Cái lều vịt ven sông – Hà Mạnh Luân

Gọi đó là quán, vì người ta bày bán vịt nướng, vịt luộc, tiết canh vịt, bún cháo lòng mề. Nhưng kì thực, chốn nương náu tồi tàn ấy của đám người mưu sinh cùng thập phương thực khách, chỉ đáng gọi là lều. Cái lều mái bạt chăng tạm bợ nằm chênh vênh bên bờ sông hun hút gió. Nó có dáng khật khưỡng lèo tèo kiểu một gã trai say đầu tóc bù xù chân liêu xiêu lả lướt.

 

Giống với lão chủ quán, chiếc tạp dề ngang dọc vết in năm đầu ngón tay nhầy mỡ, đeo như để cho có, thực tình thì đôi lúc đã thấy lão thản nhiên quệt ngang mu bàn tay vừa cời than trong lò quay vịt lên ngang mũi. Chắc ngứa. Chắc cũng thành thói quen.

Quán vịt nằm chênh vênh bờ sông, chống hai chân dúi sâu vào bùn như gã cà kheo té nhào người vồ lấy vệ đường. Khu này làng đang lên phố, dọc hai bên con đường nhựa mới mở này hàng quán nào cũng thế thôi. Tạm bợ. Như là đám bọ chét kí sinh chủ thể chuột, mút hết máu rồi thì bỏ đi nơi khác. Cũng vì thế mà dòng sông đã qua đời. Hàng trăm thứ rác thải, nước thải dồn tụ, đêm ngày xả tum tủm xuống thủy lưu như vậy, làm sao mà chịu được! Nước từ nâu đỏ phù sa chuyển sang sạm đen cáu bẩn. Sông thành con rãnh lớn rồi, còn đâu là dòng sông một thời vàng son lịch sử!

Tôi ghé quán đôi lần, vì thấy đông. Nhìn bẩn mà lại đông, còn lí do gì khác?! Ngon thật! Vịt vàng đủ than, vị tẩm đủ thơm, nước chấm pha vừa đủ độ. Thôi thì nhắm mắt bỏ qua cái gọi là vệ sinh an toàn thực phẩm, cái gì không mắt thấy tai nghe, coi như không biết! Người ta vẫn kháo nhau rằng, đã chấp nhận ngồi quán là chấp nhận… Rước bệnh vào người! Ăn quán thì nhất quyết, nếu có đi vệ sinh, cũng đừng tò mò lân la lại khu… Chế biến, hoặc kinh đô của… Bát đũa dụng cụ nấu ăn. Trông thấy rồi có khi ói còn chẳng kịp! Thây kệ, cái gì không mắt thấy tai nghe, coi như không biết! Vậy là cũng dựng xe, cũng kêu đồ, cũng ngửa cổ tu bia ừng ực, ngoài kia đường mờ khói bụi, huyên náo dòng người tan tầm mặt trời đổ bóng. Đôi làn gió thoảng ngai ngái vị tanh hắt vào từ sông. Say rồi thì đất trời chập một. Say để quên.

Vậy mà chẳng thể quên! Lần nào ghé quán cũng ngó tới ngó lui lục tìm người đàn bà cũ. Người đàn bà cũ-tôi gọi vậy. Cũ vì luống tuổi, cũ vì nhàu-cái nhàu do thiếu phẳng phiu của bộ đồ bà vận: chiếc áo tím phai màu, quần thụng đen, tóc hoa râm búi thành chùm thành cụm. Bà có ánh mắt nhăn nheo của người chưa một lần trong đời được đường hoành nhìn thẳng, lúc nào cũng lén lén, cúi cúi, khách đáng tuổi cháu chắt cũng cúi đầu dạ vâng. Có chi, người ta quen khổ rồi, sướng chẳng chịu được, mà có bao giờ được sướng. Mẹ tôi từng nói thế. Mẹ nói Bà Ngát góa phụ nhà bên, quanh năm lầm lũi ra vào ô cửa phai màu thời gian cũng đến kì mọt ruỗng. Bà Ngát đôi lần có lẻn vào buồng mẹ tôi xúc vội đôi bò gạo cho vào cái túi nhỏ đùm trong áo. Mẹ biết, nhưng mẹ không nói gì. Mẹ chỉ nói khi bóng bà khuất sau con ngõ. Có chi, người ta quen khổ rồi, sướng chẳng chịu được, mà có bao giờ được sướng…

Người đàn bà cũ, cũ còn vì cái dáng khòng khòng, như là gánh thời gian. Tôi thấy những bà, những bà ở quê qua người đàn bà ấy. Chắc cũng lại một mảnh đời tha hương, bị guồng quay hất tung ra mọi xó, cuối cùng dạt chân ra vỉa này. Bà phụ quán, bưng bê đồ khách gọi, rửa những vật dụng khi cần. Thoạt đầu tôi thấy lạ, thuê người ở ai lại đi thuê bà già mắt mờ chân chậm, làm chẳng được việc lại còn đá thúng đụng nia, chân lúc nào cũng quýnh quáng. Có lí do cả! Và cái lí do này, cũng nhấn sâu sắc thêm mối quan tâm tôi giành về phía người đàn bà cũ: bà đánh tiết canh rất cừ!

Úi chao! phụ nữ đánh tiết canh. Nghe lạ! Nhưng mà bà có thể một lúc xơi liền ba bát tướng! Lão chủ quán khề khà. Khéo lắm! Mà nghe đồn phụ nữ ăn được tiết canh rất cứng vía, bạo mệnh. Ôi cái món ăn của dân tộc mình. Hết mọi thứ sang hèn thanh cao xuống hàng ghê tởm, gì gì cứ không chết là cho vào mồm được tất. Người nước ngoài họ kiêng thịt chó, chùn mình khi thấy ta ăn hột vịt lộn. Ta còn có món giành cho người thạo đời, món ăn cũng còn là tâm linh…

Nhưng mà, người đàn bà cũ rồi. Cái gì cũ cũng dễ bị coi khinh. Bàn tay bà chèo kéo khách bởi món tiết canh, nhưng đồng thời bàn tay run run lẩy bẩy ấy không ít lần làm rơi chén bát, vỡ chát chúa, tanh bành. Thằng cu con chừng cập ngưỡng dậy thì, chỉ thẳng tay quát lớn: làm ăn thế à, xéo về quê mà chăm cháu. Dời ơi, làm gì có cháu mà chăm. Chừng này tuổi đầu ai còn muốn lọ mọ xứ người chi cho nhục xác, chịu đánh bầy với đám trẻ nít thất học tụi bây để nghe chửi nghe hoạnh họe thế này sao?
Thực khách lơ mơ hơi bia, cay nhoèn mắt khói bị gió đảo chiều, chẳng ai thèm ngó ngàng trông ra lời quở quang nhà chủ quán. Thật tình chính ra cái kiểu quán lộ thiên khói giăng hư ảo thế này, ngẫm ra Hà Nội chẳng móc được ở đâu, khói cay nó mới ngấm cái vị quê, vị thiếu đói, vị của vội vàng đáp ứng ngay sự biểu tình của bụng dạ. Ăn khi ấy mới thực là ăn, mới thực là hoài niệm. Lũ chúng ta rặt một bầy thiếu đói kể cả khi miệng mỡ đã no nê. Ăn để cho bụng thôi réo. Cũng như người nhân gian trăm năm sinh ra chỉ để chết thôi mà…

Té ra chúng ta cả cuộc đời vòng vo chẳng thể nào thoát ra nỗi hai từ “tạm bợ”. Chúng ta đôi lúc phát giác ra cũng chỉ để mà phát giác. Ờ, cứ tạm thế thôi. Thực là một tràng liên miên những lần thế thôi như thế. Đến cuối đời vẫn không nguôi phát giác. Cả cuộc đời chẳng biết thế nào là chỉn chu, có thời khắc nào ta đã được chỉn chu ???…

Lều vịt chênh vênh bên bờ sông đã chết. Người đàn bà cũ thất thểu giữa dòng người lại qua. Thi thoảng tôi lại ghé quán, nhậu no say rồi về. Cứ thế. Cứ thế thôi…

BT: Vương Chi Lan

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.
.
.