Con corona có qua được Thượng Đế không? – VƯƠNG THIÊN NGA

Có khi đành mang tội bất hiếu ở hình thức, nhưng trong lòng Út luôn thương và lo lắng cho má. Bởi vì, má chính là động lực vươn lên để Út không bị ngả quỵ trước mọi khó khăn.

 

Ảnh chụp thực tập bài đi chùa – Vương Thiên Nga,

 

Sự kéo dài của dịch bệnh gần 4 tháng qua, khiến cho Công ty TTH của Út sống dở, chết dở. Út lo kinh tế để cầm cự sự tồn tại của công ty đã mệt nhoài, còn phải lo sức khỏe cho mọi người và gia đình, nhắc nhở thường xuyên rửa tay, súc miệng và đeo khẩu trang để phòng bệnh… không để bất cứ ai chung quanh bị nhiễm dịch bệnh.

Bà Minh là má của Út, nay bà đã 83 tuổi, nhưng rất khỏe mạnh và minh mẫn. Bà thường đi chùa một tháng ít nhất là 2 ngày, rằm và mồng một hằng tháng, thông thường các ngày 1, 8, 15, 23, bà có mặt ở chùa.

Út đang trong phòng sửa soạn đi làm thì bà Minh ở phòng khách nói:

– Con gọi xe Goviet cho má đi lên chùa.

Út ngạc nhiên:

– Ủa! Hôm nay má đi cúng hả?

– Hôm nay mồng một tháng Ba là ngày Đàn lệ, con không nhớ sao?

– Con biết. Nhưng đang mùa dịch má ạ!

Út giải thích với má:

– Ngày nào cũng xem ti vi kênh VTV1, lướt Facebook thấy mọi người đang hạn chế ra đường, không cần thiết thì không ra đường trong lúc này má dư sức biết mà.

Hình như không xong rồi, bà Minh có vẻ khó chịu. Nhưng Út không thể chiều theo ý bà như mỗi ngày, muốn cái gì cũng được. Ở tuổi Bát tuần, bà hay hờn giận và thường xuyên nổi nóng, chuyện đâu đẩu đầu đâu, xưa sửa sừa xưa cứ như sự việc ấy đang diễn ra vậy.

Cứ mỗi lần không hài lòng là bà xuất chiêu ấy ra, Út đành chấp nhận mọi điều kiện. Nhưng lần này, quyết không đầu hàng vì sức khỏe của má và của cả chung cư Út nói:

– Con nhất định không gọi xe cho má đâu! Chùa chiền, thánh thất hay nhà thờ… cũng vậy, lệnh nhà nước cấm tập trung cúng kiếng, tạm thời đóng cửa, thậm chí quá 20 người là bị nhắc nhở hoặc phạt tiền ạ! Hôm nay má ở nhà đi. Bao giờ hết dịch, con sẽ chở má đi chùa. Còn giờ, má tạm thời gác lại mọi thứ, ở nhà thắp hương, cúng là được rồi.

Thấy bà im lặng lắng nghe Út tiếp lời:

– Chỉ cần trong tâm má có Đấng Chí Tôn, Phật Mẫu thì ở đâu cũng được cảm ứng ạ.

Út nói thì kệ, bà Minh vẫn ung dung mở tủ lấy chiếc áo khoác, tay xách giỏ đi ra cửa. Út cố gắng thuyết phục thêm:

– Má không cần phải đến chùa trong lúc này đâu, ở nhà cúng cũng được, Thầy – Mẹ vẫn chứng mà. Má xem ti vi nhà nước đang kêu gọi: “ai ở đâu thì ở yên đó, nếu không có việc cần thiết thì không nên ra ngoài trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp” đó sao? Giờ má đâu có việc gì, hay trách nhiệm gì cần thiết buộc phải lên chùa, ngoài việc đi cúng như mọi người ạ!

Bà Minh vẫn không nói gì, cứ loay hoay kiểm tra đồ trong tay xách của bà, mặc kệ con gái muốn nói gì thì nói.

– Cúng ở chùa hay ở nhà thành tâm thì con thấy không có gì khác nhau cả.

Bà Minh vẫn lăm lăm đi ra cửa, đột ngột bà quay lại. Út tưởng bà đổi ý dịu giọng hơn:

– Thôi! Má ở nhà đi! Con có đi làm cũng yên tâm hơn.

Út giật mình đã làm bà nổi giận… bà Minh cho con gái một trận té tát…

– Mi muốn chi? Mi cản chở tao đi hả? Mi không gọi xe thì tao nhờ bảo vệ nó gọi. Tao không cần đến mi. Mi đi đi cho tao đóng cửa. Tao đi chùa chứ không phải đi chơi như mi. Mi rảnh quá! Mi ăn rồi đi lựa áo quần, bê về để đầy nhà, đầy tủ. Mi có mặc hết không mà mua? Mi mua cho cố về không mặc lại vác đi cho thiên hạ…

Út nín thinh, biết má đang bộ cũ soạn lại nên không dám nói thêm gì, chỉ cần cải lại là bị chửi còn nhiều hơn.

 

Ảnh nguôn internet.

 

Thấy con gái im lặng, sẵn đà bà làm luôn một hơi để con gái không dám cản bà đi chùa nữa:

– Mi mới đi làm chuyện tào lao phí tiền, chứ tao đi chùa mà mi cản tao hả? Mi chết mi bi chừ, chớ mi đừng có “trậm trầy trậm trật” !!! Mi dạy đời ai? Mi lo mi đi! Con corona có qua được Thượng Đế không? Mi không cho tao đi mi chết chừ!

Út sảng hồn mất vía chịu thua, không dám ho he thêm lời nào nữa.

– Dạ! Dạ! Thôi má đi đi ạ! Má nhớ đeo khẩu trang cẩn thận vào ạ.

Bà nhìn con gái đôi mắt hờn trách.

– Tao dư sức biết. Ngày nào tao cũng xem tin tức, mi khỏi lo.

Nói rồi bà nhanh nhẹn bấm thang máy xuống tầng G.

Biên tập: VƯƠNG THIÊN NGA

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.
.
.