Lính cậu – Trần Đức Tĩnh
– Các chiến hữu! Nằm xuống! Vệ binh đằng kia…
Ai mà không thích làm chủ chòm, dù chỉ là một nhóm. Đừng ai nói là không oai, nhưng đôi khi cũng phải nói lái cái điều mình đang khao khát: Thôi! Cả bọn cùng cố gắng thêm một chút nữa, xong sớm nghỉ sớm, không xong tối sinh hoạt, cán bộ rỉa cho thì nhục.
Đời chiến sĩ thế đấy, thường sau nỗi nhọc nhằn là niềm tự hào, giả dụ được cấp trên giao phụ trách một nhóm rồi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cứ gọi là ngẩng cao đầu mà nhìn đồng đội khi mỗi lần sinh hoạt cán bộ lại lấy mình ra làm tấm gương điển hình. Nhưng cái được lớn nhất ấy là; lần sau có làm việc gì “khuất tất” cũng ít bị cấp trên soi. “Nhân vô thập toàn”, con người cũng phải có lúc này lúc nọ chứ! Ấy là khi sướng lên, tổ chức được một cuộc vượt rào ra ngoài doanh trại vui trót lọt, khoái vô cùng! Dĩ nhiên trốn ra ngoài đơn vị la cà hàng quán là vệ binh phải bắt. Kinh nghiệm, nếu bị vệ binh bắt được là phải nhũn như con chi chi, còn cố tình gân cổ ra cãi sẽ phải ngồi trong nhà mét là sẽ dở khóc dở cười. Đã vi phạm rồi thì đừng có ngoan cố, đến nước ấy thôi thì đành chịu cưa sừng cho người ta dễ bảo: “Nào, vào kho lấy xẻng, xách thùng xuống ao móc bùn đắp vào gốc chuối”. Nghe nói vậy rồi thì cứ vừa làm vừa huýt sáo cho “cuộc đời vẫn đẹp sao”. Tôi luôn kiêu hãnh với đám bạn vì lúc nào chúng cũng tôn sùng mình làm trưởng nhóm, và tôi cũng đã phải trả giá vì điều đó. Chiến hữu bảo chỉ có tôi mới xứng đáng làm minh chủ. Chính vì thế mà tôi luôn đứng ra gánh vác trọng trách như núi Thái Sơn, chẳng cần phải bàn, có trách nhiệm nặng nhọc nào là tôi nhận hết về mình, đám chiến hữu chỉ cần nghe theo, tôi đã nhiều phen khốn đốn cũng vì mấy vụ lẻ tẻ. Vấn đề mấy thằng “lính cậu” chúng tôi quan tâm là ở chỗ, đời có được thoải mái hay không? Mấy thằng bạn dân miền núi thì chẳng nói làm gì, đám chiến sĩ thành phố như tụi tôi suốt ngày ca thán vì chẳng được đi đâu chơi, mỗi ngày thực hiện mười chế độ đã nghẹt thở, thành ra phải nghĩ cách cho việc cải thiện. Chúng tôi tẩu thoát ra ngoài doanh trại chẳng khác nào tổ chức một cuộc vượt ngục tập thể. Đi ra một mình không có ai làm bạn chơi cùng cũng mất vui. Tôi cũng chẳng đến nỗi sầu bi mà phải ngồi một mình bên quán cóc nốc từng chén buồn. Lúc nào tôi cũng muốn phải tưng bừng cho xả láng sau mỗi lúc lăn, lê, trườn, toài. Mặc dù mình không ăn cắp ăn trộm thứ gì của ai nhưng bao giờ cũng cứ phải nơm nớp vì lo có người đang rình bắt mình ở đâu đó. Nhưng không phải muốn trốn là trốn đươc. Phải có kỹ – chiến thuật, và lá gan thật to… Tóm lại xả láng cũng phải có “nghề” bởi vì các cán bộ cũng hết sức kinh nghiệm để bóc mẽ các chiêu trò của chúng tôi. Chẳng hạn như bữa gặp vệ binh vừa rồi: “Các chiến hữu, bình tĩnh, vệ binh đang ở đằng trước quán, từng người vòng phía sau rồi tập hợp trong hố xí”. Hố xí của đơn vị tôi nằm ngay sát bức tường vành lao, là đầu mối hiệp đồng phương án trong phi vụ vượt rào, mỗi khi có vệ binh đuổi bắt hay cán bộ kiểm tra là tất cả đều tạt vào đó để vin cớ đi vệ sinh. Dù có mờ ám hay đàng hoàng thì khi về đến đại đội gặp cán bộ hỏi: “Đồng chí vừa đi đâu về?”, chúng tôi trả lời: “Báo cáo đồng chí, tôi vừa đi vệ sinh về ạ”. Bữa đó, chính trị viên đại đội quyết làm cho ra nhẽ nên truy tận cùng. “Vệ sinh sao mà mặt mày lại đỏ tía tai thế này?”. “Báo cáo… Bị táo bón ạ”. “À! Ra thế! Đơn vị không tổ chức đời sống tốt nên chiến sĩ ăn bị táo bón. Được, tôi sẽ có cách…”. Quân y đại đội tôi cũng cừ ra phết, anh ta nói: “Quân y kiêm từ mẫu”. Từ chọc tiết lợn đến thay gà mẹ chăm sóc đàn gà con cũng đâu vào đấy, chẩn đoán và phương pháp điều trị tương đối hiệu quả. Chẳng thế đợt giai đoạn huấn luyện một có mấy chiến sĩ giả ốm xin nghỉ để ở nhà nằm. Anh nào ốm ăn cũng khỏe, nhà bếp nấu cả xoong cháo to nhưng vẫn chưa đủ, thế là quân y đại đội quyết định tiêm cho một liều… nước cất. Vậy là khỏi ngay lập tức. Chúng tôi được đưa vào phòng, đồng chí y tá lấy dụng cụ từ trong túi cứu thương ra. Sau một hồi bắt mạch, anh ta biết được bệnh tình và báo cáo ngay: “Báo cáo! Huyết áp hơi cao, bụng có vấn đề, hơi thở rất thơm vì có men rượu và hành!”. Quân y đã kết luận bằng nghiệp vụ thì đừng có phản đối, sự thực đúng một trăm phần trăm. Vậy thì những bệnh nhân như tôi sẽ được điều bằng phương pháp vận động, nhưng vẫn nằm trong bài “lấy tập thể rèn cá nhân”.
Đã làm việc phải có cơ sở. Kỷ luật quân đội đừng có đùa, mệnh lệnh phát ra đừng chống đối, mặt chính trị viên xầm sầm như bầu trời sắp đổ cơm mưa: “Tất cả đại đội chú ý, vào nhà mang cuốc xẻng – Hướng thao trường, đi thường bước”. Chính trị viên quyết định cho cả đại đội ra đào công sư chiến đấu (Đây là tình huống giả dụ, nằm trong chương trình huấn luyện thường xuyên). Đấy, sự dối trá cùng cái giá phải trả cho việc xây dựng “đời sống tinh thần” của đám lính cậu chúng tôi là thế đấy! Nhưng cũng chẳng sao, “hạnh phúc nào mà chẳng phải chịu đau thương”, nếu chúng tôi phải ra thao trường thì chính trị viên cũng mất thì giờ đứng ở đấy mà giám sát, chúng tôi chẳng hề sợ những thử thách như vậy, sức trai đang hừng hực dù có phải xới tung cả quả đồi lên cũng chẳng hề hao phí. Được rèn luyện cũng là điều phải cảm ơn, nếu không xả năng lượng như thế thì sáng hôm sau ngượng nghịu lắm, tống đẫy trứng vịt lộn với mì tôm vào rồi thì chỉ đến nước bắn hoa cà hoa cải!
*
Cán bộ trong đơn vị mỗi người có một cách quản lý khác nhau, trung đội trưởng bên cạnh tính cách ít cởi mở, làm việc gì cũng tính toán hơn thiệt, hay ganh đua dành phần thắng về mình. Nhưng ngược lại trung đội trưởng của tôi là một con người độ lượng, nhiều khi anh ấy bị đại đội phê bình vì hay bỏ qua lỗi cho anh em chiến sĩ. Chính vì vậy anh em chúng tôi rất hiểu. Đợt ấy đang giữa mùa huấn luyện, trung đội trưởng thường xuyên duy trì luyện tập, tôi hăng hái chỉ huy tổ băng qua hàng rào thép gai, ôm bộc phá đánh lô cốt đầu cầu. “Bộc phá nổ!”. Tiểu đội trưởng hô. Chúng tôi vùng dậy đồng thanh hét toáng lên: “Xung phong”. Tiếng hô vang rộn cả một góc trời hòa lẫn tiếng mõ quay kêu lốc cốc. “Có mệt không?”. Trung đội trưởng rạng rỡ hỏi. “Phình phường”. Tôi nói lẫn trong tiếng gió.
Tôi thích vào bộ đội để được thể hiện mình. Cả nhà ai cũng ủng hộ cho tôi vào quân ngũ, cốt lõi vào quân ngũ để rèn luyện tác phong, hết mười tám tháng chúng tôi lại vẫy tay chào. Lính mà em, lời nói như nước đổ đầu vịt, quán triệt là việc của cấp trên, thực hiện là tinh thần cấp dưới. Trong mỗi lần điểm danh triển khai công việc ngày mai, cán bộ hỏi lại lần cuối: “Các đồng chí đã rõ chưa?”. Trong hàng đồng thanh hô: “Rõ”. Cái “rõ” đấy là tinh thần thể hiện ý chí quyết tâm lên giường đi ngủ! Nếu thằng nào dại dột mà “chưa rõ” khiến cán bộ lại phải giải thích mất thì giờ. Rõ hay không rõ thì mai công việc rồi cũng đâu khắc vào đấy hết!
Lính tráng như tôi thường ngày hoạt động chân tay là chính, bí bách lắm mới phải ngồi một chỗ, mà ngồi lại càng thêm đau đầu. Chúng tôi vẫn thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, nhưng không phải như cỗ máy có lập trình sẵn, hết giờ hành chính cán bộ tranh thủ làm việc riêng thì cũng là thời cơ chúng tôi “cải thiện đời sống tinh thần” mà địa điểm lý tưởng là góc khuất phía bên ngoài hàng rào đơn vị. “Ông già tao vừa bắn cho ít tài khoản, ông bảo: “Ở trên đấy mà rèn luyện, đừng có vác cái mo về mà làm xấu mặt bố, nhớ rèn luyện cho tốt không cán bộ đọc lệnh ra téc đấy nhá, bố rất mừng vì trông tác phong của con dạo này chững chạc lắm, phải thế chứ, ra quân rồi học nốt cái bằng quản lý kinh tế là ngon ngay”. Thằng bạn ở trung đội bên cạnh nói: “Dạo này trung đội tao căng lắm, không đi được đâu”. “Chú mày, đại bàng thành phố mà nhát như thỏ rúc trong hang vậy. Tôi kích bác. Nó ngần ngừ một chút rồi gật cái rụp. Vậy là… Mười phút sau chúng tôi đã có mặt ở cái quán phía bên ngoài tường bao đơn vị. “Khiếp! Mấy hôm nay đi đâu mà chị chẳng thấy mặt, hay lại chê nhà chị ăn ở không tốt nên đầu quân sang nơi khác chứ gì?”. “Đâu dám, chẳng là vừa rồi chính trị viên đang chuẩn bị lên quân hàm nên làm căng quá, sinh hoạt từ chập tối đến giờ điểm danh”. Đã thế tụi này bắt thóp được rồi, lính tráng chứ đâu có phải đàn bò, cần thiết sẽ cho biết tay, đừng tưởng làm cấp trên mà muốn gì được nấy nhá, xơi được bọn này hơi xương đấy. Thôi nào, đừng có mà chọc vào tổ kiến lửa nó đốt cho, hãy tập trung vào chuyên môn, cần gì ra đây chị sẽ đáp ứng nhu cầu! Chị chủ quán nói thế. Nhưng nhu cầu là cái gì nhỉ? Bà chị khôn hay nói nửa lời. Riêng khoản gái gú tụi này không thích nhá, đừng có ăn mặc hở hang mà anh em khó nghĩ, thương nhau thì xin hãy rào giậu cho kỹ, vô tình anh em chạm phải trái cấm là khó nói chuyện được với nhau. Này! Bà chị, nói một cách vuông góc nhá, hôm nay nhà có những món gì? Các chú lại nắn chị rồi đấy, có tí mà cũng căng thẳng với nhau, chị biết các chú cần những gì chứ: “Tay quay”, “ống phân” này, tất cả đồ chị ướp trong ngăn đá vẫn tươi roi rói. Dài dòng văn tự, nói tròn vành rõ chữ đây này: “Thiết kế cho tí gì nhanh trước đã!”. “Có ngay, có ngay. Ống phân sào dưa nhá?”. “Ok! Nhanh!”. “À! Chiều nay anh vừa bắt được con gà ngoài thao trường, con này tân binh hẳn hoi, thấy gái gáy toe toe, vừa trải qua giai đoạn huấn luyện một nên cơ bắp căng như cao su”. “Vặt lông…”.
Nào! Xả láng, mấy hôm nay chẳng đi vệ sinh được, may ông già vẫn nhớ tới thằng con đang giãi dầm sương gió nơi xa xôi này đấy, có đầu vào mới có ra được nhỉ? Uống ít thôi không đi vệ sinh về cán bộ thấy huyết áp cao lại tổ chức giáo dục đấy. Lát nữa về một thằng phải đi trước thám thính, nhớ trinh sát thật kỹ hai bên bụi rậm không vệ binh phục kích trong đấy là nó chỉ cần thò tay tóm gáy. Đi một mình nó không tóm đâu, cứ hiên ngang mà tiến, chúng nó đợi đến lúc đông người qua mới bắt. Này! Để dành nước đái khi ngang qua bụi chuối bắc vòi phun vào đấy, bọn vệ binh hay ẩn nấp trong bụi, có thằng nào nằm trong là biết ngay, thà hy sinh một chiến hữu còn hơn bị dắt cả lút ra ngoài đấy tăng gia cho đơn vị bạn, lao động cải tạo không đáng gì nhưng nghĩ vẫn cay chứ nhỉ? Chẳng lẽ chim đại bàng mà phải sợ mấy con cáo già đi ăn đêm! Nhưng thôi! Chúng ta cứ túm tụm vào đi thành đội hình, tình huống vệ binh phục kích thì thực hành chiến thuật “vừa thủ vừa công”, tụi nó lực lượng mỏng mà mình có cả tiểu đội thì ngại gì. Đúng đấy! Dùng mồi đi, đừng băn bó nữa, đời sống chẳng mấy chốc là mỗi thằng một phương, có bạc tỷ cũng không mua được những giá trị tinh thần như hôm nay.
À! Còn chuyện này. Bà già tôi kể, ông già mới mua con Lexus, bà già tôi bảo: “Nhân tiện tôi đang nhớ thằng Trường, cũng lâu lắm chưa nhìn thấy mặt mũi nó thế nào. Hay là… Cuối tuần này ông chở tôi lên đơn vị nó một chuyến”. Ông già tôi nói luôn: “Cái bà này… Tôi mua xe để đi lại cho tiện, thời buổi này đường sá bụi bặm, nắng mưa thất thường. Có tiền chẳng nhẽ để cho mối nó xông à? Tôi cấm chỉ bà không được nhu nhược với thằng Trường đâu đấy, nó là con trai phải rèn luyện tính độc lập, đừng có mơn trớn khiến nó nhờn”. Nghe chuyện tôi lu loa liền với bà già: “Hu hu! Con nhớ mẹ lắm, ở trên này huấn luyện nắng nôi, suốt ngày lăn lộn toát mồ hôi, đi ăn cơm phải xếp hàng, đói lắm, tối toàn phải trốn ra ngoài đơn vị ăn mì tôm”. Bà già tôi mủi lòng, an ủi: “Thôi cố gắng mấy tháng nữa là hết nghĩa vụ rồi con ạ, mai mẹ sẽ ra ATM chuyển khoản cho một ít. Thỉnh thoảng trốn ra ngoài mà ăn uống cái gì cho đảm bảo sức khỏe nhá. Đừng có nói với bố mày đấy”. “Vâng con biết rồi! Kiss mẹ rất nhiều”. Tôi nhanh chóng tắt máy, cười…
Đêm tối đen như mực, chúng tôi nối đuôi nhau nhích từng bước, mũi chân thằng này luồn xuống gót thằng kia hòng để tránh tiếng động, phải nhanh chóng vượt qua bãi lá khô không lũ chó của dân sủa toáng lên chẳng khác nào khai báo với chỉ huy: “Trường đây! Trường đang đi quán ăn mì tôm về đây”. Tai của chính trị viên nằm trong phòng thính như hoẵng, hễ nghe có động bên ngoài anh đoán ngay được tọa độ chúng tôi di chuyển. Chính trị viên cũng có nhiều bài chẳng chịu thua kém nên chỉ cần đón lõng là có thể đọc được danh tính những kẻ dãi dầm sương gió. Dĩ nhiên mỗi khi xác định rõ tang chứng là tụi tôi lại được giáo dục đặc biệt bằng điều lệnh. Nói đến điều lệnh, tôi có thể nhắm mắt đọc vanh vách mười lời thề, mười hai điều kỷ luật của quân nhân, cũng bởi được nhiều lần chính trị viên bảo học. Khi lên kiểm tra đọc một lèo, chính trị viên bảo: “Thuộc rồi sao còn vi phạm?”. “Báo cáo! Em trót dại ạ”. Tôi lý nhí nói để cố vớt vát được một chút ân huệ của chính trị viên, nhưng không: “Tôi đã nói hết nước hết cái với đồng chí rồi đấy nhá, không có sự việc nào quá tam ba bận. Trưa mai, sau giờ ăn cơm lên trước cửa phòng giao ban gặp tôi”. Đúng thế thật đấy, vấn đề này là chính trị viên nói đích danh nên không thể áp dụng kiểu nước đổ đầu vịt được đâu, cũng chẳng hay ho cái kiểu đôi co với cán bộ cho rách việc, người ta cũng không sung sướng gì mỗi lúc phải dựng tóc gáy lên quán triệt, thôi thì anh phạt kiểu gì em chấp hành nghiêm.
Sau những lần tôi được chính trị viên giáo huấn, chúng tôi bằng mặt nhưng trong lòng chẳng mấy thằng chịu phục, càng tỏ thái độ bất chấp, trong đại đội có thằng lại bảo: Này! Ông Trường, tụi mình có ác ý gì đâu mà hắn lúc nào cũng gầm ghè. Tôi chúa ghét cái kiểu soi nhau từng li từng tí một đấy. Đàn ông đàn ang với nhau có chuyện gì cứ sòng phẳng ra mà nói. Nhưng thú thật các ông cũng dốt lắm, người ta cũng có lý của người ta, bọn mình đã sai lè lè ra còn cãi cái gì. Hay tụi mình chơi cho hắn một vố, cho chừa cái thói nhìn đâu cũng thấy mọi hành động của mình đều đúng. Tất cả chụm đầu vào đây, nói nhỏ: “Tối nay tụi mình chui xuống gậm giường nằm, đến khi hắn đi kiểm tra sẽ báo động. Đợi đến khi hắn tuyên bố lý do báo động vì vắng mặt tụi mình sẽ cãi”. Mọi việc diễn ra đúng như dự tính, sau giờ điểm danh chúng tôi mắc màn, mấy chiến hữu lảng vảng qua phòng chính trị viên nhằm gây sự chú ý. Sau đó bằng chiến thuật đánh lừa nghi binh vòng ra hướng nhà vệ sinh rồi lật trở lại phía sau doanh trại, lẻn vào phòng nấp kín dưới gậm giường. Phương án đã được chuẩn bị tương đối hoàn hảo, kế hoạch này cũng chỉ có mấy thằng tụi tôi biết! Phải thế chứ, chính trị viên ạ! Lần sau làm việc gì anh nhớ cân nhắc kỹ nhá…
Sau cái vụ ấy tình thế chính trị thay đổi hẳn, chính trị viên điềm đạm hơn, nhưng cuộc sống của chúng tôi vẫn thế, hàng ngày chúng tôi vẫn ten tèn ten ra thao trường huấn luyện, lính thời bình nhiệm vụ muôn thuở vẫn là huấn luyện. Nhưng nghịch ngợm nhiều rồi đến lúc cũng phải chán, món ăn tinh thần cũng cần phải đổi, chiều chiều chúng tôi ra sân đá bòng rồi tổ chức xuống căng tin đơn vị đập phá. Kể ra cũng vui đáo để…
… Ôi! Náo nhiệt lắm, náo nhiệt lắm, nước sông công lính mà, chúng mình cứ phá thật mạnh vào, tan rồi lại hợp, phải sống như thời “Tam quốc” ấy, khôn ngoan không lại với giời! Người chiến thắng phải biết vận dụng thời cơ. Chúng ta là những người lính trẻ… Nhưng mà rồi tất cả thay đổi, thay đổi sau cái sự kiện ấy.
Số là đơn vị chúng tôi quanh năm chỉ có mỗi nhiệm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, ngoài thao trường và bốn bức tường vành lao chúng tôi chẳng biết gì đang diễn biến ở ngoài kia, chỉ có việc gì quan trọng lắm đại đội mới cấp giấy ra vào đi cơ động… Nhưng dù thế nào đi chăng nữa chúng tôi vẫn không cảm thấy thoải mái bởi những chế độ kín mít trong ngày, đã thế lúc nào cũng trong tình trạng nhẵn túi. Hằng tháng ngoài tiền phụ cấp, bà già vẫn bắn thêm cho một khoản kha khá nhưng vẫn như gió vào nhà trống. Cái khoản đáp ứng nhu cầu thì vô cùng lắm, thà cứ sống tẹt tèn ten cho hết đi còn hơn lúc nào cũng giữ khư khư quả bom trong người khiến tâm trạng dằn vặt. Ôi chao, tuần trước bà già chuẩn bị đi công tác, ông già đánh xe chở bà ấy lên đơn cị thăm con. Tưng bừng lắm, bà già mưa cho cả đơn vị… Các con tập luyện nhiều có đói lắm không? Chịu khó mà bảo ban nhau, đừng có mất đoàn kết là rách việc lắm, mẹ cho tiền đi mua cái gì về cải thiện đời sống cả đơn vị nào! Còn ông già tôi thì trừng mắt! Bà cứ làm hư chúng nó, nhưng thôi, để tôi phóng xe ra ngoài kia mua tặng các cháu mấy quả bóng về đá cho vui, nhìn quả bóng kia cũng cũ lắm rồi. Tôi cũng vào hùa, nhân thể ông ba già vừa tiếp tế cho ít tiền cũng mưa luôn, các chiến hữu hết lời khen tấm tắc. Nhưng có lẽ không có tiền chúng tôi ngoan hơn, ngày nào hết giờ huấn luyện cũng mang bóng ra sân đá…
Đúng là đời, những lúc nâng chén thì chẳng ai vui bằng, nhưng đến lúc nhẵn túi lại có nhiều việc phải làm, bà già đi công tác nước ngoài mãi mà vẫn chưa thấy về, ông già đang nằm trong bệnh viện chẳng nhẽ gọi điện về xin tiền thì không nên, đúng là dính vào gái rồi mới biết nhục, “trăm khôn không bằng l.. khiến mà!”. Tối nay là sinh nhật em mà trong túi mình chẳng còn đồng nào, đi vay khắp nơi nhưng thằng nào cũng lắc đầu, chúng nó bảo đời lính chỉ có “trên răng dưới các tút mà thôi”. Buồn lắm! Điệu này chỉ còn có nước cuối cùng là ra ngoài kia vay lãi! Nhưng vay lãi cũng đâu có dễ, rõ ràng là người ta cắt cổ mình nhưng đôi khi vẫn phải cảm ơn. “Đấy, anh nể chú lắm nên mới giúp, những thằng khác thì đừng hòng. Nhớ là lãi suất mười phần trăm một ngày, chú phải thanh toán đúng hẹn không thì anh sẽ báo vào đơn vị”. Tôi biết cái giá phải trả nhưng vẫn phải vui vẻ đưa cổ lên lưỡi dao cho người ta cứa. Nhưng tối nay không biết trung đội trưởng sẽ cắt cho mình gác vào ca nào? Bằng mọi giá mình phải có mặt trong bữa tiệc sinh nhật em. Còn em, đâu có biết cái nỗi khổ của lính, cứ tưởng ai cũng được tự do thoải mái như sinh viên, thích là có thể bắt xe chạy vù về được ngay. Mình cũng đã trình bày hết hoàn cảnh rồi nhưng em đâu có chịu tin. Em bảo tình yêu phải chứng minh bằng hành động, lời nói hoa mỹ biết đâu mà kiểm nghiệm, vậy nên em cứ bắt mình phải chứng minh tình cảm bằng sự hiện diện. Kể ra mình cũng khó xử thật, chẳng nhẽ không đến thì em sẽ như thế nào nhỉ? Chắc chắn ngày mai em sẽ trách, khoảng trống vì thiếu sự có mặt của mình rất dễ được thay thế bằng một anh chàng sinh viên khác, nhất cự ly nhì cường độ mà…
Quân tử không biết phòng thân thì cũng chẳng khác nào tiểu nhân. Tôi đang rơi vào tình trạng bế tắc, cứ loanh quanh luẩn quẩn suốt từ sáng đến giờ như gà mắc phải mớ tóc rối. Ca gác tối nay đã có người đảm nhiệm hộ, nhưng tình hình đơn vị đang rất căng, đại đội liên tục tập trung để quán triệt các chỉ thị từ trên triển khai xuống. Đã thế chính trị viên chốc chốc lại gọi lên giao nhiệm vụ, không biết hôm nay anh ấy giở chứng hay sao mà rất nhẹ nhàng! Nếu cứ như thế này thì làm sao thực hiện được kế hoạch. Nhớ lại cái vụ chúng tôi chơi xỏ anh ấy mà hối hận, kể ra con người không ai toàn diện được cả, đôi khi cứ đặt nhau lên bàn cân thì thật là khó sống, cũng đơn giản thôi, chỉ cần mỗi người biết nhìn nhận về nhau một chút là chan hòa. Sự chấp nhặt đến bao giờ mới tiến bộ được. Cử chỉ này mọi khi hiếm thấy có ở anh ấy lắm! Thực tình tôi cũng chẳng thù hằn gì với cán bộ đâu, tôi xác định chỉ trốn đi nốt một chuyến này nữa thôi. Cuối năm rồi đơn vị cũng sắp sửa bước vào diễn tập. Lại kết thúc một mùa huấn luyện đầy náo nhiệt thật rồi… Tôi vừa mới tắm gội xong đang định tẩu thì chính trị viên lại gọi: “Trường! Cầm tiền ra ngoài kia mua cho anh tấm phoóc mê ca về làm panô”. Chính trị viên đối xử tử tế với mình thế, tôi nghĩ. Nhưng mà chính trị viên ơi, đồng chí mắc sai lầm mất rồi, tự dưng lại nối giáo cho giặc, tối nay là sinh nhật người yêu tôi nhá, dù có phải chịu hình phạt gì thì tôi cũng chấp nhận, miễn là không để mất mặt với các bạn của nàng.
Ra khỏi cổng tôi nhanh chóng mua được một tấm phoóc theo đúng yêu cầu của chính trị viên, số tiền anh đưa cho cũng khá, phần còn lại đủ khả năng thuê một chuyến xe ôm đến thăm em, tôi gửi lại tấm phoóc ở cửa hàng rồi lên xe chạy chạy một mạch. Sáng hôm sau thấp thểu về đến đơn vị. “Báo cáo… Tối hôm qua…”. Tôi ấp úng nói. “Có vấn đề gì cậu hãy trình bày”. Chính trị viên ôn tồn nhắc. “Dạ! Báo cáo… Hôm qua, lúc ra ngoài bất ngờ em gặp bạn. Chúng nó…”. Tôi gãi đầu gãi tai: “Em đã trót tiêu hết số tiền anh đưa cho rồi ạ!”. Chính trị viên vẫn thong thả: “Thôi được, hôm nào lĩnh phụ cấp trả lại anh cũng được! À, nghe nói Trường khéo tay lắm hả? Vào kho lấy dụng cụ rồi đóng cho anh cái panô, sắp diễn tập rồi nên nhiều việc cần phải làm”.
Tôi cứ tưởng những việc mình làm có thể qua mắt được cán bộ trong đơn vị, nào ngờ những hành động ấy người ta đều biết hết, mãi đến sau này trong lần diễn tập nằm cùng hầm với thằng chuột (Chiến sĩ liên lạc đại đội), nó kể chính trị viên đã biết hết mọi chuyện của tôi, hôm đấy anh cố tình làm thế để thử… Cũng may nhờ có món tiền mà chính trị viên đưa cho mà tôi đã có cơ hội được gặp em… Thật là hổ thẹn với chính mình, nếu không có chính trị viên chắc chắn tôi đã lao theo một vết xe đổ, trượt dài. Chắc gì tôi đã có ngày tiến bộ! Nhưng cũng cần phải nhắc lại những kỷ niệm ấy! Về sau chúng tôi hiểu nhau hơn, mỗi lần đá bóng là đại đội trưởng đứng về một phe – tuyên chiến, chính trị viên làm trọng tài cầm còi giám sát, cả đơn vị chẳng ai phải gân cổ lên với ai, mệnh lệnh nào phát ra chiến sĩ cũng thực hiện răm rắp, đến cuối năm đơn vị tôi đạt thành tích khen thưởng. Cán bộ cười, chúng tôi vui. Chính vì thế mà cấp trên đã dành hai chỉ tiêu cho chiến sĩ trong đơn vị có nguyện vọng phục vụ quân đội lâu dài thi vào các trường sĩ quan. Thực lòng tôi đã quen với lối sống nề nếp trong quân đội, quen với khẩu lệnh vuông vắn. Tôi không muốn rời xa đơn vị. Hay là, chuyến này tôi sẽ nói với bố mẹ: “Thôi con không thích đi học quản lý kinh tế nữa đâu. Bố mẹ cho con thi vào trường sĩ quan để phục vụ quân đội lâu dài?”. Tôi đang nghĩ thì một tiếng còi dài vang lên.
Tháng 2 năm 2013
BT: Vương Chi Lan