Ghềnh nước xoáy – Trần Đức Tĩnh
Tôi tỉnh lại là nhờ một luồng hơi ấm thâm nhập vào cơ thể, đầu tiên là tiếp xúc ở đầu lưỡi, sau đó lan truyền xuống cuống họng, cuối cùng tích tụ dưới dạ dày. Mở mắt tôi thấy mình đang nằm trong một căn phòng, ngồi bên cạnh là một cô gái.
—————-//—————-
Ngoài trời đã sáng bạch, tiếng bán hàng rong nghe văng vẳng, tiếng xe máy chạy rào rào, vài tia sáng yếu ớt lọt qua khe cửa khiến lòng tôi nôn nao. Tôi đưa tay lật tấm chăn mỏng thì cô gái ngăn lại.
– Anh cứ nằm yên, chưa dậy được đâu.
Cô gái luồn tay qua gáy, nhấc đầu tôi bổng lên, kê thêm một chiếc gối, tư thế tôi nằm thoải mái hơn.
– Anh phải ăn hết bát cháo này mới đủ sức về nhà.
Tôi nuốt thêm mấy thìa cháo. Hơi cháo nóng lan tỏa đến từng thớ thịt, cơ bắp tôi hồi phục, đầu óc tỉnh táo dần. Nhìn đôi mắt quầng thâm của cô gái, tôi đoán chắc có sự việc vừa xảy ra. Tôi cố hình dung nhưng không tài nào nhớ nổi, chỉ thấy nhưng con sóng cuồn cuộn.

Làng tôi nằm bên sông. Con sông chảy ngang đầu làng thì gặp phải ghềnh đá lớn, nó nghiêng mình chao sang phía bờ bên kia, để lại đằng sau tảng đá một vòng xoáy sâu như cái chảo nấu mật mía. Người đi sông sợ nhất gặp nghềnh nước xoáy đánh vỡ thuyền bè, nhưng tụi trẻ làng tôi lại thích thú. Ngay sát nghềnh đá có một cây đa cổ thụ, không biết cây đa mọc từ đời nào, nghe các cụ trong làng kể; từ khi tao nhìn thấy cây đa đã lớn lên như thế này rồi, chắc cũng độ vài trăm năm. Gốc đa to năm người ôm, rễ đa buông xuống tua tủa như những cái vòi con bạch tuộc, cành đa tỏa bóng xum xuê, lá đa rộng như bàn tay. Vào các ngày rằm mồng một âm lịch, dân trong làng thường mang hương hoa thờ cúng quanh gốc đa. Tôi hỏi bà: bà cúng có ma không? Bà tôi bảo: Cây gạo có ma, cây đa có thần, cháu không được ăn nói phạm thượng và bén mảng đến gốc đa làm những chuyện bậy bạ, nếu nghịch ngợm làm các ngài phật ý là sẽ bị móc cho lòi mắt, vặn cổ từ đằng trước ra đằng sau, không thì bị bóp cho méo mồm. Tôi chưa tin như bà nói, thằng Thành nhón trộm nải chuối, chén no bụng, đái cả vào bát hương cũng chẳng sao. Ở lớp học cô giáo chủ nhiệm bảo không có ma, người ta chết rồi là hết, ban đêm ngoài nghĩa địa cục lửa phụt lên là lân tinh do phốt pho cháy. Như bà tôi là mê tín dị đoan, vì thế đợt mỗi lần bà cúng xong, tụi tôi nháy nhau nhổ hương vứt xuống sông, bà tôi tức tối chửi toáng nhưng không bao giờ bắt được quả tang đứa nào làm… Mùa mưa, nước sông dâng lên cao, ghềnh đá réo ầm ầm, sôi sùng sục. Tôi bò tít ra cành đa, đứng thẳng người. Đùng một cái, nhún hai mũi chân, hóp bụng lại, nín thở, người tung cao, xoay xoay trên không rồi đánh tùm, chẳng khác nào võ sĩ trong các bộ phim. Tụi tôi thi nhau làm như vậy, dần dần đứa nào cũng thành “đại hiệp”.
Bà tôi dắt tôi đi trên con mương dài. Con mương bắt nguồn từ làng tôi, bơm nước sông lên tưới mát cho cánh đồng. Nhà cụ Đức Lang nằm phía bên kia, đến nhà cụ phải đi tắt theo bờ mương. Cụ Đức Lang là người tiếng tăm khắp làng trên xóm dưới, ngoài nghề bốc thuốc cụ còn có phép thuật cao tay. Tôi chưa sang nhà cụ Đức Lang lần nào, thậm chí nghe tên cụ đã thấy sợ sệt lắm rồi. Vừa đi bà vừa dặn tôi: Nhà cụ Đức Lang là chốn thờ cúng, khi nào vào cháu không được tự ý, chẳng may động chạm đến các thần, cả hai bà cháu ta sẽ bị quở trách. Tôi nghe bà, ngoan ngoãn bước nép sau lưng.
Đất quê tôi là đất miền núi, không rộng và dài như phong cảnh miền xuôi, những con đê trải dài dưới bóng tre, đàn cò trắng lơ thơ sải cánh ngang trời, chú trâu đen gặm cỏ cạnh sườn đê, mỗi chiều về tụi trẻ lại được thả diều bay phất phới. Bờ mương bà cháu tôi đi là mương nổi, nó cao cao, thoai thoải có lối mòn giữa hai triền cỏ. Đứng trên mương nhìn ra cánh đồng trông rộng lắm, giá mà bà tôi biết làm diều thì hay biết mấy, vừa đi tôi vừa ước ao như thế, khoảng một tiếng đồng hồ sau hai bà cháu đã đến nhà cụ Đức Lang. Quả đúng như hồi bà tôi dặn; nhà cụ là chốn linh thật. Trước ngõ chôn hai con chó đá ngồi canh chừng, bậc lên nhà cũng kè bằng đá, chắc thời xưa cha cụ Đức Lang làm gì to lắm. Ngôi nhà cụ lại càng uy nghi hơn, bậc thềm bó toàn đá xanh, phía trước hiên là hàng cột lin nhẵn bóng, mái ngói uốn cong như vẩy rồng. Bà cháu tôi đến đúng lúc cụ Đức Lang đi vắng, cả nhà còn mỗi đứa cháu gái. Gặp bà cháu tôi, đứa cháu gái đon đả mời chào. Trong nhà cụ kê một bộ bàn ghế Tràng Kỷ, dịch vào là cái sập gụ chắc nịch, sâu tý nữa là cái tủ chè, bàn thờ có đôi hoành phi khắc chữ nho, trên cao nhất treo ảnh Quan Âm Bồ Tát trăm tay ngồi giữa đài sen. Cháu gái cụ Đức Lang lấy cái ấm tích ủ trong giỏ nan, giót nước chè xanh mời bà cháu tôi uống. Cái thứ nước này người lới uống khen ngon, nhưng trẻ con uống vào hay bị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Bà lấy cho tôi một bát nước sôi để nguội. Nhà cụ Đức Lang là gia đình gia giáo lâu đời, đứa cháu gái ăn nói gần giống như người lớn, chẳng bù cho mấy đứa con gái ở lớp tôi giọng chanh chua chúa chát sao mà ghét đến thế. Hỏi chuyện bà tôi xong, cháu cụ Đức Lang xin phép xuống nhà bếp nấu cơm. Tôi đưa mắt liếc qua một lượt cái bàn nhỏ ấy là góc học tập của cô bé, trên bức vách bằng gỗ dán ảnh cháu ngoan bác hồ và một cái thời khoá biểu, dưới ngăn bàn sách được xếp gọn gàng. Tôi mải nghĩ chuyện gì không nhớ rõ thì có tiếng gọi từ dưới bếp vọng lên.
– Bạn gì ơi! Xuống giúp mình một tay.
Ôi! Giọng nói nghe mới ngọt ngào làm sao, hai lỗ tai tôi có lẽ bị thủng từ bên này sang bên kia mất, lần đầu tiên tôi biết e thẹn trước con gái, mặt mũi tôi nóng ran như ăn phải ớt cay. Tôi luống cuống nhặt từng cọng rau muống, lúc đó không hiểu thế nào mà tôi mất bình tĩnh, chân tay run lập cập. Cháu cụ Đức Lang hỏi: Cậu sợ bị yểm bùa à? Không phải yểm bùa là đè ra chích vào tay như người ta tiêm chủng đậu đâu, cậu muốn học giỏi, không ốm đau thì để ông tớ làm cho một lá bùa. Tôi chẳng biết yểm bùa có đau hay không, cùng lắm như con chó đực nhà anh Thuận, nó hung hăng trốn nhà đi tìm chó cái suốt cả ngày, anh Thuận bắt nó, kẹp cổ vào giữa hai chiếc răng bừa, rồi dùng banh xa lam thiến hai hòn dái ra, nhét vào đó hai cục thủy tinh, anh bảo tôi đây là yểm bùa để cho nó giữ nhà tốt.
Đến gần trưa cụ Đức Lang đi bốc thuốc ở tận trong núi về. Vừa vào ngõ cụ cất tiếng chào bà tôi, chỗ cụ với bà tôi là người quen biết từ thời xưa. Cụ Đức Lang hỏi bà tôi đến bốc thuốc hay có chuyện gì khác, bà tôi được đà nói một thôi một hồi: Đấy! Cụ xem, ai lại như thằng cháu tôi, bố mẹ nó đi vắng, một mình tôi dạy dỗ nó không xuể, xểnh một cái là nó đàn đúm cùng mấy đứa con nhà vô giáo dục, ngay cả chốn linh thiêng chúng nó còn không chịu tha, vứt cả bát hương của tôi thờ cúng, trèo lên ngọn đa ngồi ngang với các thần, còn lặn cả xuống sông có ngày trôi mất xác, tôi phải nhờ cụ việc này. Cụ Đức Lang cười, tưởng có chuyện gì quan trọng, bà cứ để cháu chơi cùng cái Đào, ăn cơm xong, nghỉ ngơi, chiều làm lễ, đợi mát hai bà cháu về chưa muộn, mùa này đang có trăng.
Hôm ấy, bà cháu tôi ăn cơm cùng ông cháu cụ Đức Lang. Bà tôi dặn không được đi đâu xa, hai đứa chỉ quanh quẩn dưới nhà… Cụ Đức Lang có một ngôi điện thờ nằm sau nhà, đường lên điện cũng kê toàn đá là đá, trước cửa điện có hai cây đại to, giữa hai cây đại là một cây hương. Bà tôi châm hương cắm vào bát hương, khói hương tỏa thơm khắp vườn, tiếng mõ công cốc! khắc vào hồn trẻ thơ tôi. Trong lúc bà tôi cùng cụ Đức Lang lên điện, cái Đào rủ tôi ngắt nhựa vông thổi bong bóng. Dọc ngõ nhà cụ Đức Lang trồng vông chắn lối đi, hai đứa hứng đầy một nắp nhựa, bện cọng cỏ tròn như mắt kính, hai cặp mắt liếc nhau như đôi ca sĩ chuẩn bị hát song ca. Tôi nhúng cọng cỏ vào nắp nhựa và dương cao lên, màng nhựa bám căng như màng trống, cái Đào ghé môi thổi nhè nhè, những quả bóng đỏ, lam, chàm tím như kinh khí cầu bay bổng trong không gian. Tiếp theo đến cái Đào nhúng, tôi căng mồm thổi một hơi, bóng bay tới tấp, bóng xoáy, bóng vờn ngọn tre, dính vào lá mít, vương vào tóc. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại nhanh trí thế, tự dưng quên hết cả ngượng nghịu, vứt vòng cỏ xuống đất, vít vai cái Đào, gỡ bóng khỏi làn tóc đen nhánh như mây. Cái Đào nhún vai, hai gò má đỏ bừng, ấy chết để nhựa vào tóc về ông sẽ đánh roi lằn mông đít đấy. Cậu thông minh nhỉ, thế mà bà bảo cậu dại lắm.
Suốt buổi chiều hôm ấy, tôi chơi cùng cái Đào, ở trên điện cụ Đức Lang cùng bà tôi cúng bái. Đến lúc bà gọi tôi lại và đưa cho một lá bùa. Bà bảo: “ Từ nay cháu đã là người của nhà phật”. Nói xong hai bà cháu chào ông cháu cụ Đức Lang đi về.
Trên đường về, tôi đi trước bà đi sau, con đường mương huyền ảo nhuộm màu trăng. Tôi hỏi bà, cháu là người như Phật Tổ Như Lai á? Bà tôi nghiêm nghị trả lời, cháu mới là phật tử, làm con của phật thôi, bao giờ như bà thì trở thành đức phật. Bóng bà cong cong bên tôi, chắc ngày nhỏ như tôi bà chỉ to bằng cái hạt mít. Nếu được làm phật tôi cao lớn lắm đấy, nhưng tôi thấy mừng mừng lo lo; là phật tôi sẽ đi trừng trị những kẻ độc ác, có phép thần thông quảng đại nhưng không được chơi với tụi bạn nghịch ngợm. Mỗi lần tôi lặn xuống cái lỗ xoáy, tụi đứng trên bờ tưởng tôi chui sâu vào lòng đất, có thế vào đến lõi của trái đất, lát sau cả bọn cười thé lên vì thấy cái đầu tôi nhô gần giữa sông. Vào bờ chúng xúm xít hỏi, dưới đấy có cái gì không? Tôi lắc đầu, không thấy gì, ngoài một màu nước xanh biếc…
Sự kiện hai bà cháu đến nhà cụ Đức Lang ám ảnh suốt tuổi thơ tôi. Sau này tôi ít đi chơi cùng với mấy đứa con nhà không có giáo dục. Ở nhà mỗi tuần bố mẹ tôi dạy học về đều có quà, kết quả tôi đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Lên cấp ba tôi thi đỗ trường trung tâm của tỉnh, bọn học sinh thị xã như chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng, bắt nạt mấy đứa con nhà quê bọn tôi. Tôi cay cú vì thái độ ngỗ ngược của bọn chúng, tìm đến nhà thầy Tùng xin học võ Thiếu Lâm. Thầy Tùng có lò võ nổi tiếng nhất thị xã, báo chí liên tục đăng tin về những việc làm đức độ của thầy. Học được ba tháng thầy mới cho phép nhập môn. Tôi đã là đệ của thầy Tùng, giống như các đệ tử ở chùa Thiếu Lâm Tự! Về nhà tôi hăng hái luyện tập, bài học cơ bản đứng rộng hai chân, hít khí, đấm ra liên tiếp, căng mũi chân, ke cơ bụng toát cả mồ hôi, xoạc háng như kẻ chỉ, tung đùi đá tanh tách như cào cào. Tôi bay lên tôi cuộn nhào… chẳng mấy chốc tôi trở thành một võ sĩ, nhiều người biết đến tôi, khiến bọn học sinh thị xã kính nể, gọi tôi bằng sư phụ.
Cô gái lấy khăn mềm cho tôi và nói:
– Trông anh sáng sủa như thế, sao lại sa vào cái chốn này.
– Tôi đi tìm người quen.
– Người anh quen, hay anh…?
Cô gái nói đến đây rồi lấy hai tay bưng mặt, hai đầu gối bó sát vào nhau, bờ vai rung lên lật bật.
– Anh về đi, bọn chúng sẽ tìm anh. Đêm hôm qua suýt nữa thì anh mất mạng.
Nghe vậy, tự dưng nước mắt tôi trào ra, tôi nắm lấy hai bàn tay cô gái, xiết chặt thầm cảm ơn, chắc chắn đơn vị sẽ kỷ luật thích đáng, bắt viết bản tường trình, bản kiểm điểm, đời nào để có một quân nhân đánh nhau, ngủ với gái điếm. Tôi sẽ bị luận tội, nhưng tôi chấp nhận. Tôi lại nghĩ đến lời nói chân thành của cô gái làm tình cảm trong tôi trỗi dậy. Một cô gái yếu đuối dám sả thân cứu mình! Ở trên đời này còn nhiều điều bất ngờ lắm, tôi chưa đi nhiều nên chưa biết hết, tưởng những nơi nhơ nhớp là bẩn thỉu.
Kể từ sau lần bà cháu tôi đến nhà cụ Đức Lang, tôi theo học trường tỉnh, cái Đào học trường chuyên, chúng tôi không gặp nhau, nhưng tôi thường xuyên theo dõi tin tức. Cái Đào làm bí thư chi đoàn, từng cử chỉ của cái Đào tôi vẫn nhớ như in. Lớn lên tôi nhập ngũ, cái Đào xuống Hà Nội học sau trở thành phóng viên, bài phóng sự nào của cái Đào viết tôi cũng tìm đọc. Tôi muốn đánh thức kỷ niệm của cái Đào, bèn nghĩ ra cách; sau giờ huấn luyện ở đơn vị, tôi phóng xe đến xóm Liều, nghe ngóng tình hình để làm một bài điều tra, chẳng may bị bọn côn đồ đánh. Ngày nhỏ tôi cũng thế, người lớn bảo đừng sĩ cử ta đây, giỏi nghiệp nào sẽ chết vì nghiệp đấy. Tôi biết dại nhưng vẫn không chừa.
Tôi quen Lan từ dạo đấy, tuần nào tôi cũng đến thăm Lan, nhờ tình cảm làm suy nghĩ Lan biến đổi, Lan ngoan ngoãn tránh xa bọn người xấu, nhưng bọn kia không chịu buông tha Lan.
– Thằng chó! Mày biêt đất có thổ công, sông có hà bá? Con Lan là của bọn tao. Mày muốn chết hả?
– Xin lỗi các anh! Tôi không phải kẻ chơi bời, tôi là bạn cô ấy.
– Á… À! Mày thích vượt mặt bọn tao, xúi con Lan làm phản, tao cho mày biết luật.
Vù! Vù!
Tôi xoay người sang phải, lách sườn qua trái, vung tay lên đỡ. Nhưng đòn đánh tới tấp, miệng tôi thấy mằn mặn, mắt tôi nong nóng. Lùi lại một bước, tôi nắm chặt hai bàn tay, cơ bụng nổi cuồn cuộn, chân co tự nhiên, khí phát ra phù phù, “bàn long phi cước”, “ mãnh hổ xuất sơn”, “ triệt tâm hữu thủ”, “hoành xà xuất động”. Tôi không còn cảm giác, mình mẩy nóng ran, chân tay căng cứng. Bất chấp mọi hiểm nguy, tôi đứng thế thủ. Đứa nào vào đây, chúng mày biến. Lan nức nở chạy đến.
– Anh ơi! Đừng! Không đánh được bọn chúng đâu, bọn chúng đông lắm, còn có cả người bảo kê nữa.
– Không! Mặc kệ tôi! Cô đi vào trong – tôi quát to, nhìn thẳng lũ tệ nạn kia.
– Tôi van các người, các người cút đi, tôi cần được yên ổn – Lan nói.
– Chúng mày đi đi – tôi xuống giọng. Cả bọn lảng dần, tôi đứng như trời trồng.
Lan kéo tôi vào nhà.
– Anh uống nước này.
Tôi cầm cốc nước ngửa cổ tu một hơi, cơ thể tôi nguội bớt, đầu óc nhẹ nhõm.
Tôi đứng một lúc nữa rồi giang tay, ngả lưng xuống đệm. Lúc tỉnh dậy đã có mâm cơm dọn sẵn trên bàn, bụng tôi cồn cào, mùi rau muống luộc, đậu phụ rán khiến cuống họng tôi đưa lên đưa xuống ừng ựng, Lan xới cơm cho tôi ăn. Và như đoán được ý nghĩ của tôi, Lan phe phẩy cái quạt giấy nhìn tôi ăn rôi ngọt ngào dỗ dành như con nít. Tôi ngẩng mặt nhìn Lan mà cảm xúc tràn thương.
– Anh cục xúc lắm sao?
– Không phải – Lan đáp.
Đêm hôm ấy tôi ở lại cùng Lan, lần đầu tiên trong đời tôi biết nếm mùi con gái, Lan âu yếm nói trong hơi thở nghẹn ngào.
– Anh đừng thương em nữa! Sự nghiệp còn ở phía trước.
Tôi lấy tay bịt miệng Lan.
– Anh thương em thực lòng, em đừng nói thế, anh chỉ cần có em.
Tôi nói vậy nhưng phải làm gì? Bí thư chi bộ vừa nhắc mối quan hệ không lành mạnh, tôi vẫn gân cổ khẳng định như đinh đóng cột: Tôi yêu Lan hoàn toàn đúng đắn, bố cô ấy là thương binh đánh mỹ.
Cũng có nhiều người đứng ra khuyên giải, đừng ngốc nghếch lao vào chốn ấy, con gái tử tế thời này không thiếu. Tôi cảm thấy lòng dạ mình rất khó sử, Lan không phải hạng người như họ nghĩ, vì hoàn cảnh xô đẩy nên Lan đã sa ngã theo con đường nhơ nhớp này. Lan cũng có một gia đình, một miền quê tràn đầy những kỷ niệm, và Lan cũng đã từng là một học sinh giỏi của trường, mỗi lúc bên Lan tôi vô cùng xao xuyến. Tôi không cần những thứ phù phiếm, tôi vẫn cứ là tôi. Miệng lưỡi thế gian biết nghe sao cho vừa. Làm thế nào tôi kéo mọi người ủng hộ mình? Sự mặc cảm của người đời không thay đổi, không ai tán thành mối tình của chúng tôi, người ta bảo đưa Lan vào trại giáo dưỡng là hết trách nhiệm. Nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi dám làm và sẵn sàng đứng ra gánh chiu, tôi thương Lan, và đứng lên dìu dắt Lan. Thực tế không đơn gian một tý nào, phải lòng một đứa con gái hư hỏng là phẩm chất đạo đức không tốt, chết giữa đaị dương không đáng mà vùi đầu xuống vũng trâu đái.
Đúng rồi! Tôi tự reo lên: Tôi có một lá bùa hộ mệnh, cụ Đức Lang yểm cho tôi từ hồi học lớp tám. Tôi sẽ hành động theo ý của mình. Tôi đinh ninh lá bùa ấy sẽ che trở cho tôi như đức phật ở trên cao ban phước lành xuống trần gian. Tôi chắp tay trước ngực, nhắm mắt niệm phật: Xin đức phật hãy chứng dám cho con, con phải sử lý như thế nào? Con sống ngay thẳng, không làm điều mờ ám, không gây tôi ác, con thương Lan, con muốn cứu Lan thoát khỏi sự vẩn đục – nam mô a di đà phật. Con quỳ xuống đây, xin đức phật hãy chỉ đường, dẫn lối cho con đi, con hoang mang đến tột cùng. Trước mặt con là biển lớn, con chưa một lần ra biển.
Tôi cuộn chặt hai nắm tay, dậm mạnh chân xuống đất, hùng hổ tiến đến xóm liều. Cảnh tượng đập vào mắt tôi vô cùng đau đớn, bọn khốn nạn đang khống chế Lan, chúng bổ nhào vào tôi. Tôi không ngờ võ Thiếu Lâm hiệu quả đến thế, đúng hôm nay nó đã cứu tôi thoát khỏi tử thần. Nhưng không còn cơ hội để nói nữa rồi, đánh nhau, giành gái, bị công an bắt đeo đồng hồ hai tay, tước danh hiệu quân nhân là cái chắc. “Viết cụ thể vào tờ giấy này, gọi gia đình đến đây”. Tôi viết toàn bộ sự việc, công an lại hỏi: “không có người nhà à?”. Tôi chối quanh co vì không muốn phiền lụy đến người khác, nhưng công an lại bảo:” Anh có người bảo lãnh rồi, phóng viên báo trung ương hẳn hoi nhá. Cô Đào là bạn cũ của anh à, kí vào biên bản rồi gặp cô ấy sau”. Trời ơi! Đào! Em như vị cứu tinh đời anh, tại sao giờ này em mới xuất hiện, suốt bao năm anh luôn ghi hình bóng em trong tim. Đào kí giấy bảo lãnh cho tôi ra khỏi đồn công an. Tôi cứ tưởng mình là người theo dõi hoạt động ở xóm liều đầu tiên, nhưng Đào đã đặt bút viết từ lâu. Tôi bàng hoàng thức tỉnh vì sự khờ dại đó, nhưng tất cả đã xảy ra. Đào báo cho tôi biết Lan đã bỏ đi. Tôi không muốn thế, bởi Lan không còn ai dựa dẫm, thực tình trong lòng tôi rối bời… Liệu tình thương có phải là tình yêu, tình thương tôi dành cho Lan lại dâng lên.
Con chắp tay lạy trời, con cúi đầu lạy đất, Lan bỏ đi mất, cô ấy để lại chiếc khăn tay thêu hình hai con chim vành khuyên. Con cầu trời cầu phật! Hãy chỉ cho con Lan đang ở đâu? Vì thương con nên Lan đã tự nguyện bỏ đi. Lan đã trút bỏ quá khứ đau buồn để theo con trở về với cuộc sống lương thiện, nhưng bọn côn đồ đòi cô ấy phải đi khách để có tiền “bo” cho chúng. Người ta không hiểu con, trời đất giúp con, con tin đức trời sẽ thấu soi. Tôi miên man nhớ về kí ức tuổi thơ: một con sông mênh mênh mang mang, một cánh diều ước mơ. Nếu bà nội tôi biết chuyện này thì sẽ buồn lắm đấy, nhưng bà đã về chầu ông vải mất rồi. Bố mẹ tôi không đồng ý cho lấy Lan về làm vợ, người làng tôi có tục lót lá và tay, dắt cô dâu ra khỏi cổng. Họ còn từ không thèm nhận con cái nữa. Lan ơi! Anh biết làm sao? Em đã bỏ anh đi đâu? Trước mặt em là đại dương, em như con mồi, loài cá giữ sẽ xâu xé thân xác em, về đây bên anh. Thời gian sẽ xóa nhòa đi tất cả, anh tin rằng ông trời có mắt.
Từ ngày Lan bỏ đi tôi trở thành người “ Sớm nắng chiều mưa”, cũng phải mất một thời gian, nhờ có sự động viên của Đào, tinh thần tôi mới trở lại trạng thái cân bằng. Lý do tôi gặp được Đào là khi va vấp tình cảm với Lan và ngược lại. Tình cảm của con người khó mà định nghĩa được, tôi khao khát tình yêu thì lao vào dòng đời để giành giật. Khi tôi đang quyết liệt thì mục tiêu bắt đầu chuyển hướng. Thực thà mà nói, tôi chưa hiểu biết được giá trị của cuộc sống, qua một quãng đời sóng gió tôi mới biết rằng: mình cần phải thận trọng, không nên quá tin cậy vào những việc làm ngoài giới hạn, sức lực của mỗi con người đều có khả năng nhất định, kẻ nào tự do ngông cuồng ắt sẽ phải trả giá, chỉ có ai biết biến hóa những quy luật của tự nhiên thành bài học kinh nghiệm cho mình thì sẽ chiến thắng. Tôi cưới Đào làm vợ được gia đình và đơn vị ủng hộ nhiệt tình. Quá khứ của tôi khép lại, cuộc đời tôi lật sang trang. Chức vụ tôi thăng vù vù, mọi mơ ước đã mãn nguyện. Chiều chiều hết giờ làm việc tôi vác cây vợt đi đánh cầu, rồi tối rủ vài người bạn la cà quán bia uống no rồi về ngủ. Chao ôi! Cuộc sống dư giả sao mà thích đến thế. Đúng thật! Ước muốn của con người không bao giờ dừng lại, khi cuộc đời chưa đặt dấu chấm hết. Tôi bắt đầu nghĩ về Lan, tôi đi nhiều nơi để dò la tin tức của Lan nhưng không thấy, có một vài lần tôi hỏi nhầm người phụ nữ đi qua đường, vì trông nét nhang nhác giống Lan. Tôi tích cực đọc báo, xem ti vi nắm bắt tình hình trật tự xã hội nhưng cũng chẳng biết thêm gì. Một hôm tôi đi công tác ghé thăm một ngôi chùa ở tỉnh Bắc Giang, nhà chùa nấu cơm chay mời khách. Tôi muốn nghỉ lại chùa cho tâm hồn được thư thái, cơm nhà chùa đơn giản nhưng ngon miệng, món đậu phụ rán và rau muống luộc động đến nỗi nhớ Lan khiến tôi buột mồm hỏi:
– Mô phật! Nhà chùa có đậu phụ rán và rau muống luộc ai làm mà ngon đến vậy?
Sư trụ trì thực thà trả lời:
– Ni cô Tiểu Lan nấu cơm để thiết đãi khách.
Tôi choáng váng nghe tên “ni cô Tiểu Lan” mà vô tình đánh rơi bát xuống mâm. Sư trụ trì “mô phật”, hỏi thí chủ có điều gì bất ổn, nên động thái bất định. Tôi xin sư trụ trì cho gặp mặt ni cô Tiểu Lan, nhưng sư trụ trì nói: “Ni cô Tiểu Lan có bệnh không muốn tiếp xúc với người ngoài. Theo phép tắc nhà chùa thì thí chủ không được vào, đợi khi khác thân chủ khỏe mạnh sẽ cho gặp”.
Hai hôm sau tôi đến nhà chùa theo lời dặn của sư trụ trì, nhà chùa đang làm lễ. Khói hương bay nghi ngút, tiếng mõ chốc chốc điểm lên nghe khắc khoải, sư trụ trì ra tiếp tôi.
– Xin lỗi thi chủ, nhà chùa không giữ nổi ni cô Tiểu Lan, đây là kỷ vật gửi lại cho thí chủ. Nam mô a di đà phật.
Chiếc khăn tay thêu hình hai con chim vành khuyên, đúng là Lan thật rồi, tại sao cô ấy không muốn gặp tôi, hay trong lòng cô ấy còn một điều trắc ẩn.
Tôi đứng bần thân ra đấy, tiếng mõ bắt đầu điểm liên hồi khiến lòng tôi não nề…
Biên tập: Vương Chi Lan