Chợ quê (Phần 6 – 7) – Nhật Hồng

Phương Nga vừa bước vào cửa con Cúm* (* tên con chó) thót ra mừng cụp đuôi, nó ứ ứ trong cổ như chào chủ nhân đi xa mới về. Thật ra, từ thành phố về đây chỉ hơn hai giờ ngồi ô tô nhưng Phương Nga ít khi về, ngoại trừ về để xin tiền hoặc có việc gì đó! Vừa thay quần áo xong dì Hai nấu cơm đã tọt vào buồng to nhỏ với Nga. Cảm thấy cái gì đó ở nhà không bình thương Nga hỏi dì Hai:
– Mẹ con đâu rồi!
– ô đi quan hệ mua hàng.
– Đi với ai!
– Đi với cậu Điệp. À, mà đi một mình cậu Điệp bịnh rồi!
Phương Nga không hỏi thêm:
– Thôi, dì đi làm công việc đi!

Cậu Điệp cũng dễ mến, chân chất, nhớ buổi đầu cậu ấy chỉ có mỗi một chiếc xe ba gác lúi húi đẩy cát đá cho mình. Có lần nhà xẻ trái mít ngon mời cậu vô ăn, cậu không dám vô, đứng khép nép ngoài cửa. Nga hỏi:
– Sao cậu không vô!
– Quần áo bùn đất vô sợ dơ nhà.
Nga cầm miếng mít đưa tận tay cậu ấy!. Tiếng cám ơn thật nhẹ và rõ phát ra từ miệng cậu ấy Nga nghe cảm động. Nói với mẹ:
– Con thấy cậu Điệp thật thà làm ăn chín chắn, mình kêu cậu ấy làm công hàng tháng, có được không mẹ!
– Được chớ!
– Con nghe nói câu ấy bị vợ bỏ phải không mẹ!
– Ừ! Cảnh nhà cũng gieo neo lắm, đất cát của cậu ấy trước đây cũng nhiều, bà Sáu để lại một phần, một phần cậu ấy tạo thêm. Đang lúc làm ăn phất lên cô vợ bao thầu số đuôi đầu vốn liếng tiêu tan hết sạch rồi bỏ nhà đi theo người ta luôn. May thay cậu ấy còn miếng đất cất nhà nằm nơi mặt lộ.

Phương Nga đi vòng ra sau nhà thấy cô gái ngồi rửa chén đầu cúi xuống, người không đẹp không xấu, vóc mình tròn trịa. Nga đi qua mặt hất hàm hỏi:
– Chị là Mai Hạnh phải hôn!
– Dạ phải. Có gì không chị!
Hạnh nhìn thoáng qua cô gái hỏi mình đoán biết: với cái tướng đi, cách nói ấy ít ra cũng là con hay cháu gì của bà Hoa đây! Hạnh vừa lễ phép hỏi:
– Chị có cần dạy việc gì không?
– Không! Chị làm việc đi!
Vừa nói chân Nga bước vội tiếng dép khua lách chách theo vô nhà. Hạnh nhìn theo con người như vừa có sự bất đồng ý kiến gì đó! Bao nhiêu năm lăn lộn giang hồ đời đã dạy cho cô có một cảm giác rất bén nhạy. Thôi! Mặc kệ! Tới đâu hay tới đó!

 

buồn

 

Nga nói với bà Phương Hoa:
– Mẹ à! Công việc làm ăn, mướn người làm công con không ý kiến, như từ trước tới nay mẹ thấy đó! Nhưng lần này mẹ cho con có ý kiến.
– Nói đi!
– Con thấy Mai Hạnh gì đó, dân không gia cư từ Tây Nguyên trôi giạt vô đây, biết đâu là gái điếm, đầu chôm đuôi chỉa? Như vậy mà mẹ cho ở trong nhà được sao? Mẹ nên thu xếp đuổi người ấy đi ngay. Con không muốn thấy bóng dáng người đó trong nhà này!
Phương Nga ngoe nguẩy bỏ đi ra. Bà Hoa gọi giật lại:
– Nga! Con làm cái gì vậy! Việc gì cũng từ từ xem xét coi sao. Riết rồi con cái cũng lên giọng này giọng nọ với mẹ phải không? Mấy năm nay con học ở trường về đối xử với mẹ vậy hả?
Bà Hoa buồn đi ra sân. Điệp cũng vừa bước vô. Bà mừng hỏi:
– Cậu Điệp khỏe rồi hả!
– Nằm ở nhà nhớ công việc, vừa ngóc đầu vội tới đây.
Bà Hoa trách:
– Cậu coi cái thân rẻ như bèo, đã cảm bịnh mà ngủ ngoài sân nhiễm sương gió đêm chết rồi sao!
– Em nằm chơi nào ngờ gió hiu hiu ngủ hồi nào không hay, khi chị đến vỗ vai mới hay. Ngủ gì mà mê dữ vậy hổng biết! Có lẽ tại mấy viên thuốc hồi đầu hôm. Chắc chết cũng dễ chịu như vậy!
– Đừng có nói khùng! Còn con còn cái, ai lo. Nhắm mắt được sao! Nè! Vô đây chị nói việc này với em.
Bà Hoa kéo tay Điệp vô nhà ra dấu ngồi xuống ghế. Bà Hoa nói:
– Con Nga nó về cằn nhằn chị sao cho con Mai Hạnh ở nhà. Nó biểu phải đuổi đi ngay. Ý kiến của cậu ra sao!
Điệp trầm ngâm một lúc nói:
– Việc mướn công nhân hoặc cho thôi việc là quyền của chị, em không muốn xen vào. Nhưng em hỏi chị nhá! Từ khi cô ấy vô đây làm có biếng nhác không, có hoàn thành việc chị giao không! Chị nhận xét đi!
– Thì… con nhỏ làm việc được!
– Ở trong nhà cô ấy có gây sự với ai không, có tham lam cất giấu gì không!
– Tính tình ăn ở thấy nó cũng hài hòa với mọi người. Còn tham lam thì chưa thấy biểu hiện gì! Về quá khứ…
Bà Hoa bỗng dừng lại một chút rồi tiếp:
– Hoàn cảnh đáng thương sáu tuổi mẹ chết, cha có vợ khác ở với dì. Mười sáu tuổi ra thành phố kiếm miếng cơm manh áo, cô ấy muốn được bình yên chẳng lẽ giờ mình đánh mất niềm tin và lẽ sống người ta sao!

Điệp nói:
– Theo em nghĩ, chị nên to nhỏ phân tách rõ ràng với Nga, nó còn trẻ, có học hy vọng nó cảm thông được với lẽ đời. Sự tế nhị của chị sẽ làm cho nó có cái nhìn đúng đắn về con người một cách vị tha đầy lòng nhân ái. Em hy vọng chị có cách thuyết phục được Nga, thôi em đi giao hàng cho người ta.

Điệp vừa nói vội bước ra sân. Bà Hoa nói dói theo:
– Mới hết bịnh coi chừng bị cảm nắng đó!

Điệp đi khuất, bà Hoa đi lần đến bàn viết lật nhật ký công việc, thấy những ý kiến đề xuất của Điệp:
Thứ nhứt: xác định doanh nghiệp của mình làm ăn nhỏ lẻ ở vùng nông thôn mới phát triển nên mở rộng mạng lưới dich vụ của mình bằng cách tạo mối quan hệ thân thiết chung quanh khu vực.
Thứ hai: cũng cố phương tiện chuyên chở nhanh gọn, đưa hàng tận nơi, giá cả sòng phẳng đôi bên thuận mua vừa bán. Móc nối với thầu xây dựng hưởng phần trăm khi đến mua vật liệu ở doanh nghiệp mình.
Thứ ba: xây dựng thêm kho dự trữ sắt thép để có lãi theo thời giá.
Thứ tư: uy tín chất lượng là hàng đầu để doanh nghiệp tồn tại phát triển trên đà cạnh tranh.

Bà Phương Hoa đọc tới đọc lui ý kiến của Điệp, suy nghĩ: Điệp là nông dân rặt, không tốt nghiệp khoa kinh doanh nào mà có những ý kiến rất thiết thực. Đây là lần thứ hai bà phải nghĩ ngợi. Lân thứ nhứt bà xem luận án tốt nghiệp của Thành (chồng bà) và hướng phát triển của công ty, bà nhận xét: Hay lắm! Nhưng quá phiêu lưu mạo hiểm coi chừng sạt nghiệp. Nay bà được xem những ý kiến nhỏ nhưng cũng có thể gọi là phương hướng phát triển công việc làm ăn của bà. Lần này bà Hoa đánh giá: Ý kiến có hiệu quả, phát triển bền vững! Giữa Điệp và Thành hai con người khác nhau một trời một vực. Thành xuất thân từ gia đình giàu có, được ăn học tới nơi tới chốn. Còn Điệp học hành không có bao nhiêu xuất thân từ nông dân được truyền thụ qua những kinh nghiệm thực tế của người đi trước và của chính bản thân mình. So ra, Điệp thiếu học hành nhưng có cái tâm, còn Thành được nhiều thứ nhưng không có cái tâm, nếu như hai người đàn ông này thành một thì vẹn toàn biết mấy!

Nhà văn Nhật Hồng
Nhà văn Nhật Hồng

 

Phần 7

Phương Nga liến thoắng trong bữa tiệc trung thu tại nhà. Cô khoác bộ cánh lụa màu xanh lá non làm nổi bật làn da mịn màng tăng vẻ thanh tân. Ánh mắt và nụ cười hồn nhiên dưới ánh đèn. Bà Phương Hoa nhìn con nhớ thời con gái của mình. Đời mình không được hạnh phúc như nó.
Bữa tiệc không ai lạ, gồm Điệp, chị bếp và vài công nhân thường gắn bó với công việc. Hạnh e dè ngồi nép ở góc bàn lặng lẽ, ít nói. Điệp bị Nga bắt buộc mặt bộ đồ mới đi tới lui lọng cọng.
Nga tức cười, chế giễu:
– Cậu Điệp ơi, áo của cậu như có rệp cho nên ngứa ngáy lắm phải không!
Mọi người đều cười. Điệp hơi sượng. Nga ngồi chen sát Điệp dõng dạt nói:
– Nay nhân đêm trung thu trăng ngoài kia sáng đẹp, doanh nghiệp của mình cũng hanh thông, đó là nhờ có các cô dì chị em, nhất là cậu Điệp tận tình trong công việc, nên mẹ của em thết đãi bữa tiệc bánh này.
Vừa nói Nga chỉ tay về phía cái bàn chất đầy những bánh. Bánh trung thu của các nhản hiệu nổi tiếng ngon và vệ sinh.
– Đây là phần của mẹ, đây của cậu Điệp. Nga cầm bánh chia cho từng người, đến Hạnh thì hết, không biết vô tình hay cố ý. Bà Hoa vội đến bàn lấy phần bánh khác đưa cho Hạnh.
Phương Hoa đứng lên tổng mời.
– Ủa! Còn quên một thứ. Nước Uống! – Nga nói.
– Nước uống thì tùy thích, trái vải, cacola… ướp lạnh. Đặc biệt có rượu khai vị có thể mỗi người nên nhắm một chút cho biết! Có say thì cũng đang ở tại nhà không sao đâu.
Mỗi người như cởi mở với nhau, góp nhau nhiều mẫu chuyện vui làm cho đêm trung thu ngọt ngào hương vị. Phương Nga cầm chai rượu vang Đà Lạt và cái ly đi đến từng người:
– Đây là rượu khai vị uống cho dễ tiêu, một vòng, hai vòng phải cho hết chai mới được nha!
Trăng tròn vành vạnh tỏa sáng ngoài sân, Nga đề nghị:
– Sao mình không ra sân ăn bánh cho mát.
Mọi người đồng ý ngay. Nga sốt sắng nhất trong việc chuyển ra sân. Có rượu chừng như Nga hưng phấn, bà Phương Hoa để ý nhiều lần Nga choàng tay vô tư qua vai Điệp tự nhiên, có khi gác chân qua đùi Điệp. Điệp thì không để ý. Bà Hoa không thích cử chỉ con gái mình nên nhắc khéo:
-Nga! Con như say rượu vậy! Có mệt vô phòng nằm nghỉ, có mẹ ở đây được rồi!
Nga chừng như không để ý câu nói của mẹ.
– Con mà say hả! Hôm liên hoan ở trường con còn uống rượu cao độ nữa kìa. Mấy ông thầy xỉn luôn.
Mai Hạnh là người ít nói ít cười nhất trong tiệc. Cô để mắt từng cử chỉ từng người, có lẽ cô buồn cho thân phận lạc lỏng trong bữa tiệc vui, nên xin phép bà Hoa và Nga về phòng nghỉ sớm.

Bữa tiệc kéo dài đến trăng lên đỉnh đầu mới tan. Đưa Điệp ra cổng, bà Hoa nói khẽ:
– Cậu về nghỉ nghen!

Điệp bước ra đường, mặt nhựa loang loáng màu trăng, từng bước đi như giẫm lên tơ lụa. Màu trăng đẹp dịu dàng hơn màu nắng, nhưng màu nắng thường làm cho người ta nghĩ đến phía trước, phấn đấu, màu trăng ngược lại làm cho người ta hồi ức.
Vừa đến cổng nhà, Điệp dừng lại chừng như có bóng dáng của ai đó!
– Ủa! Hạnh hả! Em làm gì ở đây!
– Em ngủ không được nhân tiện thấy trăng sáng đi lần đến đây. Anh mới về hả!
– Ừ! Mới về! Đến băng đá ngồi cho mát.
Vừa ngồi xuống băng đá, Hạnh nói Khẽ:
– Em có gói này gởi cho mấy cháu.
– Cái gì vậy!
– Bánh trung thu. Mình có ăn mà con không có, tội nghiệp!
Hạnh đưa cái gói bánh cho Điệp. nói:
– Anh không nhận không được!
– Thôi anh nhận cho em vui.
Điệp chỉ táng cây trên đầu, nói:
– Em biết cây này không!
Hạnh ngước lên thấy những chùm bông buông thòng lấp lánh dưới trăng tỏa ra một mùi hương thật dễ chịu. Chưa kịp trả lời Điệp nói thêm:
– Vừa rồi anh qua Vĩnh Long vô vườn thấy gốc cây bằng lăng lâu năm bị chủ vườn bứng bỏ bên mé mương anh hỏi xin, ông ấy cho anh đem về đây tưởng đâu chết nào ngờ qua mùa mưa cây đâm chồi ra hoa thật đẹp. Anh thường ra đây vào ban đêm thưởng thức. Thấy Hạnh hơi buồn buồn, Điệp hỏi:
– Sao em buồn!
– Hơi suy nghĩ một chút!
– Thật ra, anh không thích hoa, không sành chơi hoa kiểng nhưng đối với hoa bằng lăng anh có một kỷ niệm đặc biệt! Thấy bông bằng lăng, nhớ về một người!
– Ai vậy anh!
– Cô Nguyệt! Ni cô tu ở chùa.
– Có thể kể cho em nghe được không!
– Được!
– Sau khi vợ anh bỏ nhà ra đi, anh buồn uống rượu, càng uống càng say mê, bê tha công việc, đi lang thang không muốn về nhà. Đêm đó ngủ ở ngoài sân chùa dưới gốc cây bằng lăng tím, nửa đêm bỗng có một tiểu ni cô ra khuyên anh:
– Anh Điệp! Anh say xỉn, hoặc chết đã đành còn con anh ai chăm sóc, cho nó học hành, rồi đời nó sẽ ra sao đây! Vả lại, anh vẫn còn trẻ, vẫn còn thời gian làm cuộc đời kia mà! Đời của em còn hơn anh gắp trăm lần mà không thể chết. Xưa kia quê em ở vùng sâu vùng xa, cha chết, mẹ bước thêm bước nữa với người đàn ông khác thường say xỉn, luôn hành hạ mẹ con em. Một hôm có người đến gạ ý lên thành phố bàn cà phê, mỗi tháng người ta trả công một triệu rưởi. Ham tiền, ba ghẻ buộc em phải nhận lời, nếu không ông ấy giết chết. Mẹ em sợ, tiễn em đi mà nước mắt đầm đìa. Ở thành phố được một tháng, hôm đó, em tỉnh dậy nghe toàn thân mệt mỏi và nhận ra người đàn ông bằng tuổi ba ghẻ nằm một bên ngáy như sấm. Đời con gái của em đã mất từ đó, niềm tin cũng đã mất, em điên cuồng lao vào cuộc sống thác loạn. Đêm đêm dưới ánh đèn mờ ảo đầu óc quay cuồng theo tiếng nhạc xập xình trong cái thế giới chất ngất phấn son. Một hôm, em cầm tờ giấy kết quả xét nghiệm “dương tính”… qua thời kỳ AIDS. Quá đau buồn không còn muốn sống, em nhảy xuống sông tự vận trong đêm mưa, người ta vớt em đem vào chùa quy y theo Phật. Trong cái khoảnh khắc âm dương chia cách, giữa cái sống và cái chết, em mới nhận ra sự sống là quý nhất trên đời. Còn ở anh sự sống lại càng quý hơn! Không những cho anh mà còn cho đứa con thơ trẻ kia! Tự thắng mình là “đại hùng” Phật đã dạy như vậy! Đêm càng sâu càng yên ắng, hương bằng lăng lan tỏa ngan ngát vây quanh! Anh bỗng dưng thấy lòng bình tĩnh đứng dậy đi về, quyết tâm làm lại cuộc đời.
– Rồi ni cô ấy giờ ra sao rồi!
– Vài tháng sau cô ấy chết, không có một người thân bên cạnh, chỉ có anh lo việc ma chay. Xóm riềng không biết ngọn nguồn sự việc đồn đại anh tằng tịu với ni cô trong đêm ấy và gắn cho người ta cái tội làm ô uế cửa chùa. Tội cho người đã đi tu, ra công làm phước khuyên người mà chịu hàm oan, trước khi nhắm mắt tiểu ni cô còn gắng gượng tụng thời kinh siêu độ cho mọi người. Tấm lòng tiểu ni cô thật đáng quý. Có lẽ, linh hồn cô ấy giờ thanh thản!
Điệp kể chưa xong bỗng Hạnh gục đầu ôm mặt khóc tức tưởi. Điệp giật mình:
– Em làm sao vậy Hạnh!
Hạnh vẫn khóc. Điệp để cô ta khóc tự nhiên, cũng như trước đây mình cũng đã từng say, say tới bến luôn.
Hạnh khóc đã, dần bình tĩnh nói với Điệp:
– Em khóc với anh đêm nay là lần đầu và cũng là lần sau chót vì sáng mai em sẽ rời khỏi nơi này. Biết đâu đây là lần gặp sau cùng giữa anh và em.
Điệp thảng thốt:
– Cái chuyện gì vậy em! Kể hết cho anh nghe coi!
Hạnh lặng lẽ. Điệp giục nhiều lần. Hạnh nghẹn ngào:
– Anh có thấy chưa, người ta đã đối xử với em như thế đó, coi em như rơm rác. Cùng ngồi chung một bàn một mâm, người ta chia bánh cho từng người còn em thì không. Rượu rót từng ly tới em là hết. Được thôi anh à! Em là đàn bà con gái nhưng can đảm có thừa. Mười bốn tuổi rời Tây Nguyên một mình vô xa cảng Miền Đông lang thang tìm việc làm. Gót chân từng đi qua Sài Gòn Chợ Lớn, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận… năm năm sống nơi đất khách quê người biết bao là cay đắng tủi nhục. Rồi bị bắt vào trung tâm phục hồi nhân phẩm ở Thái Lan, gần một năm mới về được quê nhà và cuối cùng gặp anh. Em muốn làm người tốt, luôn có ước mơ như bao người con gái khác. Có một mái ấm gia đình, có chồng con dù nghèo hay giàu cũng được! Mà giờ em thấy muốn bình yên khó quá! Chỉ còn cách em phải chọn thôi: Lăn xả vào con đường thác loạn, bất cần đời, nếu dính vào người căn bệnh thế kỷ càng tốt, em sẽ đem nó chia sẻ nó với nhiều người cho vui.
– Trời! Điệp chạy ù vô nhà lấy khăn thấm nước lạnh lau mặt Hạnh, kéo cô ngồi sát một bên vuốt từng cọng tóc mai lòa xòa trên trán cô. Nói:
– Em hãy bình tĩnh nghe anh nói đây! Bà Phương Hoa tốt với em từ buổi đầu, anh và các người ở đó cũng thương em. Chỉ duy nhất có Phương Nga, nó là đứa con gái mới lớn lên mặc dầu có học, nhưng sống cảnh nuông chiều không hiểu thấu đáo lý lẽ cuộc đời. Rồi đây nó sẽ hiểu ra thôi, em đừng vì một vài cử chỉ nhỏ nhoi như vậy mà vội vàng chối bỏ mọi tình cảm của mọi người đang dành cho em! Anh rất hy vọng ở em sớm nhận ra điều này, anh cũng xin hứa với em mọi việc sẽ không tồi tệ thêm đối với em ở đây. Điệp vừa nói vừa cúi xuống hôn nhẹ lên má của Hạnh. Điệp để yên đầu Hạnh nằm gác lên đùi mình, trong trạng thái lắng đọng tâm hồn.
Điệp nói như ru:
– Nếu như em có thương anh thì hãy về ngủ bình thường như không có việc gì xảy ra. Và em phải hứa với anh, không được rời khỏi nơi đây khi không có ý kiến của anh. Phần anh, anh sẽ làm hết mọi việc cho mọi người hiểu về em, nhìn em một cách đúng đắn hơn. Điệp vỗ vỗ nhẹ lên vai Hạnh. Hứa với anh nghen!
Điệp trầm giọng:
– Đời người ta hơn nhau ở trong lúc khốn cùng mà chịu đựng được, giữ được bình tĩnh. Anh thầm khen em là con gái nhưng rất bản lĩnh, vững vàng khi gặp nguy nan. Nhưng tại sao hôm nay em như vậy!
Giọng Điệp thầm thì như gió đêm đưa trăng xế qua đầu. Điệp lắc lắc vai của Hạnh gọi khẽ:
– Em về ngủ đi, coi chừng bà Hoa đi kiếm đó! Em phải hứa với anh. Hứa đi!
– Ừ!
Hạnh uể oải đứng lên hai tay khoanh tròn vào ngực, chừng như lạnh. Điệp khoác chiếc áo của mình lên vai Hạnh. Hạnh nói:
– Anh vô nhà đi, em về nghe anh!
Bỗng dưng Điệp thấy thương cô gái vô cùng, nắm tay dìu Hạnh ra ngõ. Dìu nhẹ nhàng như sợ động đậy một sinh linh nhỏ bé, yếu ớt vừa mới thoát thai.

Điệp vô mùng trằn trọc mãi không ngủ được. Tại không quen uống rượu? Không phải! Lời của chị Phương Hoa bên tai hàng ngày, sự hồn nhiên của Phương Nga, hay sự hoang mang của Hạnh? Suy nghĩ cứ dập dềnh trong đầu óc không dứt ra được!

Sáng ra, Điệp chưng hững khi nghe chị Hoa cho biết:
– Con Hạnh nó bỏ đi đâu mất rồi!
– Hồi nào!
– Hồi khuya này!
– Chị xem lại đồ đạc vật dụng có mất thứ gì không!
– Không! Bộ quần áo mà chị sắm cho nó mặc hàng ngày nó treo bỏ lại, chỉ lấy số đồ của nó lúc mang đến.
Điệp bấn loạn trong lòng nhưng ra vẻ tỉnh queo:
– Chắc nó đi đâu đó rồi về mà! Điệp giấu kín chuyện hồi hôm. Nói:
– Em đi công việc một chút! Điệp tót lên xe như thường khi nhưng lòng bối rối: Tìm Hạnh ở đâu bây giờ! Xứ này Hạnh đâu có ai thân nhân. Thời buổi giờ giao thông xe cộ thuận lợi, vài giờ là đi biết bao xa, trời đất mênh mông biết đâu mà tìm Hạnh? Hạnh như con thú hoang, đúng là thú hoang. Đang chạy xe Điệp chợt nhớ chuyện ông cha kể lại người xưa mở rừng: Con heo rừng bị người thợ săn đâm vào nách một cây mác thông chí tử, con heo đánh trả lại rồi mang theo cây mác trên mình chạy mất. Người thợ săn theo mất dấu, trong nghề nói với nhau: “Nó tìm đến một chỗ thật yên tĩnh để nằm!” Nơi nào là yên tĩnh của Hạnh? Điệp chay kiếm táo tác các bến xe, các mối chốt giao thông coi có may ra. Nhưng vô vọng. Còn một nơi, cầu may thôi! “Công viên” Điệp định bỏ về, bỗng cái dáng lưng ngồi co rút trên ghế đá ngủ gục. Điệp đến gần, không còn e dè gì nữa ôm chặt lấy bả vai người ấy:

 

yêu
– Hạnh ơi Hạnh! Anh tìm em gần chết! Không gặp được em chắc anh hối hận suốt đời!
Hạnh ngước mặt lên đôi mắt dửng dưng như không có gì xảy ra. Đôi mắt sắc lạnh. Điệp hơi ngượng ngập, nhưng bạo dạng ôm ghì Hạnh hôn lên đôi mắt dửng dưng ấy, cầu khẩn:
– Em về Hạnh à! Nghe lời anh đi!
Vừa nói tay Điệp với lấy túm quần áo. Đôi mắt của Hạnh chừng như dịu lại. Điệp có cảm nhận rằng: Hạnh cô đơn đã quen, dao búa không sợ, chết sống không màng. Thù ghét nhứt là sự thương hại của người khác. An ủi sao phải khéo mới được! Nếu không, càng tỏ ra cử chỉ thương cô ta chừng nào là đuổi cô ta đi mau chừng ấy! Điệp nói:
– Em không về! Anh ở đây luôn.
Điệp cặp tay Hạnh cầm gói đồ ra khỏi công viên nắng trưa gay gắt, Điệp tấp vô quán ăn gọi hai tô phở. Hạnh lặt ngò, thêm ớt, tương vào tô cho Điệp.
Điệp rủ:
– Ăn xong anh và em vô vườn du lịch sinh thái chơi. Chiều về không muộn gì?
Hạnh không ừ không hử.
Vô vườn Hạnh chọn một cái võng, Điệp một cái đánh một giấc tới chiều, thật là ngon.
Hạnh nói:
– Em định lẻn về Bình Thạnh Sài Gòn, bỗng dưng nhớ đến anh, buồn quá kiếm chỗ vắng ngồi nhớ cho đã. Không ngờ anh đến! Em nghĩ, anh tìm em được cũng hay, duyên số mình còn gần nhau! Nếu như em quyết trốn đi thì anh biết đâu mà tìm!
Nhà đã lên đèn, chị Hoa có vẻ như trông ngóng đi tới đi lui ở trước sân. Điệp xuống xe chạy đến bên bà Hoa nói nhỏ nhỏ chuyện gì đó không ai nghe được! Bà Hoa bỗng vui vẻ nói với mọi người:
– Con Hạnh gấp đi thăm người quen mà không kịp thông báo cho chị hay, ai nói nó bỏ đi là không được nghen!
Bữa cơm chiều nhạt nhẻo, không ai nói với ai lời nào. Không khí lạc lỏng chừng như mỗi lúc mỗi một thêm trong nhà.
Hạnh vừa mở cửa định gom mớ quần áo đi giặt, Nga bước vào với bộ mặt căng thẳng. Hỏi:
– Chi Hạnh ở đây hả! Mấy hôm nay về mà không rảnh đến gặp chị.
– Cô gặp tôi có việc gì không!
Nga không trả lời mà giở giọng đỏng đảnh:
– Đi mà có người tìm kiếm rước về, đi như vậy cũng nên đi!
Hạnh nghe máu nóng bừng lên, nếu trước đây thì tay Hạnh đốp vào mặt liền. Cô chợt giằn xuống. Nghiêm giọng:
– Cô là chủ tôi là người làm công. Tôi sẵn sàng nghe và làm theo lời sai bảo công việc của cô. Còn về đời sống riêng tư tình cảm của tôi mong cô đừng nên xen vào! Cô có học nên tự trọng một chút!
– Hừ ! Tự trọng hả! Đối với hạng người như chị mà phải tự trọng sao!
Hạnh nhìn trừng trừng vào mắt của Nga bằng cặp mắt dã thú:
– Ủa! Anh Điệp đi kiếm tôi mà cô cũng tức nữa sao! Mai mốt tôi còn yêu nhau nữa kìa!
Nga trề môi:

– Suỵt! Chị mà cũng biết yêu nữa à!
Hạnh thấy rằng đã đến lúc không cần phải nể nang những con người như Nga. Nói :
– Cô Nga à! Tôi vốn quí trọng cô và kính nể cô vừa giàu và có học thức không ngờ cô lại có những cử chỉ và lời lẽ tầm thường như bọn đĩ điếm như tôi. Tưởng cô lấy cái quyền làm chủ rồi cấm người ta yêu nhau được hay sao?
Nga trợn trừng đôi mắt:
– Tôi không cấm chị, yêu thương ai mặc xác, nhưng nghe sao rờn rợn tiếng yêu phát ra từ môi của hạng gái như chị.
Hạnh nghiến răng, hai mắt long lên như con hổ sắp vồ mồi:
– Cô muốn gì cứ nói thẳng ra đi!
– Muốn chị rời khỏi nơi này càng sớm càng tốt!
– Trước đây, tôi định lặng lẽ ra đi, nhưng bây giờ lại khác hơn tôi muốn ở lại. Mẹ của cô đồng ý cho tôi ở, tôi ở. Bà ấy lên tiếng đi, tôi đi!
– Phải mà! Có nhiều người đỡ đầu bao che gớm ghiếc thật! Bởi thế cho nên… Nga vừa nói vừa phạch bải nước bọt xuống đất đỏng đảnh bước đi. Hạnh khổ sở lê bước đến giường nằm nước mắt tự dưng chảy ròng xuống gối. “Cây muốn lặng mà gió không ngừng.” Thân phận bèo bọt rong rêu bám díu trong kẹt hốc mà cũng chẳng được yên thân. Người ta thản nhiên chà đạp lên mình một cách không thương tiếc!
Đã đủ lắm rồi! Mình phải làm sao đây! – Hạnh tự hỏi lòng. Trước đây, có lần mình chém một nhác dao vào mặt con nhỏ mắt xanh mũi lỏ trước đám đông giữa xứ người mà mình chưa hề sợ ai. Hôm nay, con người của mình nguội lạnh như thế này hay sao! Có lẽ câu chuyện của anh Điệp kể cho mình nghe về cô gái tên Nguyệt gì đó đã làm đổi thay bản tính của mình nhanh đến thế hay sao! Vì bài học không giáo án đó, hay vì người kể. Thôi thì, bề nào cũng được! Chờ xem, nếu nếu cần, đời mình liều một phen cũng chả sao!

Nga ấm ức trong lòng chưa bỏ qua chuyện của của Hạnh, định trước khi đi học phải gặp cậu Điệp cho ra lẽ mới được!
– Cậu Điệp! Cậu là người hiểu nhiều về gia đình của con, mẹ con cho Hạnh ở con không đồng ý và con đã có ý kiến với mẹ rồi, nhờ cậu nói thêm vô dùm nhá! Con về lần nữa không muốn thấy mặt người ấy trong nhà này! Nga nói mà vẻ mặt đanh đá đến không ngờ.
– Có gì lắm đâu mà cháu khẩn trương vậy!
– Con đã nói rồi! Còn như cậu muốn giúp đỡ cho người ta khi sa cơ thất thế thì đem về nhà ở.
Nga gắt gỏng quày quã ra đi. Điệp nhìn theo dáng nhỏng nhảnh của cô gái có tiền mới lớn mà ngơ ngẩn trong lòng. Bà Hoa đứng nép ở mép cửa nghe hết câu chuyện của con gái. Nói với Điệp:
– Tôi xin lỗi cậu, vì không dạy được con. Cậu cũng đừng buồn. Thôi nghỉ tay vô uống nước với chị.
Điệp vả lả:
– Ôi! Nó là con nít, hơi nào mà buồn chị ơi!
– Con Nga từ khi lên thành phố học đến nay tính nó khác lạ, trước đây nó rất ngoan hiền không hiểu nó học được những gì mà nó tự cao tự đại, không nghe lời cha mẹ. Nó tự cho là đúng, người khác đều sai. Tôi buồn qua cậu à!
– Chị nên bình tĩnh, việc giáo dục con cái mỗi lúc mỗi giai đọan khác nhau, bậc làm cha mẹ phải hết sức tế nhị áp dụng cho hợp lý mới được chị! Trước đây, nó là con nít, học cấp một, hai, bây giờ nó đã lớn ngồi ghế đại học hai năm, muốn giáo dục nó phải khác hơn, nó mới nghe.
– Khác hơn như thế nào!
– Kiên trì phân tích mặt trái phải của lẽ đời, cho nó có cái quyền được tư duy, bày tỏ ý kiến của nó. Từ đó nó mới có sự điều chỉnh thay đổi tính nết.
– Tôi mệt mỏi quá rồi cậu à! Có chồng cũng như không, thật là bất hạnh. Đã từ lâu chị cố nén nỗi đau trong lòng để nuôi con, bây giờ con ương ngạnh, còn buồn nào hơn.
Bà Hoa ứa lệ. Chừng như bà đang khổ tâm. Điệp rót ly nước mang đến để trên bàn:
– Chị uống nước cho khỏe!
Điệp thấy cần nên để yên cho chị ấy là tốt nhất, nên lui ra ngoài.

Phương Hoa chưa lần nào cảm thấy ngao ngán chán nản như lần này. Ngày ra trường hồ hởi tự tin với những hào quang rực rỡ: “ Con Phương Hoa đúng là hoa khôi của trường xuất hiện ở đâu tưng bừng ở đó! Nó tỏa sáng, lộng lẫy, truyệt vời trong những đêm liên hoan. Nước da trắng mịn, đôi chân mày thanh tú, cánh mũi, đôi môi xinh xắn càng nhìn càng thích!”
Đám con gái nói với nhau:
– Tao nhìn con Hoa mãi mà không biết chán, nhất là đôi mắt, có khối thằng mê mệt với nó. Đài các, quý phái người như vậy sau này làm gì mà nghèo, làm gì mà không có hạnh phúc! Bọn mình vừa ghen với nó, nào là: Thầy T, Kỹ sư Đông, Bác sĩ Dũng, Bình… và nhiều người nữa đeo đuổi đón đưa. Họ có thể làm bất cứ việc gì để được Hoa yêu. Còn Hoa đối với họ luôn hờ hững…

(Còn tiếp…)

Biên tập: Vương Chi Lan

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.
.
.