Tháng Ba với Ký ức chao nghiêng – VƯƠNG THIÊN NGA

Ký ức chao nghiêng nằm cạnh với những tác phẩm sách hay. Đây là tuyển tập được lồng xen kẽ thơ với một số bài tản văn của tác giả Huỳnh Dũng Nhân.

Ký ức chao nghiêng, làm tôi xao động, khi người đàn ông làm thơ thả rơi chiều xuống đất, chạy trốn những hào quang đó là sự thật. Tác giả trải lòng mình qua tác phẩm, chia sẻ những nỗi đau tha nhân, thương cảm số phận đang lần mò điểm tựa, nhưng tiếc thay điểm tựa có bao giờ là chắc chắn đâu… Có phải anh cho người đọc cảm giác tâm hồn chao nghiêng, tình người chao nghiêng và đời sống thực chao nghiêng.

 

Tác phẩm Ký ức chao nghiêng – Tác giả Huỳnh Dũng Nhân.

Anh có một tháng Ba, hình như là tháng Ba định mệnh. Nó gắn với ký ức của anh về ấu thơ, về mẹ, về em yêu và Hà Nội… Trong bài Tháng Ba sương mù, anh thốt lên rằng: “Tháng Ba của anh Hà Nội ơi”. Tháng Ba có quá nhiều sự kiện trong đời của anh, bài thơ 28 câu thì có tới 14 câu nhắc đi nhắc lại về tháng Ba. Tại sao tác giả nhắc nhiều về tháng Ba đến vậy? “Mẹ tôi đón tháng ba lần thứ 85”, “Ứa lòng tôi một câu chữ tháng Ba”, “Cố níu giữ tháng Ba mà chao ôi vô vọng”…

 

“Tháng ba của anh Hà Nội ơi” – Trong bài Tháng ba sương mù.

Có những bài thơ là ký sự và bài tản mạn lại như thơ. Chiều mưa, Tác giả băn khoăn cô ca sĩ đi nhờ xe trong chiều mưa, băn khoăn khi cô chưa ăn gì, bịch bánh mì treo trên vali anh sợ ướt. Phải chăng đây là cảm xúc thật? Lời lẻ có tình, có ý như thơ, đây là bài tản mạn đẹp, nếu như cứ xuống hàng, chia khổ thì có khác gì thơ tự do. Dạt dào cảm xúc, ấm áp tình người và đặc biệt chất nhân văn lung linh trên câu chữ.
Ký sự bằng thơ từ xứ anh đào. Anh đến xứ sở mặt trời, yêu nét đẹp huyền thoại một loài hoa, cảm mến ứng xử nhân văn người Nhật, thể hiện qua cái cúi đầu cảm ơn, cúi đầu xin lỗi. Trong nhu có cương đều rất đẹp, anh ngợi ca một đất nước lấy lý tưởng nước mạnh dân giàu. “Mọi sức mạnh có từ nỗi thương đau / hạnh phúc phải là những gì có thật”.

 

Nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân – “Ký ức chao nghiêng” lên sóng Thi Ca Điểm Hẹn cùng với Nam Hiệp.

Kí ức chao nghiêng, một tác phẩm tan vào lòng sự ấm áp tình người. Huỳnh Dũng Nhân viết thơ ký sự không những hay, mà là quá hay. Bài thơ ký sự Tặng những người suốt đời mua vé ngồi, cứ ngỡ như bài ký sự sống động. Bút pháp miêu tả ray rứt lòng người đọc, nghẹn ngào bối cảnh thăm lại những người bạn thương binh. Chắc tác giả nặng lòng với Sthương binh khi viết bài thơ về họ. Nỗi đau gắn liền với số phận của họ và ước mơ của họ có bao giờ là hiện thực, điều giản dị giữa đời thường mà nhiều người ai cũng có. “Tôi nhớ những bữa ăn không có ghế quanh bàn / Vì mâm lính sẽ gồm toàn xe lăn ba bánh / Tôi nhớ cái giường đầy bông băng, những bức tường rất lạnh / Anh bảo thèm tiếng “Anh ơi” và thèm tiếng “Con ơi””. Ký ức của anh với câu thơ ký sự mộc mạc lặng người. Bài thơ dài bốn trang, chữ nào cũng chảy vào tâm can. Chiến tranh qua đi, mọi thứ đều lắng xuống chìm vào ký ức… duy những người thương binh tất cả còn ở lại, và mỗi ngày họ vẫn phải tiếp tục chiến đấu, chiến đấu khốc liệt ngay trong thời bình, chiến đấu thầm lặng. Anh đã nêu lên cái “dũng” của mỗi thương binh hằng ngày chiến thắng bản thân không dễ dàng khi họ hát vang “Đời mình là một khúc quân hành”. “Mùi thịt nướng bay vờn quanh những chiếc xe lăn / Những chiếc đũa rơi không ai cúi nhặt”, Bên bếp lửa thương binh.

 

Ký ức chao nghiêng trên trên kệ sách công ty in ấn Trái Tim Hồng.

 

Nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân – “Ký ức chao nghiêng” trao tặng cô Tiến sĩ Triệu Thanh Lê (Trưởng khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM).

 

Bút pháp như dao. Bút pháp trí dũng. Ký ức chao nghiêng, những nút thắt, mở nghiến vào lòng rưng rưng người đọc “Hỏi tay cụt vì đâu, bảo vì tay chưa mọc”. Anh có biệt tài khắc họa những chi tiết độc đáo và sâu sắc như vậy khiến cho người đọc chao nghiêng với tập thơ Ký ức chao nghiêng…

Biên tập: VƯƠNG THIÊN NGA

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.
.
.