Cánh bèo trôi – Dương Hằng
Trăng ngày rằm, tròn vạnh mà kém sáng. Xen ngồi bên thảm cỏ ven sông ươn ướt sương đêm, nhìn xa xa những vệt sáng nhấp nhổm như bóng ma, cô lạnh hết cả sống lưng. Cô bấm chặt những ngón chân xuống cỏ, nhắm nghiền mắt. Tiếng vịt nhúc nhích kêu quặc quặc như hụt hơi ở đằng kia, Xen mời biết ông Quý sắp tới. Gái già phụng phịu như thiếu nữ xuân thì:
– Tôi chờ ông nửa tiếng rồi đấy.
Ông không đáp, xé toạc một miếng lá chuối bên vườn nhà Xen, đặt xuống thảm cỏ, ngồi cạnh Xen.
– Mai tôi đi.
Ông Quý đan những ngón tay mình vào tay cô, mơn man vào những vết chai sạm và nổi ụ lên thành cục cứng đét. Giọng Xen bỗng yếu như mất sức:
– Ông đi đâu?
– Tôi qua biên giới, người ta gọi tôi đi.
– Ông không thương tôi ư?
– Tôi thương em nên mới cắm rễ ở cái đất làng này bấy lâu nay, đến lúc tôi phải đi rồi. Em theo tôi nhé?
Xen kéo bàn tay của ông Quý, luồn qua tấm áo xù xì, đặt vào bụng mình.
– Còn thằng bé, nó sắp chào đời rồi, ông ở lại tới lúc nhìn thấy nó, được không? – Giọng Xen nằng nặng, van vỉ.
– Em có thể nói, vì sao em yêu tôi không?
– Vì ông đã cho tôi một đứa con, tôi nói nhiều lần rồi mà, ông quên sao?
Chồng Xen mất trong một đêm bão về. Anh lụi cụi tỉnh giấc nửa đêm, vượt bão ra sông che chắn cho đàn vịt. Rui rủi thế nào, chân anh quàng phải dây điện hở. Mãi không thấy anh về, Xen cứ đinh ninh anh ngủ ngoài túp lều ven sông, sáng mai ra gọi anh ăn bát cháo trứng cho ấm bụng, mới hay anh đã cứng đơ từ lúc nào. Thế là cũng vẹn một tấm chồng. Xen về ở với bố mẹ đẻ. Người anh cả hậm hực với bố mẹ, sợ cô ở đó cả đời thì mất cái khoảng đất bé bằng manh chiếu, rồi bóng gió với con chó cái cột ở gốc nhãn giữa sân: “Mày có đi đực với con nào thì cũng chớ có về đây nữa”. Xen tủi thân, đêm nằm khóc rưng rức.
Mẹ đi chợ về, chạy vào buồng, lục Xen dậy thỏ thẻ:
– Con có biết thằng Trường cà nhắc xóm bên không? Bà bên đó ưng con lắm đấy. Hôm nay mẹ đi chợ, bà ấy nhắn, bà ấy không chê con là gái một đời chồng đâu, về làm dâu bà ấy, cho thằng Trường nó một đứa con, là được.
Xen xua xua tay: “Vớ vẩn”, rồi chùm chăn kín mít. Mẹ Xen không thấy con hứng thú đáp lại, liền dằn dữ:
– Tao bảo cho mà biết sướng thì không chịu nghe. Thời này không ai tốt như bà ấy đâu con ạ. Thằng Trường cà nhắc, yếu lắm, mày có hỗn cũng không bị đòn. Dốt lắm.
Xen thở dài, lấy một ông chồng cà nhắc khác gì đèo bòng thêm gánh. Bỗng Xen trộm nghĩ “Ừ, mình cũng thèm một đứa con, hay là…”.
Mới trôi qua nửa ngày, bước ra khỏi cổng nhà đã nghe tiếng xì xào to nhỏ, người này người kia hỏi Xen bao giờ cưới. Nhanh thật, miệng mấy bà chẳng khác gì loa phát thanh, mà qua một lần phát lại méo mó câu chuyện đi đôi phần. Anh cả chạy qua mặt vui hơn hớn, hồ hởi hỏi cô:
– Em quyết định như vậy là đúng đấy, chứ ở góa mãi ở cái làng này, người ta lại nói ra nói vào.
Xen nghĩ bụng, có mỗi anh nói ra nói vào, nói như tát nước vào mặt, chứ có ai thèm để ý cô góa chồng đâu mà nói. Xen cong cớn:
– Em có đi đâu khỏi cái nhà này đâu mà anh vội mừng.
– Ơ, không phải mẹ bảo em…
– Không. Mẹ bảo chứ em không bảo.
Mặt anh cả lại sưng xỉa lên, quay đi. Đến chỗ con chó cột chặt ở gốc nhãn, lại nhiếc:
“Mày dại vừa thôi chứ. Cái đám đất nhà bên mênh mông thì không đi mà chạy nhảy, cứ chịu cột chặt ở cái xó nhà bé cỏn con này làm cái gì”.
Có mỗi ông bố dường như hiểu Xen và ân cần nhất nhất. Bố mắc bệnh, bao năm nay sống bám vào đôi vai còm cõi của vợ, nên cũng chẳng dám lớn tiếng bênh Xen. Xen nước mắt ngắn dài, ôm lấy bố: “Con ở nhà chăm chỉ, còn đỡ đần được cho mẹ và chăm sóc bố nữa chứ”. Mẹ nép ở cửa buồng nghe lén Xen tâm tình với bố, liền nhảy sổ vào: “Thôi tôi không mượn. Đi lấy chồng cho nhà này đỡ tai tiếng là đã đỡ đần của tôi rồi”. Xen bật khóc nức nở.
Những lời xu nịnh của anh cả như ngọt vào tận xương, nên mẹ mới quyết giữ đám đất bé tỏn hỏn này cho anh. Bà tin vào cái sự nghiệp trồng hoa, cây mai, cây quất nhanh giàu của anh cả, đời bà cũng sớm sướng.
Bà lục đục dậy từ sớm, xách cái làn đỏ dưới đáy vá chằng chịt cước, nói nhỏ mà dằn nặng trịch:
– Mày có cưới thằng Trường không, để tao ra chợ còn biết đường ăn nói với bà bên đó.
Xen ậm ờ:
– Thì cưới!
Bà cứ tưởng Xen còn ngái ngủ, mơ mơ tỉnh tỉnh, bà định lay cho tỉnh mới hỏi lại, nhưng lại chột dạ nghĩ: “May thật”. May mà có lúc ngái ngủ này nên Xen mới có quyết định thỏa lòng bà. “Mặc kệ, nếu lát về nó mà chối thì vẫn còn bằng chứng nó đã đồng ý sờ sờ ra đó”. Nói vậy, chứ Xen tỉnh như sáo. Cả đêm cô không ngủ. Lấy một người cà nhắc ấy, vất vả chân tay chút mà có đứa con, cô cũng chấp nhận. Có đứa con thì cô mới sống vui được, ở cái nhà có điếc thì vẫn khổ tâm, lời nói không xương mà trăm đường uốn lượn. Anh cả tất tả qua làm hiền. Mẹ cưng nựng, vỗ về. Bố trầm ngâm, đôi mắt đục mờ rơm rớm nước.
Thế là cô cưới chồng lần nữa!
Nói là cưới, chứ Xen về nhà chồng chỉ bằng dăm bảy miếng trầu têm cánh phượng, với vài ba mâm cơm coi như là ra mắt cho họ hàng biết. Về nhà chồng được ba hôm, họ bảo Xen và chồng ra ở riêng. Là ngôi nhà chỏng chơ giữa đồng và siêu vẹo vì gió bão. Mẹ chồng Xen sắm cho chồng cô một đàn vịt, mấy hôm lại mất một hai con. Xen trộm nghĩ: “Đuổi không còn kịp một con vịt, huống hồ đi trông cả đàn”. Rồi Xen chạt vịt lại trong khoảng sông rộng bằng những chiếc cọc tre ken dày với những tấm lưới vây quanh. Từ hôm ấy, ông chồng cù lần cứ tối về lại khoe với vợ hôm nay không mất con nào, rồi cười khề khề. Ông chồng ríu rít bên tai như đứa trẻ, Xen thở dài thườn thượt, mặc cho Trường luyến thoắng một mình, cô không buồn đáp, mải miết bằm rau cho lợn.
Đã sáu tháng, mà cái bụng Xen vẫn chẳng có động tĩnh gì, đến tháng vẫn đều đều. Có hôm nôn mửa, bà mẹ chồng mừng quýnh, Xen cũng mừng. Ai dè Xen làm việc quá sức, nên chóng mặt, rồi nôn. Mẹ Xen cứ bảo Trường cà nhắc yếu lắm, thế mà ngày ba bận đều đặn, vẫn đòi Xen thêm. Xen gạt tay: “Tôi mệt rồi”. Mỗi lần xong là hắn nằm oằn ra ngủ, Xen chưa kịp hồi sức, đã phải lụi cụi với đàn lợn nhéo nhóc sau nhà. Cô buột miệng: “Lẽ nào hắn vô sinh”. Hắn mà vô sinh thì đời cô khổ. Cô chịu lấy hắn chỉ vì cứu vãn niềm vui nhỏ bé còn lại, là mong có với hắn một đứa con.
Nhập nhoạng tối, bóng bà mẹ chồng như bóng ma đổ nghiêng đầu ngõ. Bà ghé qua gọi hai vợ chồng Xen ngày mai về có đám giỗ người chú ruột Trường mất trẻ, về sơm sớm còn lo cơm nước, khách khứa.
Tờ mờ sáng, Xen đã dậy, con đê còn trắng xóa bởi sương giăng mắc. Xen rẽ màn sương băng qua cánh đồng, tới nhà mẹ chồng, còn chưa ai thức giấc. Suýt nữa thì Xen bị chó nhà chồng cắn. Xen nghĩ về con chó cột gốc nhãn nhà mình. Cô đi, chắc nó cũng bớt khổ bởi tiếng móc xéo của anh cả. May mà mẹ chồng quát kịp con chó béc giê đang sắp sửa lao ra vồ lấy Xen như vồ miếng thịt mỡ ngon lành, béo ngậy.
Khách tới cũng không đông, hầu hết đều là người quen biết. Duy chỉ có người đàn ông, là con của anh trai bố Trường, ăn mặc lịch lãm, phong độ. Nghe đâu chưa có vợ, Xen thấy tiếc, dây vàng chùng chình trên cổ, mà ế, cũng lạ. Ông hơn Xen tới gần hai chục tuổi, mà cạo râu nhẵn nhụi như trai ba mươi, ba lăm. Xen làm cơm trong bếp, rồi sắp mâm. Xen cứ chộn rộn như có người đang theo dõi mình. Quả đúng thế, Xen đảo mắt quanh thì bắt gặp ánh mắt của ông. Ông nhìn Xen mê mải, ánh mắt như thương vay cho số phận người đàn bà đẹp bị ép uổng lấy một kẻ đứng còn không vững. Bỗng nhiên cô buồn và tủi thân. Ông lén dúi vào tay cô mẩu giấy. Đêm đó, khi đã cho Trường thỏa mãn như mọi bữa mà cô thì chẳng khác gì khúc gỗ nằm im, đợi Trường lăn ra ngủ, cô đi ra cái chòi chăn vịt của Trường, đợi ông. Gió thốc vào từng lớp mái tranh, làm đàn vịt thức giấc kêu ầm ĩ. May mà cái chòi chỏng chơ giữa mênh mông đồng ruộng, sông nước. Ông đến ngồi kề bên Xen, vỗ về. Trăng sáng, rọi xuống những cánh bèo đang ngủ trên sông. Xen gối đầu tựa vào vai ông, lâu lắm rồi Xen mới có cảm giác bình yên như thế, bình yên như một cánh bèo bé nhỏ.
Hai tháng sau, Xen có thai. Xen hạnh phúc lắm. Một đằng vì cuộc đời đã ban tặng cho cô một đứa con, một đằng là đứa con ấy là của ông, sẽ thông minh, và sâu sắc như ông, chứ không cù lần, chậm chạp và khờ khệch như Trường cà nhắc. Có thai được sáu tháng, bụng Xen tròn xoe, người ta đồn bụng tròn là con trai, bụng dài là con gái. Hai bên nội ngoại mừng cho Xen, Xen được nhà chồng chiều chuộng hết mức, có bánh trái gì mẹ chồng đều mang qua. Xen có chút áy náy, con không phải con Trường, mà Xen đi nhận sự đối đãi của họ. Xen tự an ủi, cũng tại Trường vô sinh, chứ đâu phải lỗi của Xen, vả lại gần một năm nay, Xen đã nuôi con của họ chẳng khác gì nuôi một đứa con của mình. Xen tủm tỉm cười nhìn xuống bụng, vuốt ve sinh linh bé bỏng đang lớn từng ngày.
Ảnh: Họa sĩ Rừng
Đứa con sắp đến ngày chào đời, ông Quý đã vội vã lên đường làm ăn. Xen tủi thân. Xen sợ bố mẹ mang tiếng cả đời, nên không can đảm bỏ Trường đi theo ông. Đêm bão về, Trường chèo lên bụng vợ, từng hồi thở hổn hển. Cô chợt giật mình liệu có khi nào Trường cũng như người chồng cũ chết trong đêm bão vì vấp phải dây điện hở ở cái chòi vịt chỏng chơ. Ngờ đâu, đêm đó Trường cà nhắc chết thật, chết ngay trên bụng vợ mình vì quá sức. Mai táng xong xuôi cho chồng, cô đi tìm cha cho thằng bé. Xen xách hành lý ra đi với mảnh giấy ghi địa chỉ nơi ông Quý tới, nắm chặt trong tay. Một tuần rồi, Xen vẫn chưa tìm thấy ông Quý. Cô mệt, trú tạm trong một ngôi nhà có một người đàn bà đã ngoài năm mươi. Cơn đau bụng dữ dội, đứa con quẫy đạp khiến Xen hét lên trong đau đớn. Thứ nước nhầy nhầy vỡ ra làm lạnh cả hai bên háng. Rồi Xen thiếp đi…
Sáng mai tỉnh dậy, Xen sờ bụng mình thấy nhỏ lại, người đàn bà đang bế một đứa bé nũng nịu trên tay mình và bảo rằng thằng bé đã chào đời lúc một giờ sáng. Xen khóc vì hạnh phúc, lúc gặp ông Quý, hẳn ông sẽ sung sướng lắm. Khi người đàn bà trao đứa bé cho Xen ôm ấp, cô giật mình: Thằng bé giống Trường cà nhắc y đúc…
Xen bế con, nhìn ra khoảng sông đục ngàu xa xa, thấy một cánh bèo trôi nổi…
BT: Vương Chi Lan