Chợ quê (Phần IV) – Nhật Hồng

Xe hàng khuất ra khỏi cổng, mùi xăng rớt lại khét nghẹt. Bà Phương Hoa trở vào nhà lật cuốn sổ thấy Điệp ghi ngày giao hàng, người nhận hàng, địa chỉ, giá cả rành rọt. Bà thầm khen trong bụng: Con người làm ăn ngăn nắp chuẩn mực, làm công như việc nhà, thật là khó kiếm được người như Điệp. Bà xếp tập cập nhật công việc hàng ngày của Điệp đi vòng đến khu vườn hoa, những luống hồng nhú bông đón nắng. Phía cuối vườn có luống dây leo hoa dại nở vàng rực, tất cả đều mang đậm công sức của Điệp.

Xe hàng ra khỏi nhà chẳng bao lâu thì có cú điện thoại hấp tấp cho hay Điệp bị tai nạn trên đường giao hàng làm bà Hoa và cả nhà hốt hoảng, bà tức tốc vào bệnh viện. Trên đường đi lòng bà lo nghĩ “ Không biết Điệp có sao không! Tội nghiệp cho cậu ấy!”
Thấy Điệp dần tỉnh mở mắt thấy chị Hoa nắm tay, hỏi:
-Em khỏe rồi hả! Chị lo quá!
Điệp lắc đầu:
-Đau quá! Tại sao em ở đây!
Phương Hoa không trả lời Điệp, chạy đi tìm bác sĩ đề nghị chụp ci- ti vì nghe Điệp than đau đầu. Điệp khi tỉnh khi mê làm cho chị Hoa càng thêm lo lắng, chị về thu xếp người chăm sóc cho Điệp, trấn an thằng Tùng để nó yên tâm học hành.
Qua lời của công an giao thông cho biết: Điệp lái xe đúng, người đi đường sai, xe chở quá qui định chuyện đó tính sau, bây giờ chủ phương tiện phải ra công nuôi và chi phí thuốc men cho người bị tại nạn. Nghe đâu người bị tai nạn nghèo rớt mồng tơi, không có thân nhân ở gần.
Cả tuần lễ trôi qua nặng nề với bà Hoa, rất may Điệp không có gì nguy hiểm. Điệp Khỏe, chị Hoa mừng nắm tay Điệp:
-Em về chị sẽ làm tiệc ăn mừng em thoát nạn, dẫu có tốn kém bao nhiêu chị cũng không màng.
Điệp nói lí nhí trong miệng:
-Em cám ơn chị!
-Nhìn Điệp trong bộ quần áo mới bà Hoa nghĩ thầm trong bụng: Trông mặt mày cũng sáng sũa ra dáng vẻ đàn ông mà bị vợ bỏ cũng ngộ! Hoa nói đùa với Điệp:
-Nhờ bị tai nạn vô bệnh viện nên em có dịp mặc đồ mới, nếu không quanh năm chỉ bộ quần áo cũ dính da. Nay chịu mang dép mới chưa!
-Dạ! Em mang hai bữa rồi!
Điệp cười như trẻ con mới lớn.

Nhật Hồng

Nhà văn Nhật Hồng

Ngày Điệp xuất viện, cô gái bị tai nạn cũng xuất viện. Không hiểu cô gái ấy than vản với chị Hoa như thế nào, mà bà Hoa rước cô gái ấy cùng về nhà một lượt. Về đến nhà chị nói với mọi người:
– Đây là Hạnh. Mai Hạnh. Từ nay về phụ giúp việc nhà chung với chị em. Nhìn thoáng qua cô gái không đẹp cho lắm nhưng có đôi mắt và nụ cười rất xinh. Nụ cười không mở toang ra mà vừa đủ để lộ hàm răng dễ cảm mến. Bữa cơm gia đình mừng cho Điệp, chị Hoa nâng ly nước trái vải lên nói:
– Mời! Chúc mừng gia đình mình tai qua nạn khỏi. Lại có thêm thành viên mới.
Có người như trêu Điệp:
– Trông anh Điệp hôm nay đẹp hơn mọi ngày, vui hơn mọi khi.
– Vậy mới phải chớ! Chị Hoa đã bỏ công đi rước hai người về!
Cả nhà cười. Điệp thẹn!
Điệp lảng đi ra ngoài, miệng lầm bầm:
– Tui không thích nói như vậy!

Mọi người chừng như quá đà cao hứng:
-Thôi em xin lỗi, không nói chơi nữa đâu. Bỏ qua nghe anh Điệp!
Chị Hoa hỏi Hạnh:
-Em đi sao mà để cho xe cọ quẹt?
-Lúc ấy em quẩn trí đi mà không biết đi đâu.
– Cậu Điệp tránh em suýt chút nữa đâm vô đám người đứng lề đường vô cùng nguy hiểm, đây là cái may trong cái rủi.

Từ khi Mai Hạnh về làm việc nhà cho bà Phương Hoa rất siêng năng, không câu nệ việc nặng nhọc, nhưng có vẻ lầm lì ít nói cười, ai bảo làm gì thì làm, làm thật tình, thật tâm. Phương Hoa rất mến, nhưng có một vài chị em không thích Hạnh, thót mét chuyện ăn ở với bà Phương Hoa. Bà Hoa dằn mặt chị em:
– Nè! Chị em nên thông cảm nhau, cái nào đáng nói thì nói, không thì thôi, đừng tào lao chuyện người khác.
Mai Hạnh có tuổi đời rất trẻ nhưng già dặn chuyện đời, có quá khứ đau buồn vô tận, có lúc cô định đâm đầu cho xe cán. Chị Hoa khéo léo gặng hỏi:
Hạnh kể:
-Quê em ở Buôn Ma Thuột, sáu tuổi mẹ mất ở với dì, ông dượng nghiện rượu đánh đập rất dã man. Năm mười bốn tuổi em bỏ trốn đi tìm việc làm. Vô tới Sài Gòn cũng vừa hết tiền chỉ đủ trả ổ bánh mì, em đói khát đi hết đường này qua phố nọ, cuối cùng em được chủ quán cà phê nhận. Nhưng chỉ cho ăn cơm và bộ quần áo. Thời gian hai năm em thay đổi công việc sáu lần. Đến năm em mười sáu tuổi có người đàn ông đến uống cà phê hỏi tên họ, quê quán hoàn cảnh gia đình, em nói thật, ông ấy thương tình:
– Thấy cháu khổ, chú giúp cho công việc làm ăn mai này giàu có đừng quên ơn chú nhé!
Em hỏi:
– Làm gì ở đâu!
– Công việc nhẹ nhàng bán cà phê như ở đây, nhưng lương cao lắm, người ta biết quí trọng con gái. Đồng ý ngày mai chú dắt đi, nhớ đừng nói với ai.

Sáng hôm sau em lên xe đi cùng ông ấy, đi mà không biết đi đâu, không nghĩ tới bản thân, không nghĩ đến rủi may, chỉ biết đi khỏi cảnh ở đợ. Xe qua Campuchia (sau này em mới biết) ngủ ở đó hai đêm, sáng sớm em được gọi ra xe đi với người đàn ông khác, gọi tên chú Tư. Em với chú Tư đi xe đò đến Malaysia dừng trước cửa quán karaokê chú Tư nói:
-Tới rồi! Ở đây lo làm ăn chừng nào có nhiều tiền gởi về quê.
Chú Tư biến đâu mất, có cô gái dẫn em vô gặp bà chủ. Không thấy bà chủ đâu mà em bị dồn vào căn phòng nhỏ xíu mà tới 12 đứa, ngôn ngữ, nước da màu khác nhau, chỉ có chị L nói được tiếng Việt. Ở đây em mới biết bị người ta bán với giá hai ngàn USD. Mọi việc ăn ở phải răm rắp nghe theo lệnh nếu cãi lại thì bị đánh đập tàn nhẫn. Đến giờ cơm có người đút cơm vô cái lỗ có nắp gài lại, muốn ăn món gì phải gọi trước, cả đến son phấn hiệu nào cũng có. Tất, tất bằng tiền, khi làm được phải trả với cái giá cao gắp ba bốn lần không ai cãi được! Ngày ngày phải học tiếng Malaysia, tiếng Tàu, học cách tiếp khách, cách liếc mắt đưa tình với đàn ông. Sau khi học được một thời gian người ta phân công tụi em ra đứng ở các quày hàng chào khách. Khi quày hàng mình đứng bật đèn là có khách gọi, được người hướng dẫn đến bàn đó. Ngồi rót rượu, uống rượu, hát karaokê`khi khách cần sờ bóp thì phải để yên. Không được làm phiền khách có người rộng rải cho 50 USD, keo kiệt thì 20USD, có khi không có đồng nào. Đặc biệt chúng bắt em phải uống thuốc lắc. Ban dầu chỉ uống ¼ viên dần lên 2, 3 viên. Có đứa uống nhiều quá xỉu tại chỗ. Một hôm có người dẫn em đến phòng người đàn ông râu ria mặt mày dữ tợn, ngực lưng xăm đầy hình kỳ quái, em khiếp sợ chạy ù về phòng. Ở phòng người ta khuyên em:
– Không còn cách nào hơn đâu? Phải cam chịu thôi.
Em trở lại… Sáng hôm sau người ta kè em đi bệnh viện và bà chủ cho nghĩ bảy ngày dưỡng bệnh.

den mo

Phương Hoa nghe rùng rợn, hỏi:
– Làm cách nào em về được!
– Chuyện dài lắm, ở cái thế giới đó thân phận đàn bà con gái như món đồ chơi dùng giải khuây cho đàn ông, ba năm trời em chịu đựng biết bao là tủi nhục. Một hôm có người đàn ông Trung Quốc thương tình chuộc về nhà. Ở đây một năm em được cô con gái tốt bụng chỉ em cách trốn về Việt Nam. Em lên xe mừng khấp khởi trong bụng nghĩ: vài tiếng đồng hồ nữa mình sẽ về tới quê nhà. Nào ngờ khi tỉnh giấc thức dậy quang cảnh lạ hoắc, có người đàn ông đến buộc em lên xe về nhà chứa. Em mới biết mình một lần nữa bị bán qua Thái Lan. Ở đây em đếm được hai mươi con trăng trên dòng sông Chaophraya(*) buồn nhớ nhà thê thiết! Đêm đó em bị bắt đưa về Trung Tâm Phục hồi nhân phẩm Kredtrakarn, ở đây ba tháng có người đưa em về Việt Nam.

(*) Phụ chú: Sông Chaophraya con sông có chiều dài 372km chảy từ các đồng bằng Trung bộ qua thủ đô Bangkok và ra vịnh Thái Lan. Con sông được mệnh danh là “Venice phương đông” Sông của các vị vua nó rất lãng mạn và huyền bí.

Tính ra từ ngày bị người ta dụ ra đi đến khi về được quê nhà là năm năm ba tháng, lúc đi mười sáu tuổi, về hai mốt. Năm năm lưu lạc xứ người đời em như một cuộc mộng du đầy nước mắt. Biết bao chuyện đắng cay mà không thể kể nói nên lời! Hôm em bị xe đụng cũng là lúc đầu óc em đang hoang mang nghĩ về những nỗi đau khổ đó!

BT: Vương Chi Lan

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.
.
.