Mùa xuân của chị – Nhật Hồng
Vừa tan sở tôi vội ghé vào cửa hàng quần áo, người bán hàng mời đón: “Chị cần quần áo trẻ em hay người lớn, đàn ông hay đàn bà?”. Tôi không biết trả lời làm sao đây! “Trẻ em hay người lớn cũng được, nam hay nữ cũng được!”. Thấy tôi do dự bên số hàng phụ nữ, chị bán hàng vui vẽ lôi ra cả đống, màu sắc rực rỡ, mẫu mã mới lạ. Tôi hỏi “Có cỡ nào khoảng mười lăm tuổi nữ”. Chị bán hàng nhìn tôi: “vậy là bên nầy đây là hàng của đàn bà”.
Tôi không muốn giải thích gì thêm với người bán hàng mà để mắt tìm những thứ đang cần. Chỉ thoáng qua tôi nhận ra độ dài ngắn và sở thích của Chị Hoa.
Một bộ… Hai bộ, ba bộ đủ rồi! Tôi cầm xách quần áo mà liên tưởng đến chị Hoa chắc mừng lắm mùa-xuân-may-áo-mới!
Đã bao nhiêu mùa xuân đi qua, ngày ấy, tôi từ một đứa học trò lớp sáu, rồi tốt nghiệp phổ thông lên đại học, có chồng có con, có nhà có xe, biết bao sự việc đời vô tâm từ tình cảm đổi thay trong tôi. Nhưng chị ấy vẫn là đứa trẻ của ngày mới lớn. Tôi buồn rũ rượi:
– Con nhỏ gì thấy ghét, vừa thấy mặt đã không ưa rồi. Vành môi dưới trề ra, hai con mắt lồ lộ chậm chạp, cái trán thì dẹp lép phần của càm phình ra, phía sau ót đứng sững không có sọ khỉ, đi lắc lư như vịt xiêm, nửa phần con trai, nửa phần con gái, tôi sờ sợ, vậy mà má bảo:
– Nè con à! Đây là Hoa chị của con đó! Từ nay Hoa sẽ là thành viên của gia đình mình, con nên vui với chị nhé!
Tôi đỏng đảnh cái nhìn không ưa nên phớt lờ câu nói của má và cũng không hỏi thêm chị ấy bà con ra sao, quan hệ cở nào mà má đem về ở chung. Giang sơn của nhỏ ấy gồm một cái giường, một cái bàn con, một cái tủ áo nhỏ được đặt ở cạnh cửa sau trông ra vườn. Tôi ngủ ở nhà trên, buổi đầu má sắp xếp cho nhỏ ấy ở nhà trên, may mà nó không chịu đòi nằn nằn ở phía sau để trông ra vườn. Con nhỏ tồng ngồng mà chưa biết một chữ, má nói: “Hoa có tật đần độn bẩm sinh không nhớ gì hết nên không đi học được, tội nghiệp lắm!” Những khi tôi ngồi học bài con nhỏ ấy thập thò dòm ngó hoài. Tôi bực bội đóng cửa phòng lại, nó khoét vách dòm vô. Tôi đi học nó lẻn vô phòng lục lạo tìm kiếm cái gì không biết. Tôi mét với má. Má bảo: “Chị ấy muốn được đi học như con, muốn biết cái chữ, cái nghĩa để đọc sách như con. Hay là con rãnh dạy cho chị ấy biết đọc biết viết nhé!” Từ ngày con nhỏ ấy có mặt trong nhà, tôi như bị bỏ rơi. Má mở miệng là Hoa, luôn binh vực cho nó, lên mâm cơm má lựa thức ăn ngon, còn tôi ăn cái gì cũng được tôi buồn đôi lúc đố kỵ và ghét con nhỏ đó ra mặt. Kể từ khi Hoa có mặt trong gia đình mọi thứ tình cảm như đảo lộn. Tôi cảm thấy bị lẻ loi nên thường cau có với mọi người.
Một buổi trưa tôi đi ra vườn con nhỏ Hoa lót tót đi theo, tôi cắt lục bình bày trò chơi, nhỏ Hoa đứng nhìn một lúc lâu rồi tham dự cuộc chơi. Bàn tay thô kệch của nhỏ Hoa đụng chạm đổ bể đồ chơi của tôi, sẵn cơn ghét từ lâu nằm ở trong bụng tôi nắm chớp tóc vàng thưa thớt của nhỏ Hoa ghì xuống đất và tát vào mặt một cái thật mạnh. Hai con mắt của nhỏ hoa trợn lên như con thú dữ. Chồm lên định vật ngã tôi, nhưng hai tay con nhỏ từ từ ôm mặt ngồi gục xuống. Tiếng khóc phát ra từ đôi môi xệ như dã nhân làm tôi nghe sờ sợ, và thấy mình đã quá đáng, lâu lắm tôi mới nói được với nhỏ hoa: “Thôi đi vô, tại Hoa làm hỏng đồ chơi của tôi!”
Khi đi qua con đập nhỏ thấy chùm hoa cơm nguội nở đẹp lung linh, tôi dừng lại ngắm nghía ước ao mà không cách nào hái được. Nhỏ Hoa đưa đôi mắt lồ lộ nhìn một lúc, bất ngờ nó nhảy thót lên một cành cây gần và đu người như con vượn đong đưa cố hái cho được chùm hoa. Khi nhỏ Hoa đem được chùm hoa xuống đất thì đầu tóc quần áo kiến vàng bu đầy mình. Tôi ngồi gở bắt cả buổi mới hết số kiến trên người của Hoa. Thấy những vết kiến cắn sưng đỏ đầy trên mặt tôi cảm động nói: “Có đau lắm không Hoa?” “Nhầm gì”. Nó trả lời cọc lóc rồi cầm chùm hoa đưa cho tôi. Tôi ngần ngại đưa tay ra lấy. Không ai nói với ai lời nào Hoa và tôi lẳng lặng đi vô nhà.
Đi học về vừa bước vô nhà tôi nhận ra tập vở bị xáo trộn tứ tung, và bị vẽ đầy trên sách toán. Nhỏ Hoa đang cậm cụi làm việc đó. Không dằn được cơn tức giận, tôi tát tay nhiều cái lên mặt lên má của Hoa. Cặp mắt lồ lộ mở trừng trừng nhìn tôi rồi bất thần Hoa lao vào nắm đầu vật lấy, giờ tôi mới thấy sức mạnh của đôi tay thô kệch, và sức nặng đè lên tôi không thể ngồi dậy được. Tôi dùng móng tay bén càu cấu lên mặt của nhỏ Hoa đến mỏi tay. Khi những hột máu rơi xuống mặt nóng hổi tôi mới ngưng tay, lúc ấy nhỏ Hoa cũng vừa ngã qua một bên, khuôn mặt của Hoa không còn nhận ra được bởi những vệt máu phếch lên.
Má tôi gở từng sợi tóc dính trên mặt theo vết máu của chị Hoa mà chảy nước mắt, trách mắng tôi: “Hương ơi! Sao con nỡ mạnh tay với chị con. Con có biết Hoa không cha, không mẹ về ở với gia đình mình thật đáng tội nghiệp!” Tôi bị ám ảnh bởi những hạt máu trộn với nước mắt vào những khuya. Hột máu cứ ẩn hiện trong mắt, rát bỏng như vết cắn và nước tiểu của con kiến vàng.
Sau lần ấy Hoa thường ngồi một mình như pho tượng mắt hướng ra vườn, lầm lì đến phát khiếp. Thỉnh thoảng Hoa biến đi đâu, làm gì tôi cũng không để ý. Một hôm tôi tình cờ ra vườn. Ở cuối phía vườn có cây bằng lăng đang độ trổ bông tím ngát. Bỗng có tiếng hát véo von, khi trầm, khi bổng ở phía gốc cây. Cùng với tiếng hát là điệu múa dịu dàng uyển chuyển trên đôi chân nhanh nhẹn như chim sáo. Người diễn viên ấy, đầu chít đầy hoa bằng lăng, toàn thân thì mặc chiếc áo bằng lá cây, lá chuối, lá xoài. Không ngờ thường ngày Hoa chậm chạp, cục mịch và tiếng nói ồ ề… Như ngỗng mà giờ này thanh thoát, náo nhiệt. Hoa say mê múa hát không để ý tôi đến gần, lâu lắm Hoa mới nhận ra cười sặc sụa:” Mùa xuân may áo mới nè! Vô chơi đi!” Hoa vừa kéo tôi vào múa vừa cầm những cánh bằng lăng choàng vào cổ áo tôi, thấy chưa đủ Hoa dùng sợi dây cỏ quấn ngang bụng và cắm thêm nhiều cành hoa vào phía sau lưng tôi. Hoa cười: “Đẹp lắm! Đẹp lắm! Mùa-xuân-may-áo-mới!…” Hoa hát, Hoa vỗ tay, tiếng hát bừng dậy cả khu vườn. Hoa say sưa múa hát như không có tôi, không có con người, chỉ có nắng và gió, cỏ cây, cùng giao hưởng trong một thế giới lồng lộng sắc trời tinh nguyên.
Tôi bị trợt chân vấp té Hoa đỡ lấy tôi ngồi xuống gốc cây. Chừng như cơn say sưa còn réo gọi nên Hoa không đành bỏ cuộc tiếp tục múa hát. Nhưng tiếng hát lúc này không còn thanh mà bỗng đục, đôi mắt như lạc thần, múa hát chậm chạp và rồi Hoa ngồi bệch xuống thảm cỏ ôm đầu khóc, gọi: “Ba ơi! Má ơi! Con nhớ má lắm!”
Khi kéo được Hoa vô nhà thì hai đứa ướt sũng vì mưa, Hoa tê tái trong cơn lạnh. Đêm ấy, Hoa sốt cao trong giấc mơ vừa hát vừa khóc. Má lo lắng túc trực bên Hoa. Tôi thỉnh thoảng đến thăm sờ sờ lên trán, những vết cào còn in lên mặt, tôi xót xa. Một hôm đi học về tôi vội thăm Hoa, Hoa đưa cho tôi một cái hộp bằng thiếc, có nắp gài cẩn thẩn. Hoa chỉ vào đó như có ý bảo tôi mở ra xem, một miếng giấy được gói kín bằng nhiều lớp ny lông, giấy đã úa màu chữ lem nhem nhưng còn đọc được.
– Đứa bé gái này tên: Lê Thị Hoa, sinh … ngày … tháng … ở U Minh là con của đồng chí Lê Hiệp Hòa, hy sinh năm… Mẹ Huỳnh Thị Nga (Bảy Hạnh) chết ở nhà tù Côn Đảo năm…
Tôi cầm tờ giấy vỏn vẹn có mấy chữ mà nghe nặng như ngàn cân. Tôi bỗng dưng quỵ xuống bên giường ôm bàn tay thô kệch:
– Chị Hoa ơi! Hãy tha thứ cho đứa em quá hồ đồ.
Một ngày tôi viết lên giấy ba chữ cái: A, B, C, … Dạy cho chị Hoa học. Chị rất sáng dạ, một chút là thuộc nhưng hôm sau chị lại quên, quên hoàn toàn như chưa hề gặp chữ đó lần nào. Tôi bày ra cách đọc, viết vừa nhìn tượng hình như chữ A giống chân ghế, chữ C có vần C… ô. Lâu lắm chị Hoa mới hiểu. Mỗi khi gặp má tôi chị gọi: Cô! Cờ-ô-cô. Theo cách đó tôi dạy chị mò mẫm từng chữ. Sợ chị quên mỗi đêm tôi thường vô mùng chị chơi trò đố bằng chữ viết lên lòng bàn tay. Ngoài ra tôi còn tập cho chị nhận xét bằng màu sắc. Như màu xanh của lá cây, của da trời, màu trắng, màu hồng của cây, của hoa… Có những đêm chị thức đến khuya lơ khuya lắc để xếp những cánh lá màu sắc giống nhau, đầy trên ghế, vừa xong cơn gió vừa cuốn đi chị cậm cụi lượm lại từng cánh lá nhỏ. Thật tội nghiệp!
Má tôi kín miệng như bưng không hé môi lời về chuyện cậu Tư, đến nay hòa bình má mới nói: “Ngoại rất hiếm con cháu. Lúc sinh ra thì nhiều nhưng nuôi không được chỉ còn cậu Tư và má-thứ sáu. Năm đó, có đoàn văn công về xã trình diễn. Khi đoàn rút đi cậu Tư cũng ôm gói đi theo vừa tròn hai mươi tuổi. Cậu ít khi về thăm nhà, má xuống rừng thăm câu được ba lần. Mỗi lần đi và về hơn một tuần, có khi phải ngủ ở nhà dân để tránh bom đạn rồi đi tiếp. Lần thứ ba cũng là lần cuối. Cậu Tư cho biết đã có vợ rồi được tổ chức tuyên bố vì xa xôi quá không cho má hay được. Vợ câu Tư có gương mặt sáng và miệng cười lúng liếng đồng tiền thật dễ mến.
Chiến tranh ngày một ác liệt má không thể đi thăm cậu được, thời gian bẵng đi hai năm không có tin tức gì về cậu. Một đêm khuya có người gõ cửa báo tin: Cậu đã hy sinh và mợ thì bị bắt đày ra Côn Đảo. Nghe được tin ấy ngoại con ngã bệnh rồi chết luôn. Khi hấp hối trên giường luôn gọi tên cậu Tư.
Mọi việc tưởng đâu đã kết thúc với cậu, nào ngờ đâu sau năm năm ngày hoà bình thống nhất đất nước. Có người đàn bà dẫn theo đứa bé tìm vô nhà má hỏi: “Chị có phải là chị sáu Phương hay không?” má nhìn người đàn bà lạ dò xét và trả lời: “Dạ phải!” Chị có người anh tên Tư Hiệp đi theo cách mạng phải không? “Dạ phải” “Vậy là …” Người đàn bà ấy ôm má chỉ đưa bé nói: “Đây là con gái của cậu Tư Hiệp đó! Không ngờ số phận hai người ấy quá bạc bẽo. Tư Hiệp hy sinh ba tháng sau Út Nga vợ Tư Hiệp bị bắt, khi đó đứa bé này mới chín tháng. Tổ chức nhờ em nuôi đứa bé đến hôm nay. Nghe người ta nói anh Tư Hiệp còn một đứa em gái còn sống, tìm đến quê chị thì người ta cho biết chị đã bỏ xứ về bên chồng, không biết ở đâu. Em dò hỏi tìm đến nhiều người trùng tên, trùng thứ nhưng không phải. Bé Hoa thật tội nghiệp vừa sinh không thấy được mặt cha, cha không biết được con mình. Còn Út Nga không chịu đựng nổi cảnh giam cầm bệnh tật đã chết ở Côn Đảo. Bị ảnh hưởng chất độc da cam ở rừng U Minh mà bé Hoa trờ thành dị dạng như vầy. Nay tìm được chị bé Hoa như có được người thân duy nhứt ở cõi đời này. Đây! Ngày sinh tháng đẻ, tên họ bố mẹ của Hoa em ghi đầy đủ trong mãnh giấy này. Chị giữ nó đi!”.
Tôi không quên được lời trăn trối của má trên giường bệnh: “Hương à! Má có chết, con thay má nuôi dưỡng chăm sóc Hoa và nhớ đừng làm gì cho Hoa buồn thêm nghe con. Vì đời của hoa đã tột cùng của cái buồn rồi! Con phải hứa với má, má mới an tâm.”
Tôi đẩy cánh cổng dắt xe vô nhà. Nhà vắng, có lẽ các con đi học, anh ấy cũng đã đi làm. Thường khi chị Hoa ngồi như pho tượng trên bộ ghế sa lông ở phòng khách nhìn ra sân đón tôi về. Nay không thấy, tôi vọt vô phòng chị, Hoa đang cấm cúi làm cái gì đó có vẻ chú tâm lắm. Vừa gặp mặt tôi Hoa nhảy cẩng reo lên: “Hương ơi! Hoa làm được cái này rồi nè! Coi đi!” Tôi cầm mảnh giấy học trò có nét chữ ngoằn ngoèo: T… ư H i ệ p Út Nga… Tôi nhìn xuống đất hàng chục mảnh giấy tương tự bị xé bỏ không được hoàn chỉnh như mảnh giấy chị Hoa cầm trên tay, “Chị Hoa hôm nay giỏi lắm! Hay lắm!” “Chưa hết đâu coi nè! Hoa còn đọc được mấy chữ trong họp thiếc nữa nè! Hổng tin Hoa đọc cho coi!” “Được rồi! Em biết chị dạo này thông minh lắm!”.
Tôi xúc động nhìn chị mà không nói được lời nào!”. Có lẽ, chị đã sáng lòng, sáng dạ hiểu được một phần cội nguồn của mình. Nhưng chị chưa hiểu hết nỗi bất hạnh sống lớn lên của đứa con ra đời côi cút, không biết được mặt cha mẹ. Chưa cảm nhận được hơi ấm trong vòng tay của mẹ và giọng nói trìu mến của người cha khi con vừa chập chửng biết đi. Chị Hoa lại không được diễm phúc có một cơ thể trọn vẹn như bao nhiêu người khác.
Khi đứng gần sát bên Chị tôi vô tình nhận thấy mái tóc của chị đã có nhiều cọng bạc. Còn ít ngày nửa đây chị thêm một tuổi. Tôi mặc cho chị Hoa chiếc áo mới mua về chị mừng ra mặt nói: “Mùa xuân may áo mới hả?” Chị thường nói câu ấy, nhưng không hiểu chị nghĩ như thế nào về mùa xuân? Nhìn ánh mắt của chị Hoa rực lên một niềm kêu hảnh, có lẽ dấu ấn mùa xuân khắc sâu trong tiềm thức. Bắt nguồn từ cậu mợ Tư hy sinh làm mùa đông lạnh lẻo góp phần cho đời có mùa xuân.
BT: Vương Chi Lan