Chợ quê (Phần II) – Nhật Hồng
Điệp rất có hiếu thảo luôn coi bà Sáu như mẹ ruột, khi bà Sáu đau ốm một tay nó chăm sóc không để cho vợ. Nó nói: “Mẹ của mình, mình lo!”
Điệp cần mẫn siêng năng công việc ruộng đồng, đàn bà trong xóm thấy chồng bê tha ăn nhậu. Nói:
– Mở mắt mà coi anh Điệp làm ăn, nhà có một mẹ già, một vợ một con, buổi đầu chỉ có vài công ruộng, nay tạo thêm mấy mươi công, thấy mà ham. Nhà tre lá lụp sụp giờ lợp tôn, nền lót gạch sạch sẽ khang trang thấy mà mê!
Lời khen chưa bay khỏi xóm, chuyện về gia đình Điệp rôm rả lên:
– Cẩm vợ của Điệp lười biếng, thích chưng dọn, mê số đầu số đuôi, khoái xe pháo…
Thương vợ, Điệp chỉ khuyên can chứ không trách mắng. Vốn đã có máu cờ bạc không dừng lại được, buổi đầu chỉ chơi giải khuây vào giờ rảnh rỗi nào ngờ càng chơi càng lậm, càng lâm vấp nợ nần. Có người nói: “Đạp gai phải lể bằng gai”. Vợ Điệp nghĩ cũng có lý, giờ chỉ còn cách gởi trọn vận đời may rủi vào con số. Ông bà chưa độ mình chăng? Thần tài chưa đến? Sách giải điềm chiêm bao từ con số không không đến chín mươi chín. Con cá, con tôm, con bướm vàng, bướm nâu đều có số. Có người nhìn số xe, tàu qua lại mà đón vận mệnh… “Nuôi số khỏe hơn nuôi heo, nuôi gà”. Cứ mỗi ngày tăng tiền lên bạc triệu cho mỗi con.” Người trong giới mê số nói với nhau như vậy! “Phải kiên nhẫn mới được!”
Có người mách với vợ Điệp: “Chị Tư ở bên kia sông nghèo xơ nghèo xát, có lòng thành ban đêm đem bộ lư đồng xưa ra nơi vắng vẻ cầu trúng con số mười chín, trả nợ dứt, mua sắm sửa sang lại nhà cửa đàng hoàng. Vợ của Điệp nài nỉ hết lời người cậu cho mượn bộ lư đồng xưa thừa lúc ban đêm đem ra ngoài khu mồ mả đốt nhang cháy đỏ rực trời ngồi khấn vái xin số. Muỗi cắn không dám đập mạnh, không dám nói chuyện lớn sợ thất kính với bề trên, đến khuya lơ khuya lắc thì con số “ba mươi hai” hiện ra.
Có lẽ, vận mai đã đến ! Nghĩ vậy, nên vợ Điệp vốc hết vốn liếng đánh con số “hiển linh”. Trời chiều nắng vàng tươi trên xóm mà mắt của vợ Điệp tối sầm vì đài sổ con số ba mươi chẵn. Đêm đó vợ Điệp không về nhà.
Hàng xóm bàn vô tán ra:
– Vợ Điệp có nhân tình, có bồ!
Tiền bao nhiêu cũng không còn, nữ trang lần lượt bán hết chủ nợ đến đòi dẻo dai không kể sáng chiều. Vợ Điệp trách móc chồng. “Đi ra thấy đàn ông người ta lo cho vợ đầy đủ, quần áo, vàng vòng thứ nào cũng có. Còn tui sống với ông quanh quẩn vườn, ruộng nghèo trơ nghèo trất. Buồn giải khuây chút đỉnh mà ông không vui, để tui chết cho hết đời!”
Ngày Điệp hùng hục dang cái lưng trần ngoài đồng ruộng, chiều về cơm không có một hột, cái nồi lạnh ngắt lạnh tanh, gà nhảy bươi xới chén đĩa ngã nghiêng, đứa con ngồi khóc gọi má đến khàn cả cổ họng. Điệp gắt gỏng, vợ Điệp chanh chua. Không khí trong nhà càng lúc càng căng thẳng . Bà sáu và lối xóm hết hời khuyên răn nhưng vợ Điệp vẫn tánh nào tật nấy!
Điệp lặng lẽ, buồn bã, bê tha công việc, uống rượu hết ngày tới đêm. Một mình với trái cóc, trái ổi cũng nóc cả lít. Sau cái hôm bán miếng đất ruộng và vườn để trả số nợ nần do vợ gây ra. Điệp nhìn căn nhà còn lại nằm trơ trọi trên phần đất không đầy trăm mét vuông, thẫn thờ xách cái bình ra tiệm mua rượu đầy nhóc, bày ra hàng ba nhà uống với thỏi khô cá đuối nướng dỡ sống, dỡ chín. Một mình nhâm nhi cho tới trời tối om, không đèn, không đuốc, chỉ có bóng trăng soi lờ mờ không rõ đĩa mồi. Điệp mò mẫm trật vuột mới vớ được một miếng khô đưa lên miệng ngấu nghiến: “Hết rồi! Hết rồi!” Ly cạn ly, môi mềm môi, Điệp say khướt nắm ngủ hai tay kẹp vào háng co ro như con tôm luộc. Sáng bét, con chó mực đến liếm miệng mũi Điệp mới tỉnh dậy, thấy thằng con ngồi bên bệ cửa khóc thảm thiết:
– Má đi rồi! Má ơi! Má!
Điệp biết nhà đã vắng bóng đàn bà. Từ ấy, những đêm say xĩn, Điệp ôm con khóc nức nở như trẻ. Kể lễ:
– Mẹ con không thương con, không thương cha, nên bỏ nhà ra đi theo người ta. Con bỏ cha, cha chết!
Cảnh gà trống nuôi con hẩm hiu bằng những ngày công làm thuê mướn sao mà dài lê thê với Điệp. Những ngày mưa người ta không mướn, không tiền mua gạo, tiền thuốc men, quần áo vải vóc cho con, tiền hàng quán… Tiền thuốc men cho mẹ, cảnh gia đình của Điệp vô cùng khó khăn, buộc con phải nghỉ học đi giữ vịt mướn cho người ta. Càng quẩn bách, Điệp càng uống rượu, sức khỏe càng suy sụp, lang thang say xỉn ngủ bờ ngủ bụi dưới dạ cầu, trước sân chùa…
Người ta kể lại, vừa hửng sáng chợt thấy cái xác co quấp nằm úp mặt dưới gốc cây sứ trắng ngoài sân chùa. “Có người chết!” “Ai vậy!” Có người dạn tay lật mặt lên:
-Thằng Điệp mà! Chưa chết! Còn thở.
Chú Tám bạn xị đế cỏng Điệp về nhà, miệng lầm bầm:
-Uống chi dữ vậy, rồi nằm đó cho bị ma ám!
Bạn nhậu, người lối xóm đến chia sẻ với bà Sáu và xoa bóp, cạo gió cho Điệp. Điệp ăn được vài muỗng cháo vào miệng, dần tĩnh, mặt trừng trừng nhìn vô vách hai ngày không ngồi được. Chú Tám ngồi bên cạnh người bạn đời mặt buồn hiu. Nghe người ta nói: “Nơi chùa chiền đêm đêm tụng kinh, cô hồn các đảng tụ tập lại nghe, nó nằm dưới gốc cây bằng lăng trước sân chùa nên bị ma ám, trong vòng bảy ngày mất hồn là xác chết!” Chú Tám nghe xót thương trong lòng: “Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí.” Vừa bị vợ bỏ nghèo sạch sành sanh, con thì đi ở đợ, nay bị ma ám. Đời Điệp tàn rồi… Hết trông mong. Qua ngày thứ ba, Điệp ngồi dậy, cố lết đến lu nước uống một ca, thấy chưa đã uống thêm một ca nữa, rồi nằm ngẻo. Bà Sáu ngồi một bên lo lắng, qua ngày thứ tư Điệp ra ngoài ruộng thật sớm, khi về một giỏ đầy cua ốc, cua đâm ra nấu canh chua cơm mẻ, ốc lể mặt kho xả ớt đầy một nồi. Điệp đi qua nhà chú Tám mượn hai lít gạo, luôn tiện mời qua chơi. Nồi canh chua vừa chín thằng con trai ngồi lo lắng mặt mày bí xị. Điệp hiểu ý, cha không sai con đi mua rượu đâu. Con cùng lên ăn cơm với cha và chú Tám cho vui, mắt của đứa trẻ dò xét nhìn lớn, vì thường như vậy là một cái tát vào mông, nên nó sợ.
Chú Tám mừng vì bạn đời đã khỏi, vả lại mấy ngày nhịn rượu cũng thèm, hối hả nách một chai rượu đầy nhóc sang nhà Điệp.
Tô canh chua vừa múc ra bốc mùi thơm xông vào mũi, chú Tám chép miệng rót hai ly đế đầy. Nói:
– Mừng cho mầy khỏe lại, tao sợ mầy bị ma ám rồi chớ! Buồn gì mầy ơi, tao cũng từng bị vợ bỏ nè có sao đâu?
Bà Sáu vọt miệng hỏi:
– Vậy là vợ bây giờ đang ở là vợ sau của chú đó hả? Vợ trước cưới ở đâu mà thôi vậy!
– Cưới ở bên kia sông Hậu, đêm đầu về tối ngủ nó quấn mền cứng ngắc, em tưởng lạ cảnh lạ quê không nói gì, đêm sau cũng vậy nữa em tức xé mền dằng co nhau suốt đêm. Qua ngày phản bái em với nó cùng về nhà ông già vợ, sau bữa cơm chiều hai vợ chồng định về loay hoay dòm lại nó đâu mất tiêu. Em đợi cho tới tối, có người nói nó đã ôm gói theo tình cũ rồi! Một cây kiềng vàng, một cây trâm, một sợi dây chuyền tổng cộng hai lượng vàng nó ôm đi mất. Em tới lui đòi được phân nửa, số còn lại em giận bỏ luôn.
– Vợ sau này chú cưới ở đâu mà được quá vậy!
– Cưới hỏi gì đâu, duyên nợ của em ngộ lắm! Chị còn nhớ phong trào chèo ghe hát đối đáp dưới sông không? Năm đó em bị vợ bỏ buồn thấy người ta chèo ghe bơi xuồng hát đối vui quá, cứ vào tối con nước vừa đứng lớn ở chợ Ômôn thì câu hò hát bắt đầu nổi lên, em đẩy xuồng bơi theo. Bỗng có giọng hát lãnh lót cất lên: “Hò hơ… Nón nỉ quay tơ cập nách, cuốn sách cầm tay. Tiếng đồn anh nọ có tài xin anh hát thử. Hờ hơ… Một vài bài nghe chơi.”
Em đáp theo liền: “Hò hơ miệng anh đọc cữu chương tay nương bàn toán, anh xin hỏi thăm nàng, hò hơ… Quê quán ở đâu?”
“Hò… Hơ… Vĩnh Long Sa Đéc tỉnh, Long Xuyên tỉnh, Cần Thơ tỉnh, Ômôn huyện, nhà em lợp lá, cẩn đá hai hàng, hỏi thăm thì biết Hò… Hơ… Ở làng Thới Lai.”
Không thấy được mặt nhau nhưng nghe giọng hát trong trẻo có ý tứ nên bơi xuồng theo đối đáp qua lại hàng chục cây số. Thấy vậy em ướm thử: “ Hò… Hơ… Mai trước nhất thinh trừ cựu tuế. Đào phù vạn hộ cánh tân xuân. Em có thương anh thì nói cho anh mừng, không thương thì nói. Hò… Hơ… Cho anh đừng chèo tới lui.”
Chị và cháu Điệp biết cô ấy trả lời sao không?
“ Hò… Hơ… Chữ vương chấm vai là chữ ngọc. Công với mộc nó lại chữ tòng. Mộc tòng cất kín bên trong. Hò hơ… Nếu phải là duyên nợ mình lên bờ thương nhau.”
Vậy là cô ấy về ở với em cho đến bây giờ đó! Khi hát hò qua lại đâu có biết mặt mũi ra sao, mà khi gặp mặt ưng nhau liền. Nghĩ duyên nợ ngộ thiệt! Giờ những đêm có trăng tụi em ra sân giở lại bổn cũ hò hát để nhớ lại hồi lúc quen nhau.
Chú Tám day qua nói với Điệp:
– Vợ bỏ nhầm nhò gì! Mai mốt cưới vợ con làm lại cuộc đời. Uống đi, chúc mừng cho mầy hết bịnh.
Điệp đỡ lấy ly rượu, miệng như trăn trối:
– Có lẽ đây là buổi nhậu cuối cùng.
– Cái thằng nói khùng! Bộ mày chết hả?
– Không chết, rồi chú sẽ hiểu!
Rượu vào thêm nỗi lo, chú Tám vừa uống vừa nhìn Điệp. “Bị ma ám nữa rồi! Cầu Trời khẩn Phật cho Điệp qua khỏi nạn tai!”. Lắt lẻo hết chai, chú Tám đòi mua thêm.
Bà Sáu can:
– Thôi để khi khác nay trong mình nó còn yếu lắm!
Chú Tám khập khểnh nách chai rượu về. Điệp thì thầm bên bà Sáu:
– Con xin lỗi mẹ, vì thời gian qua say xỉn ngông cuồng để mẹ lo lắng từ nay con không tái phạm nữa.
Bà Sáu nhìn Điệp nói:
– Ba mẹ con chết vì trái ô-buýt 105 khi con mới năm tuổi, cô đem về nuôi cho đến bây giờ. Thấy con sáng dạ, lo làm ăn, có hiếu để mẹ thương lắm! Không ngờ gặp gia cảnh buồn con va vào rượu chè mẹ lo lắng, giờ con biết sai mẹ mừng lắm rồi! Mẹ an tâm! Đời mẹ đã gặp trăm cảnh khốn cùng, bị đánh đập tù đày mà còn vượt qua được bằng nghị lực yếu ớt của đàn bà, nay con là đàn ông thanh niên mà dễ dàng suy sụp, sao con không học cách đứng lên ở mẹ, ở giòng họ nhà mình! Điệp à! Đời của mẹ không mong mỏi gì hơn chỉ mong sao con chăm lo làm ăn, sống có lý có tình với xóm làng, biết ông bà tổ tông, biết kính trên nhường dưới là đủ rồi. Còn về chuyện giàu nghèo là ở bàn tay và khối óc mình làm ra, ông bà ta nói: “Nghèo không sợ, sợ không lo làm ăn thôi. Đại phú do thiên, tiểu phú do cần” Cảnh nhà mình đang sống yên ổn bỗng dưng ly tán như thế này, mẹ rất đau lòng nhưng biết phải nói sao đây!
Bà Sáu nhìn Điệp buồn buồn lảng sang chuyện khác:
– Mẹ lâu nay không có dịp đi chợ, phải chi chợ gần mẹ con mình đi chợ một chuyến.
– Mua gì mẹ?
– Thì mua lặt vặt những thứ cần thiết trong nhà.
– Đây ra chợ bơi chèo đi về mất nửa ngày, mẹ ngồi xuồng nổi hông?
– Không nổi đâu? Mẹ chỉ ước ao thôi! Cả một vùng đất rộng dân cư cũng khá đông mà không có chợ thiệt là phiền phức!
– Biết bao giờ mới có được! Thôi mẹ đi nghỉ đi, sáng mai con kiếm vỏ máy chở mẹ đi chợ.
Không ngờ những lời chuyện vãng của bà Sáu với Điệp là những lời cuối cùng của đời bà. Người mẹ nuôi đã trút hơi thở giữa đêm khuya đó. Sau đám ma chay bà Sáu, Điệp bỏ rượu siêng năng lao động, không nệ hà cực khổ, sớm tối ngoài đồng ruộng, người ta hỏi: “Làm chi dữ vây!” “ Để có tiền mua sắm quần áo cho con, sửa sang lại căn nhà kín mưa nắng!”
Miệng đời không tha cho Điệp:
– Từ ngày nó tằng tẹo với ni cô đẹp mã, thấy nó đổi khác, thôi thì nhập cục cho rồi… Tu hành làm gì cho dối thế! Một đàng vợ bỏ, một đàng không chồng, phải duyên phải nợ rồi!
Số là ở chùa Mương Cao vừa có một ni cô lạ mới về lo đốt nhang tụng kinh, cái đêm Điệp say nằm ngủ ở ngoài sân có người thấy ni cô ra ngồi nói chuyện bên Điệp. Từ tin đó mà đồn ra: ni cô tằng tẹo với Điệp.
Thời gian lặng lẽ qua đi ở cái xóm chùa, người người tất bật với công việc. Một buổi chiều vắng vẻ, Điệp vuốt đầu con trai:
– Từ nay con khỏi đi ở đợ cho người ta mà ở nhà đi học, phụ giúp nuôi gà, nuôi cá với cha.
– Lấy tiền đâu làm vốn? – Con Điệp hỏi.
– Người tốt bụng ở xóm và chánh quyền xã ấp đã hỗ trợ cho cha vay một số tiền đủ để làm lại từ đầu.
BT: Vương Chi Lan