20/11 NĂM NÀO CŨNG VẬY – Vương Thiên Nga

Em nhớ thầy, cô qua nhiều trường, nhiều lớp, nhiều cấp học khác nhau… Đã đọng lại trong em những vui buồn và hạnh phúc. Trải qua nhiều thăng trầm trong quảng đời học sinh và sinh viên, em nếm đủ mùi vị ấy.

Cứ mỗi năm như vậy, 20/11 lại về. Trong em có nhiều cảm xúc rưng rưng khó tả. Cảm ơn thầy cô không chỉ lời nói suôn, mà em luôn sống tốt, sống tích cực. Câu nói: “học, học nữa, học mãi” của Lenin, cho đến bây giờ 45 tuổi đầu rồi mà em vẫn còn ham học, vẫn còn cắp sách đến trường.

Em Vương Thiên Nga.

Thời mẫu giáo, em còn nhớ Sơ Mai, sơ dữ lắm!

Sơ đánh em nhiều lắm… vì em cứ viết tay trái. Sơ bắt em viết tay phải nhưng em cầm viết mãi vẫn không được… hu hu… Ngày nào em cũng bị sơ đánh.

Tay phải em chỉ còn 1 ngón út và một tẹo ngón cái không khép chặt lại được. Nếu có thể kẹp lấy cây bút chì thì tay của em cũng không có lực để viết. Thấy sơ Mai quay lưng đi, em lại chuyển sang tay trái viết. Hu hu… Sơ cho bài về nhà tập viết. Anh trai cầm tay trái nắn nót từng nét chữ cho em gái viết. Về sau, Sơ Mai cũng đầu hàng. Sơ đành chấp nhận cho em viết tay trái. Bây giờ, em có sức khỏe, nhưng cũng không thể nào viết tay phải được… Nghĩ lại thời ấy, em cũng không buồn sơ Mai nhưng trong lòng ngậm ngùi quá đỗi…

Thời cấp II. Em nhớ cô Tuyết dạy môn Sinh – Hóa và thầy Cao Hoàng Trung dạy Toán. Thầy, cô luôn chú ý và giúp em trong quá trình học tập. Riêng Thầy Cao Hoàng Trung để lại nhiều ký ức thời học trò. Thầy cho em nhiều câu chuyện đạo đức về đời sống, mãi đến bây giờ em nào quên.

Thầy Cao Hoàng Trung.

Cấp III, sóng gió tư bề. Những ân tình của cô Đào Thị Hảo và thầy Đông (hiệu phó trường), luôn ôm cô học trò nhỏ bất hạnh vào lòng… Cô ơi! Thầy ơi!… đôi mắt em đang đỏ lên vì kỷ niệm thầy cô ngày xưa ùa về, như hơi ấm vòng tay của Thầy, của cô còn đây!

Cô Đào Thị Hảo và học trò Vương Thiên Nga.
Em Vương Thiên Nga và cô chủ nhiệm lớp 10, 11 Đào Thị Hảo.

Em lại chuyển sang học cấp ba một ngôi trường khác. Ngôi trường xa lạ không một gương mặt thân quen với em. Thầy cô lạ, bạn bè lạ… Một cô bé bán vé số, bán bánh kẹo đu theo xe khách kiếm ăn hằng ngày… Nhưng vẫn khao khát được đến trường. Em nhớ thầy, cô cũ. Em thèm được ôm lấy cô Đào Thị Hảo để khóc, để được cô chia sẻ, để có người thấu hiểu nỗi lòng của em trong lúc cùng cực…

Nhưng thầy, cô ơi!!! Với khuôn mặt hiền ngoan, hiếu học đáng thương và tội nghiệp của em… thì ở nơi đây, Trường Phan Chu Trinh huyện Tân Thành, thầy, cô mới, bạn bè mới cũng ôm em vào lòng ăm ắp tình người không kém gì thầy cô ở trường cũ.

Sóng gió và lửa tràn qua người em từng đợt như thiêu rụi niềm mơ ước đến trường của em… Những ngày tha hương cầu thực, những ngày đi ở đợ không lương, chỉ xin chén cơm và được đi đến trường.

Nó tủi nhục bao nhiêu.

Nó ấm ức bao nhiêu.

Nó ràn rụa nước mắt bao nhiêu…

Cho đến ngày em học xong cấp III, tốt nghiệp ra trường.

Những tháng ngày đó, em nhiều lần tuyệt vọng con đường học… May mà còn có tình thầy cô trường mới: Thầy Nguyễn Đức Thiện (Người đã gặp em đầu tiên hướng dẫn cho em làm thủ tục nhập học. về sau thầy biết hoàn cảnh của em và thầy đề nghị nhà trường trả lại tiền học phí cho em. Và buổi tối, thầy đã cho em vào lớp học môn Anh Văn miễn phí mà do thầy đứng lớp), cô Nguyễn Phi Long…và các bạn như: sư cô Lưu Thị Phượng, Oanh Pham, Trương Thị Thu Hà, Nguyễn Vân… đều là những người đã dìu em qua từng đợt sóng gió tưởng chừng như ngả quỵ.

Thầy Nguyễn Đức Thiện ôm bó hoa.
Cô Nguyễn Thị Phi Long.

Em còn nhớ! Chiều thứ bảy thật buồn, vì mới bị chủ chửi té tát vào mặt, bắt ra lột võ chai bia, nước mắt còn chưa ráo… Bỗng dưng, cô Nguyễn Phi Long chạy xe đến nhà, xin chủ nhà cho em đi ăn chè với cô. Chủ nhà rất trọng cô, vì cô cũng là giáo viên dạy con trai quý tử của họ. Họ miễn cưỡng đồng ý cho cô chở em đi ăn chè… Ra ngồi ăn chè mà cô trò chẳng biết nói gì, chỉ có khóc thôi, đôi mắt cô đỏ lên, những giọt nước mắt nóng bỏng rơi xuống… mặc dù chè lúc đó ngon “thiệt” là ngon.

Cô Hoài (dạy môn Văn học dân gian) và học trò Vương Thiên Nga năm 1997.

Rồi em vào Cao đẳng Sư phạm Văn khoa. Gần ba năm chăm chỉ, nhưng không được ra trường. Giấc mơ sư phạm tắt lịm trong bàng hoàng khủng khiếp nhất mà em chưa từng trải qua nỗi kinh hoàng đó. Cánh cửa sư phạm chỉ trong gang tấc thôi, vậy mà đã đưa em vào ngõ cụt.

Em kết thúc cuộc đời bi thảm của mình tại biển Long Hải. Ở đây, hơn bao giờ hết, em thấy mình nhẹ nhàng, trống rỗng. Em buông bỏ mọi thứ. Em dầm mình dưới biển. Biển chiều đẹp hơn em tưởng. Mặt trời xuống biển, em cứ ngỡ đó là mặt trăng đang lên. Trong khoảnh khắc ấy, em yêu em nhiều lắm lắm! Em thấy em vẫn đẹp. Em thấy được mình dưới nước vẫn tràn sức sống. Em đi lên bờ. Em tìm lại chính em và tìm con đường mới hoàn toàn.

Em một mình về Sài Gòn.

Em. Là những ngày viết báo lem nhem (khổ cho chú Thạch Tuyền BBT báo Công An). Những bài thơ buồn như khóc trên báo Bình Dương, Giác Ngộ, Phụ Nữ, Một Thế Giới, Văn nghệ Trung ương, Văn nghệ Thành phố, báo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang… rồi từ cái nghề không ra nghề ấy, em thấy mình cần phải học. Học để em biết, để em viết tốt hơn, có trách nhiệm hơn, và viết cho những mảnh đời bất hạnh như em, cô học trò đầm đìa nước mắt năm xưa.

Cổng trường đại học đã mở lại cho em năm 39 tuổi. Cảm ơn các thầy cô trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM. Cảm ơn đã cho em đường đường chính chính quay trở lại thời học sinh thân yêu… đã mở vòng tay đón em vào trường như em đã từng mơ ước là sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Khoa Báo chí.

Thầy Duy Phúc (Phó khoa Báo chí).
Cô Phạm Thục – học trò Vương Thiên Nga.
Cô Minh Diệu – hai học trò Tiến – Nga.
Cô Kim Chi.
Vương Thiên Nga và cô Minh Nguyên (cô luôn ủng hộ Vương Thiên Nga hết lòng trên tinh thần thương quý).
PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú.
Cô Trần Thị Nhân Hậu.
Cô Lê Phong Lan và Nhóm làm phim.
Vương Thiên Nga và nhóm ở trường quay.
Cô Trần Thị Bích liên.
Chị Minh Lê – Vương Thiên Nga – cô Cù Thị Thanh Huyền.
Cô Huỳnh Thị Như Lý đứng ở giữa, đứng đầu tiên cùng các sinh viên của cô làm lễ tốt nghiệp ra trường.

Thử hỏi!!!

Ngày này, 20/11.

Em có thể không nhớ chăng!

Em có thể quên được chăng!

Em có thể không rơi nước mắt chăng!

Xin tạ ơn các thầy cô qua nhiều trường, nhiều lớp và nhiều cấp học!

Học trò: Vương Thiên Nga

Add a Comment

Your email address will not be published.

.
.
.
.