nhân ăn mặc đẹp đứng chờ bạn với 500 rúp một lần bấm máy. Người bán búp bê Matryoshka cũng biết nói thách cho người mua trả giá.
Trung tâm triển lãm Kinh tế quốc dân ở Moscow bây giờ nhìn giống như một hội chợ tạp kỷ. Các gian hàng được chia ra từng lô để chiếu phim, ca hát, bán hàng ăn, cho thuê các loại xe chạy vòng vòng… giống như hội chợ lô tô ở Việt Nam. Vài toà nhà dành giới thiệu văn hoá các dân tộc khoá cửa im ỉm, cũ kỹ, bạc phếch dấu thời gian. Lao xao cùng khách trong khu hội chợ rộng bao la này còn có các cụ làm “nghề” xem chỉ tay hoặc bán mèo, chó con. Cụ Elena bán mèo bảo kinh tế thị trường phải xuống chợ thôi, xuống chợ rồi thì cái gì cũng tiền cả, cuối ngày cũng đươc chút bánh mì đen và đường viên để uống trà.
Đến với nước Nga, không ai không hân hạnh tìm đến ngôi nhà tri thức danh giá ở Moscow: Trường đại học Lomonosov. Trường là một trong bảy ngôi nhà giống nhau và đồ sộ nhất Moscow. Trường đã đào tạo hàng chục ngàn chuyên gia cao cấp cho hơn 150 nước trên thế giới, trong đó có hàng ngàn chuyên gia và lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Trường Lomonosov luôn là nơi chiêm vọng của nhiều người. Những hình ảnh, huy hiệu, khẩu hiệu, phù điêu… liên quan đến chính quyền Xô viết vẫn còn khắc chặt vào tường trường, dù có nham nhở đôi chút do những lần người ta cố tình phá bỏ nó. Chữ nghĩa, khoa học luôn trường tồn như hình ảnh đàn chim bồ câu suốt ngày ríu rít ríu ran quanh tượng đài các nhà khoa học được thiết kế hai bên đường dẫn vào cổng chính của trường. Cũng có nhiều nơi ở Moscow bị ghi dấu “những bàn tay bể dâu” như trường hợp Trường đại học Lomonosov. Cách trường không xa là nhà thờ chính thống giáo lớn nhất Moscow đã được phục hồi nguyên bản. Nhà thờ được xây dựng kiên cố đến nỗi thời Xô viết người ta phá huỷ nó bốn lần mà không được.

NÂNG NIU DẤU THỜI GIAN

Tham quan bảo tàng các đại văn hào Nga là điều không thể bỏ qua khi bạn đến nước Nga. Đặc biệt, người trông coi, gìn giữ các nhà tưởng niệm, các bảo tàng về các đại văn hào chủ yếu là các cụ bà tuổi “xưa nay hiếm”.
Các cụ luôn tự hào và sung sướng giới thiệu mình là người già Xô viết. Và rất lấy làm hân hạnh khi được giới thiệu với khách quốc tế những giá trị Nga bất biến. Các cụ Anna, Tania, Elena, Larissa… thường tìm đến bầu bạn cùng nhau ở những địa chỉ văn hoá. Thường chỉ một hoặc hai cụ làm nhiệm vụ chính ở bảo tàng hoặc nhà tưởng niệm là có lương, còn lại giúp nhau trong công việc- và tất nhiên không lương. Lúc cần tâm tình thì các cụ ngồi lại cùng nhau với ấm trà xamova và ít đường.
Cụ Anna ở Nhà bảo tàng Lev Tolstoi- Moscow bảo: “Chúng tôi đến đây hàng ngày, chỉ cần thấy mọi người không quên ngài là sướng rồi”. Bước vào Nhà bảo tàng Tolstoi quyến rũ, bạn chưa kịp tận hưởng hết hương hoa táo đang nở rộ trong vườn, thì đã nghe cụ bà bán vé nhắc nhở: “Không được chụp hình đấy nhé, phạt 350 rúp một lần bấm máy”. Đặt chân vào tầng một ngôi nhà, một đống giày to quá khổ bùng nhùng hiện ra đồng thời với một cụ bà tóc trắng phau: “Các bạn mang giày vào đi tham quan nhé, không được ồn ào, kinh động”. Cứ để nguyên giày mình mà xỏ đôi giày to đùng hềnh hệch vào thì quả vô cùng khó đi. Nhiều người trong đoàn đã phải khom xuống sửa giày mấy lần khi bước lên cầu thang. Trong không khí tĩnh lặng cùng tiếng nhạc Beethoven dặt dìu với cụ bà tóc trắng bước nhẹ, cười nhẹ, lắc đầu nhẹ… tất cả đều dịu dàng như mẹ mèo ủ con trong mùa đông lạnh giá… Trong góc tối ngôi nhà, lại cụ khác xuất hiện hỏi chúng tôi thích nghe một dòng nhạc khác, mà cũng vẫn là nhạc Tolstoi thích không. Lúc bước ra cửa chào tạm biệt, còn có thêm hai cụ mặc váy hoa xanh hoa đỏ, vị chi hoa viên be bé của đại văn hào của Chiến tranh & hoà bình, Phục sinh, Anna Karenina… có đến sáu cụ bà thường trực nâng niu dấu thời gian.
Nhà tưởng niệm đại văn hào Dostoievsky của Anh em nhà Karamazov ở Staraia Pusi (tưởng nhớ Dostoievsky có đến 7 bảo tàng & nhà lưu niệm ở nước Nga) có cụ bà Tania thuyết minh quá tuyệt vời. Bên cạnh đó còn có hai cụ bà luôn nhắc nhở Tania một số điều bà quên như phải giới thiệu phòng chơi của bọn trẻ nhà Dostoievsky, phải chú ý vào giá sách gỗ của vợ nhà văn… Ở các phòng bên cạnh, vài cụ bà đi tới đi lui sắp xếp lặt vặt. Trước hiên nhà, một cụ cho bọn mèo lông xám sười nắng và chải lông cho chúng.
Khác với không khí trang nghiêm ở Nhà bảo tàng Tolstoi, khi đến thăm cụ Dos, chúng tôi được tha hồ chụp ảnh và tha hồ… đùa với lũ mèo nhà ông. Chắc tại Tolstoi là nhà quý tộc. Còn Dos thì không. Có phải thế không nhỉ. Phòng riêng của Tolstoi trong nhà bảo tàng vẫn còn lưu dấu vị trí chiếc ghế, dòng văn viết dở dang… của ông trước khi nhà văn bỏ nhà ra đi. Ông đã sống một mình như người nông dân thứ thiệt; tự cày ruộng, may vá, nấu ăn… và đơn độc trút hơi thở cuối cùng tại nhà ga xép Astapovo. Nhìn lại gia tài chữ nghĩa đồ sộ thấm đẫm tính nhân văn của Tolstoi cùng thành phần xuất thân quý tộc của ông và những năm tháng sống cô đơn cuối đời, bạn sẽ nghe thấm thía câu nói bất hủ của đại văn hào: “Tự do không phải là thứ được xác định bởi những tình huống bên ngoài, mà là sự phát triển về tinh thần”. Cụ bà Tania bảo, Tolstoi và Dos là hai đại văn hào sinh phùng thời, họ chưa gặp nhau bao giờ nhưng rất kính nể nhau. Tolstoi đã có mặt tại lễ tang Dos và đã dành cho ông những lời ưu ái nhất. Độc đáo hơn còn có cụ bà Irina Antonova 92 tuổi là giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Pushkin ở Moscow. Bà đã làm công tác bảo tàng hơn 60 năm qua các thời Stalin, Brezhnev, Gorbachev, Putin…

LÀNG QUÊ NGA XINH ĐẸP

Chúng tôi về thăm làng Tanky của nhà văn Oleg Mitropharovis Bavukin để thưởng thức hương vị làng quê Nga.
Làng quê Nga của Oleg hiện ra chập chùng hoa dại. Hoa đủ màu thi nhau tô sắc trên những thảm cỏ dày xanh mượt. Và chim. Những chú chim trời bám vuốt chân bén nhọn bé xíu trên vai áo, trên tay người không chút đắn đo. Chúng đồn trú thường trực mỗi sáng mỗi chiều nơi bụi cây phúc bồn tử to đùng trước ngôi nhà thơm nức mùi gỗ thông của Oleg. Trái phúc bồn tử chín ngon cực kỳ. Những viên nhỏ vo tròn đỏ tươi dính vào một khối như hình chùm nho thơm thơm chua chua ngòn ngọt ăn mãi ăn hoài không chán. Những ngày ở Tanky, sáng nào tôi cũng ra vườn “tranh ăn” phúc bồn tử cùng lũ chim để xua đi cảm giác ngấy món cháo lúa mạch sữa béo ngậy do Oleg nấu đãi. Xong lại cùng mọi người vào rừng hái nấm.
Luẩn quẩn trong vườn suốt buổi chiều, khi nắng cuối ngày bừng lên rực rỡ, Oleg lại vào nhà kho kéo chiếc ca nô xoai xoải trên mặt cỏ rồi đầy nhoài xuống mặt hồ cạnh nhà rủ chúng tôi đi câu. Ông bảo hồ xinh đẹp của làng Tanky lắm cá. Chỉ buông câu trong vòng một giờ là có thể nhặt được hai, ba ký cá. Nói cho vui thế thôi chứ câu mỏi cả tay chỉ được vài chú bống nhép. Thực ra Oleg thích khoe đêm trắng Tanky trên mặt hồ hơn. Hơn mười một giờ khuya mà nắng vẫn vàng ươm ngọt ngào trên mặt hồ trong xanh phẳng lặng. Làng quê yên ả, người Tanky hiền lành chơn chất, nửa đêm ai muốn ngủ thì ngủ, ai ra hồ tắm thì ra, ai muốn đi câu thì câu, ô tô để đầy trên đường làng, cửa nhà ngủ không cần khoá.
Nhưng điều Oleg sướng nhất khi lôi được chúng tôi lênh đênh trên mặt hồ lúc nửa đêm có lẽ là muốn “khoe” cái trang trại Putin bên kia bờ hồ. Trang trại của tổng thống được qui hoạch xinh đẹp giữa ngàn cây nội cỏ, gần đó là những dãy hàng rào bằng gỗ dựng ven bờ hồ để tránh không cho thuyền lạ xâm nhập. Người làng Tanky khi nghe tiếng trực thăng phầm phầm trên trời là biết ngay Putin vừa đến hoặc vừa rời trang trại. Oleg cho biết, Putin còn làm đẹp lòng dân Tanky và người dân ở các vùng lân cận của tỉnh Vanday bằng nghĩa cử đầu tư hơn 60 triệu USD Mỹ để phục hồi, sửa sang một nhà thờ chính thống giáo trong vùng. Oleg bảo khi Liên Xô tan rã, người Nga lại thích đi nhà thờ hơn để tự cân bằng tinh thần, đấy cũng là một cách tổng thống tạo lòng tin cho mọi người. Không ngoại lệ, Liên Xô tan rã, Hội Nhà văn Nga không còn được bao cấp nên hoạt động phập phồng. Oleg bảo hội nhà văn của ông là hội hoạt động nhờ tiền của vợ và bạn bè.
Nhà văn Oleg rất yêu trang trại ở làng Tanky của mình. Ở trang trại, suốt ngày ông xoay trần ra với đất. Hết tưới cây, bắt sâu lại nhổ củ. Rồi lại “chế tạo” cái này cái kia (như cái buồng tắm tận dụng năng lượng mặt trời của ông vậy). Vừa làm vừa hát, rất lạc quan yêu đời, tuyệt không nói gì về văn chương. Mỗi tháng Oleg về sống ở trang trại vài ngày, gọi là xả stress và tẩy rửa bụi đường ô nhiễm ở Moscow. Trên đường từ Moscow về đến làng Tanky nhà ông phải qua biết bao làng quê tươi đẹp. Ông bảo làng quê ấy ngày xưa là những cánh đồng lúa mì lúa mạch trải dài đến tận chân trời, là nơi các đôi trai gái gặp nhau và yêu nhau trong điệu luân vũ mùa màng, là nơi những người già thanh nhàn tổng kết đời mình bên con cháu sum vầy và những ấm trà xamova cổ tích… Còn bây giờ hết rồi, bọn mày thấy không, làng quê trống vắng, chỉ thảng hoặc một vài cụ bà cầm ô rảo bước trên đường với gương mặt đầy căng thẳng. Nhiều ngôi nhà to bỏ hoang ven đường mà chúng ta thấy là văn phòng nông trang ngày xưa đấy. Hậu Xô viết, không còn nông trang và chế độ nông trang cho những con người chỉ biết có đất và sống chết vì đất. Hiện nay, các cụ là nông trang viên ngày xưa luôn lo lắng vì mưu sinh, con cái các cụ và những người trẻ trong làng đã bỏ lên thành phố xin làm công nhân hết rồi.
Mấy ngày ở nhà Oleg, những khi đi làm vườn, hái trái, vô rừng, câu cá… cùng ông, tôi luôn có cảm giác dễ chịu và gần gũi. Ông là một người Nga chính cống bởi thuộc tính tốt bụng, chân thành, thẳng thắn, quý trọng giá trị truyền thống, thích hoài niệm và hay nổi cáu một cách dữ dội bất ngờ, sau đó lại là người làm lành trước. Người Nga cũng đâu khác gì người Việt chính cống nhỉ.

Chú thích ảnh:

1. Bán búp bê Matryoshka trên Quảng trường đỏ.
2. Làng Tanky xinh đẹp.

Box

Sẽ là hiển nhiên nếu nhắc đến nền văn hoá vĩ đại Nga được làm nên bởi những con người mang tầm vóc văn minh nhân loại với Lev Tolstoi, Anton Sekhop, Dostoievski, Gogol, Maxim Gorky, Puskin… Cũng sẽ là thừa, rất thừa nếu lại nói về bức tranh kinh tế Nga đang dần hồi phục “phong độ” nước lớn với cặp lãnh đạo táo bạo và ăn ý Putin- Medvedev. Muốn hiểu về nước Nga bây giờ, trước tiên bạn hãy nghe tổng thống 3 nhiệm kỳ Putin khái quát bằng câu nói rằng như đích thị ông được sinh ra chỉ để làm chính trị, để thay đổi nước Nga, để “cảm tác” hộ người dân Nga những biến cố dân tộc: đã là người Nga ai mà không thương nhớ nước Nga Xô viết, nhưng không chấp nhận thay đổi để phát triển là lạc hậu.

BT: Vương Chi Lan

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.
.
.