“NẮNG NGHIÊNG MÙA” – “LẶNG RƠI” TÁC PHẨM THI CA CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT
“NẮNG NGHIÊNG MÙA” – “LẶNG RƠI” TÁC PHẨM THI CA CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT
TÔI THAM DỰ LỄ RA MẮT
CÁC TÁC PHẨM THI CA CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Trong tuần lễ Vu Lan báo hiếu năm nay 2017, tôi có duyên với sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật của người khuyết tật.
Thứ bảy 17/9/2017 tuần qua, tôi tham gia đêm hát nhạc quốc tế của nhóm “Một nửa đó là tôi” do các nghệ sỹ nghệ nhân khuyết tật trình diễn.
Sáng hôm nay 29/9/2017, tôi lại được mời đi tham gia phát biểu nhân dịp các nhà thơ khuyết tật Vương Chi Lan và Phạm Thanh Tùng tổ chức buồi ra mắt đứa con tinh thần tập thơ đầu tay của mình!
Sau đây là những cảm nhận của tôi sau khi đọc các thi phẩm “NẮNG NGHIÊNG MÙA” của Vương chi Lan và “LẶNG RƠI” của Phạm Thanh Tùng.
Cảm nhận về “NẮNG NGHIÊNG MÙA” đã được tôi diễn đọc trực tiếp tại buổi lễ.
I. TẬP THƠ “NẮNG NGHIÊNG MÙA” – VƯƠNG CHI LAN
“NẮNG NGHIÊNG MÙA” gồm 49 bài thơ.
Tôi bắt gặp một hồn thơ mượt mà và dung dị, một tấm chân tình ngọt ngào nhưng thiết tha, nhiều màu sắc, một tâm hồn rung động cùng thành phố, biển đảo, đất nước, quê hương và con người! Thi phẩm có 5 chủ đề như sau:
1. SÀI GÒN
ĐÊM SÀI GÒN
…
Ồ!
Có người đi chưa về
Có bạn lâu không gặp
Còn ai, còn ai nữa?
Em!
Những ngày dài lo toan
Những vui buồn cô tịch
Những ấp ủ dần tan
Về biển đảo Hoàng Sa tuy chỉ có 5 bài, nhưng đây là những bải thơ ấn tượng nhất của thi phẩm. Thật vậy, tôi bất ngờ tìm được ở đây những trăn trở, những day dứt của một công dân đất Việt trong giai đoạn lịch sử đầy bất trắc cho lãnh hải quốc gia và tương lai dân tộc.
Vương Chi Lan đã không bàng quan đứng ngoài, nhà thơ đã dành nhịp đập của tim mình cho biển đảo, cho những đợt sóng xa khơi, cho “Dòng máu đỏ hùng anh chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau…”
2. HOÀNG SA
TÔI YÊU
Tôi thương đất nước tôi
Thương người dân lam lũ
Tôi yêu biển quê tôi
Mặn đắng còn chưa đủ…
Tôi yêu con nước nhỏ
Chảy vào lòng tôi khóc
Gồng mình cong sợi tóc
Biển thậm thụt vơi đi…
Tôi vỗ về hải âu
Cánh bay trong giới hạn
Tôi sờ lên mái đầu
Vấp nếp nhăn vầng trán
Dưới lòng sâu ai khóc
Hạt cát rời quê hương
Biển chiều xanh ngan ngát
Có ai thương quê hương?
LINH THIÊNG HOÀNG SA
…
Sóng Hoàng Sa
Rửa sạch
Tóc tươi xanh
Và anh ngủ
Dập dìu
Êm con nước
Mẹ chiều này
Ngồi khóc
Mộ trống không…
XIN HÔN LÊN MẶT BIỂN!
…
Người con đất Việt
Dòng máu đỏ hùng anh chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau
Những bà mẹ kiên trung âm thầm lặng lẽ
Những chiếc khăn rằn gói nỗi đau
Quấn trên đầu, lau nước mắt
Hoàng Sa, Trường Sa không thể mất!
Hoàng Sa, Trường Sa nơi tuyến đầu tổ quốc!
Sóng dữ ập vào bờ
Sóng dữ lùi ra xa…
Vương Chi Lan cũng có những cảm xúc rất chân thành dành cho MẸ
Thật cảm động, niềm mơ ước của nhà thơ khi nghĩ về mẹ trong những tháng năm phải bươn chải lo toan cho cuộc sống tại Sài Gòn!
3. MẸ
MƠ ƯỚC
Nửa đêm tỉnh mộng bàng hoàng
Thấy mẹ lận đận lệ tràn khóc rưng
Con đây bất hiếu quá chừng
Mẹ già quạnh quẽ giữa rừng cô đơn
Mãi lo trăm việc áo cơm
Mẹ quê một góc nhà đơn ngậm ngùi
Giận lòng con khóc kêu trời
Chén cơm lưng bát, trú nơi cơ hàn
Thân con tủi phận lầm than
Chén cơm manh áo ngậm ngàn đắng cay
Mẹ tôi gian khổ xưa nay
Sài Gòn con lội mỗi ngày hoàng hôn
Con nào mơ ước gì hơn
Một căn nhà nhỏ sạch – thơm mẹ về.
4. TÌNH YÊU
Đọc Nắng Nghiêng Mùa, tôi đã bắt găp một tâm hồn thật là hồn nhiên trong sáng, dù bao nghịch cảnh trong cuộc đời!
TÌNH YÊU CHỈ CÓ TRONG HUYỀN THOẠI
Trời đã nghiêng chiều, em nghiêng mới nửa
Lung linh mặt nước, lung linh mắt em
Biển nhấp nhô, em phập phồng điều ước
Biển mặn nồng, nghe hơi ấm đan xen
Nắng hỏi thăm bao con sóng đổi thay
Sóng có phải từ lòng sâu mới đến
Mà vội vàng vỗ vào nhau buốt lạnh
Cũng như anh chạm ngõ, lại quay đầu
Nắng tìm đến, nắng lần bò xuống biển
Đi vào lòng mong dò biết nông sâu
Nắng hoài công vì biển luôn thăm thẳm
Khác chi em, nào hiểu được anh đâu?
Em ôm gió và mây trời biêng biếc
Nghe thầm thì con ốc nhỏ trăm năm
Rằng tình yêu chỉ có trong huyền thoại
Ao ước gì nơi góc nhỏ xa xăm…
NẮNG NGHIÊNG MÙA
…
Thu chưa đến mà hoa vàng ngập lối
Ta chưa về em khóc vội biệt ly
Nắng nghiêng mùa biết đâu ta ở lại
Níu vào nhau êm ả phút thầm thì…
5. THIÊN NHIÊN CON NGƯỜI
HẠT BỤI
Ta bắt được giọt sương
Long lanh mí mắt này
Ta bắt được làn gió
Trong chút gì thơ ngây
Ta bắt được hạt bụi
Hạt bụi ngủ thật say
Ta bắt được sợi nắng
Sợi nắng cho mỗi ngày
Hạt bụi anh trong gió
Hạt bụi em trong mây
Hạt bụi như đã có…
Hạt bụi chiều mưa bay
Hạt bụi nào hợp lại
In bóng hình cỏ hoa
Hạt bụi trong “Tứ Đại”
Một sớm sương nhạt nhòa
Ta cũng từ hạt bụi
Rong ruổi suốt tháng ngày
Ôi! Ước gì hóa hiện…
Ngàn mắt với ngàn tay.
Trên FB khi giới thiệu buổi ra mắt hôm nay, Vương Chi Lan đã viết: NIỀM VUI – NIỀM HẠNH PHÚC đơn giãn là đứa con mình sinh ra, bằng cả tâm huyết, trái tim, và vắt kiệt nội lực tinh thần lẫn vật chất… mới cho ra đời đứa con như mong muốn. Người mẹ chỉ mong đứa con lớn lên trong lòng đọc giả, được công chúng đón nhận bằng tấm chân tình và nhiệt thành yêu mến đứa con đó.
Tôi cho rằng, hôm nay tác giả đã phần nào đạt được ước mong của mình!
Xin chức mừng nhà thơ và mong thay tác phẩm “NẮNG NGHIÊNG MÙA” sẽ được độc giả rộng rãi khắp nơi đón nhận!
II. TẬP THƠ LẶNG RƠI
PHẠM THANH TÙNG
Đến ngày ra mắt tôi mới có trên tay tập thơ này!
Và tôi cũng vừa bắt tay làm quen với nhà thơ mấy phút trước khi buổi lễ bắt đầu!
Phạm Thanh Tùng bị bại liệt từ nhỏ, một người khuyết tật thuộc loại trầm trọng!
Tôi rất ngạc nhiên khi về nhà, mở thi phẩm của anh ra đọc với ý định bổ sung cho bài viết về hai nhà thơ.
Tôi phát hiện một tâm hồn dung dị, đơn sơ, mộc mạc, một trái tim cháy bỏng yêu thương, những giấc mơ cho một cuộc tình đời thường:
“Yêu em, yêu những ước mơ
Yêu em yêu cả tình thơ ngọt ngào
Từng đêm mộng ước trăng sao
Mơ ngày duyên thắm chung câu tơ hồng
Em là vợ, Anh là chồng
Vượt bao gian khổ bền lòng bên nhau
Trầu vàng quán lấy thân cau
Đôi ta tròn nguyện bạc đầu nhé em… ! (Yêu em)
Phạm Thanh Tùng biết rõ về mình nhưng vẫn lấy tình yêu làm cưu cánh cho cuộc đời. Tôi rất cảm động khi đọc bài « Nghĩ về em », anh không che dấu hoàn cảnh nghiệt ngả của bản thân :
Lòng xao xuyến nghĩ về em yêu dấu
Mơ ước thầm duyên thắm đượm dài lâu
Trọn kiếp này ta luôn mãi có nhau
Dù nghiết ngã đường đời sao vật đổi
…
Anh vẫn biết đường đơi chia muôn hướng
Cuộc đời anh số kiếp chẳng vuông tròn
Nhưng lòng anh mãi giữ vững niềm thương
Lòng vui sướng đường tình em mở lối.
Tình yêu đem lại cho anh niềm lạc quan yêu đòi, thiên nhiên đem lại cho anh niềm vui bất tận:
“Muôn hoa trổ sắc xuân ngời
Lung linh vạt nắng rộn lời chim ca
Sáo diều vi vút ngân nga
Em thơ vắt véo trâu ta trên đồng
Vường xanh choa liệng bướm ong
Sông quê êm ả đôi dòng ngược xuôi
Biển làm tung bọt sóng cười
Bình minh rực tỏa ấm tươi cuộc đời”.
(Tình xuân bất tận)
Thế mới biết thiên nhiên và tình yêu là những điểm tựa để con người níu lấy để tin tưởng, hiện hữu, sống còn.
Hãy đọc trọn bài thơ chủ đề “Lặng rơi” ta sẽ thấu hiểu triết lý sống của Phạm Thanh Tùng. Anh đã vịn vào thơ để vươn lên dù cuộc đời có chua xót đắng cay.
“Âm thầm từng giọt lặng rơi
Không ý không tứ trong tôi từng ngày
Buồn vui mơ ước đắm say
Ngọt bùi chua xót đắng cay cuộc đời
Thời gian lắng đọng đầy vơi
Tháng năm chất chứa vun bồi câu thơ
Rất mộc mạc rất đơn sơ
Cảm xúc vô định bến bờ nơi đâu
Không lung linh, chẳng sắc màu
Tùy theo cảm nhận cạn sâu lòng người
Chẳng cần khen ngợi ai ơi!
Chỉ mong thơ mãi bên đời mà vui”.
Tựa đề bài thơ cũng là tựa đề cho thi phẩm, thanh thoát như chiếc lá rơi, một tập thơ đặc biệt của một người khuyết tật nhưng có nghị lực phi thường biết dùng thi ca để đến với cộng dồng, dùng ngôn ngữ động viên cho chính mình với một con tim đôn hậu thiết tha với đời, với tình yêu, với thiên nhiên…
Nguyễn Đăng Hưng
Sài Gòn 29/9/2017.
Sau đây là hình ảnh buổi ra mắt: