Hát Như Ngày Xưa

Truyện ngắn Thu Trân

Hai nhà cách nhau một mương nước, nước chẳng được dẫn ở đâu về, mà cứ phun dào dạt từ dưới “mọi” lên, lênh láng, trong ngần. Ngày mới nghe từ “mọi”, Vi không hiểu “mọi” là cái gì. Ông Tám giải thích, mọi là cái mạch nước ngầm từ dưới đất phun lên. Vi hỏi, vậy sao không gọi là mạch nước cho dễ hiểu. Ông Tám bảo, mọi khác mạch, nước mọi ngọt và mát hơn nước mạch nhiều. Với lại không phải nơi nào cũng có mọi như ở đất Lộc An này. Người Lộc An xa quê nhớ nước mọi như nhớ cội nhớ nguồn. Ngày xưa, ông Năm hy sinh trong vườn nhà cũng vì nước mọi. Trên núi về đồng bằng công tác, ông nhắn trước với bà Năm, bằng giá nào, ông cũng phải ghé nhà uống nước mọi cho đã đời rồi mới đi. Chuyến về thăm nhà của ông bị bọn địch đánh hơi và phát hiện. Vừa tâm sự với bà Năm xong, ông Năm bước ra cửa, giặc bắn ông chết ngay gốc chôm chôm đầu hè. Sau trận đó, chúng mở tiệc ăn mừng ba ngày ba đêm vì đã hạ được “con hùm xám” của đất Lộc An anh hùng. Bà Năm nuốt nước mắt thương chồng, xắn tay áo lên, thề với ông Năm đi làm cách mạng trả thù. Bà vô đội nữ du kích xã, thông minh, gan dạ, lì lợm, đánh trăm trận trăm thắng. Mỗi trận thắng giặc, bà ghé qua nhà lấy dao chặt một vết sâu lên thân cây chôm chôm, nơi bọn giặc bắn chết ông Năm, để làm bằng chứng giữ lời hứa với chồng. Đất nước hòa bình, thống nhất gần ba mươi năm, thân cây chôm chôm vẫn hằn hàng chục vết sâu kéo dài từ gốc lên ngọn…

Vi về ở với ông Tám, bà Năm đến cả tuần mới phát hiện sự khác nhau của hai khu vườn sum suê cây trái. Vườn nhà ông Tám thỉnh thoảng vang lên câu nói tiếng người ngộ nghĩnh của con sáo đang nhảy nhót trong chiếc lồng xinh xắn treo dưới chái nhà bếp: “Nhà quê mắc cừ! Nhà quê mắc cừ!” (Nhà quê mắc cười). Câu nói này do dì Hoa dạy con sáo trong chuyến về thăm quê lần trước. Dì Hoa là con nuôi ông Tám. Dì sang Mỹ sống được gần hai mươi năm theo diện con lai. Vườn nhà bà Năm có tiếng gà mẹ lục cục với đám gà con líp chíp suốt ngày dưới gốc chanh, gốc khế. Ông Tám bảo, nhà bà Năm lúc nào cũng có gà ấp, gà đẻ. Ở thêm một tuần nữa, Vi phát hiện ra sự lạ giữa hai chị em già: phải có đến năm, bảy ngày, người em trai là ông Tám mới quá bước sang thăm bà chị gần chín mươi tuổi không đi được nữa của mình. Nhưng mỗi lần đến thăm, ông đều vội vã hỏi han, vội vã ra về như nhà hai người cách nhau vạn dặm. Dường như giữa hai người có điều gì không vừa lòng nhau. Trước khi Vi khăn gói về quê, má dặn, người già thường hay tự ái, chạnh lòng, giận dỗi vu vơ, Vi phải xử sự thật khéo với bà Năm và ông Tám để không ai mếch lòng, không ai tủi thân. Sau đó, Vi hiểu thêm rằng, chẳng những hay tự ái, chạnh lòng, giận dỗi vu vơ, người già còn có cả một thế giới riêng rộng lớn. Một thế giới nối kết giữa hai bờ hư thực của từng quãng đời khác nhau trong quá khứ. Tháng ngày hiện tại với bà Năm, ông Tám chỉ là thời gian tạm bợ. Còn tất cả dường như là đang chờ đợi ở thế giới bên kia với hầu hết những người thân của hai ông bà già… Chung quanh giường mình, bà Năm xếp hằng hà sa số những huân chương, huy chương, bằng Tổ quốc ghi công của những thành viên trong một gia đình cách mạng nòi. Trong đó có cả giấy báo ông ngoại Vi hy sinh (ông ngoại là anh ruột của bà Năm và ông Tám), giấy chứng nhận thương binh hạng nhẹ của ông Tám. Ông Tám bảo, bả đòi giấy chứng nhận thương binh của tao miết, phải đưa chớ biết làm sao. Thấp hơn một chút, phía bên trái bàn thờ gia tộc trong nhà ông Tám, chỉ còn bằng Tổ quốc ghi công của bà Nguyệt Minh, người vợ không bao giờ cưới của ông Tám, là không bị bà Năm “truy thu”. Ông Tám hùng hồn, phải vậy chớ, bả mà đòi thêm cái này, tao rút cầu, không thèm về thăm bả nữa cho biết. Vi tròn xoe mắt: “Về à? Có xa xôi gì đâu ông Tám, từ đầu mương bên này, con nhắm mắt chạy cái ào, không đầy năm phút là tới nhà bà Năm mà!”. Ông Tám mơ màng, ừ, coi vậy mà xa đó con ơi, hồi đó thằng giặc nó bắn ông Năm mày mà đâu biết tiểu đội tao cũng đang ém bên đây. Không khác gì với sự mơ màng này, ngồi bắt chéo chân chữ ngũ trên giường, nửa tỉnh nửa mê, bà Năm bảo: “Nói ông Tám mày, lần sau có về thăm tao thì nhớ đem cái bao súng cho ông Năm, của tao mà nó cất hoài làm cái gì chớ?”. Vi bảo, thôi, để một lát con về mang qua. Bà Năm bực bội nạt ngang: “Mày biết cái gì, cái bao súng đó là đồ gia bảo. Hồi đó, thằng Tám là tiểu đội trưởng tiểu đội du kích xã, cho nên nó mới có quyền!”. Vi về hỏi lại ông Tám chuyện cái bao súng của “con hùm xám” đất Lộc An. Ông Tám tỉnh queo: “Ủa! Tao đã trả lại cho ảnh ngày ảnh nhảy núi rồi mà!”. Người được sinh ra sau hai người già ấy gần bảy mươi năm là Vi nhún vai, chịu, không hiểu nổi. Cô bước ra vườn hái một nắm ớt bỏ vào lồng cho con sáo, nó xòe cánh nịnh nọt xun xoe: “Nhà quê mắc cừ! Nhà quê mắc cừ!”.

Vi băng ngang lộ, đi sang vườn dâu của ông Tám. Vườn dâu mát rượi với hàng chục gốc dâu già. Những chùm dâu lủng lẳng vàng xanh trông ngộ nghĩnh. Bọn sóc đuổi nhau trên cây tranh từng chùm trái chín. Một chú hám ăn buông tay té xuống con rạch cuối vườn. Nó ướt lướt thướt và cố gắng bơi trườn vô. Ngẩn ra một lúc với cảnh vườn đáng yêu, Vi mới bắt đầu giăng võng. Chưa kịp giăng đầu dây thứ hai, Vi đã ngồi thụp xuống, ôm ngực ho sù sụ, cổ họng cô khan rát. Một làn gió thoảng qua, Vi thấy mình ớn lạnh, mồ hôi bắt đầu rịn ra. Cô lấy thuốc uống. Một bụm thuốc đủ màu vàng đỏ xanh trắng chỉ đủ cho Vi cầm cự mấy giờ. Sau đó lại sốt và lại uống, uống gần cả tháng nay. Vi mơ hồ nghĩ đến cái điều phải đến. Khi đó, Vi hom hem, xấu xí, nằm co quắp trên giường chờ chết. Cô nhìn ra mặt con rạch loang loáng nắng chiều để thấy yêu mến và gắn bó với quê ngoại mình hơn. Đến ngày Vi sắp chết, ắt hẳn sẽ có má, có bà Năm, ông Tám kề bên… mà không sợ lây lan. Người già thường yêu thương vô bờ những người trẻ bạc mệnh như Vi… Khi nỗi nghi ngờ lên đến gần trăm phần trăm thì Vi tuyệt vọng, cô quyết định xin phép cơ quan nghỉ không ăn lương ba tháng về quê ở, không muốn ai thương hại hay bận bịu vì mình. Vi gọi điện cho Kha, bảo tụi mình “mắc” rồi. Kha cười bên kia máy: “Mắc cái gì?”. Vi xuống giọng: “Thì cái đó chứ còn gì nữa!”. Giọng Kha: “Thì đi trung tâm kế hoạch hóa gia đình vậy!”. Vi cười đau khổ: “Nhiễm HIV ấy mà!”. Kha cười ha ha trong máy, bảo Vi đừng đùa dai, chúc Vi về quê vui vẻ, không được quyền ở quê ba tháng, chỉ một tháng thôi rồi Kha sẽ cố gắng sắp xếp cho xe về đón Vi lên. Vi về ở nhà ông Tám, ban ngày xách giỏ đi chợ quê, có hai chục ngàn đồng mà mua được biết bao là thứ. Về nhà nấu được biết bao là món cho cả ông Tám, cả bà Năm. Chị phụ trách công tác thương binh-liệt sĩ của xã được phân công đến nhà đỡ đần hai ông bà già cảm ơn Vi rối rít, đã vậy còn bảo: “Em cố gắng ở càng lâu càng tốt, ông bà già cần tình cảm con cháu lắm”. Ông Tám tỉnh táo bảo: “Đừng có tin nó con à, nhà nước phân công nó làm cho ông với bà Năm là có lương đó. Rồi chưa kể lâu lâu, con Hoa còn gửi tặng cho vài chục đô… “. Vi cười: “Thôi kệ ông Tám à, cho chỉ xả hơi ít bữa”. Đêm xuống, nằm một mình trên bộ tràng kỷ rộng thênh thang, nghe tiếng ếch nhái rền rỉ ngoài ruộng xa, Vi lại cám cảnh chuyện mình. Không nhiễm HIV thì còn cái gì. Vi bị sốt kéo dài cả tháng, cơ thể bị suy nhược trầm trọng, ăn uống không được nhiều, đã dùng đến hàng chục loại kháng sinh nhưng vẫn không hiệu quả. Về quê được đúng một tuần, Kha gọi điện, Vi nói chắc chắn là nhiễm HIV rồi, đã đi thành phố xét nghiệm. Lần này Kha không cười ha ha nữa mà tần ngần trong máy: “Do đâu?”. Không do Kha thì còn ai trồng khoai đất này. Kha bảo, cố nhớ thật kỹ đi, trước đó Vi có đi nhổ răng hay làm phẫu thuật gì liên quan đến máu me không. Vi bảo không. Kha là ca sĩ ngôi sao, ăn chơi bay bướm thả giàn, cặp bồ hết cô này đến cô kia, toàn là người mẫu và ca sĩ. Vi nợ đời nợ kiếp Kha cho nên mới không dứt nổi Kha ra. Vì cái tình thuở ban đầu, cái tình suốt bốn năm ngồi trên giảng đường đại học đẹp quá. Kha cũng không dại gì dứt ra khỏi Vi, một cô gái xinh đẹp, giỏi giang, nết na, đoan trang là thế… Tốt nghiệp đại học, hai đứa sống với nhau như vợ chồng gần hai năm trời nhưng chưa bao giờ Kha đặt vấn đề cưới Vi làm vợ, bởi lẽ “Kha còn phải phấn đấu nhiều cho sự nghiệp”. Thật ra thì đến một ngàn lần, Vi cũng không đủ can đảm đi xét nghiệm HIV, nói là nói với Kha thế thôi, chứ cô cũng muốn giữ lại một tia hy vọng, dù mỏng manh… Qua cơn ho, Vi lại đứng lên giăng võng. Cô khẽ khàng ngồi xuống lần giở từng trang sách. Nhưng đọc không nổi. Ở nhà, má cũng chưa biết chuyện gì đã xảy ra với Vi, chỉ biết là con gái chán làm bàn giấy và thích về quê nghỉ ngơi, thế thôi. Nỗi buồn như đám mây đen trĩu nặng lại ập về. Sao Kha cứ thích truy tìm nguyên nhân Vi bị nhiễm HIV mà không cần biết rằng bây giờ, cô đang phải sống trong tâm trạng như thế nào…

~o0o~

Sau bữa cơm trưa, Vi sang nhà nhổ tóc sâu cho bà Năm. Bà Năm nằm lim dim kể chuyện đời. Vẫn cái kiểu lan man hư thực. Bà đối xử với ông tệ bạc lắm con à, ăn ở với nhau cả đời vậy mà không biết sinh cho ông một đứa con. Chớ có một đứa thì cũng đỡ, nay mai bà đi theo ông thì còn có người phụng thờ, nhang khói. Nè, bà dành cây chôm chôm trái đỏ đầu hè cho con làm của hồi môn lấy chồng nghen. Nhưng mà không được bán cho ai, ông Năm mày về ổng cằn nhằn bà đó. Mày biết tại sao hồi nẫm thằng Tám không được làm chủ tịch xã không. Vì nó có đứa con gái nuôi là Mỹ lai. Mà có phải tội tình gì đâu, nó là đứa trẻ vô thừa nhận trong trại mồ côi mà. Thôi kệ, nó không chịu lấy vợ vì cứ bị ám ảnh hoài cái chuyện con Nguyệt Minh hy sinh ngay trước mặt nó đó mà, có đứa con nuôi cũng vui. Con nhỏ Mỹ lai coi vậy mà có tình lắm nghen, cứ gởi tiền về cho tao với thằng Tám xài hoài. Tiền tao để trong gối nè, để dành cất nhà lầu cho ông Năm mày ở, tội nghiệp, hồi đó ở trong rừng miết, làm sao biết chuyện ở nhà mái bằng, uống nước phông- tên như tụi nhỏ bây giờ. À, mày có biết hôn nhỏ, hồi nẫm bà Năm hát hay lắm nghen. Lúc bị giặc lùng riết quá, bà phải nhảy núi hết hai năm. Khi bệnh xá dã chiến hết thuốc gây mê, gây tê, bà được mời qua hát để mổ thương binh. Thương binh nghe bà hát hay quá nên không biết đau là gì. Nè, nghe bà hát nghen… Mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng… Giọng bà Năm vút cao làm Vi ngạc nhiên. Quá khứ tươi đẹp đã làm bà lão tóc bạc, da mồi, răng long trẻ đi biết bao nhiêu. Sơn nữ ơi, đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian bát ngát trời mây. Thời gian, không gian quanh bà lão gần như ngưng đọng. Vi bỗng tin rằng, có những khoảnh khắc của riêng một con người trong một xúc cảm nào đó. Lúc này, Vi mới nhớ đến món quà mình lén ông Tám mang sang cho bà Năm. Cô rút nó từ trong chiếc bao vải ngả màu thời gian: “Đây có phải là bao súng của ông Năm không bà?”. Bà hấp háy đôi mắt đục ngà: “Ông Năm gởi về cho con đó hả?”, rồi run run đưa hai tay ra đón nhận. Bà ấp chiếc bao súng vào lồng ngực như sợ ai đó tranh mất. Vi thôi nhổ tóc sâu, cô ngồi tựa lưng vào tường, nhìn ra vườn, ngắm những giọt nắng còn sót lại trong ngày đang vương vãi trên mấy thân cau ngoài bờ mương. Vi sẽ chẳng bao giờ nói với bà về chuyện cô nhặt được chiếc bao súng trong góc bàn thờ Phật trên cao ở nhà ông Tám trong lúc cô dọn dẹp nhà cửa sáng nay. Cũng như, sẽ chẳng bao giờ nói với bà về những dòng chữ mà ông Tám đã khắc nhỏ rít phía trong nắp bao súng. Hãy tha lỗi cho Tám Hiền này, anh Năm. Mặc dù, Vi không biết chuyện gì đã xảy ra với người lớn cách đây hơn nửa thế kỷ. Như một cơn gió, từ đôi bờ mương nối hai ngôi nhà hương hỏa, ông Tám run rẩy bước vào trong tiềm thức rối bung của người già. Ông lập cập đi đến chỗ bà chị ngồi như những lần thăm viếng theo định kỳ. Há hốc miệng nhìn bà chị đang xúc động nâng niu bao súng trong tay, ông thều thào muốn không ra hơi: “Anh Năm gởi bao súng về hồi nào vậy, chị Năm? Vậy là ảnh đã tha thứ cho tui rồi, phải không?”. Ông quỳ xuống, ôm vai bà chị già của mình và khóc như một đứa trẻ. Rất may cho Vi là ông cũng chẳng nhớ chuyện bao súng được ông giấu trên bàn thờ Phật. Mắt bà chị già bừng sáng miên man: “Ừ, hồi hôm đi họp bàn chuyện chống càn sáng nay, tui gặp chú út Nghĩa xã đội trưởng, chú nói hết chuyện của cậu cho tui nghe rồi, sao cậu giấu tui hoài, cậu Tám? Cậu biết không, tui nghe người ta đồn chuyện này lâu rồi, nhưng mà tui tin cậu, muốn chính miệng cậu nói ra. Nay anh Năm gởi bao súng về, đồng ý tha thứ cho cậu, tui mới nói huỵch toẹt ra đây. Tiểu đội cậu ém trong nhà kia, biết chuyện giặc vây ráp anh Năm, mà sao cậu không báo, cậu Tám? Cậu tính biến anh Năm thành con mồi cho tiểu đội mình giết được nhiều giặc, thứ nhứt được tiếng cứu anh Năm, thứ hai lập công với cấp trên phải không. Nhưng mà, cậu tính không bằng trời tính cậu à, giặc nó đổi giờ vây ráp cho nên tiểu đội du kích của cậu trở tay không kịp, thành thử anh Năm phải hy sinh… “. Bà Năm đưa tay lau nước mắt rồi xoa đầu ông Tám như xoa đầu đứa em dại dột, nông nổi ngày nào: “Thôi, chuyện dĩ lỡ rồi, nói làm gì nữa. Ừ, vậy mà có đứa nói, lúc anh Năm hy sinh, cậu lấy bao súng của ảnh cất vô bòng của mình để giữ mà tạ lỗi. Đừng khóc nữa, con Nguyệt Minh nó cười cậu kìa. Mà thôi, đi nhanh lên, giặc nó tới bây giờ!”. Làm như có giặc tới thật, ông Tám lật bật bước ra hàng hiên ngồi, đầu cúi thấp, đôi vai gầy run lên, trĩu nặng thời gian… Trong nhà, bà Năm thả mình xuống giường, mắt nhắm lại nhưng dường như những vết rạn chân chim trên mặt bà đang dãn ra… Vi thấy cũng cần bước ra ngoài hít chút không khí trong lành. Tay chạm vào một bên áo sột soạt, cô chợt nhớ đến bức thư vừa nhận được sáng nay vẫn còn nằm yên trong túi. Kha hẹn sẽ đón Vi về sau một tháng ở quê, nhưng bây giờ đã gần hai tháng, chẳng nghe động tịnh gì. Còn đây là bức thư duy nhất Kha gửi cho cô sau sáu năm hai người yêu nhau. Vi đứng lại, xé bì thư. Không có một chữ viết nào, chỉ duy nhất phiếu xét nghiệm HIV âm tính của Kha được ký trước đó một tuần. Vi mừng, vì như thế có nghĩa là, cô cũng không bị nhiễm HIV. Dường như là như vậy, với không khí trong lành và đời sống giản dị ở miền quê, thời gian gần đây, sức khỏe của cô cũng đã khá hơn nhiều. Nhưng ngay sau đó, một cảm giác ngỡ ngàng xâm chiếm, Kha đang nghĩ gì về cô đấy mà cô không được biết… Vi đứng ngẩn ra và cảm thấy mình đã phung phí thời giờ biết bao trong sáu năm qua… Có tiếng bà Năm hát những bài ca kháng chiến bằng giọng nữ vút cao. Ông Tám đã trở lại tư thế bình thản thường ngày, hai tay ông chậm rãi vấn thuốc rê rồi thè lưỡi dán bên hông điếu thuốc lại. Nắng chiều nhạt trắng bên kia bờ mương nhưng ông Tám không vội vã quày quả trở về như mọi lần nữa, ông thủng thỉnh trước nhà bà chị như là nhà của mình. Đường về nhà ông Tám không còn xa…

TT

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.
.
.