Buổi chiều ấy – Trung Trường

Quà quê

Mãi mê với cuộc mưu sinh xứ người, Sài Gòn đô thị ngột ngạt nắng, bụi và hơi người cay xè sớm tối, chỉ mơ ước được về quê. Nhớ anh Long, người bạn vong niên 30 năm trước hay dẫn mình đi câu cá tràu (tên gọi của người Huế, còn người Nam gọi là cá lóc, người Bắc gọi là cá chuối) dọc theo con kênh vuông theo thành nội Huế.

Xưa, con kênh này giữ vai trò phòng thủ hoàng cung và điều tiết mực nước ở Huế. Hồi ấy, vào những năm 80 thế kỹ trước, cá tràu ở kênh nhiều, nhiều đến độ có những chú tràu lớn và giữ đến độ phải câu bằng mồi vịt con. Anh Long là người mê câu cá đến độ nằm lòng những thủ thuật câu, nơi câu nhất là những chỗ có cá tràu lớn. Còn nhớ, một lần theo anh đi câu, mình lững thững men theo bờ thành, còn anh ngồi trên chiếc thuyền câu bé tẽo teo nhè nhẹ chèo. Chiếc thuyền trôi như không, còn anh, ngồi như bất động chỉ trừ hai tay nhấp cần lên xuống, xa gần, chú vịt con lát lát lại kêu chiêm chiếp, lúc vẫy đạp, lúc bơi bơi. Bổng bụp một cái, mình hét lên còn anh Long như một câu thủ mê nghề lúc thả lúc ghì dìu con cá đến khi nó chịu thua. Một con cá lóc hơn 5kg đen nhầy sau đó thành bữa nhậu của 4 người mà chỉ hết cái đầu và bộ lòng. Anh Long đưa mình cái bao tử con cá, ngon, dòn. Sau bữa nhậu, mình nhớ mãi lời anh, trong cuộc nhậu xứ trong, chỉ người lớn tuổi nhất với được “quyền” xơi bao tử cá, trẻ hơn không biết lớ xớ đụng vào dễ “ ăn bã trầu”. lại biết thịt cá tràu ngon nhất là 2 miếng ở hai bên má cá. Thế mới rõ, nghề câu sao lắm ngón nghề đến cả văn hóa ẩm thực cũng nhập cùng các câu thủ.
Đó là chuyện hơn 30 năm hơn về trước, giờ tôi một mình lặng lẽ xách cần câu ra đầu cầu Bến Ngự tìm đến gốc cây sung già thả câu chỉ để tận hưởng sự chiêm nghiệm của một kẻ vong quê hơn 30 năm giờ tìm về với Huế. Nào đâu phải Huế tôi không có những quán bar, vũ trường hay những quán cafê vườn rất Huế,… và vẫn còn đó những khuôn mặt bạn bè một thưở cùng những lời mời ấm tình quê bên ly trà cung đình hay cạn ly rượu Làng Chuồn nổi tiếng. Sáng, trên cầu Bến Ngự vẫn đủ sắc hoa, bình dị trên từng ánh mắt, khuôn mặt của các mệ các o. Thì mẹ tôi đó, một bà giáo già về hưu đã gần 30 năm khi lẫn khi tỉnh. Lẫn thì trầm tư vô thức như pho tượng trên chiếc ghế trước hiên nhà, thèm có đứa cháu đứa con chịu ngồi nghe bà kể chuyện vài thập niên trước, thuở mình mẹ chống cái nghèo nuôi con đêm đêm bằng đôi que đan, đan áo len thuê để tay mẹ chai sần đôi chỗ khi đôi que đan cứ bóng nhẫy theo thời gian cùng mồ hôi mẹ. Tỉnh thì ra vô la rầy con cháu đến nghiêm khắc để giữ lấy nếp nhà hay thẫn thờ nán lại mỗi đêm, chứ riêng gì đêm Nguyên Tiêu chờ tiếng gọi cửa của những đứa con chưa về kịp như tôi.
Gốc sung già nơi tôi ngồi câu là hậu duệ của những gốc sung thuở Ông già Bến Ngự – Phan Bội Châu neo thuyền do bị quản thúc vì yêu nước. Chỉ sự kiện này thôi cũng đủ để địa danh Bến Ngự thêm ngấm vào máu thịt của người Huế, mà thành nhạc, thành thơ với những “ Đêm tàn Bến Ngự”. Bến Ngự còn là nơi xưa thuyền rồng của vua cập bến mỗi khi đi tế trời ở Đàn Nam Giao. Còn dòng sông tôi ngồi câu được Vua Minh Mạng đổi từ sông An Cựu thành sông Lợi Nông chỉ vì rằng: “ Đức Tiên Đế ta tốn mấy vạn vàng đào con sông ấy để lợi cho dân, nay thấy mùa màng tươi tốt, so với xưa hơn biết bao nhiêu, như thế mới biết rõ rằng bậc thánh nhân làm việc gì để đến muôn đời về sau, không phải như những hạng người muốn cho mau và chỉ thấy gần đã biết được”.


Sông An Cựu, con sông “ Nắng đục, mưa trong” có từ sự tích khi khơi dòng đào đã chạm vào hang động của một con thuồng luồng khổng lồ, nên khi trời nắng nó trở nên dữ tợn, vẫy vùng, khuấy đảo phù sa, làm đục ngầu cả dòng nước nguồn, chính vì vậy mà sông An Cựu trở nên đục vào những ngày nắng. Còn những ngày mùa thu, tiết trời mát mẻ, thuồng luồng nằm im trong hang động, dòng sông không bị khuấy đảo, nước sông An Cựu trở nên trong vắt như mặt nước sông Hương. Giờ tôi, đứa con của Mẹ của Quê ngồi đây thả câu, gắng câu về những ký ức xưa củ vui nao lòng về quê, gắng thả câu buông hết những muộn phiền mang vác suốt 30 năm hơn lở bước bỏ quê đi ăn mày xứ người vào lòng sông quê.
Huế sạch và sông Huế cũng sạch là điều du khách nào cũng thấy, nhìn những chiếc thuyền của các công nhân vệ sinh lâu lâu lại qua lại trước chỗ tôi ngồi để vớt rác chợt yêu người quê hơn. Nhìn vào gia tài vài chú cá chẻng, cá rô phi, cá ngạnh sau 2 giờ câu tôi thấy mình hạnh phúc và được thật nhiều khi thả hết những muộn phiền xuôi theo dòng nước. Xin cảm ơn món quà quê vạn ngàn lần Huế ơi.

Buổi chiều ấy

Chiều ấy, ở bờ sông Niết Lương, trong không khí hầm hập của chiến tranh, các mũi tiến công đang ào về Nông pênh, phút yên lặng hiếm hoi sau giao chiến. Lính bộ binh uể oải chờ vượt sông, mình gặp Thanh, đưa mình chiếc kính mát Thanh nói, nhiều đồ lắm, chẳng lấy thứ gì vì biết mai con sống không.
Vào đến Nông Pênh, gặp Hải lang thang báo tin Thanh mất tích. Thì ra khi đội hình sắp vượt sông , chợt có xe tăng địch xuất hiện. Thanh cùng 2 đồng đội nữa xách B40 lên và lọt vào ổ phục kích. Đồng đội lên chi viện và tìm chỉ thấy máu và một vài kỷ vật của Thanh.
10 năm sau, mình đã cùng nhiều đồng đội xác nhận cái chết của Thanh với được công nhận Liệt sỹ. Cách đây 4 năm, Châu bạn học xưa của mình và Thanh ở Quảng Bình đang khuya điện vào tức tưởi : Thanh nó báo mộng không có nơi nằm nên đói lắm. Mình bay ra Huế, tìm đến nhà Thanh, không còn dấu vết, cả gia đình Thanh đi kinh tế mới biệt tăm. Mình để lại số điện thoại cho chủ mới rồi thắp hương khấn Thanh có thiêng thì báo cho người nhà số điện thoại của mình. Thế mà thật, mẹ và em gái Thanh điện cho mình. Giờ thì Thanh đã có một ngôi mộ gió xây cất đàng hoàng tại Đồng Nai. Chỉ còn một điều, riêng mình biết, đó là chuyện Thanh yêu Sương âm thầm, bao lần về quê, ghé thăm Sương chỉ để muốn cho Sương biết mà không đành. Thôi Thanh, ngày 27/7 sắp tới, nhớ mày tao viết thay nén nhang. Còn Sương, cứ vậy Thanh nhé.

Hạnh phúc

Hắn nằm dài trên bãi cỏ, hương lài đêm thoang thoảng trong khu vườn hắn dày công chăm sóc. Trăng rờn rợn vàng vọt trên búp quỳnh sắp nở. Hắn khoái được nhìn sự run rẫy của những cánh quỳnh khi nở. Đức đến, len lén ngồi như kẻ mộng du. Hất hàm về phía chai rượu và dĩa mồi cho Đức, thì vẫn vậy, Đức thường sang nhà hắn khi li rượu, lúc tách trà.
Len lén bỏ đi len lén quay lại, Đức lí nhí mời hắn nhậu, hắn gắt, vẽ chuyện khi Đức bày ra dĩa mồi và rành rẽ : Mình biết mồi không ngon, nhưng nhậu nhé. Vợ mình tháng cho mình dĩa mồi và xị rượu.
Nhấp chén rượu cay sộc tận óc, nước mắt hắn chảy, mẹ kiếp ly rượu đĩa mồi tháng tháng. Con Đức bán vé số, vợ Đức giặt mướn lau thuê.

Sương sớm

Sáng, dậy sớm đi Đồng Nai Kiếm việc làm thuê. Sài Gòn lạnh và sương tím tái. Chợt nhớ thuở 12 – 13 tuổi đi xếp hàng mua thực phẩm giúp mẹ. Trời Thường Tín ( nay là Hà Nội) lạnh như dao cắt, lùi lũi đi một mình trong đêm, cứ nghe tiếng oàm oạp sợ ma muốn khóc. Tới lượt mua đã 11g trưa, nhớ lời mẹ mình xin cô bán hàng cho miếng thịt nhiều mở. Khi về tới nhà với biết làm rơi sạch tem phiếu cả năm. Chạy lại tìm, vừa chạy vừa khóc, 10km hơn mà không biết mệt vì sợ mẹ đánh đòn. Mất tem phiếu thực phẩm thời đó là chết.


Không tìm được, mình trở thành thằng nhóc mò cua, lặn cá, nuôi vịt, trồng rau muống bè giỏi đến độ cả nhà ăn không hết. Mỗi lần mang xâu cá về, Loan em trai muốn khóc vì phải làm thịt liên tục. Còn cua, nhiều quá, mẹ làm thành những hủ mắm thơm lựng. Nhớ thằng Hổ, thằng Khóa,..một lứa đen nhẻm như nhau vì lam lũ. Giờ chúng sao rồi. Còn mình, hi vẫn làm thuê.
Đến Đồng Nai, ơn chúa có việc. Giờ, những con chữ mà toàn cổ tự quấy mình đến khốn.

BT: Vương Chi Lan

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.
.
.