Đánh biển – Thu Trân

Người đàn ông cầm bó cây rừng quất ràn rạt vào mặt biển mênh mông. Ngày gió lớn, biển ầm ào sóng động, từng đợt bọt nước tung trắng xóa bãi bờ. Đám lá cây rơi tả tơi trên mặt nước. Vừa quất bó cây, ông vừa kêu lên thảng thốt: “Đó, nó đó, cái miệng nó đen ngòm, cái gì cũng nuốt, nuốt hết”. Đám trẻ con hớn hở chạy theo ông. Những đứa đầu tiên chưa kịp đầm mình vào nước đã phải nhận lấy những làn roi của ông, chúng la lên chói lói: “Chạy đi! Người điên tụi bây ơi”. Đứa đứng xa hơn thì bỡn cợt: “Ông già điên ăn cắp chuối chiên, chạy về nhà ăn cắp trứng gà”.

Hiên đứng bên trong hàng dương dõi theo hình ảnh người đàn ông tâm thần và mấy đứa nhỏ. Từ thành phố về thị trấn biển một tuần lễ nay, cô đã thấy chuyện này lặp đi lặp lại nhiều lần. Để tất cả đã trở nên quá bình thường, có lúc Hiên chép miệng: “Người điên lang thang ở đâu mà chẳng có, hơi đâu…”. Chị bán ốc luộc đứng sau Hiên phản đối: “Ổng không có điên à nghen. Sạp bán cá khô của ổng ở đầu mé sóng cà!”. Không muốn cãi nhau với người lạ, Hiên chậc lưỡi nghĩ thầm: “Như vậy mà không điên mới lạ”.

Dạo biển chán chê, Hiên quay về nhà trọ. Cô nằm dài giữa căn nhà trống rỗng mênh mang. Hiên quyết định ngày mai quay về thành phố. Sự tĩnh lặng cần một khoảnh khắc nào thôi. Còn lại thì phải biết ve vuốt nỗi đau mà làm lành. Chuyện thần tượng sụp đổ là chuyện thường. Khôi đâu phải là tất cả. Những đứa trẻ ở nhà trẻ đang cần có cô, dù lương ba cọc ba đồng.

Bằng cái giọng cứng cứng miền biển Mũi Né, bà chủ nhà trọ gọi Hiên: “Cô có nhà không hả Hiên?”. Hiên choàng dậy: “Có gì không chị?”. Bà tất tả bước vào giọng xởi lởi: “Cô có thích về làng tui chơi không? Thấy tha thẫn suốt ngày một mình tội quá hè!”. Hiên thờ ơ: “Không cần đâu chị, sáng mai em về sớm rồi”. Chu cha, về sớm lại càng ghé, cái làng chài của tui có nhiều cái hay lắm nghen. Tối tối, con gái con trai họp lại hát bài chòi nghe đả điếu luôn. Hiên thẳng thắn: “Chị đang cần phòng cho khách thuê phải không?”. Bà chủ cũng thấy không cần phải vờ vỉnh nữa: “Ừ, phòng này phải bốn người ở mới hết, cô ở một mình nó phí đi, có đám khách kia cần ở tới ba ngày. Cô về nhà tui ở đỡ một đêm, nhà có hai chị em, tui hữu nghị, không tính tiền”. Bỗng dưng Hiên thấy mình dễ dãi, ừ, có sao đâu, về làng chài một đêm cho biết, bà chủ nhà chỉ có mỗi tội hơi ham tiền nhưng trông cũng có vẻ thật thà.

Sau khi sắp xếp chỗ ở cho những người khách mới, bà chủ ngoe ngoẩy xuống căn-tin tìm Hiên. Giơ lên trước mặt cô con cá dứa to đùng, bà cười ha hả: “Đãi cô một bữa canh chua tương me ăn mệt xỉu luôn”.

Không như lời bà chủ “dụ khị”, buổi tối ở làng chài con trai con gái không hát bài chòi mà bàn tán râm ran về người đàn ông tâm thần đánh biển. Ông ta là người cùng làng với bà chủ. Nhà ông ở cuối làng, nơi cái đuôi làng vắt một rẻo ra biển như đuôi con thằn lằn bị đứt. Cha con ông bơi giỏi nhất làng. ÔÂng tên Tình , thằng con tám tuổi tên Tang. Tang là con nuôi ông Tình. Ông đâu có vợ mà sinh con. Nghe nói chính bà Xu, bà chủ nhà trọ của Hiên, là người mối mai cho ông Tình đi xin thằng Tang về làm con nuôi. Mới nghe lõm bõm đến đó, mọi người vội bấm nhau im lặng khi có một bóng đen cao to lừng lững bước qua. Cô gái làng ngồi cạnh Hiên bảo: “Ông Tình về đó!”.

Ông Tình về làng buổi tối khác hẳn ông Tình cuồng nộ giữa biển khơi. Ông bước đi với cái đầu hơi cúi thấp xuống. Ai đó chậc lưỡi bảo: “Tội nghiệp, mỗi ngày đều dọn hàng ra biển nhưng hơn nửa tháng nay, từ ngày thằng nhỏ chết đuối, ổng có bán buôn gì được đâu”. Hiên bước theo ông Tình, cô muốn nhìn ngôi nhà nhỏ ven biển của ông khi sáng đèn.

Người đàn ông trạc tứ tuần cô đơn ngồi ôm đầu ủ rũ. Bóng ông ngã dài trên phiến vách đan bằng lá dừa, thỉnh thoảng gió biển lay chập chờn ngọn nến, cái bóng người rung lên…

… Đêm nằm nhà bà Xu nghe tắc kè kêu đến rợn người, Hiên trở mình thở dài hết chập này đến chập khác. Bà Xu cũng khó ngủ. Bật quẹt đốt thêm một ngọn nến, bà Xu bảo: “Cô khó ngủ lắm phải không, ra ngoài này nói chuyện cho vui”. Chắc lại than thở chuyện không còn phòng trống cho thuê trong mùa biển lắm khách.

Nhưng không, bà Xu bắt đầu bằng một câu thế này: “Phụ nữ ở một mình như tui đúng là như chiếc nón lá không quai…”. Hiên ngạc nhiên nhìn bà chủ nhà trọ. Đôi mắt bà nhìn không không vào bóng đêm, có vẻ thật lòng đa đoan. Phụ nữ gặp nhau thường bắt đầu bằng chuyện tình yêu. Bà Xu cũng vậy. Bà hỏi Hiên biết cái ông đánh biển mấy bữa rày không. Hiên nói biết. Bà e hèm rồi đánh chập hai bàn chân vào nhau thở dài: “Cô là cô giáo, cũng biết suy biết xét cho nên tui kể chuyện này cho cô nghe…”.

Ngày bà Xu bước vào tuổi “băm” ở cái làng chài nghèo xác xơ này thì ông Tình dọn đến. Ông ra biển vác cá thuê, ngày cũng như đêm hùng hục đi về như một cái bóng. Cũng một thân một mình, bà Xu cám cảnh. Hàng ngày chờ đến bữa cơm, bà mang cho ông khi tô canh chua, lúc dĩa cá kho gừng. Ông Tình nhận mà không ăn. Xếp hàng mấy món trên cái chõng tre phía trước nhà. Đến một lúc, mọi thứ mốc meo và khô cong cớn lên thì bà Xu chống nạnh chửi. Đồ thằng cha nghèo làm phách, khinh người vừa vừa chớ, có ăn hay không thì cũng mở miệng nói một tiếng cho người ta biết. Cá thịt, rau rác mua bằng tiền chớ bộ mua bằng lá chuối sao. Đàn ông lực điền vẫn im lặng đi về. Bà Xu ấm ức, chờ cơ hội trả đũa. Có một ngày,  ông Tình ốm liệt giường, cả làng không ai biết, chỉ mình bà Xu hay. Bà cố tình đi ngang nhà ông tám bận nhưng cũng không nghe động tĩnh gì. Dằn lòng không được, đẩy cửa bước vào thì ông đã sốt mê man…

Khi không thể im lặng được nữa, ông Tình bảo: “Loài người các người ác lắm, tôi ghê sợ các người!”. Ụa, sao kỳ vậy? Ông kể, từ lúc được sinh ra đời cho đến gần bốn mươi tuổi đầu, ông không hề có một mối quan hệ nào khác ngoài cha ông. Cha ông- người lính tuổi hai mươi trong một lần lạc rừng, không cách nào tìm về đơn vị được đã ở lại một làng phong giữa rừng. Nơi đây, cha ông phải lòng người con gái xinh đẹp nhất làng. Họ se duyên kết tóc cùng nhau rồi sinh ra cậu bé Tình. Có ngày định mệnh, cả làng phong chết sạch bởi một trận bom giữa rừng. May mắn khi ấy cha địu Tình xuống suối tắm nên cha con thoát chết. Cha con bỏ ngôi làng tang thương tìm đường ra bìa rừng sống. Nhà mới của họ là một túp lều rách nát ven sông. Họ sống bằng nghề trồng trọt và săn thú. Cuối cùng, cái làng bìa rừng heo hút nhưng vẫn văn minh hơn làng phong giữa rừng cũng không đón nhận cha con Tình. Bởi sau ngày tìm đến làng chưa bao lâu, cha Tình cũng phát bệnh phong. Thế là cha mất, người ta cũng chưa chịu xóa cái án “con nhà phong” cho Tình, cậu bé sống một mình vò võ hết ngày dài rồi lại đêm thâu. Và cũng đến một ngày, Tình thèm được ai đó thăm viếng hỏi han. Từ trong tiềm thức, cậu nghe cha bảo, hãy đi về phía biển, nơi ấy có những người đàn ông khoẻ mạnh và những người đàn bà biết sinh con… Bà Xu ôm bụng cười rũ rượi: “Thì là tui đây, chớ bộ ông không thấy sao?”. Người chi mà thù vặt, thù dai, thù thâm căn cố đế. Nhìn cái tuồng mặt lạnh như đồng của ông Tình sau câu chuyện kể, bà Xu tức tối đứng lên phủi đít ra về.

Lạnh lùng tối tối nằm không, em muốn lấy chồng ơ mụ mối ơi… Tối nằm gát tay lên trán, bà Xu nghe thằng cha say rượu cà ràng nào đó rên ư ử ngoài sân nhà. Bỗng bà thấy nhớ ông Tình da diết, đã hơn bốn mươi tuổi đầu, bà chưa hề yêu ai và chưa hề được ai yêu.

Nhưng đừng nói chi đến tình yêu, cả những mối quan tâm bình thường, ông Tình cũng từ chối bà. Tự thâm tâm, bà thấy không được quyền hờ hững với ông. Bà nghĩ ra “sáng kiến” xin cho ông một đứa con nuôi. Cũng là lúc ông tích góp được đồng vốn kha khá và đồng ý cho bà làm động tác thiêng liêng này. Thằng Tang ba tuổi, thông minh, đĩnh đạc, lớn nhanh như thổi. Nó là cầu nối duy nhất giữa ông với bà. Ngày nào nó học được điểm mười, hai ông bà vui. Ngày nào nó nhiều chuyện, bị cô giáo bắt chép phạt, hai ông bà buồn. Có “cầu nối” vậy nhưng cũng hiếm khi bà Xu được ông Tình trò chuyện, chỉ thỉnh thoảng mới ban bố một nụ cười. Những khi ông Tình đi bán cá khô về khuya, thằng Tang vọt qua nhà bà. Nó nằm vắt chân chữ ngũ, gát tay lên trán thẽ thọt: “Coi vậy mà ba thương má lắm nghen, lúc nào con làm biếng học, ba nói ráng đi, không thôi má mày buồn”. Bà Xu nghe vui vui trong lòng nhưng còn làm bộ: “Như vậy là ba thương con chớ đâu phải thương má!”. Nó chề môi dài cả thước: “Xì, má buồn thì ba buồn, vậy coi ổng thương ai cho biết”. Đêm, bà Xu trằn trọc không ngủ được. Sáng ra, bà đứng trước gương lâu ơi là lâu rồi “hú” con Gái Em chạy ù xuống biển coi nhà trọ dùm. Bà ra chợ huyện làm lại cái đầu tóc quăn lùm xùm. Tối về, bà cố tình mang cho hai cha con dĩa khoai lang luộc. Ông trố mắt nhìn bà hồi lâu rồi coi như không có chuyện gì xảy ra, hất hàm nói với thằng nhỏ: “Có thích thì ăn đi, tao no rồi”. Cái đồ nghèo mà làm phách, bà vén xoẹt mái tóc mới qua một bên rồi bỏ về.

~o0o~

Hiên thức dậy thì bà Xu đã đi tự bao giờ. Người vùng biển lúc nào cũng thức sớm. Bà nhắn với hàng xóm, cô chờ bà về rồi hãy đi. Hiên sắp xếp mọi thứ vừa xong thì bà cũng hớt hơ hớt hải chạy về. Ngã nón lá ra quạt phành phạch, bà móc túi đưa cho Hiên tờ giấy: “Cô Hiên đọc dùm tui coi cái tờ giấy này phải là bài báo hôn?”. Hiên vô tình: “Chị không đọc được hả?”. Bà Xu bối rối khỏa lấp: “Ôi, chiến tranh mà, chạy nhà cháy suốt ngày, lấy chữ đâu mà học cô ơi”. Tờ giấy biểu dương gương Người tốt việc tốt của ông Tình. Nóng ruột vì đứa con nuôi chết đuối, ông Tình đã cứu được chín đứa trẻ vừa lọt vào “lòng chảo”, nơi thằng cu Tang bị nước biển nhấn chìm. Bản thảo bài báo của nhà báo nào đó ở đài truyền thanh huyện viết khá kêu. Thực hiện sứ mệnh của người dân trong cộng đồng, ông Nguyễn Hữu Tình đã không ngại tuyên chiến với thần chết, ông dang rộng đôi cánh thiên thần ôm hết những đứa con của biển vào lòng… Bà Xu phản đối, úi chu choa, làm chi có cái cánh thiên thần, dễ hiểu là ổng sợ cha mẹ tụi nó phải đi về suốt ngày như ổng mà không biết đi đâu về đâu. Bà bảo Hiên chờ bà thêm chút nữa để bà chạy ù ra nhà trọ gặp cô nhà báo ở huyện đang chờ. Hiên hỏi: “Làm sao chị có bản thảo bài báo này hay vậy?”. Bà Xu nhăn mặt: “Có gì đâu, cổ trọ nhà tui, nghe người ta nói tui biết nhiều về ông Tình, cổ đưa tui đọc thử”. Xong, bà lại vắt một chân lên ghế theo thói quen: “Tui hổng phải là cô giáo nhưng tui nói vầy, cô Hiên nghe thử có được hôn nghen. Khen chi ông Tình lúc này sướng ích gì. Ổng đau khổ ngập đầu, tỉnh tỉnh mê mê, nhắc lại chuyện thằng Tang chết chìm, ổng còn thêm căng thẳng. Chuyện tốt chuyện xấu gì của cuộc đời, không nói ai cũng biết, cần chi lên mặt báo cho ổng thêm buồn…”. Hiên cảm thấy tin cậy: “Chị nói đúng, có cách nào để yêu cầu bài báo đừng phát không?”. Mắt bà Xu sáng lên: “Vậy là cô thấy tui nói đúng chớ gì, cái cô nhà báo này trọ nhà tui hoài, tui sẽ có cách nói”. Bà đứng dậy xách nón ra đi, được mấy bước lại lộn vào. Ở nhà ngoài, Hiên nghe bà hít mũi cái rẹt rồi lật đật bước ra, nón lá sùm sụp trên đầu. Cô biết bà Xu đang khóc.

Bị cuốn vào chuyện bà Xu ông Tình, Hiên quyết định ở lại làng chài một đêm nữa. Có khi bà Xu lại nhờ cô đọc thêm bản thảo bài báo nào đó nữa thì sao. Trăng thượng tuần ở biển bàng bạc như sương. Sóng biển dập dềnh kể hết chuyện nọ kia.

Có tiếng đập cửa nhè nhẹ, Hiên bấm tay bà Xu. Bà ngồi dậy, quờ chân tìm dép, nhất cử nhất động đều khẽ khàng như sợ bong bóng xà phòng vỡ tan… Úi chu choa ơi, có thiệt hôn đây trời. Bà la lên. Hiên nhìn ra, ông Tình đứng lù lù ở cửa.Vẫn giọng lu loa của bà chủ nhà trọ: “Ơi trời, sáu năm về cái làng chài này, ổng mới đặt chưn vô nhà tui đó cô Hiên à!”. Như không hề biết có Hiên, ông Tình bảo: “Khi sáng tôi có gặp cô nhà báo chỗ nhà trọ của bà…”. Hiên tròn xoe mắt ngạc nhiên. Giọng người đàn ông đánh biển này mới trầm ấm làm sao. Hèn chi các cô gái làng bảo, bà Xu mê giọng nói của ông hơn mê tiền. Hiên còn loáng thoáng nghe ông nói thêm: “Tôi cảm ơn bà đã bảo cô ấy không đưa tôi lên đài…”. Bà Xu như người tỉnh dậy sau một giấc mơ dài: “À à, mời, mời… ông… ông vô nhà…”. Nhớ mấy lần bà Xu kéo quần, dạng hai bắp chân to đùng chửi đổng cái kiểu làm phách của ông Tình, Hiên khẽ mĩm cười. Cô lịch sự bỏ ra trước hiên nhà ngắm trăng. Ừ, phách lối đến đâu thì cũng có lúc tìm nhau để nói với nhau một câu đàng hoàng. Khôi của cô cũng vậy. Có muốn chê cô xấu, cô nghèo thì cứ nói thẳng ra chứ mắc gì phải đổ thừa nọ kia. Tất cả lý do Khôi nêu ra để chuẩn bị cho “một cuộc chia tay có đạo đức” đều không thuyết phục được Hiên. Cô nghe các chị ở nhà trẻ bảo, lúc này Khôi hay đi chơi với một cô nào đó có “nhà mặt phố- bố làm to”. Có cần thiết phải làm đau lòng nhau theo cái kiểu kiếm cớ đó không? Bước đi giữa những dây muống biển loằng ngoằng như  muốn níu chân người ở lại, Hiên bỗng đâm thèm một hạnh phúc đơn sơ, một dĩa khoai nóng để ngồi tỉ tê với người mình yêu mình quý dưới ánh trăng bàng bạc đêm nay chẳng hạn…

Có tiếng đằng hắng sau lưng, Hiên quay lại, ông Tình bảo: “Cô vào với bà ấy đi !”. Bước thấp bước cao chưa đến sân nhà, Hiên đã thấy dáng bà Xu đứng một mình lặng lẽ. Bà bảo: “Ngày mai ổng đi rồi!”. Hiên ngạc nhiên: “Đi đâu?”. Bà đổi giọng quan trọng: “Đi về rừng bốc mộ ông già xuống đây”. Thiệt hôn? Kỳ lạ chưa, Hiên bỗng thấy có điều gì mới mẻ lắm.

Trước khi quay vào nhà, bà Xu còn lẩm bẩm: “Thôi kệ, xuống đây một nhà cho cha con, ông cháu đoàn tụ”. Thôi kệ làm sao được mà thôi kệ.

Hiên chống cằm nhìn qua cửa sổ, trăng lên cao đã sáng tỏ hơn nhiều, xa xa trên bờ cát kia có hai đốm sáng lập loè. Một của cây đèn bão, một là đầu thuốc lá của ông Tình, chắc vậy, bà Xu bảo ông Tình hút thuốc dữ lắm. Đêm nay chắc gì ông Tình ngủ được. Gió biển thổi qua thốc tháo. Hiên rùng mình kéo cao cổ áo. Có phải duyên nhau thì thắm lại, ông Tình ơi!

BT: Vương Chi Lan

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.