Ngồi lại với trăm năm – Nguyễn Lệ Ba
Anh nhấn mạnh tay dầm mà chiếc xuồng nhỏ chỉ nhích lên từng chút. Con nước ròng chảy xiết cứ dội ngược lên mũi xuồng. Lòng anh nóng như lửa đốt. Chị ngồi giữa xuồng, hai tay ôm đứa con đang mềm rủ trong hơi thở thoi thóp. Chân tay đứa bé đã bắt đầu lạnh, mắt đứng tròng và hơi thở chỉ còn nhìn thấy nơi hai cánh mũi nhỏ xíu phập phồng.
Khu mộ của dòng họ nằm khuất sâu trong vườn. Bốn ngôi mộ được vây kín trong tường rào, kiêu hãnh vươn lên giữa một xóm lao động nghèo, bên trong là lá vàng, bụi bặm, rêu mốc và những dấu vết của lãng quên. Má tôi nhắc: “Nhớ làm cỏ quét dọn mộ trước ngày 23 tháng Chạp để ông bà khỏi tủi thân”. Người ta bảo, sau ngày đưa ông Táo về trời, việc quét dọn mồ mả chỉ dành cho những ngôi mộ không thân nhân nhìn nhận và chăm sóc. Mỗi độ tháng Chạp về, tôi cứ ngồi bên những ngôi mộ của ông bà, nhìn sự tàn phá của thời gian trên gạch đá vô tri, nhìn lá vàng rơi và rêu mốc mà lòng thấy buồn buồn. Tôi không thể làm được gì dù tôi là đứa cháu trai đích tôn của dòng họ. Năm nào cũng vậy, tôi chỉ làm được một việc là thắp nhang suốt mấy ngày Tết, không để tắt những làn khói mỏng manh hiếm hoi trên những ngôi mộ ấy. Có lẽ khi đã già, khi sắp về với đất, người ta mới có nhiều thời gian để suy ngẫm, để chiêm nghiệm về sự phù du của một kiếp người, để thấm thía hơn cái lẽ có không, sinh diệt… “Cái mà con người để lại trên thế gian nầy, thường chỉ là một nấm mồ”. Ai đã nói câu nầy, tôi không nhớ, nhưng tôi tin như vậy. Có những người sau khi chết đi đã để lại những tác phẩm nghệ thuật, những công trình kiến trúc vĩ đại, những thành tựu khoa học, những chiến công mang tầm thế giới… Không kể những con người ấy, thường thì những người khác, chỉ để lại cho thế gian nầy những nấm mồ.
Quanh tôi bây giờ là bốn nấm mồ !
Hai ngôi mộ nằm phía đông là của ông bà Cố tôi, hai người mà thời thơ ấu tôi còn được biết với những tình cảm nửa như gần gũi, nửa lại cách xa. Qua một khoảng sân rộng, nằm song song là hai ngôi mộ của người con trai và con dâu thứ năm của ông Cố, tôi gọi bằng ông – ông, bà Năm. Đã có một thời, những con người nầy là những người danh giá của dòng họ Nguyễn Quang: giàu sang và quyền lực. Thế mà giờ đây, tất cả nằm lạnh lẽo trong một góc vườn, mộ phần bụi bám nhện giăng, cả năm con cháu chẳng mấy người ghé qua để đốt một nén nhang. Chết là hết, có phải như vậy không? Tôi tin vẫn còn một điều gì đó thiêng liêng, còn nằm lại dưới đám gạch đá vô tri ấy. Còn có cái gì đó để những người đang sống như tôi phải suy ngẫm, day dứt lẫn xót xa khi trời đất chuyển mùa, khi nàng xuân sắp chạm tay vào cổng và mùa xuân đang rơi lãng đãng quanh đây.
Những năm ông Nội tôi còn sống, thỉnh thoảng ông bảo tôi sao chép hay ghi thêm vào quyển gia phả của dòng họ những điều mà ông còn nhớ được. Tôi cẩn thận lật từng trang giấy đã ngả vàng màu thời gian, nhìn nét chữ của ông bà mình mà cứ ngỡ như nhìn thấy cả dĩ vãng xa xôi của dòng tộc. Tôi phát hiện ra cội rễ của mình ở tận ngoài miền Trung, tổ tiên tôi là những lưu dân theo Chúa Nguyễn dong buồm về phương Nam khai hoang lập ấp. Hồi đó, cả làng chỉ có vài chục nóc nhà, sống quần cư để đùm bọc và nương tựa nhau. Xưa, làng là rừng rậm, lung bàu ken dầy đưng lác. Rừng là muỗi mòng, cá sấu và nghe đâu có cả voi cọp… Ông Nội tôi là người thích kể chuyện, khao khát được kể và kể chuyện rất hấp dẫn. Tôi thường ngưng viết để lắng nghe những câu chuyện có đầu có đuôi, đầy ắp chi tiết, sống động đến có thể nhìn thấy những con người và cảnh vật ngày xưa đang hiện lên trước mắt qua lời kể khúc chiết của ông Nội tôi.
Anh nhấn mạnh tay dầm mà chiếc xuồng nhỏ chỉ nhích lên từng chút. Con nước ròng chảy xiết cứ dội ngược lên mũi xuồng. Lòng anh nóng như lửa đốt. Chị ngồi giữa xuồng, hai tay ôm đứa con đang mềm rủ trong hơi thở thoi thóp. Chân tay đứa bé đã bắt đầu lạnh, mắt đứng tròng và hơi thở chỉ còn nhìn thấy nơi hai cánh mũi nhỏ xíu phập phồng. Lòng chị đau nhói theo từng nhịp thở của đứa con trai đầu lòng. Nhà thầy Tư chỉ còn cách một đoạn sông, thế mà đôi vợ chồng trẻ cứ tưởng nó xa mịt mù… Tới bến, anh phóng vội xuống bãi bùn, đẩy xuồng cho vợ lên bờ. Chị hối hả quấn kín con trong khăn, ôm cứng trong lòng, lóng cóng bước lên cầu.
Thầy Tư ngồi thư thái trên ghế giữa, nhìn khách lạ qua cặp kính trễ xuống tận mũi, đằng hắng: “Bệnh sao đây?”. Anh luống cuống nói tranh với chị: “Dạ, thằng nhỏ bị nóng mấy bữa nay, đi chích hết “đốc tờ” nầy tới y tá nọ mà cũng chưa giảm. Bữa nay thấy nó tệ quá nên tới nhờ thầy…”. Anh nghẹn lời. Chị khóc. Thầy Tư chậc lưỡi: “Chà chà, bệnh nầy mà đi bác sĩ thì làm sao qua khỏi. Chú thím tới trễ quá rồi!”. Anh nhìn con và nhớ lời căn dặn của ông nội và cha mình. “Giá nào cũng phải năn nỉ thầy Tư cứu giùm thằng nhỏ, nó là đứa cháu trai đầu lòng của họ Nguyễn Quang”. Anh quỳ xuống, sụp lạy thầy Tư. Vẫn chậm rãi, thầy đặt hai ngón tay mình lên cườm tay lạnh ngắt của thằng bé, miệng lẩm bẩm như nói với thánh thần: “Tin theo mấy ông “đốc tờ” là chết!”. Anh và chị đau thắt từng đoạn ruột theo mỗi câu nói, mỗi cái chau mày của thầy Tư. Cuối cùng, thầy thở ra, vô vọng: “Thằng nhỏ tệ lắm rồi. Tui hốt biếu chú thím một thang thuốc, không lấy tiền. Thôi thì… phước chủ, may thầy!” Anh chị ôm con xuống xuồng. Thằng bé chỉ còn cái lồng ngực thoi thóp thở, đó là sự sống; cái chết đã thấm lạnh gần hết tay chân. Xuôi theo nước ròng, xuồng đi nhanh như gió, thế mà anh chị vẫn thấy chậm. Không đợi tới nhà, anh chị ghé xuồng lại nhà ông chú ruột sống ngoài tỉnh, mượn siêu sắc thuốc. Anh quạt lửa, chị ôm cứng con, cứ sợ lơi tay một chút, đứa con trai đầu lòng sẽ bỏ ba má nó mà ra đi. Cuối cùng, những muỗng thuốc nóng ấm đã được chị cẩn thận đổ từng giọt vào miệng con. Thằng bé dường như chẳng còn nuốt được, thuốc chảy ứa ra một bên má. Hai vợ chồng trẻ đặt con lên chiếc chõng tre, lo lắng và hồi hộp chờ đợi. Một giờ rồi hai giờ trôi qua, đứa bé chợt mấp máy môi, mắt lờ đờ, chơm chớp. Chị ôm anh nói trong tiếng khóc: “Nó sống rồi!”. Anh không nói nhưng mắt anh còn sáng hơn cả mắt chị. Vậy là hỏi mượn ông chú chiếc xe đạp, anh tất tả quay lại nhà thầy Tư, nài nỉ xin hốt thêm một thang thuốc nữa. Thầy Tư đón anh, mặt lạnh như tiền: “Trong đời làm thầy thuốc, tui chưa hốt cho ai hai thang trong một ngày”. Anh sụp xuống trước mặt thầy Tư, lạy như tế sao. Mãi lâu, thầy lắc đầu thở dài: “Thôi được, tui hốt cho chú một thang nữa, nhưng nhớ chỉ được sắc uống sau 12 giờ đêm!”.
Chẳng biết phép lạ nào đã làm cho đứa bé tưởng nằm trong quách lại bò trở về với cuộc sống. Cuộc sống – đúng hơn là cuộc đời – đã chờ đợi nó ở phía trước với đầy rẫy bất trắc và khổ đau kể từ ngày ấy, cho đến hơn 60 năm sau…
Đứa bé đó là tôi !
Sau cơn bệnh thập tử nhất sinh, tôi bị liệt cả hai chân.
Má tôi kể rằng, nhiều đêm sau đó, tôi chỉ chịu nằm ngủ trên ngực mẹ. Má tôi mòn mỏi, kiệt quệ vì tôi. Nằm trên ngực mẹ, tôi ngủ. Nhẹ nhàng đặt tôi xuống giường, tôi lại khóc thét lên giữa đêm khuya. Tôi hành hạ má tôi đến tận cùng của sự chịu đựng. Mọi cực khổ đều đổ lên đầu má tôi, cả đêm lẫn ngày…
Tôi quắt queo, còi cọc, hai chân nhỏ xíu, lạnh ngắt, lặt lìa như hai khối thịt bám lủng lẳng dưới cái mông teo tóp và cột sống cong vẹo một bên làm đổ xiêu cả dáng ngồi. Tôi bốn tuổi, bò lê la theo má trong khoảng sân đất trước nhà, mình mẫy lấm lem bụi đất, miệng mồm đôi khi dính cả phân gà, phân vịt… Nhà nghèo nên má tôi phải làm hùng hục cả ngày để phụ giúp bà Nội tôi làm bánh bèo, bánh chuối bán cho đám dân tản cư lấy tiền đong gạo nuôi cả gia đình. Nhà cao cửa rộng đã cháy ra tro. Cả họ Nguyễn Quang bồng bế nhau rời làng quê, xin ở nhờ trên đất người dưng, che chòi sống qua tháng ngày loạn lạc.
Ông Cố tôi là địa chủ. Đất đai trong làng ông nắm gần phân nửa và ông cho phát canh thu tô. Ngày giỗ, ngày chạp, tá điền xúm nhau về cúng bái đến chật khoảng sân rộng. Căn từ đường to đẹp nhất làng, cất bằng gỗ quý, kiêu hãnh nằm trên những chiếc cọc to như những cây cột đình. Đó là kiểu nhà của những người quyền quí ở nông thôn Nam bộ.
Một buổi tối, có nhiều người lạ mặc áo bà ba đen, gõ cửa nhà mời ông Cố tôi ra sân nói chuyện. Một bản án được tuyên, nhưng xét đến những đóng góp cho kháng chiến và chưa là thành phần bóc lột nên không phải án tử. Căn nhà tổ và lẫm lúa được dồn chặt rơm rạ rồi châm lửa đốt. Lửa cháy suốt đêm, cháy thêm hai ba ngày nữa. Lu sành, chum vại nổ ì ầm từ đầu làng đến cuối xóm vẫn còn nghe thấy…
Con người giàu có và quyền lực ấy đang nằm đây, sâu dưới ba thước đất.
Nằm cạnh mộ ông là mộ bà Cố tôi. Nếu tôi nhớ không lầm thì hình như ngày xưa, bà chưa nói với tôi một câu nào. Năm tôi lên tám, bà Cố tôi vẫn còn sống. Tóc bà bạc trắng, ngồi nhai trầu bỏm bẻm cả ngày dưới mái hiên nhà, nhìn lũ cháu nhỏ chơi đùa trong sân. Tôi không hiểu do bản tính ít nói, hay chính những cuộc bể dâu đã làm bà ra như thế. Đó là khoảng thời gian lắng xuống của chiến tranh. Cả gia đình ông bà và cha mẹ tôi về dựng lại nhà trên nền đất cũ còn nham nhở chai miểng và tro than. Ông Cố tôi tóc bạc trắng, bới ra sau ót thành một búi nhỏ như củ tỏi, đầu quấn chiếc khăn đỏ cột ra trước trán. Ông chống gậy đi thơ thẩn trong khoảng sân rộng trồng nhiều hoa kiểng, mắt nhìn thăm thẳm về một cõi trời nào. Tụi trẻ con không biết ông vui hay buồn, chỉ mong cứ mỗi buổi sáng, ông xách chiếc giỏ tre ra con đập gần nhà, lội xuống giở lợp để bắt cá tôm… Ông thích thú nhìn đám cháu chắt của mình, cười rung cả chòm râu trắng mỗi khi cái lợp được đổ ra giữa con đường đất, cá tôm nhảy tanh tách và cua còng bò lểnh nghểnh. Ông thương tôi, thương thằng cháu đích tôn mà ngày xưa cả nhà đã tốn nhiều tiền bạc, nhưng vẫn không cứu nó thoát được cái số kiếp tật nguyền. Gần sang tuổi 90, ông lẩm cẩm, chậm chạp, lúc nhớ, lúc quên, vậy mà chưa bao giờ ông quên tôi, thằng cháu trai tội nghiệp. Ông chống gậy lần đi từng bước, lâu lâu lại rủ cháu: “Bò thi với ông nè!”. Và tôi hồn nhiên bò, bò bay cả bụi theo sau chân ông, để rồi tới trước thềm gian từ đường, tôi sợ hãi sựng lại! Căn nhà dù được dựng lên trong sự sa sút của dòng tộc, nhưng vẫn đứng cao nghều nghệu sau khoảng sân rộng đầy cây kiểng quí giá. Nhà đóng cửa im ỉm quanh năm. Cửa chỉ mở vào ba bữa Tết và mấy ngày cúng Kỳ Yên bởi ông Cố tôi thờ sắc phong Thần hoàng đình làng. Tôi sợ không dám vào nhà vì bên trong cái không gian tối tăm và lạnh lẽo ấy là vô số màn trướng, gươm đao, cờ lọng… Và phía sau tấm vách của gian thờ, là hai chiếc quan tài đỏ lòm, mua dành sẵn cho ông bà Cố, nằm chình ình như nhe răng dọa nạt đám con nít yếu bóng vía như tôi… Tôi không dám vào nhà nên ông Cố phải chống gậy lọc cọc đi dọc theo mé hiên, mang bánh tây, đường thẻ… ra cho cháu ăn. Có bao giờ ông nghĩ, đời cháu ông sẽ còn nhiều đắng cay, chua chát… nên ông muốn cho nó được hưởng chút ngọt ngào?
Làm sao tôi hỏi được người nằm dưới mộ đã nghĩ gì?
Trời xanh hơn và cao hơn khi tháng Chạp về.
Lúc những ngọn gió bấc đã dịu đi cái lạnh se sắt; lá gòn, lá cây bảy thưa bay lả tả trong những làn gió ấm và những tia nắng bỗng rực rỡ hơn trên những cây mai vừa trẩy lá, đó là lúc mùa xuân sắp về. Ông Nội tôi dành cả tháng Chạp để chuẩn bị ăn Tết. Bà Nội giận dỗi trách móc: “Già rồi mà còn như con nít!”. Mặc cho bà nói, ông vẫn cả ngày chăm chút sơn sửa lại bàn thờ, thay những dây hoa giấy trên trần nhà, chuẩn bị cái đèn “măng-sông” và hàng trăm chiếc đèn bánh ú, cắt tỉa lại cái hàng rào trồng toàn cây đinh lăng…Đó cũng là lúc tôi thích thú ngồi với ông trên chiếc đệm bàng trải trước sân với một đống lư đồng đen xỉn màu ten gỉ. Phải mất mấy ngày mới chùi bóng được hết số lư ấy, nhưng ông vô cùng hạnh phúc khi nghiêng đầu chiêm ngưỡng cái màu đồng sáng óng ánh dưới nắng mặt trời. Lòng tôi cũng sóng sánh niềm vui, nôn nao chờ đón mùa xuân đang đến mỗi lúc một gần theo những tiếng pháo nổ lác đác trong thôn xóm.
Tôi vẫn thế, hai chân nhỏ xíu, ngồi một chỗ hay bò lê la dọc bến sông, lặng lẽ nhìn thiên hạ bơi xuồng xuôi ngược trên con sông chảy qua trước nhà. Ai cũng vội vã, tất bật hơn theo từng nhịp dầm chèo và chừng như rộn rã hơn trong những tiếng nói cười. Khi chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết, ông bà Nội và một người chú chèo chiếc ghe tam bản về chợ Sa Đéc để mua sắm. Tôi cứ ngồi miết trên bến sông ấy, đợi lúc ghe về, để được nhìn thấy một ghe chất đầy hoa vạn thọ, mồng gà…Bên dưới những chậu hoa màu sắc rực rỡ ấy là manh chiếu mới phủ lên trên những cái thúng đựng đầy thèo lèo, bánh mứt, nhang đèn, hoa giấy, hàng trăm quả dưa hấu lớn nhỏ và không thể thiếu những phong pháo đỏ…
Tôi mong đến sáng mùng một biết chừng nào, bởi khi ấy đám trẻ con được nhận tiền lì xì, và tôi là đứa nhận được nhiều tiền nhất. Mờ sáng mùng một, trong cái yên ắng của làng quê, tưởng có thể nghe được tiếng chó sủa, tiếng gà gáy ở cuối thôn, thì u…u ở thật xa, là tiếng chiếc ca nô của ông Năm – người em ruột của ông Nội – nghe lớn dần, lớn dần…Đám trẻ con xúm nhau đứng dọc mé sông, reo hò: “Ông Năm về!”. Cũng chẳng phải chờ lâu, từ ngã tư sông gần nhà, chiếc ca nô nghiêng mình lịch lãm, tung hai làn nước trắng xóa ra hai bên, hiên ngang nghếch đầu lao về phía bến sông nhà ông Cố tôi. Ông Năm tay chống gậy ngắn kiểu Tây, mặc veston trắng, đầu đội nón nỉ, chầm chậm bước lên bờ. Theo sau ông là bà Năm, mảnh mai, khép nép trong chiếc áo dài thêu sang trọng, nụ cười và ánh mắt ra vẻ đôn hậu, hiền từ nhưng ẩn chứa bên trong là quyền lực và sự kiêu hãnh của con gái nhà quyền quí. Lũ trẻ con reo hò, chẳng biết mừng ông bà về hay mừng vì sắp có tiền lì xì. Rồi những phong pháo được kết lại, giương cao trên hai cây trúc xanh còn lá. Tiếng pháo nổ kéo cả đám con nít xóm chợ đổ xuống, bịt tai, lè lưỡi đứng nhìn. Pháo tiểu, pháo đại thi nhau nổ giòn giã đến hằng giờ. Khói pháo bay mù mịt một khúc sông, khét lẹt… nhưng có những đứa trẻ lại cứ muốn hít căng đầy phổi cái thứ khói ấy cho…đã thèm! Và trong không khí tưng bừng đó, lễ cúng gia tiên bắt đầu với tiếng chuông ngân nga và khói hương bay nghi ngút trên bàn thờ dòng họ. Cuối cùng là điều mà những đứa trẻ mong đợi nhất: lì xì! Ông Năm ngồi giữa nhà, phát những tờ tiền mới tinh còn thơm mùi giấy cho từng đứa trẻ, kể cả những đứa không phải là cháu của ông. Đến khi không còn thấy đứa nào chờ đợi, ông nhìn quanh quất rồi hỏi: “Bé Ba đâu không thấy?”. Tôi vẫn ngồi thui thủi một mình ngoài bờ sông, mắt đỏ hoe. Ông Năm chưa bao giờ quên tôi, không bao giờ, kể cả những việc nhỏ nhặt sau nầy. Sự độc đoán và những sai lầm trong quá khứ khiến ông phải trả giá. Với riêng tôi, ông là một con người khác, cho dù có thể trong dòng họ Nguyễn Quang, còn nhiều người căm ghét ông, có người còn nguyền rủa ngay cả khi ông đã nằm sâu dưới ba thước đất…
Hai ngôi mộ còn lại trong khu mộ táng nầy là của ông và bà Năm, những người mà sau nầy tôi vẫn phải mang nặng nghĩa ơn.
Ba tôi mất năm tôi 14 tuổi.
Má tôi dắt sáu đứa con và cái bụng mang thai từ miền Trung trở về quê Nội. Căn nhà thờ của dòng họ bị bỏ trống nhiều năm không người coi sóc. Ông Nội tôi cho dọn dẹp lại nhà để mấy mẹ con có chỗ nương thân. Mấy năm trước đó, ông bà Cố tôi cũng đã mất, sắc Thần được thỉnh đi thờ ở nơi khác; nhà trống trơn chẳng còn thứ gì ngoài mấy bộ ngựa gõ. Nhiều người qua đây nghe lạnh gáy vì sợ ma. Họ kháo nhau: “Chạng vạng tối thấy có bóng người đội nón lá sùm sụp từ sau vườn đi vô nhà”. Sợ, nhưng mẹ con tôi vẫn phải ở vì chẳng còn nơi nào khác để nương thân. Giữa đêm khuya thanh vắng, những tiếng động lớn vang lên như có người nào đó đấm mạnh tay vào vách ván bên hông nhà. Mấy mẹ con sợ hãi túm tụm vào nhau, lấm lét chờ đợi cái bóng đen cao lớn, đội nón lá sùm sụp hé cửa bước vào… Nhưng không có gì cả! Những tiếng động lạ lùng ấy chẳng biết từ đâu ra, cứ đều đặn vang lên từ chập tối đến nửa đêm, và mất hẳn từ đó cho tới sáng. Lâu dần rồi quen, rồi bớt sợ. Một hôm, tôi và má bạo gan ngồi ngoài vách nhà rình xem cái gì gây ra những tiếng động lạ lùng ấy. Vẫn “ầm” như ai đấm tay, như ai ném đá nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy gì cả. Đứng sát bên vách, nghe vẫn thế. Mẹ con cùng thở ra nhẹ nhõm: “Thì ra cây ván nó… trở mình!”
Chiến tranh mỗi ngày một khốc liệt.
Bên kia sông, đối diện nhà tôi là đồn Dân vệ, ban ngày nằm hiền lành trong hàng chục lớp dây thép gai chằng chịt. Thế nhưng đêm đến, nó lại hung hãn và tàn bạo, sẵn sàng nhả từng tràng đạn chết chóc sang những căn nhà bên nầy sông. Giấc ngủ của mẹ con tôi thường bị cắt đứt bởi những lần tung mền mùng chạy trối chết xuống hầm tránh đạn. Má tôi loay hoay lôi từng đứa con còn ngáy ngủ, để đến khi tiếng súng đã im bặt, vẫn chưa kéo hết bảy đứa con xuống hầm.
Ba tôi mất, sợi dây gắn bó với họ hàng bên nội càng thêm lỏng lẻo. Tám con người với bảy cái miệng đang tuổi ăn học chỉ trông cậy vào đôi tay tần tảo của má tôi. Hồi ấy, má tôi nuôi con bằng nước mắt. Nỗi cơ cực vì cơm áo thì đã đành, đàng nầy lại thêm ít nhiều sự ghẻ lạnh bên họ nội. Tôi theo học 7 năm Trung học ở ngoài tỉnh, mỗi tuần chỉ về nhà một lần, xin ít tiền mua thức ăn và xài vặt. Ba chị em chúng tôi ở trọ nhà ông bà Năm, là cái trại mộc lớn nằm trong xóm đạo Hoà Khánh… Lần đầu ghé nhà ông, tôi thấy bên cạnh ảnh Chúa là lư hương và tượng Phật Bà với khói hương nghi ngút. Thắc mắc hỏi, ông nói: “Phật với Chúa ngồi chung cũng tốt chớ sao!”. Ông Năm nói rồi cười lửng lơ, như để khỏi phải giải thích thêm về cái chuyện con nhà Phật lại sống trên đất của Chúa. Ông vẫn giàu, mặc cho chiến tranh đã liếm ngọn lửa chết chóc vào tận thành phố; mặc cho nhiều đêm, đám học trò trọ học phải chui trốn dưới gầm bàn để tránh những trái đạn pháo từ một vùng quê nào đó rót về tỉnh lỵ. Trại mộc của ông Năm dành một khoảng đất rộng để cất nhà cho đám thợ làm thuê và những đứa cháu trọ học. Năm tôi lên lớp 12, những phần gỗ vụn bỏ ra từ gia công đồ mộc đã chất cao đến nóc nhà. Chúng tôi nấu cơm với củi là những mảnh gỗ thao lao, cẩm lai… Chúng tôi ăn cơm bằng gạo hạt đỏ của bà Năm đong cho mỗi tháng và nhiều lần ăn cơm với thức ăn dư dả từ nhà trên mang xuống. Cứ thế, chữ nghĩa cũng được tích góp dần từ những cái dư thừa ban phát của ông bà. Bà Năm vẫn đẹp và sắc sảo ở tuổi 45. Đêm nằm học bài, tôi vẫn nghe tiếng bà tụng kinh nho nhỏ trong phòng riêng, một điều mà tôi không thể nào hiểu được lúc ấy. Ban ngày, ông Năm ngồi xe gắn máy chạy quanh chợ tỉnh, nhàn hạ và thảnh thơi. Bà Năm vẫn nắm trong tay cái sản nghiệp đồ sộ và tất bật trong chuyện mua bán. Thế nhưng trong cái ồn ã của nhịp sống, thỉnh thoảng tôi thấy bà đứng một mình bên cửa sổ, nhìn ra mặt sông lao xao sóng, mắt đăm đắm trong nỗi ăn năn, dằn vặt… Tôi thường ngồi bên bờ sông ấy mỗi đêm, nghe gió lạnh thổi thốc lên từ mặt sông và lòng cứ tự hỏi: “Nơi nào trong trại mộc nầy, là nơi mà ngày xưa ba má tôi đã sắc thang thuốc định mệnh, để kéo tôi từ âm ti về với cuộc đời?”
Dòng họ bên Nội tôi tan tác và tàn lụn dần.
Ba tôi và một người chú đã mất đi sau cuộc chiến. Cơn lũ hãi hùng năm 1978 khiến nhà tôi phải ăn cháo nhiều ngày thay cơm. Cũng thời gian đó, ông bà Năm đã trắng tay trong những biến động thời cuộc. Ông buồn bã chống gậy đi lang thang trên những con đường ngoại ô tỉnh lỵ, lửng lơ như kẻ mất hồn…
Mùa xuân năm sau, vì cuộc sống khó khăn nên tôi phải liên tục dọn nhà, để rồi cuối cùng quay lại đúng cái nơi mà tôi đã sống thời thơ ấu. Căn nhà thờ của dòng họ Nguyễn Quang lúc ấy đã trống trơn, nghiêng hẳn một bên, chực đổ sập. Những thân cột tròn đã mục ruỗng vì mối mọt và mưa nắng. Hai bên vách long đinh rớt ra từng mảng ván khiến căn nhà trống huơ, trống hoác… Và từ cái nơi mà ngày xưa ông Năm ngồi xoa đầu những đứa trẻ khi nhận tiền lì xì đầu năm, tôi có thể nhìn thấy ngôi mộ của ông, nằm một mình đơn độc và lạnh lẽo giữa khu vườn xơ xác, ngay trên nền cái lẫm lúa của dòng họ Nguyễn Quang ngày xưa. Phía bên kia khu vườn, không xa lắm, là mộ của ông bà Nội tôi. Còn mộ ba tôi lại nằm giữa cánh đồng, mỗi năm con cháu chỉ đến một lần vào những ngày giáp Tết để quét dọn. Nhiều năm rồi, tôi không có dịp về ngồi bên mô đất vun cao nằm chơ vơ giữa ruộng, bên dưới là xương cốt của người đã sinh ra tôi. Má tôi đã già yếu, lần từng bước chậm chạp, quanh quẩn trong nhà đứa em Út. Thỉnh thoảng bà cố lê những bước nhọc nhằn xuống thăm thằng con trai tật nguyền ở cách đó không xa, mang theo cái gì đó… ăn được, cứ như tôi còn trẻ con, cứ như tôi tóc vẫn chưa bạc! Phải, với má, tôi chưa bao giờ khôn lớn. Và tôi biết, chẳng bao giờ tôi khôn lớn, bởi vì nếu đã lớn khôn, ai lại thấy cay cay trong mắt mỗi khi má lần từng bước ra về?
Tháng Chạp về để tôi có dịp ngồi hàng giờ bên những ngôi mộ ông bà. Mỗi mùa xuân đi qua là mỗi lần tôi nghe rõ hơn những lời thì thầm từ lòng đất, như réo gọi, như trách hờn…Đến một lúc, có lẽ không xa lắm, tôi cũng sẽ nằm ở một nơi nào đó trên phần đất còn lại của ông bà.
Hoa vẫn nở và mặt trời vẫn lên, tỏa ánh nắng mai rực rỡ trong những sáng tháng Chạp yên bình. Đám con cháu của dòng họ bây giờ đã đông đảo lắm…Chúng bay nhảy hay lăn lóc, chúng vui buồn hay sướng khổ ở những phương trời nào, để cuối năm, người nhặt từng chiếc lá khô trên những nấm mồ của ông bà lại là thằng cháu tật nguyền…
Đêm giao thừa, trong cái tĩnh lặng thiêng liêng của trời đất, tôi vẫn lăn xe quanh quẩn bên mộ phần của ông bà, đốt những nén nhang để sương đêm bớt lạnh, để nghe vọng lên từ lòng đất những lời thì thầm từ cõi trăm năm.
Mùa xuân vĩnh cửu của đời người có lẽ nằm ở đây, sâu thẳm trong lòng đất…
Đồng Tháp tháng 12/2010
Biên tập: Vương Chi Lan