Kiếm ăn thôi mà – Nguyễn Lệ Ba
– Chó đổi mùng, mền, chiếu… hôn?
Tiếng rao nhão nhoẹt, kéo dài nhừa nhựa, run rẩy như nấc cục phát ra từ chiếc máy hát băng cũ như những cái gai nhọn đâm vào tai người nghe. Nhiều năm trước, tiếng rao ấy chỉ cất lên từ miệng người chìm lẫn trong tiếng nổ lạch tạch của máy tàu. Bây giờ tiến bộ hơn, người ta rao bằng máy, cách xa nửa cây số còn nghe thấy. Đó là những chiếc ghe nhỏ có mui, vừa là nhà, vừa là phương tiện kiếm sống của những người làm nghề trao đổi chó thịt với những vật dụng gia đình do họ mang theo như mùng, mền, chiếu gối… Sau hòa bình, bỗng nhiên có cái nghề lạ lùng này. Cuộc sống đi lên cùng với nhu cầu hưởng thụ của con người đã đẻ ra loại dịch vụ chưa từng có nơi quê anh.
Anh thợ sửa chữa điện tử luôn cảm thấy khó chịu khi nghe tiếng rao ấy. Có lần anh tận mắt trông thấy cảnh một nhóm người xúm nhau vây bắt một con chó già. Trong tay họ là gậy gộc, bao tải, thòng lọng… Họ hăng say hò hét trong tiếng tru thảm thiết của con chó tội nghiệp và tiếng la khóc van xin của đám trẻ khi con vật thân yêu bị buộc dây lôi xềnh xệch xuống ghe. Lúc con vật đã bị nhốt vào cũi, mắt nó vẫn đỏ sòng sọc nhìn chủ nhà như giận hờn, oán trách. Nhà nghèo nên có người bấm bụng đem con vật trung thành đổi lấy cái mùng, manh chiếu. Anh hiểu, nhưng điều đó cũng không làm anh nguôi sự khó chịu và tức tối vô cớ mỗi lần anh nghe tiếng rao đổi chó vang lên dưới bến sông.
Hôm nay vừa mở cửa tiệm sửa chữa điện tử, một người đàn ông nhỏ thó, da đen mốc, dáng liêu xiêu, đã khật khưỡng bước đến trước mặt anh thợ. Anh ta run run như người mắc bệnh parkinson, bàn tay cố giữ chặt cái loa phóng thanh loại nhỏ, dây nhợ lòng thòng quấn quanh chiếc máy hát chạy băng cassette.
– Anh làm ơn coi giùm vợ chồng em cái máy rao hàng này. Đang hát tự nhiên nó nín ngang!
– Anh bán hàng gì vậy?
– Đổi mùng mền lấy… chó thịt.
Anh thợ bỗng trừng mắt nhìn người đối diện. Cây nạng gỗ gác trên đùi rơi bộp xuống đất. Cảm giác bực tức tự nhiên bốc thành khói trên đầu. Anh nghiến răng. Đúng là người nào, nghề nấy! Cái dáng vẻ của người đàn ông đối diện làm anh khó chịu: người thấp còm, mặt choắt như chuột, mắt ti hí, da đen mốc và đầu tóc dựng tua tủa như rễ tre, loe hoe vài sợi phủ xuống cái trán chỉ đủ chứa đôi lông mày rậm ri như hai con sâu bần!
Anh thợ vừa dí cái que đo lên tấm mạch in, vừa lơ đãng nói như đuổi khách:
– Linh kiện thay thế cho thứ này bây giờ hiếm lắm. Anh chịu khó đi kiếm chỗ khác!
– Từ đây ra chợ huyện xa lắm. Anh làm phước coi giùm vợ chồng em.
Anh thợ vịn bàn đứng lên bằng một chân còn lại. Qua hàng song tre, anh nhìn thấy dưới cầu bến buộc chiếc ghe nhỏ có mui, phía sau là cũi nhốt chó. Hai chú cẩu tội nghiệp đang nghếch mõm nhìn anh như cầu cứu. Bên trong ghe, khói bốc lên cùng tiếng lèo xèo xào nấu. Có lẽ vợ anh ta trong đó.
Nỗi bực tức vô cớ lại kéo đến. Anh cúi người lượm cây nạng gỗ, chống đi lọc cọc ra hiên, miệng nói như phân trần:
– Anh biết không, đời bây giờ ít ai xài thứ này, bởi vậy tui cũng không trữ sẵn linh kiện thay thế…
– Anh làm ơn giúp giùm. Đổ đường sông gần 40 cây số đi về… chắc chết vợ chồng em – Người đàn ông vẫn kiên trì bấu víu, nài nỉ:
Vừa nói anh ta vừa chìa một khối vuông bằng sắt nhằng nhịt dây nhợ mà anh gọi là máy rao hàng. Chiều khách, anh thợ kiên nhẫn nhận lấy. Bật công tắc nguồn, nhấn nút play, anh vừa gõ tuốc-nơ-vit lên đầu từ vừa vặn lớn volume… Những tiếng kêu “cong cóc” chát chúa vang lên trong cái loa sắt. Anh nói thầm: phần âm thanh còn tốt. Để chắc ăn, anh luồn ngón tay xuống dưới motor, pulley vẫn quay ro ro. Anh gật gù kết luận trong đầu: đứt dây cu-roa truyền động. Anh dợm đứng lên lấy đồ nhưng chạm phải ánh mắt ti hí của người đàn ông phản chiếu trong gương. Chỉ một giây, cái thiện chí trong anh quay ngoắt thành cơn thịnh nộ không thể kiềm chế. Anh nói rít qua kẽ răng:
– Chịu thua. Anh kiếm chỗ khác thì may ra!
Người đàn ông thở dài thườn thượt, chậm chạp đứng lên trong bộ dạng vô cùng thiểu não. Lúc khách bước ra khỏi cửa tiệm, anh thợ mới kịp nhìn thấy đôi chân bên cao bên thấp và dáng đi lắc lư, xiêu vẹo của khách. Bất giác, anh nghe tim đau nhói! Những bước chân nặng nề hướng về phía bến sông như đang giẫm lên trái tim khốn khổ của người thợ tật nguyền. Nỗi ân hận chạy dọc sống lưng anh lạnh buốt. Cùng cảnh ngộ mà! Chỉ là kiếm ăn thôi. Sao anh lại làm như vậy?
Nỗi ân hận giày vò cả khi anh chống nạng đi nấu cơm sáng. Hũ gạo sắp cạn. Trong ngăn kéo chỉ còn vài chục ngàn bạc lẻ. Nồi cá biển kho mặn ăn đã ba ngày, chỉ còn trơ mấy bộ xương. Sao anh lại không nhận sửa cái máy, vừa giúp được người vừa kiếm tiền đong gạo? Đầu óc anh nhảy múa những hình ảnh lộn xộn. Hàng trăm con chó ngồi trong cũi thè lưỡi tuyệt vọng, ánh mắt đau đớn nhìn anh van lơn, cầu cứu. Xen vào đó là bóng dáng liêu xiêu của người đàn ông, hai tay cầm cái máy lằng nhằng dây nhợ, thất thểu bước xuống cây cầu dừa trơn trợt, những ngón chân tuyệt vọng bấu chặt trong bùn…
Tiếng máy nổ lạch bạch xa dần rồi mất hút. Ngược lại, tiếng lùng bùng ngày một vang lớn hơn trong cái đầu khốn khổ của anh. Kiếm ăn thôi mà! Mấy lần anh muốn qua hàng xóm mượn chiếc xe đạp, rồi với cái chân khỏe mạnh còn lại, anh dùng hết sức bình sinh đuổi theo và hy vọng gặp được họ ở dọc đường ra chợ huyện. Anh muốn xối chút nước mát cho dịu bớt ngọn lửa ăn năn ngùn ngụt cháy trong lòng…
Cả đời anh chưa ăn thử thịt chó. Cái món ăn thiên hạ vẫn không tiếc lời ca ngợi, chưa bao giờ anh dám nếm thử. “Thịt chó không ăn thì sống trên đời này chưa thể gọi là sống!” Trong bàn nhậu, bạn bè không tiếc lời mắng nhiếc anh chỉ vì cái tội không ăn thịt chó. Một bữa chếnh choáng say, anh gắp liền mấy miếng “thịt rừng” rồi nhai ngon lành. Khuya tỉnh rượu, nhớ lại những thứ đã cho vào bụng, biết bị lừa, anh nôn thốc nôn tháo đến tận mật xanh. Đêm ấy anh ngủ trong tiếng tru rởn ốc của của hàng trăm con chó hoang. Chúng bu quanh, xâu xé nát bươm da thịt anh. Anh sợ những giấc mơ. Anh sợ mùi thịt chó. Trong anh là nỗi đau âm ỉ và sự ăn năn vô hình mà anh không tài nào hiểu được. Cái nhìn tuyệt vọng của những chú chó đứng trong cũi gỗ đã ám vào anh như một lũ ma ngày: chúng chằng níu, cào cấu không một phút buông tha anh.
Tiếng xe gắn máy chưa kịp dừng, giọng thằng bạn đã oang oang trước cửa:
– Trưa rồi đóng cửa nghỉ đi cha nội. Lên chợ huyện lai rai ba hột giải sầu.
– Chợ huyện hả? – Anh sốt sắng hỏi lại.
– Hổng lẽ quẹo xuống chợ xã nhậu khan. Giờ này mồi màng kiếm đâu ra?
Anh thợ điện tử bỗng hăng hái lạ lùng. Anh nhét vội mấy sợi dây cu-roa và cái tuốc-nơ-vit vào túi quần. Hai người chạy loanh quanh trên con đường dọc bờ sông. Vượt qua cây cầu đúc nhỏ, anh thợ thấy loáng thoáng ẩn hiện cái mui ghe quen thuộc phía sau mấy ngọn trâm bầu. Một làn khói xám quấn quýt trên tán lá. Vợ chồng họ đang nấu cơm trưa. Anh thở phào nhẹ nhõm, tay vỗ bồm bộp lên đùi bạn:
– Ngừng, ngừng!
– Là tình hình gì đây, cha nội?
Dưới ghe người đàn ông đổi chó trố mắt nhìn lên. Anh thợ điện tử bỗng trở thành tay bịa chuyện:
– Anh đi rồi tui mới lục tìm đồ cũ. Cũng may còn sót lại vài món thay thế. Sẵn đường đi nhậu tui bỏ theo sửa giúp anh em.
Vừa nói anh vừa bước thấp bước cao lần xuống mé sông. Những dấu chân thô kệch hằn từng dấu to bè cạnh những dấu nạng gỗ tròn trên mặt đất ẩm. Có sức mạnh vô hình thôi thúc khiến anh khỏe hẳn lên. Gió ào ào lướt qua lau sậy. Tiếng người đàn ông chìm trong tiếng gió:
– Anh ơi, khéo không té đó. Để vợ chồng em đem lên cho anh!
Anh thợ đón lấy cái máy hát cũ, nói như phân trần:
– Anh em không giúp nhau lúc thắt ngặt tui thấy hổng yên trong bụng. Dù gì mình cũng phải sống. Kiếm ăn thôi mà!
Anh thợ bày mọi thứ trên bãi cỏ. Những thao tác nghề nghiệp được thực hiện thuần thục, chuẩn xác và nhiệt tình đến khó tin. Chỉ vài phút sau, cái loa sắt lại ong óng giọng rao quen thuộc: “Chó đổi mùng, mền, chiếu… hôn”. Anh thợ điện tử quên khuấy là mình không còn thấy khó chịu khi nghe tiếng rao ấy. Anh nhét vội cái tuốc-nơ-vit vào túi quần, tất tả quay lên bờ trong tiếng gọi giật giọng của người đàn ông đổi chó:
– Anh cho vợ chồng em gởi tiền công lao, xăng nhớt.
Anh thợ đứng trên bờ đất cao, xua tay:
– Chút đỉnh mà. Biếu anh em làm quen.
Từ trong mui ghe vang lên giọng đàn bà:
– Anh làm vậy tụi em mang tội chết!
Sau câu nói là một chiếc áo nâu cùng tấm thân gầy gò của một người đàn bà tật nguyền, khó nhọc lê người ra từ trong mui ghe. Anh thợ điện tử bỗng chết điếng. Cái chân bên phải của chị cũng ốm tong teo như chân trái của anh. Gió từ mặt sông bỗng thổi thốc lên, ào ào, tê buốt. Đôi mắt anh cay xè, đau rát. Đầu anh váng vất, chân run run, lóng cóng bước ngả nghiêng trên cây nạng gỗ. Anh không nghe gì nữa ngoài tiếng gió. Tới mép đường, anh đưa tay lên vẫy, miệng hét lớn như nói với chính mình:
– Kiếm ăn thôi mà!
Rồi anh phóng gọn gàng lên yên sau, tay đấm thình thịch lên vai bạn, giọng phấn khích nói như say rượu:
– Đi! Mình ra chợ huyện nhậu một chầu cho đã đời.
– Bộ mới trúng số hả?
Không nghe anh trả lời. Chỉ còn tiếng nạng gỗ khua lọc cọc và tiếng gió thổi phần phật trong lòng anh.
BT: Vương Chi Lan