Chợ quê (Phần III) – Nhật Hồng
Vừa hửng sáng, quán cà phê chị Tư Sắc khách đông chật nít. Đợi cho từng giọt cà phê nhiểu xuống hết đáy ly anh Hai xe ôm nói bâng quơ:
-Nhờ có con đường lộ nhựa này mà từ cái xóm vắng thành phố thị, nhiều người bỗng trở nên giàu có ngang xương, thành ông chủ bà cả. Rồi đây sẽ không ít người thành nghèo khó ngang xương cho mà coi!
– Sao mà nghèo!
-Bán đất sẵn có tiền mua sắm, con cái ăn xài phung phí chơi bời lêu lõng thì… Trắng tay chớ sao! Còn làm ăn không khéo cũng dễ dàng sạt nghiệp bởi bản chất nông dân dễ ngủ quên với những thành quả đạt được!
-Nói như vậy là xem thường nông dân mình rồi!
-Đây! Chị Tư Sắc chủ quán nước này trước đây chỉ biết cắt gặt, bầm chuối cho heo vịt ăn, nay pha cà phê có thua ai không! Uống mà nghe tỉ tê, ghiền chết luôn! Chị không phải là nông dân sao!
Câu chuyện bỗng quay sang về chị chủ quán, chị vừa pha cà phê vừa hả hê góp lời tào lao:
-Mấy anh lo xa quá, lo bao đồng thế giới! Chuyện của mình không lo đi lo chuyện người khác. Ở đây người dễ thương là cậu Điệp, chỉ có một chiếc xe ba gác hì hụp sáng tối chở mướn ngày cũng kiếm vài trăm ngàn nuôi con ăn học.
-Ai mà bì với thằng Điệp, cái thằng bị vợ cắm sừng, vợ bỏ. Chết sướng hơn!
Chị Tư nạt gắt:
-Chưa chết đâu! Đàn ông như Điệp xứ này đốt đuốc tìm không ra đó!
Chưa dứt lời Điệp dựng chiếc xe ba gác trước quán, đi vào. Vẫn cái nón vải rách bươn, bộ quần áo lem luốc vai áo bạt màu nắng gió, Điệp chọn chỗ ngồi day mặt ra đường. Trong quán không ai nói gì chỉ để mắt hướng về Điệp.
Chị Tư đon đả hỏi:
-Uống gì Điệp!
-Cà phê đen!
-Nay cậu chở đồ cho ai mà sớm vậy!
-Chở mấy cái chậu hoa kiểng cho bà Phương Hoa.
-Bà Phương Hoa từ ngày về đây làm ăn ngày một lên. Ở xứ này không ai biết chứa vật liệu xây dựng để cho con mẹ đàn bà góa chồng ở xa về chiếm cứ hai hố bom lạng của chị ba Tùng mà làm giàu.
-À mà, không có chiếm cứ nghen, nói cho đúng mới được!- Tư Sắc nói.
-Không chiếm sao bà Phương Hoa có?
-Bà Phương Hoa là em bạn dì ruột với chị ba Tùng. Ba Tùng nhượng lại với giá rẻ mạt hơn công đất mà có ba chỉ vàng. Bà Phương Hoa thổi cát lấp xong có người hỏi mua với giá năm lượng, giờ có năm chục lượng chưa chắc kiếm được miếng đất như vậy?
-Sao người của mình ở đây không ai nghĩ ra chuyện đó?
-Có nghĩ chớ, nhưng vào thời điểm đó trong nhà không ai có một phân vàng làm gì nói đến chỉ này chỉ nọ. Hơn nữa khu sậy đế mọc hoang dã thấy mà ghê, đi ngang còn sợ ma nhát. Khi buổi đầu hai trái bom nổ khoét một khoảng rộng cả công đất qua mùa nước nổi cá tôm chui vô trú ngụ đến nước vực chi ba Tùng tát bắt hơn năm trăm ký lô cá. Nhiều năm liền chị ba Tùng nhờ hai cái hố bom đó. Sau nhiều năm ngày một cạn dần cá không vô ở, cỏ sậy mọc hoang dã.
Câu chuyện đang mở đề tài hấp dẫn. Điệp lặng lẽ nâng ly cà phê uống vội vả móc tiền dằn dưới đáy ly rồi bước ra cửa.
-Ủa! Vội đi vậy Điệp!-Chị chủ quán hỏi.
-Bữa nay em gấp lắm!
Điệp ra khỏi quán nhớ lại hôm đó, chị ba Tùng với người đàn bà lạ đang đứng ngắm nghía đám sậy, Điệp vừa chờ tới hỏi:
-Chị ba định bán đám sậy này hả?
-Để cho đứa em, chớ đâu có bán buôn gì? Mà cái trũng này lấp được không cậu Điệp?
-Dễ ợt! Gần mé sông ghe chở cát vô thuận lợi gần chết! Lắp cao cỡ nào cũng được!
-Vậy thì chừng nào chị đổ cát, em kêu ghe dùm chị nghen!- Người đàn lạ nói.
– Ừ !
***
Điệp chúi người về phía trước lấy hết sức lực đẩy chiếc xe ba gác lăn trên mặt đường nhẳn bóng còn thơm mùi nhựa mới tinh. Đôi dép mủ dưới chân Điệp bị chà sát ngấu nghiến lâu ngày xuống mặt đường bẹt ra cong vảnh như chiếc xuồng. Bà Phương Hoa thấy vậy nói với Điệp:
-Sao cậu không mua đôi khác!
Điệp ậm ự một lúc nói:
-Em thấy nó còn mang được!
Điệp nghe mình xưng em ngọt sớt với bà Phương Hoa, mới buổi đầu ngượng ngùng nữa gọi dì, nữa chị. Bà Phương Hoa đôi lần đỉnh chính:
-Tôi lớn hơn cậu có vài tuổi gọi chị được rồi!
Ngót cả năm trời Điệp gọi bà chủ bằng chị mới được tự nhiên. Phương Hoa vui vẻ hài hòa với mọi người nên ai cũng thích. Đặc biệt, với người giúp việc chị không coi mình là chủ. Những bữa ăn chi thường đi thoáng qua dòm dòm, gọi thêm cơm cá:
-Các chị em ăn cho ngon, cho no. Ăn no mới có sức làm việc, món nào không hợp khẩu vị mặn lạt cho chị bếp nêm nếm lại cho vừa miệng nghen! Cơm canh ngon, lời nói ngọt làm cho chị em giúp việc tận tình với chủ.
Điệp vừa ăn xong xoay lưng đi về nhà, bà Phương Hoa gọi giật lại:
-Chị thấy em đạp chiếc xe ba gác nặng nhọc quá, để mai chị kêu thợ hàn làm cái thùng lấy chiếc xe hon đa kéo cho khỏe! Mà em biết chạy hôn!
-Điệp lắc đầu, chỉ biết đi xe đạp.
– Tập dễ mà, chiều chị chỉ cho chốc lát là chạy được! Rành rồi thi lấy bằng lái để đi ra đường công an không phạt.
Điệp từ tốn chào ra về! Phương Hoa gọi giật lại:
-À! Quên nữa cầm cái nầy về! Dép chị mua cho cậu đó và cho đứa nhỏ đi học.
Điệp ái ngại nhìn nhìn cái bọc, nói:
-Thôi! Em bận lắm!
Chưa dứt lời Điệp vọt ra khỏi sân, chạy về nhà một mạch.
Công việc ở nhà bà Phương Hoa ngày một bận rộn, khách hàng đến đặt mua đá cát, sắt xi măng mỗi lúc một nhiều. Đường sông thì phải chở bằng ghe, đường bộ thì bằng xe. Điệp hết lái ghe dưới sông, phóng lên bờ leo lên xe mang vật liệu đến tận nơi cho khách hàng. Có bữa về tối mịt bà Phương Hoa lo lắng lóng ngóng ngoài cửa chừng nào thấy dáng Điệp về mới yên. Điệp như một thành viên trong dịch mua bán không thể thiếu của Phương Hoa, bà coi như một cánh tay đắc lực tạo dựng sản nghiệp cho bà. Điệp ngoài việc đi nhận hàng, giao hàng cho người ta rảnh chăm sóc mấy chậu hoa kiểng cho bà Phương Hoa, do vậy Nga con của bà Phương Hoa luôn nhắc cậu Điệp, cậu Điệp!
Một hôm bà Phương Hoa gọi Điệp vào phòng khách chỉ ngồi trên bộ sa lông , nói:
-Cậu Điệp thấy cách làm ăn của chị có thuận lợi với thời thế không, nếu không phù hợp mình có thể đổi nghề khác vẫn còn kịp.
Điệp ngồi ngẫm nghĩ một lúc nói:
-Trước cái đà phát triển xây dựng nông thôn mới, nhà nước cùng dân mở mang đường xá, dân phát triển rầm rộ nhà bằng gạch thay cho cây lá. Cát đá xi măng là nhu cầu thiết yếu, mình mở kho mua bán là hợp lý rồi! Nhưng em bàn với chị mấy việc: Phải có đủ phương tiện chuyên chở, như phải có xe, có ghe, bởi vì địa hình quê mình sông rạch chằng chịt, đường xá ngang dọc. Do vậy chị muốn cạnh tranh với người ta thì phải có đủ phương tiên giao hàng tới nơi, tới chốn.
Bà Phương Hoa không ngờ Điệp có kiến thức sâu về mua bán và nhận định tình hình làm ăn rất hay!
Chị hỏi:
-Em phải đi học lấy bằng lái xe tải nghe! Chị tính rồi, sắm xe mà tài xế dân ngoài khó lắm, phải người ruột rà của mình mới được! Ít ra, mình cũng có người biết lái xe.
Điệp do dự. Bà Phương Hoa đỡ lời:
-Em lo đứa nhỏ ở nhà đi học một mình chớ gì! Chị sẽ thường xuyên tới lui chăm sóc cho nó, vả lại mỗi tuần em đều về nhà mà!
Thấy Điệp lăng thinh không nói gì Phương Hoa chợt hiểu:
-À! Chị hiểu rồi, tiền chị bao cho em đừng lo!
Vũ Khắc Điệp bận rộn nhiều công việc đi sớm về tối, bà Phương Hoa đến động viên Tùng con của Điệp. Có khi bà vuốt tóc Tùng nói:
-Ngày một lớn con trỗ mã đẹp trai, giống cha lắm! Ráng chăm lo học hành để có tương lai sau này! Cô thương con như Phương Nga, mỗi lần mua quần áo cho nó là cô nhớ đến con.
Tùng rướm nước mắt nhìn bà Phương Hoa:
-Con cám ơn cô! Phải mẹ con ở nhà con không khổ như vầy!
-Mặc dù thiếu tình mẹ nhưng con may mắn có được người cha tốt biết lo cho con. Ở xứ này không ai bằng cha con về lao động, vậy con nên ngoan ngoản nghe lời cha.
-Dạ!
Bà Phương Hoa bỗng dưng thấy có sợi dây tình cảm ràng buộc giữa Tùng con của Điệp với bà. Đôi lúc bà trách khéo với Nga:
-Con người ta mồ côi mồ cút mà biết nghe lời cha, tiện tặn chăm lo học hành còn con mở miệng ra là tiên, tiền! Con thấy chỉ có một mình mẹ tảo tần nuôi con ăn học chớ có nguồn nào tài trợ đâu!
-Sao mẹ không nhận tiền cấp dưỡng của cha!
-Để cho người ta thấy được, không có đàn ông mẹ vẫn nuôi con ăn học đàng hoàng!
Bà Phương Hoa buồn, nỗi buồn câm nín, cố che giấu nỗi đau trong lòng. Thấy vậy Phương Nga cảm thấy thương mẹ, không dám ý kiến gì thêm.
Bà Phương Hoa luôn nhắc nhở Điệp:
-Cậu nên để ý chăm sóc con nhiều hơn, tội nghiệp nó không có tình thương của mẹ ở độ tuổi mới lớn cũng là điều bất hạnh.
Điệp ấp úng:
-Tối nào em cũng xem xét việc học hành và hỏi han việc ăn uống mua sắm của nó!
-Cha thương mấy cũng không bù đắp được nỗi buồn vắng mẹ. Chị đã sớm mất mẹ từ lúc lên chín tuổi, nên chị khuyên em đừng làm cho tụi nó mặc cảm bị ghẻ lạnh. Cậu nên quan tâm về mặt tâm lý đổi thay của tuổi mới lớn, từ đó có cách áp dụng khuyên răn cho nó không bị tổn thương tinh thần. Mặt khác bà Phương Hoa ngầm trợ giúp tiền bạc cho Tùng ăn học như con cháu ruột. Từ việc mua sắm quần áo, giầy dép đều có ý kiến của bà. Sự khéo léo tế nhị của Phương Hoa như giọt nắng sáng trong làm xóa tan những đám mây mờ mặc cảm giũa chủ tớ trong lòng của Điệp và Tùng. Bởi thế, Vũ khắc Tùng rất cảm mến bà Phương Hoa.
Điệp như con thoi tới lui nhận hàng, giao hàng, rảnh rỗi về nhà sửa lại mái tôn, cái cổng, hàng rào. Điệp nghĩ, nhà nghèo hay giàu, tường hay lá phải làm cho được hàng rào. Nhìn căn nhà đã cũ, xung quanh người ta đã đổi đời nhà tường mái tôn đỏ lắp lóa trong nắng. Còn nhà mình nằm lép xẹp dưới tán cây, có những đêm mưa Điệp nằm nghe từng giọt thấm thấu rớt vào lòng. Chừng như bao nhiêu giọt nước trên trời với bao cái lạnh cô đơn trút xuống phả vào người mình. Đơn côi trái tim mình có thể chịu đựng được, còn cô đơn của đứa trẻ tình nào san sẻ cho được? Mà lời nói cũng chỉ là hơi gió có gì hơn đâu! Điệp nhớ hoài câu nói của con:
-Con nghe người ta khen cha cái gì cũng được: Tính tình, lao động tốt, tại sao má con bỏ nhà ra đi. Cha có làm điều gì ác, lấn lướt má không?
Điệp ngần ngừ trong bụng biết phải trả lời sao đây! Nếu như trút hết tôi lỗi trắc nết, lười biếng, mê cờ bạc lên đầu người vắng mặt thì cũng được thôi. Nhưng Điệp nghĩ rằng: Vốn dĩ vợ mình là như vậy, phần thiếu sót tại mình nghèo không đáp ứng được những điều ham muốn của cô ta. Cho nên! Cho nên… Điệp không thể trả lời một cách rành rọt cho con hiểu, chỉ ưởm ờ:
-Đời phức tạp lắm, lớn lên các con sẽ hiểu! Chớ phần của cha đã làm hết cách mà không giữ được mẹ con ở nhà. Mà các con bận tâm những việc ấy làm gì! Nhiệm vụ con bây giờ là lo học hành. Học hành là hạnh phúc của con, học hành là niềm vui của cha. Chỉ có bao đó mà cha dang cái lưng ra làm cho người ta không biết mệt mỏi. Cha cố dành dụm một thời gian nữa xây căn nhà dễ coi một chút để các con vui với bạn bè, vui để học thành đạt.Cha không còn nghĩ đến bản thân này nữa các con có biết không! Vừa rồi bà Phương Hoa có ý giúp cho cha xây căn nhà, tiền trả dần từng tháng. Cha nghĩ, đã mang ơn người ta nhiều rồi, không muốn cả đời mang nặng ân nghĩa, mà ân nghĩa với người đàn bà khó trả lắm!
Tâm tình của Điệp như những hạt mưa đêm rỉ rả thấm vào lòng đứa trẻ, vào giấc ngủ dài chập chờn mộng mị, có cả tiếng nấc nghèn nghẹn ở cổ. Gần đây Điệp phát hiện ở con có sự rạn nứt trong ý nghĩ: Không có tiền người ta giúp cho mượn, khiêng một vât nặng không nổi người ta phụ được. Còn nợ tình cảm rắc rối lắm con ơi! Còn chuyện ban ơn cho người luôn có hai mặt, mặt tích cực và mặt tiêu cực. Bà Phương Hoa càng tế nhị, càng chăm sóc giúp đỡ chừng nào nó càng sớm nhận ra bị ghẻ lạnh, bị hất hủi. Nó đặt câu hỏi với Điệp:
-Bà Phương Hoa là người dưng kẻ lạ còn tới lui lo lắng cho con, còn mẹ đẻ ra lại bỏ con. Người ta thương nói: “ Nhứt con, nhì của” Người ta quí con như thế, còn mẹ mình…
Cái hố ngăn cách tình cảm thiêng liêng giữa mẹ con ngày một sâu hơn, bức xúc hơn trong lòng của Tùng. Điệp đâm ra lo lắng mà chưa có cách nào để trấn an con. Vừa chất hàng lên xe mà mặt Điệp thẩn thờ, bà Phương Hoa nhận ra điều đó, nói:
-Cậu Điệp có gì mà buồn vậy!
-Đâu có gì buồn.
-Làm sao giấu chị được! Nhớ vợ phải hôn. Không có vợ này thì kiếm vợ khác, hay là để chị làm may cho một người về cơm nước cho bọn trẻ.
Điệp cãi chính:
-Em không còn hơi sức nghĩ đến việc bước thêm bước nữa với ai, chỉ hơi buồn lo tâm tính thằng Tùng ngày một lớn…Điệp thấy càng giấu chị Hoa càng nghĩ lung tung, thôi thì nói thiệt về thắc mắc của con cái. Phương Hoa trầm ngâm một lúc chừng như cảm thông với cảnh của Điệp:
-Chị đã có cách giúp cho tâm lý tụi nhỏ ổn định, nhưng phải có thời gian. Tin chị đi!
Phương Hoa thừa biết tâm lý mới lớn của tuổi trẻ luôn có trăm điều thắc mắc đặt ra và cần có lời giải đáp cấp thời. Điều quan trọng nhứt là đừng nên nói dối, dẫu là câu nói dối nhất thời cho qua buổi. Nhưng bọn nó sẽ mang ấn tượng lâu dài với người lớn khó mà tẩy rửa.
-Yên tâm đi! Chuyện đó để chị!-Phương Hoa vừa nói vừa nhìn đôi chân của Điệp.
-Sao cậu không mang đôi dép mới coi có vừa vặn không!
-Em thấy đôi dép này mang tạm được, hơn nữa mang dép mới sao kỳ quá!
-Trời! Cái cậu này!
BT: Vương Chi Lan