Chợ quê ( Phần I ) – Nhật Hồng
Bóng đêm trùm xuống con đường làng quê như hẹp lại bởi những tán lá cây gie ra. Bốn bề yên lặng, lâu lâu vài tiếng chim cú phát ra từ lùm cây bụi chuối đâu đó làm lạnh tóc gáy. Điệp cố gắng dùng hết sức lực bò qua cây cầu chùa. Cây cầu bắt qua mương bằng cây dừa to tướng ngày thường nhắm mắt bước qua cái một, mà giờ này Điệp đi không được phải dò dẫm bò qua. Qua được khỏi cầu cơn say níu hai chân Điệp lại, anh ngã chúi vô hàng rào, cố gượng đứng dậy đi tiếp nhưng không được đành nằm gối tay lên đầu miệng lè nhè câu vọng cổ: “Lan ơi! Đừng cắt dây chuông đừng lạnh lùng khép cổng…”
Đàn chó sủa hú họa theo vang vội cả xóm thức giấc. “Thằng Điệp say nữa rồi! Uống chi dữ vậy! Mẹ nó ở nhà trông ngóng, từ ngày bà ấy bị tai biến đôi chần yếu xìu chỉ ngồi loay hoay trên bộ ván, xích tới xích lui trong nhà mọi việc trông cậy vào thằng Điệp! Giờ Điệp say xỉn, tội nghiệp cho bà Sáu một đời đấu tranh kiên quyết với giặc, ở với lối xóm chí nghĩa chí tình, con cái hy sinh hết sống với thằng cháu kêu bằng cô, nay như vậy chắc bà khổ lắm! Đời bà đã khổ, lại khổ thêm, người tốt hay gặp cảnh khốn cùng.”
Hình ảnh của bà Sáu luôn là dấu ấn tình cảm sâu đậm trong lòng bà con láng giềng. Chiếc xuồng và đời bà có quan hệ thân thiết, thuở lên sáu tuổi, cũng vào mùa nước nổi bà ngồi trên xuồng mải mê vớt từng cánh hoa ô môi, xuồng đứt dây trôi dạt bà dùng cây sậy nhỏ xíu vít móc một lúc lâu xuồng tấp vô bờ, từ đó bà biết bơi xuồng trên sông nước. Khi lớn lên, bà đi xuồng nhiều hơn đi bộ, chiếc xuồng và đời bà gắn liền với nhau như hình với bóng. Khi mới mua chiếc xuồng cho đến khi cũ kỹ, hư mục bà chăm sóc chùi rữa, kỳ cọ cẩn thận. Đến khi không còn đi được nữa, bà xóc tréo bốn cái cây bằng cườm chân nhờ người hàng xóm khiêng lên để ngay ngắn, tẩn liệm vào đầy ắp đất và rơm hoai mục để đó. Chờ cơn mưa đầu mùa kéo về, tự tay bà vun xới trồng: một mớ hành, một mớ rau húng đất, mớ rau rấp cá, ngò, quế, rau răm. Một vườn rau tươi xanh tốt trên chiếc xuồng, nếu như nấu canh chua, có ngò, quế. Gà nấu cháo xé phai trộn gỏi có rau răm, hành ngò… Đủ món gia vị cho bữa ngon miệng ở miền quê xa phố chợ. Không có ai cản được bà với chiếc xuồng, mùa khô cũng như mùa nước nổi cứ lang thang ngoài đồng ruộng, mảii miết hàng buổi, hàng ngày. Đói, bà tấp xuồng vô bóng cây mở gói cơm mo cau ăn với muối ngon lành. Cơm, bà thức sớm nấu hơi nhão một chút, mo cau rửa sạch cho cơm vào đủ phần ăn túm lại nhồi bóp. Cơm nhuyễn dính lại thành cục dẽo khi ăn, cắt ra như bánh tét. Một gói cơm mo cau và gói muối nhỏ là lương thực trong ngày của bà, có khi bà dùng muối mè mang theo như ăn cơm nếp ngon đáo để.
Người lối xóm đến chơi thấy bà ăn cơm mo cau, khuyên:
-Bà Sáu ơi! Giờ nồi xon, ca mèn thiếu chi, mà không dùng bới cơm mang theo, bày vẽ cái thứ này chi cho nhọc sức!
– Cô, chú không biết! Ăn cơm này ngon! Là bánh của tui đó, ăn mà ghiền!
Ngày lang thang ngoài đồng ruộng, khi về xuồng chở đầy các thứ: Môn nước, ốc, cua, bông súng, rau dừa. Rau dừa là loại rau mọc trên mặt nước, lá nhỏ li ti, mình có phao nổi, cọng đo đỏ ăn với mắm kho là tuyệt. Bông súng, bà ngồi bó lại đem chia cho hàng xóm, ốc cua bà cho mấy thằng cháu luộc ăn, đôi khi bọn nó nhâm nhi với xị đế cười nghí ngố: “Món này ở chợ quý hiếm lắm! Đặc sản của vùng quê đó!” Thấy vậy lối xóm không đành lòng nhận không, người ta kín đáo đem tiền nhét vào giỏ trầu của bà, không khéo, biết được bà giận: ‘Tao cho tụi bây! Chớ tao không bán”. Còn môn nước, bà bó lại đem ủ, đợi 3 ngày sau cọng môn vàng như nghệ óng ánh. Bà đem ra sàn nước nhồi đạp nhừ tử, rửa thật sạch cắt 3 phân vô nồi thau, trộn nửa chén tỏi đâm, một vốc ớt sừng, một muỗng muối, các thứ trộn đều cho vào hủ chắc nước cơm vo vào, ba ngày sau môn trở thành dưa. Một món dưa hương vị hết sức độc đáo ở vùng quê, ai cũng mê thích món dưa môn của bà Sáu.
Thấy cảnh nhà đơn chiếc, người hàng xóm đem con cháu đến ở với bà hủ hỉ sớm hôm. Bà Sáu tâm sự:
“Đời tui cực khổ lắm! Thuở còn bé, gia đình nghèo cơm không đủ ăn, tôi phải đi giữ em cho nhà giàu, năm hai mươi tuổi lấy chồng, bên chồng nghèo phải đi cấy mướn, mỗi mùa cấy năm sáu chục công. Cấy từ đất dâm đến đất liền, hai bên háng thâm sưng vù phải xát bằng gạo nhai, còn hai bàn chân lỡ kẽ ngón, tay thúi móng hết trọi như cùi. Vậy mà không đủ ăn. Bởi cảnh vay trước trả sau, lãi mẹ đẻ lãi con, đời cơ cực lắm! Vừa dứt cảnh cơ cực đến cảnh kềm kẹp thời Luật 10 năm 59 (*), lính làng lùng sụt khắp nơi, sát hại chồng tui. Tui góa bụa nuôi con, chống chỏi với giặc. Khi nghe tin con trai lớn Đỗ Văn Lợi hy
(*) Luật của chính quyền Sài Gòn năm 1959, bắt những người làm cách mạng xử chém bằng gươm máy.
sinh ở trận Ông Hào năm 1965, tôi đau đớn lắm không tả nỗi. Niềm đau chưa dứt thì năm 1970 thằng con thứ Đỗ Văn Tình hy sinh, năm 1972 thằng út Đỗ Văn Giếng cũng hy sinh theo các anh nó ngay trên quê nhà. Tui cô đơn, buồn lắm! Lao động suốt ngày cho quên, đào hầm bí mật nuôi chứa cán bộ cho bớt nhớ con. Thấy cán bộ như thấy con mình. Có lần vừa đem cơm từ hầm về, bọn lính ập tới, tôi bình tĩnh bỏ chén tô xuống mương giả bộ nhanh chân rượt đuổi bầy gà gần đó! Miệng hô lên:
-Bắt dùm tui, bắt dùm tui con gà trống mấy chú ơi!
Bọn lính mừng húm, nhanh tay túm luôn số gà trong sân bỏ vào ba lô đi mất. Gần 3 tháng tui mới hết buồn vì mất ráo bầy gà từng chắt chiu hằng ngày bằng con mối lẫn cơm nguội. Nhờ trời nuôi cho tui dẻo dai hai cánh tay, có vậy tui mới sống đến ngày nay”. Tài sản, vốn liếng của bà chỉ có một chiếc xuồng, hai hủ dưa môn và một cái diệm bằng sành. Một hủ dưa môn đầy, hủ kia cũng đầy nhưng bên dưới là tài liệu, thuốc men, đồ dùng của anh em cán bộ chiến sĩ cách mạng. Sáng sớm bà ở chợ bán dưa nắm tình hình, trưa về vùng căn cứ cách mạng, xuôi ngược mái dầm hôm sớm, áo sờn vai vì mưa nắng và lốm đốm những mủ dưa môn thâm quần da thịt.
Bà Sáu kể: “Có lần tuởng đâu không còn. Khi tui vừa bơi lọt vô vàm kinh, hai bên bờ đông nghẹt lính, đầm đầm sát khí chuẩn bị cho cuộc càn quét đẫm máu. Xuồng tui bị chận lại.
-Kiêu tui hả! Hả? Mua dưa môn hả… Hỏng có nghe!
Bà giả vờ điếc lác ghé bên này, ghé bên kia, một hồi bà lần xuồng đi mất. Bà Sáu gắp rút bơi về cho mấy đứa con cháu đang họp hay, nếu về không kịp lần đó chắc ít còn ai sống sót.
Vết xẹo lớn nằm vắt qua bắp tay càng co nhúm lại mỗi khi bà đưa tay lên vuốt mồ hôi trên trán. Bà nói: “Các dấu này là kỷ niệm của tui liều mạng với thằng chủ ấp. Trưa hôm đó, bốn bề yên lặng, bỗng có tiếng la hét, tiếng chân chạy rầm rập làm cho cả xóm náo động. Tui vừa bước ra cửa chợt thấy thằng Bảy, thằng Tình mặt mày tái mét cấm đầu chạy, theo sau thằng chủ ấp và tốp lính rượt khẩn cấp. Thằng Bảy chỉ nói được mấy câu: “Nó bắt con đi lính Bà Sáu ơi!” rồi khuất qua bụi chuối sau hè. Hai tiếng “Bà Sáu ơi!” tự dưng tui… Lột cái khăn vằn đang đội trên đầu nắm trong tay thật chặt, khi thằng chủ ấp vừa trờ tới, tui quấn mạnh vào mặt nó, bất thần nó có té nhàu trên sân kéo theo tui lăn cù. Tui vừa lồm cồm ngồi dậy, thằng chủ ấp cũng kịp đứng lên hung hăng đạp vô ngực tui một cái thật mạnh, tui té nằm vắt qua miệng lu nước, lu nước bể cườm tay tui đứt máu ra lênh láng. Bọn lính ập tới, có thằng đòi trói lại, có thằng lấy bông băng cầm máu. Đám lính nhùng nhằng, thằng Bảy, thằng Tần chạy mất. Bà con lối xóm hết lời khen ngợi tui, nhất là vợ của thằng Bảy lạy lục cám ơn: “Không có bà liều mạng với lính, chồng con bị bắt đi lính chết là cái chắc!”
Bà con lối xóm hết sức thân yêu với cái vóc dáng nhỏ con ốm yếu nhưng ý chí của bà Sáu mạnh mẽ vô cùng. Những năm chiến tranh ác liệt, trận đánh đám lính Bình Định ở Mương Ngang có một du kích của xã hy sinh. Lính không cho lấy thây, ý đồ để nhử… Ban đêm người của ta ra lấy thây sẽ bị hốt gọn. Với quyết tâm của xã đội là: “bất cứ giá nào cũng phải đem đông chí mình về cho được, dù phải hy sinh thêm.” Phương án đã lên. Tui biết được, nghỉ bụng… “Cái gì mà lớn lao dữ vậy tụi bây? Để tao!”. Không ai tin được, trưa hôm đó cái thây biến mất giữa ban ngày trước mặt hai thằng canh giữ, chỉ ngủ gật 15 phút. Sau đó, người tín cẩn thỏ thẻ hỏi bà Sáu: “Bà làm cách nào mà êm ru?” Bà cười: “Bọn chúng chú ý tăng cường vào ban đêm, ban ngày chúng lơ là: “Việt Cộng có ba đầu sáu tay ban ngày làm gì dám ló mặt ra?” Tui biết được ý đó, bơi xuồng đi cắt môn làm dưa đến tận nơi đ/c mình nằm, tui lăn cái thây xuống mương, xé đôi chiếc khăn vằn trên đầu nối lại buộc lòn vô nách, nói thầm: “Đi theo bà về con ơi!” Một tay vịn xuồng, một tay kéo xác thằng cháu xuống nước nó nhẹ re hà! Tui đưa đến nơi an toàn.
Đối với Bà Sáu, chừng như không có việc gì mà bà ngán ngại, làm không được. Gay go nhứt là bận bà chận đoàn xe lội nước:
-Tiết trời tháng bảy âm lịch, vừa xế chiều, được tin đoàn xe thiết vận xa M113 (ở quân khu IV của Sài Gòn ) đi càn về từ Trường Thành, Lung Đưa qua Định Môn qua đồng Rạch Tra. Nơi nào xích sắt của xe cán qua chỉ còn toàn là đất bùn nhão, lúa chết sạch! Bà nóng ruột “chết lúa dân”, rủ bà Mai Thị Sóc, bà Năm Trầu (người dân tộc Khmer) cùng một số chị em khác quần vo, áo vận gọn gàng bươn bả ra đồng. Đoàn xe vừa chồm lên, Bà Sáu căng tay ra, xe lội nước khựng lại, súng hạ nòng chỉa vào bà, bọn lính quát nạt: “Làm gì đó! Việt Cộng hả?” Bà Sáu dõng dạt nói lớn: “Cho tui gặp ông chỉ huy!” “Không có chỉ huy nào hết, tránh qua một bên. Nếu không tao cán nhừ tử bây giờ” “Cán đi”. Thấy tốp người đàn bà tay không cản trở trước đầu xe, thằng chỉ huy bước xuống, quát nạt: “Muốn chết hả!”
Bà Sáu ôn tồn:
-Chú có học, làm quan. Làm quan phải biết tôn trọng lẽ phải chớ! Đây là lúa đang tươi tốt, mấy ông căng xe chạy cán nhừ tử, còn gì là hạt ngọc của trời. Mấy ông cũng ăn cơm mà sống, nở lòng nào làm như vầy cho đành. Phải chi ở đây là bãi chiến trường mấy ông chạy trối chết thì không nói gì?
Vừa có lý, có lẽ vừa cương quyết, thằng chỉ huy nhượng bộ cho xe bò xuống rạch từ từ đi về.
Sau ngày hòa bình năm 1980 bà Sáu được tôn vinh Mẹ Việt Nam Anh Hùng với tên thật là Trần Thị Mận. Hôm trao nhà tình nghĩa cho bà Sáu cán bộ huyện tỉnh hỏi bà sống với ai:
Bà trả lời:
– Sống với bà con lới xóm!
– Bà đang ở với ai!
– Ờ! Ờ! Con tui chết hết rồi, giờ ở với thằng Điệp là con của đứa em trai, nó gọi tui bằng cô. Cha mẹ nó cũng chết hết khi mới năm tuổi.
Đoàn bắt tay ra về chúc bà: “Vui, khỏe, sống lâu!”. Bà Sáu cười móm mém nói:
-Tui hổng có… Nghe! Thiệt chớ không phải giả bộ!
Cả nhà cười rộ trong không khí vui mừng.
***
Xóm làng ngày một đổi mới. Bà Sáu cũng với chiếc xuồng với mấy hủ dưa môn. Người lối xóm khuyên:
-Bà già rồi, ở nhà nghỉ cho khỏe, ở nhà vẫn có tiền có gạo đủ sống, đi bán dưa chi cho cực!
-Nghỉ ở nhà buồn lắm! Hôm nọ, chiếc xuồng hư, kéo lên trét mà tôi dã dượi như bị đau bệnh. Nghỉ không được bây ơi!
Thấy vậy, bà con lối xóm đem giấu mấy cái hũ sợ bà đi cắt môn cực khổ. Ít hôm sau bà Sáu đau nằm liệt trên giường, người ta chở ra bệnh viện huyện, bà ngồi co ro, khi bác sĩ đến khám bà lắc cái đầu:
-Tui buồn, tui nhớ cái mùi hanh hanh, chua chua của dưa môn dữ lắm! Hồi hôm nằm ngủ ở đây chiêm bao thấy đi bán dưa môn, đi tiếp tế cho bộ đội, lính đi càn đông nghẹt, trên trời thì máy bay, dưới đất thì xe lội nước. Chợt thương thằng Tám, thằng Năm ở Sư 30, tui cấp tốc bơi về cho tụi nó hay. Bơi… Bơi mãi nhưng có bàn tay vô hình nào nắm trì kéo lại. Tui cố tình vùng vẫy, vùng vẫy đến ngất xĩu. Thằng Tám bị bom dầu cháy co quắp, thằng Năm bị xe lội nước cán nhừ tử. Lạy trời cho các con bình yên trở về.
Người nghe như cơn mơ, cơn mơ có thật! Bác sĩ hết lời an ủi, tận tình chăm sóc, cho ăn uống bồi dưỡng, chích thuốc khỏe rồi cho bà về. Về nhà nghe nơi nào có môn nước bà bơi xuồng tới, thấy nước nổi thì bơi xuồng tắt qua đồng, qua ruộng, mùa khô thì đi theo kênh rạch. Những năm còn sức khỏe tốt, người lối xóm thường mách cho bà:
– Ở chỗ đó có đám môn tốt, ở chỗ kia có đám môn tươi.
Thấy sức khỏe của bà ngày càng yếu đi, người lối xóm dặn với nhau:
– Đừng cho bà Sáu biết nơi nào có môn, tội cho bà lắm!
Không ai chỉ thì bà đi tìm, đi kiếm. Với quán tính, với nhiều năm kinh nghiệm ở miệt vườn, bà Sáu dòm xuống dòng nước, con mương, bà biết nơi nào có đám môn tốt hay xấu chẳng sai chút nào. Lẩn quẫn với công việc bơi, cắt, chở, có lần bà chở khẳm đứ một xuồng môn nước, xuồng bị rướn lên nọc lủng chìm, môn trôi người thì hì hụp. Người ta đến vớt kịp bà lên, tưởng đâu bà sợ không dám đi nữa, nào ngờ nghỉ được vài hôm bà lót tót đi tìm môn cắt tiếp.
Sau đợt đi cắt môn, đến việc đi bán dưa môn, mái dầm cùng mằn của bà Sáu nối liền các xóm nghèo heo hút. Quá thương tình bà, người ta mua hộ dưa, không ăn cũng mua, mua biếu cho người khác. Có khi người mua trả tiền gấp năm ba lần, bà một mực từ chối. Thấy vậy, người thân quen nhét tiền vào giỏ trầu dưới lái xuồng của bà. Tiền bán dưa, bà Sáu sắp từng tấm, từng loại cất kỹ, kỹ đến nỗi mối ăn mà không hay.
Hũ dưa môn của bà Sáu ngày một lưng dần, ban đầu, bốn hũ và một diệm đầy ắp, về sau còn vỏn vẹn một diệm sành lưng lững nằm lỏng lẽo dưới khoang xuồng. Khi xưa, bà bơi chuyến hành trình dài thật dài, xa thật xa, suốt ngày đêm không mỏi. Theo tháng năm giảm dần, rút ngắn lại, ngắn lại… Chuyến gần nhứt bà Sáu ra khỏi nhà vài trăm thước buông xuôi mái dầm ngã ngoẻo mình dưới xuồng, cũng may bà không ngã xuống nước. Bà Sáu được người ta đưa về chữa trị hàng tháng mới khỏi, nhưng hai đi chân chậm chạp, Bà thường lẫm nhẩm trong miệng:
– Cuối vườn chú Tư có đám môn tốt lắm bây ơi! Trả cái hũ cho tao vô kháp môn này ngon lắm! Mùi chua chua, hanh hanh của dưa môn làm sao mà quên được bây ơi! Cá linh, cá sặc non kho lạt chấm dưa môn, đời đời ngon bây ơi!
Bà Sáu không bơi được xa, ở nhà bà thêm tật nói nhiều. Bà ngồi kể chuyện đời xưa hàng giờ cho người hàng xóm nghe. Được kể, bà vui nên lối xóm tựu lại những buổi trưa ngoài chái hè để nghe bà kể chuyện:
“ Sông Ô môn thiên nhiên bắt nguồn từ chợ Vàm Thới An chạy vô khoảng chục cây số là cùn, vào đầu thế kỷ thứ XIX nhầm khai thác tiềm năng nông nghiệp và vơ vét nguồn tài nguyên của xứ ta người Pháp mới đào nối những con kinh, như: Xáng Bà Đầm, Thị Đội, kinh Đứng thọc sâu vô một vùng đất rộng mênh mông giáp với U Minh, Rạch Giá hình thành các đồn điền lớn trên địa phận Cần Thơ. Đồn điền Bảy Ngàn do quan Tây Albert Gressier, Paul Eméry Cờ Đỏ, Labas the Kế Sách Phụng Hiệp. Đời sống người dân lúc bấy giờ vô cùng cơ cực, lúa 1 cắc 1 gịa, dầu lửa trắng 4 cắc 1 xị, vải 3 cắc 1 mét, bên cạnh đó người nam lao động trong hạng tuổi phải đóng giấy thuế thân 2 đồng rưởi một suất có lúc lên đến 7 đồng, mới được đi đây đó. Hai đồng rưởi bằng 20 giạ lúa lúc ấy dân làm gì có hai mươi giạ lúa trong lúc con vợ đói meo. Trong cảnh cơ cực ấy nhờ có chi bộ Đảng ra đời tháng 11 năm 1930 ngay trong đồn điền Cờ Đỏ của Pháp, Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng đấu tranh giành thắng lợi tháng 8.1945 đất đai trả về cho nông dân.
Dọc theo sông Ô Môn Pháp mở con lộ đá chạy vô Thới Lai, Cờ Đỏ, con lộ đá coi như giao thông chính của vùng đất này. Cách con đường lộ đá này vài cây số thôi mà bị cô lập bởi sông rạch chằng chịt, cầu tre lắc lẻo, như ốc đảo giữa đồng. Cái xứ gì mà mùa nước nổi, nước lênh láng trên đồng, qua mùa khô dòng rạch chỉ còn một đường nước nhỏ xíu như sợi dây, xăn quần lội qua không ướt. Đi xuồng phải đợi nước lớn bơi mới được, từ đây ra chợ Ô Môn chừng mười cây số nhưng đi và về cả buổi. Nên lâu lắm bà con mình mới ra chợ một lần, mỗi lần đi chợ hú hí đi cả xóm. Bà Sáu ao ước:
– Biết chừng nào có đường xá hanh thông chị em mình đi nhóm chợ, chắc ngày ấy vui lắm!
– Sợ khi đó tụi mình không còn…
BT: Vương Chi Lan