Nụ cười trong giấc mơ tôi – Nguyễn Lệ Ba

Chị sinh sau tôi hai năm. Đó là người chị họ tật nguyền mà nụ cười vẫn thỉnh thoảng quay về ám ảnh tôi trong cả những giấc mơ: Nụ cười với cái miệng méo xệch hồn nhiên nở trên khuôn mặt trắng xanh và ánh mắt trong vắt như trẻ thơ. Định mệnh nào đã phủ bóng đen xuống đời tôi và chị vào những năm khốn khó ấy, để hai đứa trẻ ở cái tuổi lên 4, lên 5 mãi mãi không còn được đứng lên được trên đôi chân của chính mình?

Tôi biết chị năm lên mười tuổi. Những chuyến theo Má về chơi quê ngoại, tôi đã ngồi yên một chỗ nhìn chị cố gắng lần từng bước chậm chạp theo vách lá để tập đi. Chị bước với những bước chân khó khăn, xiêu vẹo nhưng vẫn nở nụ cười bằng cái miệng méo dễ thương. “Sao Bé Ba hổng chịu tập đi như chị?”. Muốn lắm chứ nhưng làm sao tôi có thể đứng lên được trên đôi chân mềm nhũn, tóp teo và lạnh ngắt? Chị quay vào nhà nói vọng với cậu mợ, nhắc đem ra cho đứa em trai tật nguyền chén cơm nếp trộn dừa. Nhà cậu mợ tôi nấu rượu. Cái món ăn quen thuộc ấy lúc nào cũng sẵn có. Chỉ cần xới ra từ chiếc chảo to đang đặt trên miệng lò còn ủ than hồng là đã có một tô cơm nếp nóng dẻo, rồi thêm ít dừa nạo, chút đường thốt nốt là đã thành một món ăn ngon lành. Trong mùi khói trấu chụm lò, mùi rượu nếp mới thoang thoảng, trong không gian yên ắng và thanh bình quê ngoại, tôi và chị ngồi cùng ăn món cơm nếp ngọt thơm ấy, im lặng mà ăn, chẳng biết nói câu nào với nhau.

 

Nhà văn Nguyễn Lệ Ba
Nhà văn Nguyễn Lệ Ba

Chị may mắn hơn tôi, vẫn còn một chân khỏe để lần bước đi quanh nhà. Tôi ngồi một chỗ, đi đâu phải nhờ người thân bồng bế, ai đặt đâu thì cứ ngồi suốt nơi đó. Mỗi lần về thăm quê ngoại, về thăm cái “xứ cà na” nghèo khó ấy, tôi không bao giờ quên ghé thăm chị. Ánh mắt ngây thơ của chị nhìn người đối diện như cầu cứu, như thiết tha mời gọi. Ánh mắt ấy đã ám ảnh tôi mãi, dù dần về sau, những dịp về chơi với cậu mợ cứ thưa dần…
Năm tôi học Trung học và ra tỉnh ở trọ, mỗi tuần chỉ về quê được một lần. Cậu mợ tôi dời nhà, chị về nơi ở mới. Sáng chủ nhật từ tỉnh về quê, thỉnh thoảng tôi vẫn theo chị gái đi men theo con đường đất nhỏ quanh co bên bờ rạch rậm rạp cây trái để đến thăm chị. Tóc chị dài, đen mượt, đôi má ửng hồng và nụ cười vẫn méo xệch dễ thương. Chị đón chúng tôi trong ánh mắt rạng rỡ niềm vui, tôi biết thế, bởi trong căn nhà quạnh quẽ của cậu mợ nằm khuất sâu cuối một xóm nghèo, chị vẫn loay hoay một mình trong cô đơn, buồn tủi; trong sự giày vò của bệnh tật và những khao khát của người con gái tuổi dậy thì. Hai chị em ngồi bên nhau, im lặng, chẳng biết nói câu nào để an ủi, động viên nhau vượt qua cảnh đời nghiệt ngã. Ngày đó tôi sợ nhất là phải nghe câu nói của chị trước lúc lên xe ra về. Câu nói đơn giản, bao lần như một: “Bé Ba nhớ ghé thăm chị nghe!”. Tôi gật đầu nhưng… cứ càng về sau, tôi càng không thể làm theo ước muốn nhỏ nhoi ấy của chị, cũng là của tôi. Chuyện học hành, bè bạn và những thứ vặt vãnh khác trong cuộc sống đã khiến tôi nhiều lúc quên rằng tôi còn có người bà con cô cậu đang chờ tôi ghé thăm vào mỗi sáng chủ nhật. Thậm chí có lúc tôi cũng quên hẳn là tôi chưa bao giờ được đứng lên, lần theo vách lá, đi và chờ… như chị! Ý nghĩ đó không ít lần làm tôi đau nhưng rồi cũng vụt nhanh qua đầu trong sự vô tâm quá đỗi. Đời đã cuốn tôi đi theo dòng chảy, nhưng tôi biết chị vẫn là người ngồi lại trong căn nhà quạnh hiu đó. Chị vẫn ngồi bên vệ cỏ ven đường nhìn dòng người tất bật ngược xuôi và chờ có ai đó ghé xuống nói đôi lời thăm hỏi, hay đơn giản, cùng ngồi lặng im với chị để nghe tiếng bìm bịp kêu chiều ngoài vườn vắng…

 

_Nu cuo trong giac mo toi i3-Nguyễn Lệ Ba
Nhiều lần tôi quên khuấy là tôi có một người chị họ, một thiếu nữ tật nguyền đang sống ở quê xa chờ đợi những chuyến ghé thăm. Lại cũng nhiều lần tôi nghĩ tới chị với chuyện vật vã trong những ngày con gái, tôi nghĩ đến những đêm thức trắng trong khao khát, tôi nhớ chị mỗi khi trong tôi lao xao trỗi dậy những ước muốn thầm kín bình thường của một con người. Phải, tôi và chị cũng là hai con người, bình thường đến… đắng cay, tội nghiệp! Người thân vẫn chăm sóc chị hàng ngày, nhưng tôi tin chắc là chị cần thêm những tình cảm khác, những thứ mà đến ngày cuối cuộc đời chị, vẫn là những khao khát chưa một lần được nếm trải.
Ngày tôi lấy vợ, tôi lại nghĩ về chị. Dẫu gì trong mất mát của đời người, tôi vẫn còn có được sự bù đắp. Tôi nhớ những lần ốm đau nằm lăn lộn vật vã trong cơn sốt, ly nước mát chỉ cách hơn một tầm tay, vậy mà tôi phải ứa nước mắt nuốt vào lòng cơn khát khô cháy bỏng cổ họng. Đã bao lần trong đời, chị và tôi từng phải một mình chiến đấu với chính mình trước khi chiến đấu với số phận, nghịch cảnh? Đời bỏ quên tôi? Chẳng sao! Tôi giận mình sao lại bỏ quên chị! Bao nhiêu năm rồi tôi không nhớ nổi, để đến một hôm vợ tôi ghé thăm cậu mợ, tôi lặng người khi nghe kể về cuộc sống của chị. Có thể gọi đó là cuộc sống hay sao? Chị bây giờ như cái xác khô, nằm co người trong căn phòng nhỏ tối tăm, không còn biết gì nữa…. Chị đã là thực vật, đã như cỏ cây, gỗ đá… Và chị chỉ còn chờ lúc trái tim thôi không còn thổn thức đập trong lòng ngực, vậy là… xong một kiếp người!. Mấy mươi năm có mặt trên đời đã là quá đủ cho tôi và chị. Trước sau gì rồi chúng tôi cũng sẽ gặp nhau ở một thế giới khác. Thế giới đó có thể cũng có cơm nếp trộn dừa, có cà na trôi bập bềnh trên bến sông quê, có tiếng chim bìm bịp kêu chiều, có những lúc ngồi lặng im bên nhau không nói lời nào, nhưng… sẽ không có những mất mát, niềm đau và nỗi buồn.
Cứ như vậy, nghe chị! Như thể thế gian này chưa từng có mặt chị em mình, chưa từng có những nỗi đau, chưa từng có những phận người bị quên lãng. Cứ như vậy để mùa lũ quê mình nước vẫn tràn về trắng đồng, tiếng chim bìm bịp vẫn treo lơ lửng trên ngọn bằng lăng bên bờ rạch và ánh mắt chị vẫn đau đáu ngó mong ngoài ngõ vắng… Cứ như những mùa xuân đã chưa từng đi qua đời mình, cứ như tóc chị vẫn suôn dài, mắt long lanh khát vọng và đôi má vẫn ửng hồng thời thiếu nữ, để tôi mỗi lần có dịp đi qua nơi chị ở, dù không thể ghé thăm nhưng lòng vẫn trăn trở những hối tiếc ngọt ngào khi nghĩ về chị với nụ cười bao năm ám ảnh giấc mơ tôi.
Biên tập: Vương Chi Lan

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.
.
.