Những con thiêu thân – Lê Khánh Mai

Có một góc thế giới đàn ông – quán rượu trong hẻm nhỏ của một thị xã tỉnh lẻ đang giãy giụa trong sự trì trệ. Nơi đây tụ tập đủ mọi hạng người: thầy giáo chán nghề, nhà thơ bất đắc chí, mấy anh thợ điện máy, chụp hình lười nhác, ham vui, vài tay xích lô, ba gát buồn cảnh nhà nghèo, con đông. Thỉnh thoảng có đôi ba vị công an khu vực. Những bộ mặt quen thuộc đến nhàm chán, xỉn màu thời gian, mốc meo héo úa dưới ánh đèn đỏ đòng đọc. đêm đêm khi cuộc rượu tàn họ chia tay nhau ngật ngưỡng, dùng dằng, ồn ĩ, cãi cọ, đấm đá, nâng lên, vật xuống như một lũ điên. Có người ngã dụi xuống đường, có kẻ lê được bước chân líu ríu, liêu xiêu về nhà để rồi sáng hôm sau tất cả lại tụ tập ở quán rượu với vẻ mặt hớn hở, những cái bắt tay, ôm hôn thắm thiết tựa khách đa tình gặp lại người đồng điệu sau nửa thế kỷ cách xa. Họ lại ngồi vào bàn nâng ly, chúc tụng, bốc thơm nhau. Mọi lời nói, câu chuyện lặp đi lặp lại như ngày hôm trước, tháng trước, năm trước.


Quán không có tên, cũng không mở toang cửa ra đón khách. Hai cánh cổng gỗ xộc xệch khép hờ, người quen cứ tự tiện đẩy cửa bước vào. Quán mở ngay trong nhà, không phải đóng thuế. Chủ quán có đủ lý do để biện minh rằng ở đây không có chuyện kinh doanh, chỉ là những cuộc họp mặt bạn bè vui vẻ thân tình. Đó là người đàn bà gốc Huế, múp rụp tuổI hồi xuân, nụ cười luôn ở đầu môi và tiếng “dạ” ngọt lịm, kéo dài luyến láy, nồng nàn mời gọi như men rượu.
Không trang trí sửa sang gì cả, quán tuềnh toàng đến nhếch nhác. Bàn ghế cọc cạch, cái cao, cái thấp, cái bằng gỗ, cái bằng mây, cũ mèm, rệu rã, chen trong đám giường tủ ngổn ngang. Món nhậu thường là gỏi đu đủ, bắp chuối, đậu phộng rang da ca dễ chế biến, rẻ tiền. Khách “sộp” cần những món “xịn” như gà quay, bê thui, dồi trường, mực hấp, thịt cầy… bà chủ có thể lấy ở các quán bia đầu hẻm, phục vụ tận tình. Chỉ cần có mươi ngàn đồng trong túi một gã đàn ông vô công rồi nghề có quyền ngồi nhậu thâu đêm suốt sáng, nói năng bạt mạng, chửi cả ngọc hoàng, thượng đế.
Nổi bật trong đám nhậu nhẹt là gã nhà thơ. Tên cúng cơm của gã là Quờn, bút danh Thi Thi, bạn rượu quen gọi gã là nhà thơ. Gã có nhiều thơ đăng báo và hình như đã xuất bản một tập thơ nhưng nó lọt thỏm vào cái vô tận của rừng thơ thời mở cửa. Trước kia gã từng là nhân viên Nhà nước, sau vài lần đụng độ với trưởng phòng vì những chuyện rất vớ vẩn gã bỏ việc về làm thơ, uống rượu, cà kê, bù khú với bạn bè.
Quờn thường tự nhận mình là nghệ sĩ thứ thiệt, tài cao nhưng phận thấp. Ở cái xứ tỉnh lẻ có quá nhiều nhà thơ “dỏm” này gã thấy chẳng có ai đáng mặt bàn chuyện thơ với gã.
Ngày nào Quờn cũng đến quán rượu đọc thơ, ngả nghiêng khóc thương cả nhân loại lầm than. Những câu thơ gã đọc đi đọc lại đến trơ mòn: “Hỡi nhân dân đau khổ của ta ơi…”. Gã nhả từng chữ và gằn lên dữ dội như con thú trước miếng mồi chưa vồ được. Đọc xong gã bốc một miếng dồi chó cuộn vào chiếc lá mơ, đưa lên miệng nhai ngóp nghép, nốc rượu đánh “ực”. Hai khoé mắt gã ứa ra một thứ nước nhừa nhựa, lem nhem, đôi mắt đờ đẫn đã bắt đầu bạc màu của cái tuổi ngoài năm mươi. Gã ngả người trên chiếc ghế mây, thở phì phì mãn nguyện như vừa hoàn thành một sứ mệnh cao cả. Lập tức năm, sáu ly rượu được nâng lên, cụng vào nhau lắc cắc, sóng sánh tràn trong tiếng râm ran cổ vũ: “Trăm phần trăm”, trong lời nức nở chúc tụng vần thơ thiên tài.


Quờn nốc cạn, giộng cái ly không xuống bàn đánh “cốp” và triết lý: “Đời là cái đếch gì! Tất cả sẽ lụi tàn như cây non trong màu đại hạn, sẽ tan biến như đám mây mỏng mảnh trước cơn gió mạnh. Chỉ có thơ là gắn liền với sự bất tử. Thơ là quyền lực tốI thượng, nhiệm màu hơn cả Đức Giê-su, Thích Ca Mâu Ni. Ta có thể ăn thơ, uống thơ mà sống như một thiên thần ha… ha… ha…. Loài ngườ đáng thương thay. Họ lao vào cuộc bon chen không mệt mỏi v ì địa vị v à quyền lực. Họ làm nô lệ cho những ham muốn vô độ. Họ theo đuổi đồng tiền một cách mù quáng. Họ như những con thiêu thân bị cuốn hút vào chiếc đèn cù khổng lồ ha… ha… ha…
Ly rượu của Quờn lại đầy lên tự lúc nào, gã nốc cạn, rồi giộng ly xuống bàn đánh “cộp”.
Gã nhà thơ thương cả nhân loại mênh mông, nhưng không đủ sức thương cái gia đình bé nhỏ của gã. Cái nghịch lí này chính gã cũng dường như không tự biết. Gia đình gã sống trong một căn hộ tồi tàn ở cuối một con hẻm cụt, nghèo đến mức không thể nghèo hơn. Vợ gã héo như một cái cây mới trồng chưa kịp bén rễ đã gặp cơn nắng lửa. người đàn bà ấy tần tảo và lam lũ một cách nhẫn nhục, với ý thức sâu sắc về thân phận làm vợ một thi sĩ gàn. Chị tin đó là định mệnh nên đành giơ đôi vai gầy guộc ra mà nhân lấy cái gánh trần gian.
Bảy mạng người, hai vợ chồng, năm đứa con sống bằng gánh bún riêu của chị. Ngày nào cũng vậy, từ ba giờ sáng, lúc nhà thơ còn ngoẹo cổ trên chiếu ngủ mùi, chị đã lọ mọ trở dậy nhóm lò nấu riêu cua để sáng sớm gánh ra đầu hẻm bán cho trẻ con và những người lao động nghèo. Công việc đơn điệu ấy lặp đi lặp lại suốt hai mươi năm qua, không gì thay đổi, kể từ ngày chị và Quờn thành vợ chồng. Chỉ con cái là đông thêm. Ba lần sảy, bảy lần sinh, giờ còn lại năm đứa con, đứa lớn nhất 18 tuổI, đứa nhỏ nhất mới lên 10. Bốn đứa đầu đã lần lượt bỏ học, bươn chải kiếm sống. Thằng cả ngồi ở vỉa hè ngã tư với cái bơm xe và vài ba cái cờ-lê, mỏ-lết. Thằng hai nhận xếp và mở dù hàng ngày cho các bà bán cá ở chợ. Thằng ba bán vé số dạo. Con thứ tư phụ mẹ bán bún riêu. Còn mỗi con Út là được đến trường.
Một hôm con Út phụng phịu: “Mẹ ơi con không đi học nữa đâu”. Mẹ nó hỏi: “Sao vậy?” Nó bảo : “Cô giáo la con lần nào cũng nộp học phí chậm, làm ảnh hưởng đến phong trào thi đua cả lớp, nhục lắm. Mấy đứa bạn con nó nói nhà mình “mạt rệp”, có vài chục ngàn cũng không đóng nổi”.
Từ đó con Út ở nhà lãnh việc nấu cơm, quét dọn. Vợ Quờn buồn lắm. Chị ân hận vì đã sinh ra những đứa con mà không lo được cho chúng ăn học như con người ta, để chúng sớm phải lăn lóc với đời vì cơm áo.
Chị xót xa nhớ lại trường hợp ra đời của bọn trẻ… Đêm đêm, chồng chị – gã nhà thơ thường trở về rất khuya trong mùi rượu sặc sụa. Nhưng gã không say. Rượu khiến gã càng thêm tỉnh táo và hăng hái. Sau một hồi lải nhải những câu vô nghĩa, gã đột nhiên chồm tới ghì riết lấy vợ hôn túi bụi. Gã vật người đàn bà khốn khổ xuống chiếc chiếu trải trên nền xi măng ẩm ướt ở xó nhà, làm tình bằng râu, bằng cùi chỏm, đầu gối và bằng cả cơ bắp cuồn cuộn, nóng ran. Chị ngột ngạt vì bị vây bủa bởi hơi thở chua loét men rượu, mùi tỏi nôn nao, lợm mửa và mùi mồ hôi dầu nồng nặc. Một cảm giác ghê tởm ứ nghẹt trong lồng ngực chị, nhưng chị không đủ sức vùng thoát khỏi đôi tay như hai gọng kềm đang siết mạnh vào da thịt như muốn rứt chị ra thành trăm mảnh.
Năm đứa trẻ ra đời ngoài dự tính. Trong khi chị ý thức đầy đủ về nỗi bất hạnh thì anh chồng vô tâm ngày ngày cà kê, bù khú. Một lần chị nói với chồng: “Mình đông con quá, em lo không xuể. Gánh bún riêu chỉ đủ chạy gạo, còn nào mắm, nào củi, nào quần áo, thuốc men… Anh xem có việc gì làm, đỡ em một tay”. Gã nhà thơ liền xửng cồ: “Sống là không bao giờ than thở. Đừng tính toán tẹp nhẹp với tôi”. Gã vùng vằng bỏ đi, mặc người vợ một mình bơi trong cái nợ áo cơm.


Hôm ấy, gã đến quán rượu với bộ mặt đầy tâm sự. Bạn rượu của Quờn là Hớn, giáo viên tiểu học. Hai người kết thân nhau với một lý do dễ hiểu: một người thích khoe thơ, còn người kia ưa khen nịnh. Hớn tuy nhỏ tuổi hơn Quờn nhưng lại đông con hơn, sáu đưa, toàn “thị mẹt”. Sinh con một bề Hớn đau khổ, tức tối và mặc cảm về sự thua thiệt. Y có hai bộ mặt: Một bộ mặt hiền lành, tử tế hơi lép vế trước bạn bè và một bộ mặt hung hãn, thô bạo với vợ con. Khác với Quờn, khi uống rượu, Hớn hầu như không nói, chỉ gật gù tán thưởng. Y uống rượu như hũ chìm, chưa bao giờ say, cũng chưa lúc nào gây gổ to tiếng với ai trong quán. Hình như tất cả sự dồn nén y dành để trút lên đầu vợ con. Hàng đêm, trở về nhà sau cuộc rượu gã co chân đạp cánh cổng đánh “rầm”. đó là cái tín hiệu quen thuộc mà dù vợ y có đau ốm liệt giường cũng phải cố lết dậy mở cửa cho y. Vừa vào đến nhà, y đổ cái cây thịt xuống sàn nhà, miệng lầu bầu: “Con mẹ mày, dọn cơm cho ông”. Chị vợ díu mắt lại vì dở giấc bảo y: “Cơm để sẵn trên bàn kia kìa”. Y nhổm dậy quát: “Thì xới ra”. Buồn ngủ không cưỡng được, chị đành làm theo lời y rồi đóng cửa, tính đi nằm tiếp. Y gọi giật giọng: “Mày ngủ hả? Ông có phải thằng goá vợ đâu mà ăn một mình”. Người vợ quay lại: “Thế ông muốn gì?”. Y trợn mắt: “Chờ ông ăn xong khắc biết, rõ đồ đàn bà thối thây, không biết đẻ lấy một mống con trai”. Người vợ biết y sắp sửa dở cái bài ca muôn thuở là chửi rủa chị không biết đẻ và đòi tòm tem. người đàn bà vàng như chanh ủng ấy dường như không còn chút sinh khí nào nữa. Chị ngồi thừ ra trong nỗi chán nản, tuyệt vọng.
Hớn khua khoắng trong mâm như lão mù khua gậy làm thức ăn rơi vãi tùm lum. Rồi y bỗng kêu: “Nóng quá. Đi tắm”. Y đùng đùng đi ra phía sau nhà, ngồi lên thành giếng, ngửa cổ ngắm trăng. Vợ y van lạy rối rít. Y lấy tay xua xua rồI lại nghểnh cổ nhìn trăng, nhăn nhở cười như đười ươi. Sợ quá, vợ y chạy vào nhà dựng sáu đứa con dậy. Một bầy con gái lít nhít từ năm đến mười bẩy tuổi đổ ra bờ giếng, đứa nắm tay, đứa kéo áo, đứa mếu máo gọi “bố ơi”, inh ỏi cả một góc xóm. Y quát bọn trẻ: “Im! Tao hóng mát chứ có chết đâu mà khóc như ri”. Con đười ươi cứ ngồi như thế, hành hạ vợ con hàng giờ đồng hồ. Cuối cùng y cũng phải vào nhà. Vợ y thở phảo, khoá trái cửa.
Hôm sau Hớn trở dậy, mặt tỉnh khô như không hề có chuyện gì xảy ra. Y soi gương, chải tóc, áo bỏ trong quần, thắt lưng nghiêm chỉnh đến trường trong vai thầy giáo. Trưa về, vứt cái cặp vào xó giường y bước khoan thai đến quán rượu. Dọc đường, gặp ai y cũng cười, nụ cười hiền lành và tử tế.
Quờn ngồi đợi Hớn với một xị rượu đế và một đĩa xoài xanh. Gã vừa làm xong một bài thơ mới nôn nóng muốn khoe. Thấy Hớn, mắt Quờn sáng lên. Gã gọi chủ quán: “Cho xị nữa đi”, rồi nói với Hớn: “Hôm nay anh chiêu đãi chú, mừng đứa con tinh thần của anh vừa mới ra đời”. Gã rót rượu đưa cho Hớn: Chú uống đi, anh sẽ đọc chú nghe bài thơ anh viết về nhân dân”. Quờn vừa cất tiếng đọc thơ, cả quán rượu như rung chuyển. Nước mắt gã chảy ròng ròng. Gã đang khóc nhân dân. Hớn lắng nghe, ngoan ngoãn, gật gù như gà mổ thóc: “Hay quá! Tuyệt quá!”.
Cứ như thế, ngày này sang tháng khác, mùa nọ nối năm kia đôi bạn tri âm, “tri tửu” chăm lo cho những đứa con tinh thần, quên bẵng rằng mỗi người đều có một người vợ và nửa tá con bằng xương, bằng thịt đang thiếu ăn, thiếu mặc, đói khổ, nheo nhóc.
Một ngày kia Hớn không đến quán rượu nữa. Quờn vẫn nôn nóng chờ. Từ lâu gã đã quen nghe những lời khen ngợi. Vợ gã lam lũ, con gã nhọc nhằn gã có thể chịu đựng được nhưng thiếu vắng lời khen gã có thể buồn đau mà chết. Quờn sẽ chẳng bao giờ được nghe lời khen thốt ra từ miệng Hớn nữa. Gã đang nhẩn nha nhai một lát xoài xanh chấm muối ớt, thì một quen của Hớn báo tin: Hớn đã nhảy xuống giếng lúc ba giờ sáng.
Cả quán rượu xôn xao về cái chết của Hớn. Người bảo “Hớn vớt trăng”, kẻ nói “hắn tự tử”. Và, thế là những con sâu rượu được dịp bình luận về lẽ nhân sinh. Dĩ nhiên triết lý của thi sĩ Quờn vẫn cao siêu hơn cả. Đang say sưa triết lý thì thằng con thứ ba của Quờn chạy bổ vào quán rượu, hớt hải: “Bố về ngay. Anh Hai con bị đánh sắp chết”. Quờn ngơ ngác: “Ai đánh”. Thằng con mặt xanh như đít nhái, nói không ra hơi: “Dân chợ”. Quờn gầm lên: “vì sao?”. Thằng bé lắp bắp: “anh ấy giật… giật dây chuyền”.
“Trời ơi!” Quờn kêu lên, lao ra khỏI quán rượu.
Hôm đó bà chủ quán rượu bán được nhiều rượu chưa từng thấy. Cho đến bây giờ quán rượu vẫn còn đó. Chiếc đèn cù khổng lồ vẫn ngày đêm thu hút những con thiêu thân

BT: Vương Chi Lan

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.
.
.