Giấc mộng dưới trăng – Từ Kế Tường

KỶ NIỆM VỀ MỘT CON ĐƯỜNG

Tôi thường ngược xuôi trên QL1 ngày xưa gọi là QL4 từ Sài Gòn – Mỹ Tho. Nhớ ngày xưa đi học, nghỉ hè về quê tôi thích đi xe lửa rồi lại ngược xe lửa trở lên Sài Gòn để tựu trường. Xe lửa ngày xưa sơn màu đen, cũ sì như trong phim chạy xình xịch như đếm nhịp và chậm hơn xe đò. Nhưng tôi thích đi xe lửa để được… đếm những cây cột điện chạy lùi lại phía sau xe. Đếm một chập rồi quên và cho tới khi xe lửa không còn, đường ray bị xóa trong lau lách thời gian tôi vẫn không nhớ nổi Sài Gòn – Mỹ Tho có bao nhiêu cây cột điện. Bây giờ mỗi lần phóng xe máy trên tuyến đường này tôi ước được nhìn thấy chiếc xe lửa với những toa nối dài, đen sì chạy song hành băng qua những cánh đồng ngút ngàn và hàng cột điện kéo dài như bất tận. Nhưng làm sao được, mọi thứ đã đổi thay theo tốc độ phát triển QL 4 vắng vẻ ngày xưa bây giờ nhà cửa san sát, cầu Tân An, cầu Bến Lức xây hiện đại, chạy hai lằn xe xuôi ngược chứ không phải dừng lại để chờ qua cầu khi thấy tấm bảng hiệu màu trắng của người lính gác cầu xoay về bên này. Đi xe lửa thì không dừng, nhưng đi xe đò thì phải dừng lại khá lâu và đứa trẻ con như tôi tha hồ nghe những người ăn xin hát rong ca vọng cổ hay ca tân nhạc, nhìn những bà bán hột vịt lộn vùi trứng trong thúng trấu nóng hâm hấp xề tới bên cửa chào mời. Những hình ảnh đầy ắp kỷ niệm ấy sao cứ sống mãi trong tôi như một cuốn phim quay chậm Có ai còn nhớ những hình ảnh kỷ niệm ấy giống như tôi?

MỘT NGƯỜI ĐỌC THƠ

Tôi từng tham dự những cuộc nhậu, từ trong nhà hàng sang trọng tới quán cóc lề đường. Nói chung nhậu là vui, rất ít khi nhậu buồn vì khi trong người có tí hơi men ai cũng bốc trời và tranh nhau nói. Nhưng đặc biệt có người tranh nhau hát, thậm chí có người tranh nhau đọc thơ. Nói trong những cuộc nhậu thích nhất là nói chuyện…tào lao, tránh nói chuyện nghiêm trọng nhất là những chuyện thuộc loại lấp biển vá trời vì chuyện này còn tào lao hơn những chuyện tào lao. Hát cũng thế, nên hát nhạc “sến”, tránh hát nhạc…thính phòng, hát thì phải có đập bồn đập bát mới xôm tụ và việc này rất phù hợp với nhạc “sến” mọi lúc mọi nơi. Tôi đã từng cá độ với những người bạn thuộc loại “nhà”: nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà lý luận phê bình, nhà nghiên cứu và thắng được một chai rượu Tây tại nhà hàng Maxim trên đường Đồng Khởi vì đã nói đúng tên tác giả của bản nhạc “sến” mà ít người còn nhớ, vì nó quá xưa, xưa hơn trái đất. Còn đọc thơ thì chỉ nên đọc những bài liên quan tới rượu, như hồ trường, hành phương nam không nên đọc thơ tình dài lê thê dìu hiu quên mất lối về và nếu đọc thơ vui thì càng tốt. Nhưng hôm rồi tôi dự một cuộc nhậu gặp phải “sự cố” người đọc thơ là một phụ nữ, nàng uống bia thuộc hàng top ten, nhan sắc không nhận xét được mà lại khoái đọc thơ mới chết. Nàng cứ mời đám đàn ông uống vài ly bia để mượn cớ đọc thơ. Giọng nàng nhấn nhá, tới đoạn ưng ý lại ngả sang người tôi ôm vai ý để chia sẻ mới ghê. Tôi tự hào là làm thơ nhiều, nhanh với tốc độ của ánh sáng, ứng khẩu như điện xẹt nhưng quả thật trước cuộc nhậu ai nấy đều tưng tưng tôi không bao giờ dám đọc thơ vì sợ bạn nhậu lúc tưng tưng dễ dị ứng, bị đánh bất tử. Nhưng nàng thi sĩ tôi chưa biết tên lại chẳng sợ, nàng rất hồn nhiên tranh thủ đọc thơ. Tàn cuộc nhậu, tôi cảm thấy bị tra tấn rất dã man và cảm thấy thương nàng đọc thơ vì có thể ở nhà nàng rất buồn, rất bị ức chế không đọc thơ cho chồng con nghe được nên đi nhậu nàng tranh thủ đọc thơ ào ạt cho những ông nhà thơ, nhà “tổng hợp” nghe cho sướng. Buồn không? Quá buồn.

CÔNG VIỆC CỦA NGƯỜI THỨC SỚM

Thức dậy lúc 2h30 sáng. Một ngày mới ở Sài Gòn bắt đầu khi tôi còn chìm trong giấc ngủ. Thật hạnh phúc trong sự cô đơn khi có cảm nhận giờ này trên trái đất chỉ còn lại một mình mình với một ngày mới bắt đầu như vậy. Trong lúc cõi lòng thật vắng lặng, một trái tim bình yên với màu sương trong suốt đang rơi bên ngoài người ta dễ sắp xếp lại mọi thứ còn quá lộn xộn. Quả thật tôi còn quá nhiều việc để làm, phải làm. Tôi luôn luôn ghét sự lỡ dỡ, không đầu không cuối, cái gì cũng phải có hình dáng, kể cả tình yêu. Sáng nay phải làm gì nhỉ? Gặp một vài người bạn cần gặp, giải quyết công việc, ghé một vài nơi lãnh ít nhuận bút. Lại đụng chạm tới tiền bạc, một thứ tôi rất ghét nhưng không thể không có nó. Ví dụ như trưa hôm qua Đoan đưa cho tôi một xấp giấy tờ, gọi là hợp đồng ủy quyền cho một cơ quan thu hồi nhuận bút ở ngay tại TP. Hồ Chí Minh. Làm sao nhớ hết được những thứ người ta đã tải lên mạng? Kệ nó, anh cứ ghi những gì anh nhớ. Coi như của đổ hốt lại, biết đâu được…vài chục triệu thì sao? Ôi, vậy thì ghi, thì điền tên tuổi, tên tác phẩm, tài khoản ngân hàng. Ký tên. Cám ơn Đoan nhé, không có em anh chả bao giờ làm được việc này. Lười làm thủ tục giấy tờ, nhất là những thứ liên quan tới tiền, nó rắc rối, phiền toái. Tất cả những thứ phiền toái rắc rối trên cõi đời này, kể cả tình yêu đều liên quan tới tiền. Chán như cơm nếp nát, chứ không phải chán như con gián. Con gián là nói chơi, so sánh để vui, còn cơm nếp nát là chán thật. Bởi đó là món ăn. Ai ăn hoài một món mà không chán, huống chi món cơm nếp nát?.

THƯ CHO NGƯỜI BẠC MỆNH

Ở quê tôi có nhiều cô gái bỏ nhà lên Sài Gòn rất sớm. Nếu không tìm cho mình một tấm chồng nước ngoài qua mai mối kiểu “coi mắt cô dâu” đã rộ lên một thời thì nhiều cô đi bán cà phê, rồi chờ một thời gian quen nước quen cái nhảy tàu vào bia ôm hoặc được bạn bè dẫn lối vào thẳng vô bia ôm luôn. Tôi thường được nhiều nhóm bạn khác nhau mời đi uống bia ôm, dù tôi không phải dân nhậu hay ghiền bia ôm nhưng nhờ tôi hát karaoke thuộc hàng top của bạn nhậu và thường được máy khen “bạn là ca sĩ” hoặc nhiều lần được chấm 100 điểm, bị thưởng uống mệt xỉu. Tôi quen với Trúc Ly ở một quán karaoke nào không còn nhớ rõ nhưng mối quen hệ đó kéo dài qua nhiều năm tháng vì tôi và Trúc Ly là đồng hương, nhà em cách nhà tôi một cánh đồng xen lẫn những thớt vườn toàn trồng dừa. Mỗi lần vào quán này tôi đều ngồi với Trúc Ly vì quen nhau lâu khỏi phải tán tỉnh kiểu bia ôm có mãi một bài nghe rất mệt. Một lần Trúc Ly giới thiệu tôi ngồi thêm với một cô nữa, chẳng ai xa lạ, đó là Diễm Trúc, em gái kế của mình. Hai chị em không giống nhau về gương mặt, nhưng giọng nói giống nhau mới lạ. Diễm Trúc học xong lớp 12, không thi đại học mà đi bán bia ôm với chị luôn, bảo là phải cả hai chị em cùng “cày” mới đủ lo cho gia đình. Cách đây vài tháng (sau rất nhiều năm tôi không đi uống bia ôm nữa) bỗng một ngày về quê tôi nghe tin Trúc Ly chết do ung thư não. Còn Diễm Trúc lấy anh chồng nghe đâu cũng thuộc hàng đại gia. Hôm đám tang Trúc Ly tôi không đi phúng điếu, chẳng phải tôi ngại thị phi nhưng tôi thích tưởng niệm người bạc mệnh như em trong im lặng. Em chết lúc 27 tuổi, còn quá trẻ nhưng cái chết của em để lại nhiều suy nghĩ cho người lớn tuổi ở quê tôi vẫn thích có con gái đi lấy chồng nước ngoài, đi làm nhà hàng bia ôm mang tiền về xây nhà và xem đó là niềm tự hào cho cả làng, cả xóm. Nhưng những cô gái ra đời rất trẻ, trong môi trường như Trúc Ly đều lãnh hậu quả nặng nề do bệnh tật và có người đã chết vì uống quá nhiều bia rượu biết rằng mình sẽ chết nhưng không làm sao cưỡng lại được. Tôi viết những dòng này tạm gọi là “Thư gửi người bạc mệnh” xem như một nén nhang thơm thắp tiễn cô gái đã có tình cảm với tôi một thời đã yên giấc ngàn thu nơi cõi khác mà ngày ấy tôi không đi viếng tang em được.

GIẤC MỘNG DƯỚI TRĂNG

Mùa thu sắp hết, đợt lá vàng cuối cùng trong vườn nhà tôi đã theo gió một ngày muộn kéo ngang qua mặt hồ nước thật xanh, vài chiếc lá vàng úa rơi lại giữa hồ, chông chênh trên mặt nước như những chiếc thuyền nhỏ trước khi chìm xuống đáy hồ lặng câm. Thật kỳ lạ, cứ sau một cơn mưa lúc chiều tối, đến nửa đêm, mưa tạnh, trăng lên thì trăng lại thật sáng. Tôi mở tung cửa sổ cho ánh trăng lùa qua kẽ lá vào phòng. Và rồi đêm tôi lại thiếp ngủ trong bóng trăng chập chờn, nửa thực nửa mộng như thế. Hình như đêm qua trong giấc ngủ dưới trăng tôi lại mơ thấy em về với tôi đấy “GIÓ VÀNG THU” ạ. Lần trước em ẩn mình trong chiếc lá cuốn vào cửa rồi tới bên tôi rất nhẹ nhàng không hình bóng. Khi tôi tỉnh dậy thì em biến mất, chỉ để lại một chỗ nằm trên tấm nệm còn chút hơi ấm. Nhưng lần này em hiện nguyên một chân dung đời thật, đôi mắt, bờ môi, gương mặt, mái tóc. Ôi, tôi thật sự chìm đắm trong cảm xúc mùa thu với chân dung em rõ ràng chứ không còn mơ hồ như lúc trước nữa. Em không ẩn mình trong chiếc lá thu mà đường hoàng đẩy cửa phòng tôi bước vào với hình bóng rất quen thuộc. Động cơ nào đã khiến em thay đổi như thế? Lòng tôi chợt xao động, cảm giác thật tuyệt vời khi nghĩ rằng em đã vì tôi nên thay đổi hình ảnh ẩn dụ của em bằng chân dung đời thật. Một gương mặt xinh xắn, đôi mắt to, chiếc môi chúm chím như hé cười. Tôi biết làm gì hơn là yêu thương em và rất cám ơn em vì điều này. Trong giấc mơ tôi nhẹ nhàng nắm tay em, hình như chỉ đợi có thế, em ngoan ngoãn nằm xuống cạnh tôi và không biến mất khi tôi đang còn ngủ dưới bóng trăng.

BT: Vương Chi Lan

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.
.
.