Khúc hát dặm đường – Nguyễn Văn Biên
Thưa anh, tôi kể cho anh nghe một câu chuyện mà lâu nay khiến tôi trăn trở mãi,vì trong đó có chút gì đó vướng vất hình ảnh của bọn mình một thời quay quắt. Tôi biết là anh chẳng thích thú gì ba thứ chuyện nhì nhằng này, song tôi cũng chẳng biết kể cho ai, tôi biết anh còn biết bao chuyện phải quan tâm, nhưng vì chỉ có anh mới chịu khó nghe tôi kể. Anh biết đấy chia sẻ với người khác cũng là nhu cầu cần thiết để sống phải không anh :
“Hắn rùng mình tự nhủ chẳng ai học được gì cả, dù cơn mê của từng người có khác nhau thì trong họ vẫn có một mẫu số chung là sự bừng thức ngột ngạt không đầu cuối, lăng xăng tưởng thế này thế nọ, song tất cả đều rơi tòm xuống sự thật cau có ướt nhoẹt mùi cô độc ; mùi của lưu huỳnh bốc lên từ mười tám tầng cổ tích của một đêm nào mẹ kể con nghe.
Hắn chậm chạp bước tới nơi mà ngày nào đó còn là quê nhà, có khói lam trên mái tranh nghèo đúng y như trong sách diễn tả, đúng một cách kinh khủng, đúng một cách ngây ngô như nhịp đi của em bé trong mắt của mẹ, hắn không biết gọi ai, vì hắn không còn ở chốn này đã hơn hai mươi năm, hắn đã ra đi trong một buổi mai vàng héo, mẹ hắn không dám đưa tiễn vì sợ sẽ khóc nhiều thêm bịn rịn, hành trang là gói quần áo cũ với một đồng xu gói trong miếng vải vàng lấy hên, đồng xu mà lúc bé hắn đã giành được trong một đám chay ở chùa làng, cái đồng xu đó vẫn còn tòn teng trên cổ dù bây giờ đầu đã có hai thứ tóc, cái ngày xa lắc ấy hiện về như bươi móc sự mất gốc trong hắn .
Con đường về làng không còn gập ghềnh như hồi xưa, người ta đã rải nhựa phẳng phiu, nếu muốn hắn có thể chờ xe đò, gọi xe ôm hoặc thậm chí có thể thuê xe taxi để về làng, nhưng hắn không làm thế, hắn muốn nhấm nháp chút thân ái mà đồng đất quê hương đem lại, cái mùi ngai ngái của phân trâu trên mặt đường trải nhựa khiến hắn nao lòng, mấy bụi sim già cằn cỗi cố chòi lên bên cạnh vệt nhựa đường vài chùm bông tím trắng, thật sự cho hắn cái cảm giác yên ủi, cả tuổi thơ quặt quẹo hắn đã có biết bao kỷ niệm với loài cây đồng nội mạnh mẽ và thơm thảo này. Hắn muốn khóc hu hu . . .vài tiếng cho thỏa lòng vui sướng , mà chịu không khóc được, nước mắt cạn đâu hết cả rồi. Hai bên đường nhà cửa chen ngực ra mặt tiền, vôi vữa loang lỗ, màu sắc nhòe nhoẹt tương phản gay gắt làm hắn bực bội, tiếng đàn bò rượt đuổi nhau trên đường hòa cùng giọng nữ cao với những nhịp lơi một cách chuyên nghiệp lại khiến hắn mĩm cười nhẩm đọc một câu trong tuồng hát cổ :Phượng hề! Phượng hề ! Qui cố hương. Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng … với tất cả lòng yêu thương, mong chờ.
Nơi ở của hắn khi xưa bây giờ hoang phế, mẹ hắn cũng đi rồi, khu vườn đã đổi chủ nhiều lần, hắn định rẽ vào nhưng lại thôi , mấy cây mít trước ngõ người ta chặt lấy gỗ chỉ còn trơ lại gốc cây ứa ra dòng nhựa như vệt máu bầm đen loang lỗ khiến hắn rùng mình . . . Đã nhiều ngày loanh quanh trong làng cũ, nói cười giao đãi, hắn có nhu cầu chia sẻ với mọi người , muốn được sớt chia nổi nhọc nhằn đã hằn trong lòng hắn từ những được mất , nhưng hầu như hắn nhận được toàn những từ ngữ vô cảm đãi bôi, cái mà trước đây ít tìm thấy nơi vùng quê hiền lành này. Hình như không ai còn nhớ đến hắn hoặc họ không biết hắn là ai, một vài người bà con nhìn hắn một cách xét nét đề phòng, hắn tự hỏi sao mọi người tỏ ra xa lạ như vậy, chỉ vì hắn có vẻ ngoài rừng rú đôi chút ,hay vì hắn không biết giải bày bằng ngôn ngữ của đồng loại, hắn nghĩ chẳng lẽ mới hơn vài chục năm ra đi mà hắn đã trở thành Từ Thức trong truyện cổ tích, nhưng Từ Thức khi xưa lên chốn bồng lai gặp tiên nữ còn hắn thì gặp ai chứ !. . .Hắn phải vật lộn , quay quắt để mà tồn tại để cuối cùng mang đầy người nổi tật nguyền vì bất an ,vậy thì hắn có lỗi gì chứ !. Từ Thức bị quên vì anh ta đã nhận phần thưởng rồi còn hắn có được gì đâu sao xóm làng cũng không nhận lại hắn, và hắn nhớ ra mọi chuyện đã qua với hắn sao mà kỳ cục quá những câu chúc tụng nhạt nhẽo mà người chúc như một cái máy nói, và rồi về đâu những câu nói xa vời vô cảm mà người đời đãi nhau lâu nay trên mặt đất này, hắn đã từng đi xa về gần từng sụt lỡ những ước vọng, từng quay quắt với chính mình khi cố uống cạn những chén đời và ám ảnh câu nói của người bạn thân khi kể về công việc của mình nơi đất khách: “ Dây chuyền cứ chạy hoài, đến chỗ mình thì lắp món đồ do mình phụ trách vào. Công việc không nặng nhọc gì nhưng nhàm chán, cứ phải đứng nhìn hoài vào băng chuyền đang chạy, mấy bửa đầu về nhà thấy cái gì cũng chạy hết chợt nhớ tới bộ phim câm của Charlot Chaplin xem lúc nhỏ và thấy cuộc đời sẽ vô vị nếu cuối cùng là cõi KHÔNG . . KHÔNG . . .” Hắn cảm thấy mình hình như cũng bị quay như vậy, dù không ở trong một cổ máy nào cụ thể, vậy thì hắn tìm cái gì ở đây vậy ! Hắn trở lại quê nhà như một con thú tìm về hang theo bản năng không lựa chọn , những ký ức tuổi thơ gọi hắn về để ẩn nấp chính mình khỏi cô độc và nhàm chán, hắn bỗng sợ nhỡ ra bên kia là cõi “không, không . . .” như bạn hắn nói thì biết về đâu, hắn phì cười về ý nghĩ ngây ngô của chính mình và cảm thấy thương bạn mình quá. Có phải tự hắn quá tham lam cứ ôm giữ cái này cái nọ coi là của mình, không nói ra nhưng hắn coi dòng sông đó là của riêng mình, cành sim tím thẩm kia là của hắn, . . . hơn thế nữa hắn còn tưởng chỉ có hắn mới biết đựơc vẻ đẹp của màn sương đang lơ lững trên sông kia, của cành sim già lã ngọn trong nắng chiều dìu dịu , và một vài câu ca xưa cũ hằn sâu trong trí nhớ . . . Và từng phút một hắn cảm thấy bị mất mát, kể cả ngôi làng hiền lành của hắn cũng biến mất vẻ bao dung từ khi hắn vê đến . Có phải vì hắn luôn đặt vấn đề sở hữu vào mọi ngóc ngách của suy nghĩ nên luôn nhận ra cái được, mất đan chuổi trong từng bước đi của cuộc đời mình. Hắn rao giảng cho mình điều gì trong muôn trùng tăm tối của cảm khái và suy hư, lúc nào hắn cũng co cứng mình đề gồng đở chính nổi nặng nhọc tưởng tượng của mình và tự làm bít lối đi, hắn chưa một lần dám buông bỏ một sợi lông chân của mình , tự đau đớn và tự hạnh phúc một cách dễ dãi và tự hỏi phải chăng mình đã sai khi nghĩ rằng tình yêu sẽ thanh toán được mọi thứ. . .
Hắn thức dậy trong một quán rượu sơ sài bên một ngã ba đường, người chủ quán mĩn cười với hắn đầy vẻ thân thiện, mặt trời đã lên cao lắm, phát ra từ chiếc máy hát cũ kỷ trong quán là một giai điệu ủ dột than thở khiến hắn xốn xang, tiếng cười nói trên cánh đồng trước mặt vọng tới gây cho hắn một cảm giác lơ mơ, chiếc đồng xu đeo trên cổ cọ quậy như bươi móc sự mất gốc… Và hắn cố nắm bắt ký ức của những mùa cũ đơn sơ mong được cứu vớt như những cô hồn lạc chợ! Hắn rùng mình tự nhủ chẳng ai học được gì cả, vì cơn mê của mỗi người dù có khác nhau thì trong họ vẩn có một mẫu số chung là sự bừng thức ngột ngạt không đầu cuối, lăng xăng tưởng thế này thế nọ nhưng tất cả đều rơi tòm xuống sự thật cau có ướt nhoẹt mùi cô độc mùi của lưu huỳnh bốc lên từ mười tám tầng cổ tích mà một đêm nào mẹ kể con nghe.”
Người lão nông kể cho tôi câu chuyện này dừng lại đột ngột, tôi cũng chẳng biết cái nhân vật trong câu chuyện sau này sẽ ra sao, có thật anh ta nghĩ: “ Tình yêu cũng không thanh toán được mọi thứ.”…
-Vậy thì buồn quá phải không anh.
Lập Đông –Quí Mùi 2008
BT: Vương Chi Lan