Chợ quê (Phần 8 – 9) – Nhật Hồng
Phần 8
Người đàn ông xuất hiện trong đêm dạ tiệc: hào hoa, trang nhã lịch sự làm cho Phương Hoa chú ý. Tình yêu đến với nhau một cách tự nhiên, mãnh liệt. Hôn nhân được tổ chức sau một năm quen biết. Tuần trăng mật tuyệt vời, hạnh phúc ở Nha Trang, Phương Hoa thấy mình như cánh én chao liệng giữa mùa xuân đầy hoa lá. Trong hương tình ngây ngất đó, Hoa nhận ra người chồng của mình có một đầu óc kinh doanh độc đáo có thể ngang tầm ngang sức với những người đang thành đạt. Mục tiêu phấn đấu, kế hoạch đề ra, biện pháp thực hiện, Thành tính toán chi ly, chính xác. Hiệu quả bất ngờ thành đạt của chồng làm cho Phương Hoa nức lòng. Được đà Thành như cơn lốc xoáy hội tụ gió mưa để hình thành cơn bão lớn. Trong số bạn bè đang hì hụt bận bịu với tiền nong, nhà, xe, Thành và Phương Hoa dư thừa những thứ tiện nghi ấy! Thành như mũi tên luôn lao về phía trước, phía mục tiêu của Thành là: Tiền vàng, địa vị còn lại tất cả đều là phương tiện. Cả đến người vợ ắp yêu trên tay đối với Thành cũng là phương tiện.
Hoa đẹp duyên dáng, có học đặc biệt là con của cán bộ tập kết có bề thế lớn ở thành phố, là những viên gạch cho chàng bước lên. Thành thường rù rì bên tai Hoa: Người đàn bà giỏi trong giao tế là biết dùng duyên dáng nụ cười, đôi mắt của mình để xả giao. Ngày mai em đi với anh gặp mấy ông đại diện của các công ty Hàn Quốc, Hồng Kông nên sử dụng chút ít vốn liếng cái đẹp của em nhá! Thành còn rước thầy về dạy cho Hoa nhảy và hát. Thành nói:
– Đôi khi nhảy, hát cũng góp phần không nhỏ trong việc thành công cho sự nghiệp của mình. Theo anh, em nên tập cười: Cười nụ, cười duyên, cười cởi mở, cười tình tứ. Mà nhớ trong khi cười tình tứ đôi mắt phải tình tứ, nhịp nhàng với nụ cười, nếu không nụ cười trở nên trơ trẻn vô duyên.
Trong ánh đèn màu mập mờ, xập xình tiếng nhạc vòng tay lờ lửng của đàn ông trên vai, Hoa đôi lúc thấy mình muốn mềm nhũng. Chợt Hoa nhớ tới Thành vụt tuôn chạy về chỗ ngồi, nốc hết cóc rượu cho đầu quay cuồng đừng suy nghĩ gì thêm. Đêm ấy, Hoa về khóc rắm rức với Thành:
– Anh có thương em hay không! Thương tại sao anh buộc em phải làm như vậy! Anh có biết rằng đối với em như thế là sỉ nhục là tổn thương tình yêu em dành cho anh?
– Vậy trên sân khấu người ta yêu đương ôm ấp với nhau đó sao, rồi khi về nhà tình cảm vợ chồng nghệ sĩ ấy cũng hạnh phúc có gì đâu! Em hãy tự đặt mình là diễn viên để khỏi phải ray rứt.
– Nghệ thuật trên sân khấu là nghệ thuật! Còn em với anh đâu phải là diễn viên trên sân khấu. Hợp đồng đối tác với nhau trên lĩnh vực kinh doanh mà anh bắt em phải giả dối với chính mình, em không thể làm được! Và cũng không có lần thư hai đối với em. Lần đầu tiên Phương Hoa cãi vả với Thành.
Thành cười:
– Em không chịu thì thôi! Anh phải tìm người khác đóng vai đó!
Ăn ngủ, nghỉ… với Thành luôn là công thức không lẫn lộn được. Hoa cảm thấy cái công thức của chồng cực kỳ máy móc vô cùng bực bội với nàng. Những bữa tối trong bộ quần áo ngủ mỏng dính trên da thịt, Hoa nghe cơ thể mình mát rượi, lên giường gối chăn êm ái, thoang thoảng mùi thơm lãng mạn Hoa nghe rạo rực trong lòng, nghe con tim đòi hỏi yêu đương. Hoa ôm chồng ve vuốt, Thành chập chờn trong cơn ngủ, nói như mơ:
– Để anh ngủ cho khỏe, mai ký hợp đồng với công ty X. quan trọng lắm! Rồi! Anh với em sẽ đi Nha Trang chơi. Mai… Rồi!
Hoa đã chán ngấy cái từ ngữ tân cổ giao duyên ấy với tháng ngày. Ước mơ của Hoa là được làm mẹ, được có con, được chăm sóc con, bữa cơm tối đoàn tụ bên chồng sau một ngày làm việc. Bữa cơm không cần nhiều thịt cá, chỉ có rau đậu cũng được, miễn mặn mà tình nghĩa với chồng là được. Người ta nghèo chạy xe ôm mà chiều về quay quần bên mâm cơm cùng chồng vợ thấy mà ham. Mỗi lần đặt vấn đề con.
Thành gắt gỏng:
– Gấp gì việc đó! Có tiền trước đã, vả lại em mà có con rồi mất đi dáng vẻ thon gọn làm sao đi ăn nói với anh cho được! Ráng qua giai đoạn khởi đầu, ổn định sự nghiệp trước đã, vợ chồng mình lâu dài trăm năm lận mà!
– Liệu thời gian có chờ anh với em không?
Giằng co tranh cãi có đôi khi nặng lời với nhau cũng chỉ vì ước mơ của Hoa. Ngày Hoa quyết định sinh con cũng là ngày Thành quyết định kiếm người khác thay. Hoa chỉ là một người đàn bà đóng vai ở nhà chăm sóc con. Người bên cạnh Thành là một cô gái trẻ hoạt bát, giỏi dang trong ăn nói đã quấn lấy Thành. Phương Hoa đêm đêm ru giấc ngủ mình bằng nước mắt. Nước mắt thấm dần vào tim, buồn ngắt cõi lòng. Bạn bè góp ý với Hoa:
– Mày có đủ tư cách, có phương tiện nguýt mắt một cái cho con nhỏ đó mặt mày đầy chữ thập coi nó còn nhỏng nhảnh nữa không!
– Để làm gì! Để giữ Thành với mình, để có hạnh phúc như thời con gái mình ước mơ? Không bao giờ! Con người của Thành trừ khi mặt trời mọc hướng tây mới làm cho mục đích yêu cầu của anh ấy thay đổi, mới có thể làm cho anh ta suy nghĩ về hạnh phúc! Tốt hơn hết mình nên nói với Thành bằng tờ “ly dị”. Hoa chưa nói Thành đã nói trước. Hôm ở tòa Hoa không ngần ngại đặt viết ký tên trên giấy ly hôn không một chút do dự! Bởi Hoa biết quá rõ mũi tên ấy đang lao về phía trước với vận tốc tia chớp không có gì kềm hãm lại được. Và Hoa cũng thừa biết rằng: Mũi tên ấy sẽ rơi thê thảm trên sa mạc cô đơn hoang vắng nào đó tan thành cát bụi. Cát bụi đó hiện thân làm những cơn lốc xoáy cuồng vọng vận hành trong không gian làm đảo điên lòng người.
Ra cửa toa án Thành nói với Phương Hoa:
– Em là người đàn bà tốt, thay mặt anh chăm sóc con. Rất tiếc, em không là vợ của anh được!
– Cám ơn anh đã có ý tưởng tốt về người khác!
Phương Hoa gom góp tài sản vốn liếng về quê sinh sống với hy vọng được khuây khỏa nỗi hụt hẫng trong lòng để nuôi con. Nay con làm cho mẹ buồn. Nga ơi, con có biết được nỗi lòng của mẹ đau đớn đến mức nào chưa! Tiền! Mẹ có thể cho con khỏi phải vất vả, nhưng cô đơn, buồn, biết có để yên cho mẹ hay không!
Phần 9
Bà Phương Hoa thấy căn nhà ở thành phố hai tầng rộng rải mà chỉ có mỗi một con Nga ở nên nói với Điệp:
– Thằng Tùng đậu đại học, đất Sài Gòn thời buổi này khó kiếm chỗ ở, thôi cậu cho nó về nhà chị ở đi, chịu khó đi học hơi xa một chút. Chị thấy bọn nhỏ cũng thích với nhau, thường hỏi thăm nhau.
Ngày đưa con lên thành phố Điệp nói với con:
– Thân phận mình nghèo, ráng lo học để nhờ tấm thân về sau. Ngoài giờ học về nhà siêng năng phụ giúp dọn dẹp công việc nhà nghe con.
Dạ! Con biết mà!
Phương Nga lớn hơn Tùng một tuổi, những đêm trăng chúng thường quay quần bên nhau trên sân thượng nhìn màu trăng trải lên phố. Trăng ở phố không đẹp bằng ở quê vì những ánh đèn làm trăng mất vẻ huyền ảo. Nhưng dù sao cũng đủ gợi nhớ thời thơ ấu ở quê. Đối với Phương Nga ký ức tuổi thơ ở quê rất mỏng chỉ loay xoay những trò chơi điện tử, cùng mẹ đi ăn uống mua sắm, tắm biển, vô vườn du lịch sinh thái… đôi khi đi lang thang ở vỉa hè. Nên Nga rất mê thích chuyện kể về tuổi thơ của Tùng. Nga giục:
– Kể thêm nữa đi Tùng! Chuyện về mùa nước lũ.
Tùng đính chánh:
– Miền Tây không có lũ lụt, chỉ có mùa nước nổi, hệ sinh thái ở đồng bằng có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa nắng từ tháng mười một đến tháng tư, năm. Mùa mưa từ tháng tư, tháng năm đến tháng mười. Khu vực đồng bằng chịu sự ảnh hưởng của hạ lưu sông Mê Kông nên từ tháng bảy, tháng tám nước từ từ dâng lên, đến tháng mười nước từ từ rút đi để lại số lượng lớn phù sa trên đồng ruộng làm tăng độ màu mở của đất. Trong những tháng nước nổi này mang về vô số tôm cá là nguồn thu hoạch cho người dân sau vụ lúa. Ở miền núi lũ sạt lở đất, cuốn trôi nhà cửa, hư hao tài sản, có tính cách vô chừng. Còn ở đồng bằng nước về sớm hay muộn, lớn hay nhỏ thôi, có lợi cho dân, sao gọi là lũ? Những năm nước nổi ít, nông dân buồn vì ít tôm cá, thiếu phù sa lúa không trúng mùa. Ngoài lượng phù sa vướng mắc lại trên ruộng đồng còn nhiều loại cá giúp cho người dân có những bữa ăn ngon miệng. Tùng nhớ hoài mùa cá linh từ tháng bảy, tháng tám âm lịch, trứng cá linh ở thượng nguồn trôi xuống, vừa nở vừa lớn, tràn lên đồng ruộng ăn phiêu sinh vật. Đến mùng mười tháng mười không hẹn mà chúng đồng loạt làm cuộc hành hương về thượng nguồn. Người ta giăng lưới, chà, nò dùng mọi cách bắt cá. Những con lá linh trắng nuốt, ú na ú nần to bằng ngón tay cái bụng chứa đầy mở. Cá linh chế biến nhiều món như: Cá linh kho mắm chấm bông điên điển, kho lạt, nấu canh chua, cá linh cho vào cối xay nhuyễn làm chả cực kỳ hấp dẫn hoặc cặp rắp nướng, mở chảy tắt bếp. Dân nhậu rất khoái món này, chỉ vài chục con với bình rượu là say tới bến. Ăn không hết người ta làm mắm để mùa sau. Mắm cá linh ngon hơn mắm cá sặc, cá rằm nhưng không để ăn lâu được, chỉ dùng trong 4 tháng. Có người xẻ phơi khô để dành nướng trộn gỏi hết chỗ chê!
Tùng mê mùa nước nổi với cái thú dong xuồng lên ruộng hái bông điên điển. Vào mùa, bông điên điển nở vàng rực như mai xuân. Bọn con nít hái đầy cả nón lá đêm về cho mẹ làm nhân bánh xèo ngon đáo để. Còn gỏi bông điên điển ăn một lần nhớ đời, cái mùi thơm đặc trưng, vị mật ngon ngót đọng hoài trong cổ.
Tùng nhớ lần đó, cùng ba đứa con gái xuống xuồng đi hái bông. Bông điên điển từng chùm đong đưa trong nắng vàng chóa mắt làm say mê bọn trẻ hái quên thôi. Bỗng mây kéo đen nghịt, trận mưa như trút nước, bốn đứa ngồi chen che mấy tấm lá môn trên đầu, vừa lạnh vừa run, vừa đổ lỗi cho nhau: “Tại mày rủ tao đi! Kêu về mà hỏng chịu về! Tối về má tao đánh chết!”
Bây giờ có đứa có chồng có con, gặp nhau kể nghe mặt mày nó sượng sùng.
Nga vọt miệng hỏi:
– Ngồi chung có quèo móc người ta hay không ông con?
– Có biết gì mà quèo móc. Lạnh lo cắn răng miệng đánh bò cạp gần chết!
Nga tò mò hỏi:
– Tùng biết gieo trồng lúa không!
– Biết chớ! Nông dân chính gốc mà!
– Khi vào mùa thu hoạch lúa vàng rực cánh đồng thơ mộng, đẹp lắm phải không!
– Đẹp thì có đẹp, như không thơ mộng như Nga nghĩ đâu! Nga có biết người nông làm ra hạt lúa bỏ ra bao nhiêu công sức trong đó không! Nếu tính từng ngày công, tiền giống, phân thuốc thì vụ đông xuân chỉ lời năm bảy giạ lúa trên công, còn những vụ sau phá huề có khi lỗ, nhưng phải làm. Nga biết, giờ mỗi công đất thu hoạch cả tấn lúa vào vụ chính, nghe nói thì nhiều, ham lắm! Nhưng thực tế nông dân vẫn nghèo, nhiều người sang bán ra thành tìm cách mưu sinh. Tại sao biết không? Phân thuốc ăn hết! Người làm ra phân thuốc bỏ mọi thứ chi phí tự định giá thành, bán bao nhiêu nông dân cũng mua, không mua bỏ ruộng sao? Chưa nói đến số phân thuốc giả, kém chất lượng đem bán cho nông dân với giá cao, khi sử dụng không hiệu quả dân phải ráng chịu, nói với ai bây giờ? Thưa kiện ai bây giờ? Mặt hàng phân thuốc giá luôn tăng vọt, người ta đưa ra lý do này, lý do nọ rất hợp lý. Còn nông dân chỉ cúi đầu cam chịu. Từ đời này qua đời nọ người làm ra hạt lúa có định được giá cho mình đâu? Mà Nga ơi, tiếp cận gần gũi với nông dân mới thấy cảnh người làm ra hạt lúa vô cùng vất vả, ngược lại, khi nằm xuống vẫn trắng tay. Đời này sang đời nọ như thế! Một điều không ai có thể chối cãi, trong hai cuộc cách mạng đánh Pháp và đánh Mỹ người nông dân là chỗ dựa chính của cách mạng, nông dân cống hiến nhiều xương máu nhứt cho công cuộc giải phóng dân tộc, dân chủ. Chịu mất mát, hy sinh, tù đày tra tấn nhưng lòng dạ vẫn sắt son, không than van một tiếng. Nhưng nay, người nông dân có nhà lầu xe hơi, vàng ký trong nhà không? Trong khi đó, những tầng lớp khác dư thừa. Người nông dân vẫn tiếp tục một nắng hai sương!
Theo ý Tùng Nga nên tìm hiểu thêm về sống nông dân một cách tận tường, khách quan, để mà cảm thông với một tầng lớp đông đảo trong cộng đồng xã hội của mình hiện nay. Gần như phần đông từ nông dân mà ra, nhưng có một điều rất nghiệt ngã đang điễn ra trong xã hội, sau khi đã lột xác nông dân rồi có một bộ phận nhỏ quay đầu bóc lột ngược lại nguồn cội của mình! Thật gớm ghiếc!
Nội của Tùng xưa kia thường nói: “Lớn lên ráng học cho giỏi để thoát khỏi cái cảnh cơ cực như nội đây! Và làm những điều có ích cho nông dân được nhờ, chớ đừng kiếm được một mớ khôn trong đầu rồi quay lại đè đầu nông dân tội nghiệp lắm nghe con!”
Biên tập: Vương Chi Lan