Người bốc cháy – Dương Đức Khánh

Giữa trưa nắng đổ lửa. Một gã đàn ông chừng ngoài bốn mươi, ốm nhom, hốc hác đang gồng lưng đạp chiếc xe cà tàng lên dốc Cổ Ngựa. Bỗng từ người gã phát ra tiếng xì xịt và một bên hông gã bất ngờ… bốc khói, xẹt lửa!
Mấy người đi đường thấy tận mắt, gã lảo đảo buông xe nhào xuống lề cỏ lăn mấy vòng luồng lửa mới chịu tắt. Gã bật ngồi dậy mặt mày nhăn nhó, dòm dáo dác rồi dựng xe lại phóng lên đạp như ma rượt. Tới trên dốc còn nhìn ngoái lại, vẻ mặt rất bí hiểm!

Dốc Cổ Ngựa là điểm cao hiểm trở nhứt tuyến quốc lộ liên tỉnh. Hai bên âm u rừng chồi, vách đá lởm chởm. Các loại xe lớn nhỏ lên dốc này thường nhấn lút ga tới xịt khói đen vẫn è ạch như xe bò! Trước giờ, khu vực này nổi tiếng với nhiều vụ việc rất phức tạp… ngua
Tin đồn “người bốc hỏa” lan nhanh như lửa gặp gió. Những người chung quanh khu vực gần đó xúm lại bàn tán rồi còn kéo nhau tới chỗ đám cỏ có dấu xây xát, xem kỹ còn thấy những vết tro lụn vụn.

Bảy Chà, dân hồi giờ làm rẫy, vừa rồi mới được bầu tổ trưởng an ninh khu đứng chống nạnh, nét mặt ra vẻ quan trọng:
– Vụ này nguy hiểm! Có vấn đề!…” – Rồi bắt đầu lên giọng nổ nang:
– Tui từng sống mấy chục năm ở cái dốc này từ hồi còn “oánh nhau” ác liệt, nhiều chuyện dữ dằn lắm!… Hồi mười bốn mười lăm tuổi còn thả bò, bẫy chồn gài thỏ, tụi tui từng hè nhau bẫy đá chặn đoàn công-voa tụi Mỹ cho bộ đội mình ra “oánh”, thu cả đống súng đạn, luồng vô khu!… Tui từng chứng kiến du kích mình đụng mấy trận kịch liệt với tụi biệt kích, thám báo tại đây này!… Cho nên đừng giỡn, vụ này không đơn giản đâu!”

Duong Duc Khanh - den
Nhà văn Duong Duc Khanh

***

Hai Đồi dân gốc gác đâu miền Tây, trước sống Sài Gòn, hồi mới giải phóng gã quảy vợ con lên khẩn đám đất trên chóp đồi, bà con quen kêu Hai Đồi rồi chết danh luôn!… Tay này người dở dở ương ương, nghe nói trước là dân thơ phú văn chương gì đó, gã có cái bút hiệu bút danh chi đó nghe cũng hay hay nhưng không ai nhớ cả… Giờ cuốc đất trồng khoai mì nhưng trong chòi gã còn giấu cả rương sách cũ… Tóc tai râu ria lúc nào cũng xùm xụp, ăn nói cứ ngang ngang như cua!…Hôm trước có đợt kê khai nhân khẩu, gã khai trình độ văn hóa: Tú tài hai! Cán bộ ghi vô: Lớp 12/12. Gã cãi nổi gân cổ, không chịu là không!. Còn vô dở rương lấy cái “văn bằng tú tài” chìa ra. Tay này còn đầu óc cũ!…

Hồi giờ gã chưa tham gia nghĩa vụ lao động được ngày nào. Tay này trời thần lắm. Hôm có đợt tập trung đi phát hoang, gã làm như người hăng hái tích cực, vác cuốc vác rựa tới sớm bửng, ngồi một đống xù xụ trước sân ủy ban. Tay gã ôm kè kè cái lon guy-gô, và cứ hễ thấy mặt cán bộ lớn nhỏ nào đi ngang là gã khúm núm ôm cái lon quay chỗ khác, cử chỉ lấm lét rất đáng nghi. Một anh mặc áo xanh băng đỏ bước tới chộp ngay:

– Cái gì trong đó cha nội? Mở ra coi!…
Gã liền giở ra… một lon cháo trắng loãng như nước hồ, khuấy lên chừng mươi hột gạo!… Vài cán bộ xã bước lại, thấy quá thê thảm, lắc đầu:
– Ăn uống thế này mà lao với động nỗi gì các cha!”.
Vậy là có cuộc hội ý, bàn cho gã được miễn đợt đó.
Tới đợt sau, gã giở nắp khoe đem đầy lon gô cơm trắng ngon lành đàng hoàng, nhưng thấy gã cứ ngồi móc ra móc vô cái giấy gì đó, úp úp mở mở đọc dấm dúi, cũng dòm qua dòm lại mặt láo liêng. Mấy người đi chung lại tò mò:
– Gì nữa đó cha nội?!…
Gã tửng tửng, miệng cười như mếu:
– Gì đâu, cái phiếu xét nghiệm… máu!… Mấy hôm nay nhà “cạn tàu ráo máng”, hôm qua bí quá, phải chạy lên bệnh viện bán bậy mấy chục xê xê… về mua được mấy ký gạo!…
Bữa đó mới vô phát được một lát gã xỉu ngang, mấy người chung tổ phải xúm khiêng gã tới trạm xá cấp cứu!. Cô y tá xem mạch hỏi, gã thều thào không ra tiếng rồi run run lận lận móc cái giấy lúc sáng đưa ra. Cô y tá coi bộ chưa hiểu, mấy người phụ họa vô:
– Ổng mới đi… rút máu ra bán đó cô ơi!…
Vậy là gã được tiếp tục miễn. Lần này có thêm cái giấy chứng nhận tình trạng sức khỏe của trạm y tế xã!.
Vào thời buổi đó, dân vùng này ai nấy cùng kiệt, đói rã ruột! Dân cốt cựu còn vay mượn, nương nhau lây lất qua ngày. Cảnh gã choi loi, biệt lập trên đồi, có đói chết khô cũng chẳng ai biết!
Mấy tháng trước nhà còn cái ra-dô, gã bán làm vốn buôn lần mươi ký đậu xanh đạp gần sáu chục cây số về thành phố. Bận lên mua bo bo, mì sợi… bán lại cho dân quanh vùng. Đậu xanh gã ngụy trang trong bao cát, cho vô bao năm mươi ém tro chung quanh. Vậy mà lần xui gặp trạm đột xuất có chĩa xôm, vốn lời đi đứt, còn bị khép tội buôn lậu nông sản thực phẩm ra ngoài tỉnh!…
Nhưng có bữa cũng vui. Hôm về ngang gặp cửa hàng hợp tác xã bán hàng tự do, gã chen lấn mua được mấy lạng thịt xanh dờn muốn bốc mùi. Vậy mà bữa đó nhà như có đám giỗ!.. Hôm nọ gã nhào vô mua được hai ký đường mía, loại đường chảy đen thui. Bầy con vỗ tay muốn sập nhà. Vợ gã mần nồi chè đậu xanh bự chảng, nhưng lúc cho đường vô, bọt trắng cứ trào lên ùng ùng. Tụi nhỏ bu quanh nuốt nước dãi. Thằng nhỏ vừa thổi vừa húp bỗng nhăn mặt:
– Má ơi, chè sao mùi… xà bông không hà!
Gã trợn mắt, nạt:
– Ăn đi, mười năm nữa cũng chưa có đâu, tưởng tượng tầm bậy!
Vợ gã nếm thử, nhăn mặt:
-Thiệt ông ơi, mà có mùi gì thum thủm nữa, như mùi… mắm ruốc!
Gã ngã ngữa nhớ lại: hàng hóa trong cửa hàng cứ chất chung một đống hổ lốn, cô nhân viên xúc đủ thứ có mỗi cái xúc, cứ quăng ra, nạt vãi như đuổi ăn mày!…
Vợ gã rủa om sòm. Gã cà rỡn tỉnh bơ:
– Hàng bách hóa tổng hợp… là thứ này phải “hợp tác” thứ kia!…
Gã nhịp nhịp gói thuốc lá “tạ đôi” (loại bịch ny-lông bốn chục điếu to tướng):
– Bà coi, thuốc điếu bây giờ cũng phải dồn “hợp tác” hai gói vô một, thấy chưa!…
Vợ gã đành bưng nồi chè đi đổ, tụi nhỏ đứng rớt nước mắt. Gã nhăn mặt gãi đầu, đi lui đi tới. Bỗng gã vỗ tay cái bốp:
– Rồi, mẹ con mày lo sẵn mắm muối gia vị đi. Tối này tui gài bẫy. Chắc chắn mơi nhà mình mần bữa thịt chồn đã đời!… Hôm rày thấy cứt chồn vòng vòng trong vườn quá trời!.
Vợ gã trợn mắt:
– Cứt mấy đứa con ông đó! Chồn đâu mà chồn!.
– Ủa, sao hệt cứt chồn dzậy?!.
– Chớ ông tính thử coi, cả tháng này, hết bo bo tới khoai mì luộc, khoai mì khô, với ba cái rau dại trái rừng bậy bạ. Mấy khi có hột cơm trong bụng!. Không giống chồn sao được!…

Mỗi chuyến gã đi thành phố về thể nào cũng có thứ gì đó cho bầy con nó mừng, nhưng chủ yếu cũng là thứ nhét vô bụng, với mấy quyển sách tập đọc (gã tự dạy con học ở nhà), còn như cái áo cái quần chưa dám tính tới. Nhưng mấy đứa nhỏ thì rách rưới trần truồng cũng xong, còn tội nhất là đứa con gái lớn, năm nay nó mười sáu. Tuổi bắt đầu trổ mã con gái. Có vài cái áo cũ mèm đều chật ních cả. Mấy chuyến đầu có lời chút đỉnh, gã nhịn đói nhịn khát bấm bụng mua bằng được cho nó cái áo thun trắng ngắn tay, hàng “dệt kim” gì đó, mua giá chợ đen. Nó mừng hết lớn. Nhưng thấy nó cứ mặc lui mặc tới miết mấy tuần nay bắt đầu ngả vàng…

Đêm đó gã cũng thức gần trắng đêm, nhưng không phải rình bẫy chồn mà rị mọ làm một việc hết sức “bí mật”…
Chờ cho vợ con ngủ say, gã lọ mọ xuống bếp nhúm lửa bắc nồi nước sôi. Trong bóng tối mập mờ, gã lận lận túi móc ra cái gói nhỏ xíu trong bọc ny-lông gã mua từ trên thành phố, cho vô nồi. Gã len lén lấy cái gì đó dấm dúi cho vô, rồi dùng đũa bếp khuấy vòng vòng. Một lúc gã lại gắp lên, bưng đèn rọi sát vô coi thử… Rồi trong ánh sáng tù mù của ngọn đèn trứng vịt, bóng gã bước nhẹ như một con mèo ra khoảng sân đêm…

Lâu nay, gã chẳng còn tâm trí nào nghĩ đến văn chương thơ thẩn gì nữa. Vậy mà đêm nay trong gã có gì đó lâng lâng, cảm giác ngây ngất như vừa sáng tác xong một tuyệt phẩm!… Gà gáy mấy lần rồi gã vẫn lặng lẽ đi lui đi tới ngoài sân, đốt thuốc đỏ rực liên tục. Gã nôn nao trông trời mau sáng, rồi ngã lưng xuống chiếc võng gai trước hiên nghĩ ngợi rồi thiếp đi…  Gã choàng mắt lúc ánh mặt trời vừa lóa lên và nhìn ra dây phơi trước sân: Cái áo! cái áo vàng ố của con gái gã trở thành màu vàng chanh mới tinh, đẹp rực rỡ!… Gã sung sướng cất tiếng gọi con gái: “Giang ơi! Con gái ơi!”.

Từ đó, lần nào đi thành phố gã cũng tìm cho được bà hàng rong có bán từng gói thuốc nhuộm đủ màu… Rồi cứ cách khoảng mươi hôm, gã lại lọ mọ đêm khuya như một gã phù thủy đầy “pháp thuật quyền năng”!. Gã “hóa phép” từ màu vàng chanh tới vàng sẫm, chuyển sang đỏ, tới xanh, rồi tím thẫm, cuối cùng là đen!

Những người hàng xóm quanh dưới đồi hôm rày cứ ngóng những cặp mắt lên vẻ tò mò xoi mói. Giữa mỏm đồi cheo leo, giữa thời buổi đói lên đói xuống như lúc này, có một đứa con gái con một gã ương ương dở dở, nghèo rớt mồng tơi, liên tục mặc áo mới đủ màu không phải là chuyện bình thường!

 

nguoi dep

 

***

Mấy bữa nay ngày nào tổ trưởng Bảy Chà cũng dắt hai con chó quầng quanh khu vực rẫy Hai Đồi, nói đi săn thỏ. Thỉnh thoảng ghé vô xin nước uống, hỏi vòng vo vài câu.

Chiều qua Hai Đồi mới dắt xe đạp đi đâu đó thì Bảy Chà cũng vừa ghé. Dòm vô nhà thấy rõ ràng vợ Hai Đồi đang ngồi…vá cái áo sơ mi cũ mèm, cháy thủng lổ to tướng! Anh ta mừng run, nghĩ bụng “Ngay chóc rồi! Quả tang rồi, chạy đường trời!… Hừ!… Phá án!”..

– Ai dà!… ổng đi đâu bị bà nào xé áo mà vá đó chị Hai?… – Ôi dào, bị cháy chú ơi, chút nữa ổng chết thiêu rồi! May mới bị phỏng lột da, đắp thuốc bậy bạ nay cũng bớt rồi… Chú coi, có ai khùng như ổng không… Lúc rày đá lửa mua không ra… gặp người ta bán diêm quẹt rời từng bó, giá rẻ bằng nửa hộp nguyên, ổng mua ba bốn bó tính để dành xài tiết kiệm dzậy cho rẻ!… Ổng gói hai ba lớp giấy, lận lưng quần (nói cho ngay, cũng sợ bị bắt!). Tới lúc đạp xe xiết lên dốc, cọ mạnh, nó tự quẹt! Chú coi, mấy bó diêm cháy một lượt, lửa vừa gì!…

Bảy Chà tằng hắng, buông giọng sượng ngắt:
– Lúc rày nắng dữ, nói ổng cẩn thận củi lửa, cháy rừng là ở tù mọt gông!…

Biên tập: Vương Chi Lan

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.
.
.