Người đàn ông bên bờ uất giận – Nguyễn Thị Thúy Ái
Trương hay tự an ủi mình bằng câu của Socrates, có lẽ vì cũng có một bà vợ dữ dằn nên ông ấy mới đúc kết được một câu hay đến như vậy. Đại khái nhà triết học cổ đại và vĩ đại đó khuyên đàn ông nên lấy vợ, nếu lấy được một người vợ hiền sẽ trở thành một người đàn ông hạnh phúc, nếu gặp phải một người vợ dữ sẽ có cơ hội thành một bậc hiền triết. Quả là từ lúc tâm tưởng Trương tách ra được khỏi vợ, dồn hết cho công việc lãnh đạo ở trường, anh đã tạo ra một sự thay đổi đáng kể làm cho nhiều người ngạc nhiên. Anh siêng viết bài cho tờ báo chuyên ngành, viết được nhiều giáo trình chất lượng cao. Thú vui còn lại của Trương là đọc sách và chơi thể thao.
Một cuộc sống hòa bình lạnh lẽo sẽ kéo dài lâu nếu không bỗng dưng Trương nhận được lá thư của một người bạn cũ, từng học chung hồi học phổ thông. Đọc thư, hình ảnh của người bạn sau nhiều năm dài không gặp bổng hiện ra rõ rệt. Nếu như trong lớp Trương giỏi nhất môn toán thì Thảo giỏi nhất môn văn. Thảo thon thả tròn lẳn mắt môi lấp lánh, mái tóc xanh tốt tết thành hai cái bím dài… Biết Trương mến Thảo nên các bạn hay ghép đôi hai người với nhau làm Trương xấu hổ cứ hay tránh né Thảo. Học xong lớp mười Thảo tình nguyện khoác ba lô vào chiến trường miền Nam. Anh hiểu rằng những gì Thảo viết trong những bài văn, bài báo tường là tâm huyết của cô chứ không phải là lời lẽ lên gân, để được điểm cao, vào Đoàn. Đất nước thống nhất Trương chưa kịp về thăm quê hương Phú Yên của mình vì chuẩn bị ra nước ngoài học tiếp. Từ đó Trương bặt tin Thảo và gần như quên hẳn người bạn gái đáng yêu ấy. Vừa rồi Thảo đọc một bài viết về anh, biết nơi công tác nên viết thư về thăm. Đọc thư Trương biết chồng Thảo là bộ đội hi sinh đã lâu, lúc Thảo có mang đứa con đầu lòng, quá xúc động đau đớn nên sẩy thai và mất luôn khả năng làm mẹ… Hiện nay Thảo đang làm việc ở một nông trường cách thành phố không xa… Lá thư làm Trương thẫn thờ, anh thấy mình như có lỗi, như mắc một món nợ với Thảo.
Trương viết thư cho Thảo ngay và mời cô có dịp vào thành phố đến nhà chơi. Trương mong cô thật sự, lúc này anh đã được cấp một biệt thự trong một khu yên tĩnh. Căn hộ cũ ở khu tập thể trả lại cho trường để phân cho một giảng viên chưa có nhà. Việc tất nhiên như thế nhưng Liên, vợ của Trương cũng tròng tréo thế nào để móc được hai cây vàng của người được phân nhà. May mà Trương biết được bắt trả lại vàng cho người ta.
Một buổi chiều đi làm về, Trương thấy một phụ nữ lạ ngồi chờ ngoài hiên, tuy ăn mặc tươm tất nhưng không giấu được vẻ khắc khổ. Thấy Trương vào, người phụ nữ bỡ ngỡ đứng lên, anh cũng chăm chăm nhìn lại, tuy không nhận ra ai nhưng linh cảm giúp Trương đoán ra được đó chính là Thảo. Anh thả chiếc cặp da xuống và gần như ôm lấy cô.
– Trời Thảo !
– Trương !
Họ gọi nhau như thuở còn đi học
Trương thấy Thảo rơm rớm nước mắt. Sao không thấy Liên đâu lại để khách ngồi chơ vơ, Trương hỏi :
– Nhà tôi đâu sao không mời Thảo vào phòng khách ?
Cô lúng túng :
– Chị ra mở cửa, tôi nói là bạn của anh, chị bảo tôi ngồi đây đợi vì… bận gì đó.
Thật ra khi thấy vợ của bạn ra mở cửa, mặc một bộ đồ ngủ mỏng tang, nhìn mình từ đầu đến chân, Thảo tin rằng mình đã đọc không nhầm ánh mắt ấy “Chị thế nầy mà là bạn của chồng tôi à? Rõ thấy người sang bắt quàng làm họ, chắc đến nhờ vả, xin xỏ gì đây”.
Liên không mời Thảo vào nhà mà chỉ cho cô ngồi ở cái đôn bằng sứ ngoài hiên. Có lẽ Liên sợ đôi dép còn dính đất đỏ làm dơ tấm thảm đắt tiền ở phòng khách. Thảo định bỏ về nhưng nhìn quanh không thấy ai. Rồi Trương về, cái cách mững rỡ của Trương làm Thảo dịu đi, Trương mời Thảo vào, lấy nước cho cô.
– Thôi, tôi về bây giờ, không khát. Con trai anh đâu ?
– Nó đi học thêm, sắp thi tú tài nên đi học suốt ngày.
– Còn chị nhà công tác ở đâu ?
– Cô ấy cũng dạy ở trường tôi thôi. Bạn bè lâu quá mới gặp, ở lại ăn cơm với mình đi.
– Cám ơn anh, tôi có báo cơm với nhà khách ở gần đây rồi.
Khi nói câu nầy Thảo cụp mắt xuống nên Trương ngờ ngợ chắc Liên có gì làm Thảo phật ý nên không dám giữ. Anh cũng từng biết Liên đối xử với những người họ hàng của anh vào chơi một cách hợm hĩnh, trịch thượng khiến không ai muốn đến thăm nữa. Bà mẹ ruột của Liên từ Hà Nội vào định ở lâu dài với vợ chồng anh nhưng chỉ được vài tháng cũng không chịu nổi con gái.
Họ nhắc chuyện cũ, hỏi thăm bạn bè xưa, người nào còn, người nào mất. Mãi đến lúc trời hơi tối, Thảo ra về, Trương lấy xe đưa cô đến nhà khách. Lúc chia tay Thảo nói:
– Trông anh khác quá, nếu tình cờ gặp ngoài đường chắc tôi nhìn không ra, phát tướng quá…
– Hơn hai mươi năm rồi còn gì.
Còn Trương, ngoài những thăm hỏi thông thường anh không dám hỏi sâu chuyện đời tư của Thảo, sợ chạm vào nỗi đau của bạn. Một cô Thảo xinh tươi đằm thắm đã bị thay thế bằng hình ảnh một người đàn bà khô cứng, già trước tuổi. Đôi mắt u sầm, khóe môi tươi cong ngày xưa nay oằn xuống bởi những gian khổ, mát mát đè nặng. Thảo tàn phai đến đau lòng.
– Thảo còn ở đây mấy hôm nữa ?
– Vài hôm nữa thôi
– Chiều mai tôi sẽ đến thăm Thảo.
Về nhà, anh thấy Liên ngồi đợi cơm với vẻ mặt nặng trịch. Khi chồng ngồi vô bàn cô mới lên tiếng :
– Gớm, vớ được mụ nhà quê nào mà cuống lên thế, quên cả ăn !
Nãy giờ Trương đã bực vì cách Liên tiếp đãi bạn của mình nhưng định bụng sẽ lựa lời góp ý vào lúc khác, anh cũng ngán những cơn tam bành của Liên. Tuy khỏe mạnh nhưng tình cảm lạnh lẽo khiến Trương không thể nào gần gũi chăn gối với vợ được nữa. Nhìn cái thân thể ngồn ngộn của Liên anh phát sợ. Đôi mắt to mà ngày xưa anh cho rằng là điểm thu hút của cô sao bây giờ trông nó thô lố, trống trải, vô hồn, như một cái cửa sổ rộng, mở toang hoác để thấy hết mọi thứ lố lăng bên trong. Khi còn ở trong khu cư xá của cơ quan, có ai đó đã viết hai chữ “Liên lố” rất to trước cửa phòng của họ, anh biết hàng xóm lẫn đồng nghiệp đều không có ai ưa cô. Anh cũng sợ cả bộ ngực đồ sộ mà khi đi, lúc nào Liên cũng ưỡn ra như để vừa khoe khoang, vừa mở đường, trấn áp mọi thứ ngăn cản cô đạt những mục đích. Lương Trương tuy cao nhưng nếu không nhờ vốn liếng Liên mua đi bán lại, ky cóp trong thời kỳ học ở nước ngoài, nhất là lúc Sài Gòn mới giải phóng, làm sao họ có được những tiện nghi toàn mác Mỹ, mác Nhật mà Liên thuộc vanh vách, loại nào hiệu nào mới là hàng xịn, mới là người mua sắm sành điệu, thượng lưu. Bạn Trương có người khen trước mặt Liên :
– Ông Trương có phước thật, có một bà vợ lanh lợi, đảm đang, chả phải lo gì.
Trương nghĩ thầm, không biết phước hay họa. Liên ngày càng tự đắc vì cho nhờ mình nên gia đình mới được sống như “tiêu chuẩn của một giáo sư Mỹ”, từ đó ngày càng quá quắt. Nếu Trương bận hay quên làm những việc nhà do Liên phân công như giặt quần áo, lau nhà cô sẽ bỏ đi, đến bữa không thèm về, không nấu nướng bỏ anh đói chơi. Khi chưa nhận chức vụ gì, một lần anh đã xách valy đến cơ quan ở.
Nếu không quá chán ngán, Trương đã dùng đến một biện pháp dạy vợ cổ sơ của kẻ thất phu, nhưng có lẽ hiệu quả với một người đàn bà như vậy : đập cho một trận. Như câu nói hỗn láo vừa rồi cùng với cái giọng ngoa ngoắt mà Trương vốn ghét cay ghét đắng, như một mồi lửa châm vào đống rơm khô lâu ngày. Bao nhiêu chịu đựng dồn nén chất chứa khiến Trương tuôn ra một cách rành rọt những lời đã nghĩ về người đàn bà mà anh phải sống chung gần hai chục năm trời, đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiều lần trong đầu, như một dòng nước chảy ngầm đã làm xói mòn hết những yêu đương, ham muốn. Trương căng giọng :
– Nầy cô Liên ! Tôi nói cho cô biết, tôi với Thảo chỉ là bạn bè thuở nhỏ, chúng tôi chưa có tình ý gì với nhau ngoài tình bạn trong sáng. Cô không được phép xúc phạm tới Thảo. Cô hãy dõng tai lên mà nghe cho rõ : Toàn bộ cái gia sản bạc triệu bạc tỉ gì của cô và cái thân thể béo ị của cô gom lại không bằng cái gót chân của Thảo đâu…
Mặt của Liên trắng bệch như người chết. Cô kinh hãi thấy như có một người nào khác đã nhập vào chồng mình chứ bản thân anh ta không bao giờ dám thốt lên những lời như thế. Trương luôn ôn tồn, nhường nhịn, cả cáu gắt anh cũng không dám nữa là. Thấy có hiệu quả, Trương nói tiếp :
– Thảo đã vào sinh ra tử, đã đóng góp những gì quý giá nhất của mình cho đất nước… Thử hỏi cô, cùng lứa với Thảo, cô đã làm được gì mà hưởng như thế này. Học hành tầm thường, tốt nghiệp đại học cũng đã quá sức, thế mà cô còn luồn lách để đi nghiên cứu sinh, chẳng qua là đi buôn, gom hàng. Miền Nam giải phóng bằng xương máu kẻ khác, còn cô vô đây vơ vét hàng hóa, phe phẩy làm giàu. Hưởng thụ, phè phỡn, cô còn khinh những người đã hy sinh cho mình… Ở trường người ta nể tôi nên không muốn nói thẳng vào mặt cô. Cô biết họ nói sao không? Họ nói cô không có một chút giá trị nào ngoài có một ông chồng là viện trưởng. Ai cũng biết tôi rất cô độc vì có một người vợ như cô. Có người đã chơi xỏ tôi bằng cách tặng tôi quyển “Trăm năm cô đơn”. Nhưng tôi không giận họ đâu, họ hiểu tôi đấy. Cô nên đi buôn lậu thì hơn, dạy dỗ không ra hồn, kiến thức ngày một mòn nhẵn lạc hậu, sinh viên cứ phản ánh mãi. Bây giờ còn mơ, ngủ một đêm thành tiến sĩ !
Cô chỉ còn một cái việc tối thiểu của một người đàn bà, là đem đến hạnh phúc cho một người đàn ông, cũng không làm được. Tôi đã độ lượng với cô đến mức nhu nhược, vì thế bao nhiêu năm nay cô đã đày đọa tôi vì cái tính thực dụng, đua đòi, chua ngoa của cô. Chừng nào chưa thoát khỏi tay cô, cuộc sống tôi thật vô nghĩa…
Trương nói hả hê, sung sướng, không biết Liên ngồi như chết cóng, đôi mắt trắng dã và ngã phịch xuống đất.
Người giúp việc về quê không thèm quay trở lại, con trai chưa về, Trương tức tốc gọi xe cấp cứu, Liên bị lên cơn cao huyết áp. Chăm sóc vợ khỏi bệnh, Trương quyết định dọn cho mình một phòng riêng. Anh chỉ đóng kịch hòa thuận trước mặt con, khi nó đi vắng, Trương lạnh lùng hoàn toàn. Còn ở Liên thì ngược lại, mọi thứ như được hâm nóng lên, cơn giận dữ và thái độ cương quyết của Trương khiến cô thấy ở chồng một sức hấp dẫn mới. Lâu rồi cô chỉ xem chồng như một món trang sức, một nhãn hiệu hàng hóa uy tín để cô trao đổi, kiếm chác. Liên trở nên ngọt ngào, chăm sóc anh hơn nhưng Trương thấy tất cả cử chỉ đó thật lố bịch, giả dối dù có lúc Liên cũng thật lòng. Trương tự nhủ “Nếu chưa thể ra tòa ly dị với cô ấy được thì ta cũng đã li dị trong tâm rồi”. Trương lấy lại sự thanh thản bằng công việc. Biết dịu ngọt không được, Liên lôi kéo con về phe mình, thằng con có đôi mắt to giống mẹ, yếu đuối bạc nhược nhưng cũng có đôi lúc tỏ ra thông minh sắc sảo. Có lần nó hỏi :
– Chắc ngày xưa mẹ đẹp lắm hả bố?
– Sao con hỏi vậy?
– Vì con nghĩ đó là lý do bố yêu mẹ.
– Có lẽ thể !
Con trai học xong phổ thông, sang Thái Lan học đại học, Trương viết đơn ly dị, Liên không ký mà còn nổi cơn thịnh nộ.
– Thăng quan tiến chức rồi muốn kiếm hầu non phải không ? Cái gia sản này công tôi gầy dựng bây giờ muốn chia đôi phải không ? Không đời nào!
– Tôi sẽ để hết cho cô !
– Anh lấy cớ gì để đưa tôi ra tòa ? Tôi không ngoại tình, không phá của, không vô sinh !
Trương chuyển công tác và Liên đổ bệnh. Cơn tai biến mạch máu não lần này làm Liên liệt nửa người. Trương tìm một người giúp việc để chăm sóc. Liên bắt đầu đi được nhưng cái miệng còn méo nên nói không rõ. Trương càng thấy mình khó có cơ may giải thoát. Làm gì được khi Liên bệnh tật như vậy.
Trương đã năm mươi, anh sơ kết đời mình. Không còn trẻ, chưa kịp già, thành công trong sự nghiệp, thất bại trong hôn nhân. Trương quyết tâm nuôi Liên bớt bệnh và sẽ tìm cách chia tay với cô, quyết tâm thay đổi đời mình, cho dù Liên không ký vào đơn, không chịu ra tòa. Ở cơ quan, nếu có ai dùng điều đó làm cái cớ chống lại anh, Trương cũng sẽ không cần chức vụ, trở về với công việc của một nhà khoa học là vị trí thích hợp nhất của anh. Nhưng làm lại cuộc đời với một phụ nữ nào thì Trương chưa hình dung ra.
1998
Biên tập: Vương Chi Lan