Hoa xuyến chi – Nguyễn Ngọc Chiến

Năm ấy, bà ngoại của cái Giang đã rất già. Lưng bà đã còng, như không thể còng hơn được nữa. Tóc bà đã bạc, như không thể bạc hơn được nữa. Ấy vậy mà bà vẫn suốt ngày lom khom, lụi cụi, làm đủ việc từ sớm đến trưa. Bà quét nhà sạch đến không còn một cọng rác. Có cảm tưởng như lúc nào bà cũng chăm chăm cây chổi trong tay, để hở ra là bà lại quét. Rồi bà thái rau, nấu cám, cho lợn ăn. Bà lại còn un un, xới xới ngoài vườn nữa chứ! Cái Giang có nói, thì bà bảo, bà tuy đã già thật, nhưng bà còn ăn được, mà ăn được, thì bà còn làm việc được. Với lại, cái tính hay lam hay làm của bà nó quen từ tấm bé rồi. Bây giờ ăn không ngồi rồi là bà không chịu được. Cái Giang thương bà lắm! Có những lúc nhìn bà làm việc, thấy bước đi của bà đã trật trầy, run rẩy, là nước mắt nó lại ứa ra. Nó ước giá bố mẹ nó còn sống để làm mọi việc đỡ đần cho bà. Bà vất vả quá! Bao nhiêu năm rồi, bà đã vất vả như vậy để nuôi nó. Cả tuổi thơ của nó đã lớn lên cạnh bà. Chả lúc nào nó muốn phải xa bà, dù chỉ một giây, một phút. Có khi đang ngồi học trong lớp, nó cũng nghĩ đến bà. Rồi tự nhiên nó thấy nhớ và thương bà nó đến cồn cào. Nó lại mong sao cho buổi học sớm kết thúc, để trở về với bà. Nó thích nhất là mỗi buổi tối đến, khi học bài xong, được cùng bà đi ngủ. Những lúc ấy, nó thường ôm lấy bà, rúc rúc cái đầu vào ngực bà. Để rồi nghe bà kể chuyện và thiếp đi lúc nào không hay.

 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Chiến
Nhà văn Nguyễn Ngọc Chiến

 

Quê Giang là vùng trung du. Nó thường nói về quê hương nó như vậy. Còn thằng Thành, bạn cùng lớp với nó, không biết học ở đâu, lại cứ quen gọi quê nó là vùng bán sơn địa. Cái Giang hỏi, thì thằng Thành giải thích ra vẻ ta đây… ông cụ non:
– Cậu không thấy quê mình một nửa là đồng bằng, một nửa là đồi núi à? Bán sơn địa nghĩa là ở đó có một nửa là núi. Sơn là núi, bán là một nửa. Đúng như thế còn gì. Gọi là trung du nó chung chung quá! Không ai còn biết ở đó đất đai, địa thế, thổ nhưỡng ra sao.
Nó với thằng Thành là đôi bạn chơi thân với nhau từ lúc cả hai còn bé xíu. Và từ ấy đến nay, ngày nào hai đứa cũng đi học với nhau. Rồi đi đâu cũng đi với nhau. Chúng là một đôi như hình với bóng vậy. Những buổi chiều chủ nhật, hai đứa cứ lang thang đi hái hoa về chơi. Chúng rủ nhau lên tận những mỏm đồi phía sau nhà. Ở đây có rất nhiều các loài hoa mọc hoang. Những loài hoa mọc hoang ấy, nhiều loài có tên và cũng nhiều loài không có tên. Còn màu sắc thì trắng, đỏ, tím, vàng, đủ cả. Nhưng nhiều nhất là hoa cúc dại. Ngay từ khi còn bé tý, mới chỉ sáu, bảy tuổi đầu, cả cái Giang và thằng Thành đã say mê loài hoa này. Và bây giờ cả hai đứa vẫn còn say mê chúng. Thằng Thành lớn lên, thêm một lần nữa được thể hiện sự hiểu biết của mình trước cô bạn thân. Nó hỏi cái Giang có biết hoa cúc dại còn có tên gọi là gì nữa không? Cái Giang chưa kịp trả lời, nó đã giải thích, hoa cúc dại còn có một cái tên rất đẹp, rất hay nữa, là hoa xuyến chi. Tại người ta thấy nó có hình dáng bên ngoài trông giống như bông hoa cúc, nhưng mọc hoang, nên gọi là hoa cúc dại. Có cả một câu chuyện về loài hoa này. Thằng Thành nói thế, nhưng câu chuyện cụ thể thế nào thì nó không kể.

 

hoa xuyen chi
hoa xuyen chi

 

Cái Giang để ý và thấy hoa xuyến chi không chỉ mọc trên đồi. Mà ở bất cứ xó xỉnh nào, ven chân đê, trên bờ ruộng, hai bên đường làng… đâu đâu cũng có hoa xuyến chi. Bốn mùa xuân hạ thu đông, gần như lúc nào cũng có hoa xuyến chi. Chúng lại quen sống cằn cỗi, nên dù bất cứ loại đất gì, cây cũng sống được. Từ vùng đồi núi sỏi đá, đến vùng cát trắng trinh nguyên, cây vẫn lớn lên, xanh tươi, ra hoa kết nụ. Chúng còn có thể sống hiên ngang giữa mùa hè đổ lửa, hay giữa mùa đông băng giá. Thân cây tuy nhỏ bé, nhưng chưa bao giờ chúng vắng bóng giữa thiên nhiên, đất trời. Thiên tai bão lũ, hạn hán không làm gì nổi chúng. Một cây chết đi thì lại có cả lớp lớp cây khác mọc lên thay thế. Chúng sống thành vạt, thành nhóm, cây mẹ che chở cây con. Chúng dựa vào nhau, nâng đỡ cho nhau. Âm thầm. Lặng lẽ. Như bất cứ loài cây quen sống hoang dã nào. Xuyến chi tháng ngày cần mẫn, chắt chiu nguồn dinh dưỡng từ đất, để nuôi sống cây và để cây cho hoa bốn mùa. Và, cũng âm thầm, lặng lẽ như cây. Bông hoa xuyến chi cũng âm thầm, lặng lẽ. Âm thầm, lặng lẽ như chẳng hề có ai đoái hoài, đếm xỉa đến. Với một màu trắng thanh khiết, không hương sắc mặn mà, hoa khép mình bên những lối đi. Mỗi mùa xuyến chi nở hoa là hằng hà sa số những bông hoa xòe nở. Ở đâu có cây xuyến chi là ở đó phủ tràn một màu trắng của hoa. Màu trắng của những cánh hoa nở tròn như đồng xu xoay quanh nhụy hoa vàng thắm. Có cảm tưởng như mỗi bông hoa là một nụ cười của thiên nhiên, đất trời ban tặng. Bất kể mọc ở đâu. Bất kể thời tiết nào. Dù gió mưa hay giông bão, hoa cũng gắng gượng chút sức lực nhỏ bé của mình, để vươn lên một cách mạnh mẽ, phi thường. Hoa xuyến chi tuy bé bỏng thế thôi, nhưng không phải lúc nào cũng dễ tàn lụi. Hết lớp này đến lớp khác. Hết ngày này qua ngày khác. Có khi kéo dài hàng tháng trời, hoa cứ thản nhiên nở xòe năm cánh. Màu trắng cứ trải dài mênh mông, tít tắp, tựa như dải lụa thiên thanh, đẹp đến nao lòng. Chúng hồn nhiên khoe mình trong nắng, trong mưa. Cả trong giá buốt mùa đông, hoa xuyến chi vẫn cứ nở bung, tràn trề sức sống. Để rồi mỗi buổi sáng mai lên, trên mỗi bông hoa lại long lanh những giọt sương. Và mỗi buổi chiều về, hoa lại rung rinh trong gió, thoang thoảng mùi hương rất nhẹ, rất êm. Hoa đơn độc, lẻ loi, mặc cho người đời vô tình đi qua. Hoa giản dị, khiêm nhường, mặc cho biết bao loài hoa đài các, kiêu sa, bốn mùa khoe sắc.
Cái Giang yêu hoa xuyến chi hơn bất cứ loài hoa nào. Nó tự hỏi, không biết ngoài nó và thằng Thành ra, có ai như thế nữa không? Và, nó cũng không sao cắt nghĩa được, vì sao nó lại yêu hoa xuyến chi đến vậy? Năm nó lên bảy, thằng Thành lên tám, hai đứa ngày nào cũng chơi… đồ đoàn. Chơi “đồ đoàn” là cách gọi rất riêng của trẻ con quê nó. Chơi… đồ đoàn, nghĩa là phải có ít nhất hai đứa trở lên. Còn trò chơi thì tùy thích. Muốn chơi trò gì cũng được. Chơi nấu ăn, chơi làm nhà, chơi đi chợ… Ví như chơi trò nấu ăn, thì có thể lấy vỏ ngao, vỏ hến, mảnh bát vỡ… để làm song nồi, bát đĩa. Lấy cát sỏi làm gạo. Lấy các loại lá làm rau. Rồi cũng làm bếp, giả vờ nấu nướng thức ăn. Rồi cũng nếm, cũng nêm, cũng bày ra mâm, ra dĩa, để mời nhau… ăn! Còn chơi trò làm nhà, thì bao giờ nhà cũng phải trang trí thật đẹp. Trong đó có một thứ không thể thiếu là hoa. Hoa ở đây không phải là hoa hồng, hoa cúc, hoa mai… mà là hoa xuyến chi. Chỉ cần đi một lúc là tha hồ hoa mang về. Những bông hoa xuyến chi trắng muôn muốt, được chúng trang trí rất lộng lẫy cho… ngôi nhà. Đấy! Trò chơi đôi khi chỉ đơn giản thế thôi, mà cuốn hút nó với thằng Thành, ngày này qua ngày khác, trong suốt cả mấy tháng hè.
Chơi “đồ đoàn” chán, cái Giang với thằng Thành bèn rủ bọn bạn thân chơi trò… đám cưới. Nó đóng vai cô dâu. Còn thằng Thành đóng vai chú rể. Rồi cũng… bày cỗ bằng khoai lang sống, chuối xanh, khế chua, ngô nướng… Có khi còn có cả bánh kẹo mua về nữa. Rồi có có cả cau non, rụng ngoài vườn, nhặt vào bửa ra thành miếng. Lá hồ tiêu têm lại làm trầu. Bọn bạn thì vừa là khách vừa là chủ. Vừa là nhà trai, vừa là nhà gái. Rồi cũng múa, cũng hát. Cũng rộn ràng, ỏm tỏi. Rồi cũng kính thưa hai họ, cũng chúc mừng, tặng quà cô dâu chú rể. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là cái Giang với thằng Thành. Hai đứa nó cũng xoa tý phấn trên má, cũng bôi tý son trên môi. Cũng khăn đóng áo dài. Cũng cô dâu thắt nơ, chú rể cà vạt. Và đặc biệt, trên đầu hai đứa cùng đội vòng hoa rất đẹp, được kết bằng hoa xuyến chi. Chúng đã bỏ ra cả ngày trước đó để vừa hái hoa, vừa kết hoa sao cho đẹp, cho vừa. Lúc cô dâu, chú rể nắm tay nhau bước lên… hôn trường, cả bọn lại vỗ tay, cười nói, hét hò in ỏi. Cái Giang hai má đỏ hồng, cũng làm bộ… thẹn thùng, sung sướng. Rồi cũng cười toe toét, để lộ ra cái… răng sún chưa kịp mọc lại…

hoa xuyen chi 1

Trong một đêm nằm ngủ cạnh bà ngoại, cái Giang đã hỏi bà câu chuyện cổ tích về loài hoa xuyến chi. Bà kể, chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi. Hồi ấy, có một gia đình rất nghèo, chỉ có hai mẹ con. Họ làm mấy cũng không đủ ăn. Áo quần cũng không có mà mặc. Căn nhà tranh thì dột nát, mưa rơi, gió tạt tứ bề. Rồi một hôm người mẹ bỗng lăn ra ốm. Đã uống đủ các loại thuốc, mà bao nhiêu ngày trôi qua, người mẹ vẫn không sao khỏi bệnh. Thương mẹ, cô gái, tuổi tuy còn nhỏ, vẫn ngày ngày ra đồng mò cua bắt ốc, đem về nấu cháo cho mẹ. Rồi một buổi trưa, khi ông mặt trời đã đứng bóng, cô gái vẫn không bắt được con nào. Tủi thân quá, cô lặng lẽ ngồi khóc. Bất chợt, có một ông cụ râu tóc bạc phơ đi qua, thấy vậy thì dừng lại hỏi sự tình đầu đuôi câu chuyện. Nghe cô gái kể lại tình cảnh của mình, ông cụ nói với cô, con hãy đi về ngọn núi đằng kia, rồi leo lên, hái lấy một bông hoa màu trắng bé nhỏ mọc hoang trên đó. Bông hoa ấy sẽ mang lại cho con một điều ước. Nghe lời ông cụ, cô gái đi ngay về phía ngọn núi và hái được bông hoa đó. Cô nắm thật chặt bông hoa trong tay, rồi không do dự, ước luôn cho mẹ cô lành bệnh. Nói xong, cô gái mở bàn tay ra, thì không còn thấy bông hoa đâu nữa. Mà thay vào đó là một chiếc cầu vồng bảy sắc đang lớn dần lên. Còn mảnh đất nơi cô đang đứng thì bỗng nhiên mọc ra một loài cây thâm thấp, có những bông hoa nho nhỏ màu trắng. Cô gái tất tưởi chạy nhanh về nhà thì thấy mẹ cô đã lành bệnh. Về sau, nghe kể lại chuyện này, người đời đã gọi loài hoa ấy là xuyến chi cho đến bây giờ.
Cái Giang nghe bà kể xong thì hỏi:
– Bà ơi, sao người đời lại đặt tên cho loài hoa ấy là xuyến chi hở bà?
Bà nó trả lời:
– Có lẽ do loài hoa ấy có hình dáng nhỏ bé, thanh mảnh, lại vừa trắng trong, vừa xinh đẹp, như cây trâm cài tóc của các cô gái ngày xưa, nên đặt tên là xuyến chi. – Ngừng một lúc, bà nói thêm – Mỗi loài hoa, tùy vào màu sắc, hương thơm, mà được người xưa đặt cho chúng một cái tên. Ví như dạ hương là loài hoa dịu dàng, chỉ nở vào ban đêm…

Cái Giang nghe vậy thì nhổm dậy, nói với bà:
– Nhưng bà ơi, cháu vẫn thấy cái tên xuyến chi nghe hay hơn cả. Cái tên ấy gợi trong lòng cháu một sự xuyến xao và một nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi bà ạ!
Rồi, sực nhớ tới câu chuyện bà vừa kể, nó nói:
– Bà ơi, nếu sau này bà chẳng may bị ốm như người mẹ cô gái kia, cháu cũng sẽ đi mò cua bắt ốc về nấu cháo cho bà ăn. Rồi cháu cũng sẽ leo lên ngọn núi ấy, hái cho bằng được bông hoa màu trắng ấy, để ước cho bà lành bệnh, bà nhé!
Cái Giang, thằng Thành đã lớn lên như vậy bên nhau, cho đến năm cả hai đứa cùng bước vào cấp ba. Vẫn ngày hai buổi đi học cùng nhau. Vẫn những buổi chiều tha thẩn quanh quả đồi sau làng đuổi bướm hái hoa. Vẫn say mê với những bông hoa xuyến chi hoang dã. Nhưng những trò chơi của cái thời thơ dại thì không còn nữa. Thay vào đó là những trang nhật ký, những bài thơ, bài văn tập làm, những buổi thong dong đạp xe đi dạo. Và trên hết vẫn là việc học hành. Cả hai đứa đều học giỏi. Năm nào cũng được xếp nhất nhì lớp. Trong mỗi trang vở của hai đứa, bao giờ cũng đỏ chói những điểm chín, điểm mười và những bông hoa xuyến chi được ép trang trọng ở giữa.
Không biết từ bao giờ, cái Giang, thằng Thành tự nhiên thay đổi cách xưng hô. Chúng không cậu cậu, tớ tớ nữa. Mà thay vào đó là anh anh, em em ngọt xớt. Cái Giang đã biết đỏ mặt ngượng ngùng khi thằng Thành nắm tay. Đã biết ngúng nguẩy dỗi hờn khi thằng Thành lỡ hẹn. Và đã biết nhớ, biết thương, biết ngóng trông, chờ đợi khi thằng Thành theo cha về thăm quê nội. Có những lúc nó cảm thấy trong lòng nó trở nên trống vắng, buồn hiu hắt, khi không có thằng Thành bên cạnh. Những lúc ấy, nó lại tha thẩn một mình ven những con đường làng, để làm bạn với những bông hoa xuyến chi. Nó đọc đến thuộc lòng bài thơ thằng Thành chép vào sổ tay tặng nó. Bài thơ về một thời tuổi thơ ngập tràn hương đồng gió nội. Kỷ niệm cứ rưng rưng gọi về một thuở. Với những trò chơi con trẻ ngộ nghĩnh, mà sâu thẳm tận đáy lòng.

 

hoa Xuyen chi 5

 

Em thách cưới một vòng hoa xuyến chi
Để tôi suốt trưa mải mê khắp triền đồi lộng gió
Bới tung từng bụi cỏ
Khấp khởi vui mừng khi tìm được một nụ hoa
Cô dâu con con lộng lẫy kiêu sa
Cưỡi ngựa mo cau tôi đưa em về xóm nhỏ
Nơi đó nhà tôi lồng đèn dâm bụt treo trước ngõ
Cô dâu thẹn thùng cười – má đỏ bồ quân…(*)

Năm học xong cấp ba thì thằng Thành có giấy báo lên đường nhập ngũ. Trước hôm thằng Thành ra đi, hai đứa đã thức gần như trọn đêm bên nhau. Cái Giang tặng thằng Thành chiếc khăn mù soa mà nó đã thêu lên đó một nhành hoa xuyến chi, có đôi bướm hồng đang dập dờn lượn quanh. Chúng nó ngồi bên nhau, giữa rất nhiều những cây xuyến chi đang vào mùa nở hoa. Hoa bao bọc lấy hai đứa. Hoa dính trên tóc, trên vai, trên lưng, trên mặt chúng. Hoa đưa chúng trở về với những kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào. Lần đầu tiên, cả hai đứa biết thế nào là tình yêu. Chúng hôn nhau say đắm. Hôn nhau cuống cuồng. Hôn nhau như chẳng bao giờ biết chán. Trên đầu chúng là ròng ròng ánh trăng tuôn chảy. Ánh trăng chan hòa, ngọt lịm. Ánh trăng như mưa tuôn xối xả, phủ trùm lên hai đứa. Và dưới mặt đất là những bông hoa xuyến chi trong trắng, thủy chung, cũng thấm đẫm ánh trăng, cũng rung rinh, xao xuyến như lòng người khi chia tay…
————
(*)Thơ Phạm Vũ Ngọc Nga

Biên tập: Vương Chi Lan

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.
.
.