Người lao công – Lưu Quang Minh
Dì làm trong trường đã nhiều năm. Chính xác là bao lâu thì bản thân dì không nhớ rõ lắm. Bốn, năm năm hoặc nhiều hơn… Mà quan trọng gì chứ – dì nhủ thầm, chắc cũng chẳng ai màng nhớ đến – cả tên của dì và cái công việc thầm lặng đều đặn lặp đi lặp lại ngày qua ngày ấy. Con trai dì cũng học trong ngôi trường này. Năm nay nó học lớp năm – cuối cấp rồi. Trong khi dì đang quét sân trường, dì vẫn có thể quan sát nó đang ngồi trong lớp học kia, ngay sát cửa sổ lớp. Đang trong giờ học toán, cu cậu có vẻ lo ra, hướng mắt từ chỗ bảng đen chuyển sang ngoài sân trường, nơi tiếng chổi của dì đang rộn lên xáo xác.Trông thấy má, nó cười vẫy tay. Dì lắc đầu, chỉ tay về hướng bảng, ý bảo nó tập trung vào. Nó gật đầu rồi quay lại tư thế ngồi ngay ngắn. Cả gia tài bé nhỏ của dì đấy. Không có nó, chẳng biết dì sẽ phải bám víu vào đâu giữa cuộc đời này. Chồng của dì qua đời sau một tai nạn ngoài công trường. Ông rơi từ tầng năm xuống đất trong một giây bất cẩn không thể nào hiểu được. Mới tối qua ông còn dúi tháng lương vào tay vợ, lòng đầy khấp khởi dù công việc phần nhiều vất vả. Rồi chỉ ngay hôm sau dì chẳng bao giờ còn được thấy lại nụ cười hiền khô của chồng nữa. Nụ cười mà sau này in hệt trên khuôn diện của con trai dì, mỗi khi về nhà khoe má một điểm mười tươi rói vừa nhận được.
Nhà văn trẻ Lưu Quang Minh
Gom đám lá cây vào một chỗ xong xuôi, dì đưa tay quệt mồ hôi đọng trên vầng trán hằn in khá nhiều vết dấu của những lắng lo để lại. Sân trường lúc này đã sạch sẽ hơn hẳn sau giờ ra chơi ban nãy. Ngày nào cũng vậy, kết thúc giờ ra chơi thường là cả một “chiến trường” chờ đợi dì ra tay. Đa phần rác đến từ bữa sáng của học trò với đủ loại bao ni-lông, hộp xốp, ly nhựa… Nói là nói thế chứ kể ra thì học trò bây giờ có ý thức hơn nhờ được thầy cô thường xuyên nhắc nhở, ăn uống xong đa số chúng đều biết gom lại bỏ vào thùng rác. Công việc của dì nhờ vậy cũng đỡ cực hơn, dù vẫn có những rác rến vô tình bị “bỏ quên” ở đâu đó cần tay dì thu dọn. Quét sân xong, dì vào toa-lét tiếp tục dọn dẹp. Toa-lét luôn chiếm của dì một lượng lớn thời gian để vệ sinh cho nó. Cũng chỉ có dì là nắm rõ mọi ngóc ngách của cái chốn thường luôn trong tình trạng bốc mùi hôi hám này. Đeo khẩu trang rồi găng tay cao su vào, dì đã sẵn sàng cho “trận chiến” kế tiếp với dơ bẩn và đám vi khuẩn đang rình mò khắp nơi. Một tay dì cầm lọ nước tẩy rửa, tay kia vớ lấy cây lau nhà. Trông dì bây giờ oai phong chẳng khác gì một vị anh hùng xông pha trận mạc thực sự, cảm giác khá giống trong quảng cáo nước tẩy rửa trên ti-vi vẫn hay chiếu trước chương trình phim hoạt hình ngày nào thằng con trai dì cũng phải xem xong mới chịu ngồi vào bàn học. Trong quảng cáo đó, một bà mẹ nhờ sự trợ giúp của nước tẩy rửa đa năng thần kỳ đã tiêu diệt sạch sẽ đám vi khuẩn đang âm mưu lây lan bệnh tật cho gia đình bé nhỏ của bà. Dì lắc đầu khi nhớ đến mẩu quảng cáo buồn cười ấy. Sự thật làm gì được như trong quảng cáo: đánh bay mọi vết bẩn chỉ cần một lần lau. Thần kỳ vậy thì dì đâu cần phải nhọc công chùi đi chùi lại kỹ càng sàn nhà thế này. Đẩy cửa một buồng vệ sinh dòm vào bồn cầu, dì vốn đã biết ngay kết quả trong đó. “Lại có đứa đi xong quên dội…” – Dì thở dài ngao ngán. Chuyện thế này vẫn thường xuyên xảy ra như cơm bữa nhưng chẳng ai hay biết ngoại trừ dì. *** Mặt trời đứng bóng rọi những tia nắng gắt chói chang thẳng xuống đầu hai má con. Dì chở thằng con trai trên chiếc xe cub cũ kỹ về nhà cơm nước nghỉ ngơi để buổi chiều ở nhà học bài, còn dì lại tiếp tục lên trường với công việc. Phòng trọ của hai má con cách trường không xa lắm, chỉ một chốc là đến nơi. “Rửa mặt rửa tay rồi ăn cơm, con.” “Dạ…” Dì bới cơm ra chén từ nồi cơm điện dì đặt từ lúc sáng trước khi đi làm, trưa về là chỉ việc ăn. Mâm cơm gọn gàng đơn sơ chỉ có con cá chiên, dĩa rau muống luộc. Hai má con tranh thủ ăn nhanh còn chợp mắt được một chút. “Ăn nhiều vào, có sức mà học, con trai…” “Dạ…” Mỉm cười, dì xoa đầu nó. Nhanh quá, mới ngày nào còn đỏ hỏn mà giờ đã lớn từng này… Dì cố gắng làm lụng, sớm tối vất vả tất cả cũng là vì nó, chỉ để lo cho một mình nó thôi. Hai má con ăn xong, dì rửa chén đũa trong khi thằng con trai vào buồng nằm nghỉ để chiều còn ôn bài. Xong xuôi, dì ngả lưng một chốc rồi lại dậy chuẩn bị lên trường. “Má đi nghen con trai, ở nhà ôn bài nhớ để ý cửa nẻo…” “Dạ. Má đi ạ…” *** Tiếng trống báo hiệu vào lớp đầu giờ chiều vang lên. Sân trường lúc trước còn ồn ào nhốn nháo, lúc sau đã trở lại vẻ im ắng vốn có của nó khi học trò đều đã vào lớp ổn định. Dì xách xô nước cùng cây lau nhà đặt ở góc hành lang phòng học để vệ sinh. Tiếng giảng bài truyền cảm của cô giáo vọng ra từ trong lớp, dì đã được nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần. Nếu để tâm, có khi dì đã nằm lòng bài thơ cô đang phân tích ấy. Nhưng những ô gạch trên sàn hành lang mới là điều dì thân thuộc nhất – chẳng ai biết rõ hơn. Nhúng cây lau nhà vào xô, dì tiếp tục lau qua hành lang lớp khác. Lần này là giọng của thầy, kèm theo tiếng ê a lặp lại từng từ tiếng Anh của đám học trò. Thật tình là dì nghe mãi vẫn không hiểu. Dù vậy, dì biết bây giờ ngoại ngữ quan trọng lắm. Nếu có tiền, dì cũng sẽ cho con trai học ở trung tâm ngoại ngữ ở ngoài. Nhưng bây giờ chưa có điều kiện… Không! Có khó khăn thế nào, thằng bé cũng phải được học hành tới nơi tới chốn. Cả dì và chồng ngày trước chuyện học đều dở dang. Tất cả cũng vì cái nghèo. Mà không được học, nó lại càng đeo bám. Đến con trai mình phải khác – dì quả quyết. Loáng cái dì đã lau xong hành lang. Nhúng cây lau nhà vào lại xô nước dơ, dì xách nó vào lại nhà vệ sinh để xả. Còn thêm mấy cái lầu nữa mới xong việc… Mồ hôi ướt đẫm lưng áo dì. Hành lang lầu một như kéo dài ra hun hút. Đẩy cây lau nhà đi mãi đi mãi, những giọng đọc tiếng giảng bài vẫn thoang thoảng bên tai dì như cổ vũ tiếp sức. Cố lên! Cố lên! Trong đầu dì, hình ảnh thằng con trai đang chăm chú học bài ở nhà đợi dì về hiện ra xua tan bớt phần nào nhọc mệt nơi đôi vai gầy gò. *** Tan học, dì vào từng lớp quét phòng rồi đem thùng rác đi đổ. Học trò giờ này đã ra về hết, trả lại những dãy lớp học lặng lẽ yên ắng như buổi sáng sớm trước tiếng trống trường. Dì cần quét dọn, thu gom rác lại bây giờ để ngày mai chỉ việc vào lau chùi lớp từ lúc còn tinh mơ. Bao giờ cũng vậy, hết buổi học là thùng rác ở góc lớp đã đầy ứ đủ loại giấy, bịch ni-lông, ly nhựa… Dì còn phải khua trong từng hộc bàn những rác rến đám học trò vô ý “quên” bỏ vào thùng. Lắm khi chúng còn nhiều hơn cả số đã nằm yên vị trong thùng rác lúc này. “Cạch!” Tay dì chợt chạm đến một vật nằng nặng. Gì thế nhỉ? Dì nắm lấy vật ấy lôi từ trong hộc ra. Một vật hình chữ nhật bằng kim loại có màn hình màu đen nằm gọn gàng trong tay dì. Trông có vẻ đắt tiền – dì nghĩ. Lâu lâu, dì cũng hay nhặt được những thứ kiểu thế này học trò bỏ quên trong ngăn bàn. Có khi là điện thoại di động – dì biết vì có phím số. Khi thì máy chụp hình kỹ thuật số – cũng dễ dàng nhận ra được ống kính của nó. Nhưng vật này thì lần đầu tiên dì nhìn thấy. Dì lật qua mặt sau bằng kim loại, chỉ thấy dòng chữ to “iPod” cùng hình dạng giống quả táo in trên đó. Chắc là điện thoại đắt tiền… Học trò bây giờ mới nhỏ xíu đã được ba má cho xài những thứ thế này. Nhà khá giả, họ muốn lo cho con cái thế nào cũng được… Chẳng bù cho con trai dì, muốn mua cho nó cái áo mới cũng phải đắn đo suy nghĩ nhiều ngày. Một nỗi buồn dâng lên trong lòng như cuốn lấy dì, khiến mắt dì hoen đi, nhìn cái “điện thoại” cũng không còn rõ nữa. Bán cái này đi chắc là được nhiều tiền lắm. Có thể mua thêm áo mới cho con trai, sắm thêm tập vở, hay nhiều món ngon nó chưa bao giờ được một lần thưởng thức… Không! Không được! Dì lắc đầu, xua tan cái ý định chỉ vừa chớm nảy sinh ấy. Nếu bán nó đi thật, dì cũng bán luôn cả cái khác còn quý giá hơn. Cái không thể thấy được, nằm sâu bên trong dì… *** “Anh Thành ơi!” “Sao đấy cô, chưa về à?” “Có đứa học trò bỏ quên đồ ở lớp 4A3, em gửi lại anh.” “Ừ, cảm ơn cô, để tôi ghi vào sổ kẻo quên mất…” “Vâng, thôi em về nhé, còn phải lo cơm nước cho cháu…” “Ừ, đi cẩn thận. Tôi cũng về đây…” Dắt xe ra cổng trường, trời đã tối mịt. Xe cộ ngoài đường tấp nập thi nhau lên đèn. Lòng dì nhẹ nhàng khi nghĩ đến bữa cơm tối ấm áp của hai má con chốc nữa. ./.
BT: Vương Chi Lan